Tự
Hào Là Người Việt Nam Trên Quê Hương Thứ Hai
Cung Thị Lan
Những lúc rảnh rỗi tôi
thường tâm sự với đồng nghiệp ở sở Xã Hội, nơi tôi làm việc, rằng: “Tôi chỉ muốn sống ở Việt Nam và được chôn sau khi chết tại quê hương tôi; thế
nhưng, cuộc sống khắc nghiệt sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã khiến
tôi trốn ra khỏi nước và đến Mỹ theo diện tị nạn.” Các bạn đồng nghiệp, bất kể khuôn mặt ưu tư của
tôi, reo lên một cách hồn nhiên rằng: “Ồ!
Nhờ như thế mà chúng tôi may mắn có bạn làm chung ở đây!” Bà cán sự của chương
trình sức khỏe nói: “Tôi biết chiến tranh Việt Nam năm 1975 và lý do gì người
Việt các bạn phải rời quê hương nên tôi hiểu cảm giác của bạn lắm! Nhưng bạn ở đây đã lâu, đã là thành viên của nước
Mỹ thì hãy vui vẻ hòa nhập trong cái tô sà lách trộn của chúng tôi đi! Đừng buồn
nữa!” Cô cán sự của chương trình giữ trẻ
tiếp lời: “Trước đây tôi đã từng làm việc
với vài
người Việt ở những chỗ làm khác nên
tôi cũng biết tính tình của người
Việt. Các bạn làm việc rất siêng năng và đáng tin cậy!” Người khác gật gù: “Tôi
cũng nghĩ người Việt góp nhiều công sức cho đất nước chúng tôi. Thêm vào đó, văn
hóa đặc biệt của các bạn góp phần đáng kể cho nền văn hóa đa dạng của Mỹ! Người
Việt các bạn làm việc rất siêng năng và cần cù. Các bạn không nề hà việc làm tay
chân hay trí óc. Chính vì cần cù và chịu khó mà các bạn đã thành công và thăng tiến
trong nghề nghiệp!” Người khác nói thêm: “Còn tôi thì rất thích ăn các món ăn Việt. Tôi
thích món Phở và chả giò nhất. Cuối tuần, tôi thường đưa gia đình tôi đến các tiệm ăn Việt Nam ở thương xá Eden
Virginia.” Bà sếp của chương trình giữ
trẻ khẳng định: “Tôi cũng đã được thưởng thức vài món ăn Việt và còn thấy chiếc
áo dài tuyệt đẹp của người Việt nữa! Phải
nói là thức ăn, y phục và phong tục tập quán của các bạn rất đặc biệt. Đối với
tôi, tìm hiểu về những điều đó rất thú vị; cho nên, có thể nói là chúng tôi may
mắn khi có các bạn ở đây.”
Những lời nói chân thành của
bạn đồng nghiệp đã làm tôi ngạc nhiên và cảm động nhưng tôi chỉ đáp lại bằng
hai chữ cảm ơn một cách đơn giản. Tôi không làm sao có đủ thì giờ để giải bày tất
cả suy tư hòa lẫn cảm kích đang đầy ắp trong tâm trí của tôi về sự thay đổi của
bản thân mình, gia đình mình và cả cộng đồng người Việt kể từ khi chúng tôi lần
lượt bỏ quê cha đất tổ ra đi cho đến nay. Những điều tôi đang trang trải trên những
giòng chữ này.
Những ngày đầu tiên tị nạn
trên đất Mỹ, người Việt tị nạn chúng tôi thường đón nhận những cặp mắt nghi ngại và xa
lạ, khác hẳn với những ánh mắt tin tưởng chân thành và tuyệt đối của ngày hôm
nay. Từ ngày đó đến nay đã bốn mươi năm. Một thời gian dài đủ cho chúng tôi chứng minh mình
là ai với người bản xứ và các sắc dân khác. Tuy nhiên, sự thành công của người Việt
tị nạn chúng tôi không những chỉ đơn thuần về phong cách làm việc uy tín, Anh Văn
tiến bộ, bằng cấp cao, thu nhập cao hay nghề nghiệp vững chải trong việc hội nhập
vào xã hội Mỹ mà chúng tôi còn thành công đáng kể trong việc duy trì và phát
triển văn hóa của dân tộc mình.
Sau ngày 30 tháng 4 năm
1975, người Việt chúng tôi đến Mỹ với tư cách tị nạn bằng nhiều cách khác nhau:
Người đi
trong những chuyến di tản ngay ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản,
người vượt biên bằng đường thuỷ, người vượt biên bằng đường bộ, người đi chính
thức diện con lai theo chương trình Ra Đi Có Trật Tự (Orderly Departure
Program), hay tù nhân chính trị theo diện HO (Humanitarian Organization). Dù đến
xứ tự do bằng hình thức nào chúng tôi đều có chung một điểm là tinh thần suy sụp.
Trong khi buồn khổ vì sống xa nơi chôn nhau cắt rốn, khủng hoảng tinh thần
vì mất mát người thân trên biển, trầm cảm vì bị hãm hiếp bởi hải tặc
hay đau khổ bởi những chứng bệnh ngặt nghèo kết quả
từ những năm trong các trại tù, người Việt tị nạn chúng tôi còn khốn khổ
bởi ngôn ngữ bất đồng, phương tiện đi lại
khó khăn, phong tục tập quán khác biệt và kỳ thị của một số người bản xứ.
Tuy nhiên, bất kể xuất thân từ những hoàn cảnh khó khăn như thế nào, và bỡ ngỡ với môi trường mới ra sao,
người Việt tị nạn chúng tôi luôn cố gắng đối phó mọi thử thách với quyết tâm cao độ. Chúng tôi không
quản ngại đường sá xa xôi, phương tiện giao thông hạn chế để đến chỗ làm đúng
giờ. Chúng tôi không nề hà những việc làm bằng tay chân như bồi bàn, bồi phòng,
rửa chén, giữ trẻ, quét dọn, hay vệ sinh để không còn phải phụ thuộc vào sự trợ cấp
của xã hội. Chúng tôi không e ngại chuyện làm hai, ba công việc khác nhau để sớm
có chỗ ở ổn định. Và chúng tôi không ngần ngại chuyện nhín thời gian hiếm hoi học
thêm Anh ngữ để có thể kiếm việc làm tốt hơn.
Tôi đã sống trong khu Park
Road của vùng Tây Bắc Hoa Thịnh Đốn từ năm 1990 đến
năm 1997 nên biết rất rõ người Việt tị nạn trong vùng này. Đa số người Việt
tị nạn trong các chung cư ở đường Park Road là con lai. Vì hoàn cảnh vô gia cư và
thất học khi sống lây lất ở Việt Nam, đa số con lai không biết ngày sinh
nên khi làm giấy tờ đi Mỹ diện ODP họ đều có chung ngày sinh là 31
tháng 12. Có một số con lai không biết chữ nên phải đánh chéo dấu thập khi ký
tên. Thế mà chỉ sau một năm ở Mỹ, họ có thể ký tên thuần thạo, viết chữ dễ dàng
và trao đổi lưu loát với người
Mỹ. Vài năm sau đó, họ lần lượt thi lấy
bằng luật, bằng lái xe, bằng làm móng tay, bằng làm tóc và cả bằng Quốc Tịch Mỹ. Không ai có thể tin rằng những người con lai Mỹ
chỉ biết chăn trâu, làm ruộng, đánh giầy, bán vé số, làm thuê làm mướn và thậm
chí ăn xin ở Việt Nam nay trở thành những công dân Mỹ biết lái xe đi làm, tự
mưu sinh bằng những nghề khác nhau như móng tay, tóc, thợ máy, mộc, hay nhà
hàng. Với sức cố gắng vượt bậc cùng với sự
giúp đỡ tận tâm của các tổ chức bất vụ lợi
trong vùng như Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển,
Cộng Đồng Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn và
Hội Ái Hữu Người Việt Maryland, con
lai đã sát cánh cùng những người Việt tị nạn có chút vốn Anh văn và bằng cấp từ
trong nước không ngừng học thêm Anh Văn và nghề nghiệp trong các nhà thờ, hội đoàn, trường dạy nghề
, trường trung cấp và trường đại học hầu
giảm bớt gánh nặng của xã hội và nâng cao mức thu nhập cho đời sống của gia đình. Có rất nhiều tư nhân thành công trong kinh
doanh siêu thị, tiệm ăn, nhà hàng, tiệm tóc, tiệm nail. Những cơ sở thương mại
này đã tạo nên một khối công ăn việc làm đáng kể cho những người Việt tị nạn mới
đến, giải quyết được sự phụ thuộc trợ cấp của xã hội để tạo dựng nên cuộc sống
độc lập bằng sức lao động của mình. Sự thành công này đã khiến cho các trung
tâm thương mại người Việt phát triển mạnh hòa theo nhịp phát triển của các cộng
đồng người Việt tại Mỹ. Đã có nhiều khu thương mại lớn, nhỏ của người Việt ở
California, Houston Texas và các nơi khác như New York, Florida... Riêng ở vùng
Hoa Thịnh Đốn, khu thương mại Eden là khu tập trung mua bán và có nhiều sinh hoạt
đáng kể của Cộng Đồng người Việt trong vùng. Hầu hết các tiệm ăn Việt khu
thương mại Eden không những phục vụ cho người Việt mà thu hút cả người Mỹ và các
sắc dân khác.
Hầu
hết người Việt tị nạn chúng tôi không những chú tâm đến vấn đề thu nhập của gia
đình mà luôn coi trọng việc dạy dỗ con cái trở thành người công dân hữu ích trên
quê hương thứ hai. Chúng tôi, không ai nói ai, cùng đồng lòng tôn trọng và tuân
theo luật pháp của xã hội Mỹ từ giao thông, học đường, tài chính, ngân hàng đến
những yêu cầu khác của xã hội. Chúng tôi luôn thanh toán những khoản nợ đúng
qui định, đi làm đúng giờ, bảo đảm chất lượng công việc của mình ở chỗ làm và
nhất là bảo đảm sự tiếp thu kiến thức của con cái mình ở trường học. Các gia đình Việt Nam chúng tôi thường đặt
nặng vấn đề học vấn và luôn khuyến khích con cái học hành chăm chỉ để thành công
trong trường. Ngoài ra, chúng tôi còn
tạo điều kiện cho con cái mình tham gia những sinh hoạt lành mạnh đồng thời
giúp đỡ chúng tham gia những công tác thiện nguyện để đáp ứng yêu cầu của học
sinh trước khi vào các trường Đại Học. Dựa vào sự trợ giúp của các chương trình
giáo dục miễn phí và các hội đoàn từ thiện, con cái chúng tôi ghi danh vào các
lớp học thêm để nâng cao điểm học tập trong nhà trường. Các lớp học tiếng Việt
giúp cho các em có điều kiện nói, đọc và viết tiếng Việt thường xuyên đồng thời
giúp các em biết thêm lịch sử Việt Nam. Những sinh hoạt lành mạnh như Phong Trào Hướng
Đạo, Thiếu niên Thánh Thể của các nhà thờ hay Gia đình Phật Tử của các
chùa đã giúp cho các em thể hiện lòng
tôn kính đối với tín ngưỡng của mình và giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc. Ngoài ra, các hội đoàn của cộng đồng người
Việt chúng tôi thường xuyên tổ chức những ngày Lễ truyền thống như: Giỗ tổ Hùng
Vương, Lễ Hai Bà Trưng, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán. Những ngày Lễ hội này tạo
cho đồng hương có dịp gặp gỡ họp mặt đồng thời giúp cho giới trẻ Việt có cơ hội
tìm hiểu cội nguồn và phong tục tập quán của người Việt Nam. Đáng kể nhất là hội Kết Đoàn do nhóm trẻ trong
vùng Hoa Thịnh Đốn đã góp sức cùng các hội đoàn khác đã thành lập từ lâu trong cộng đồng tổ chức
các ngày Lễ truyền thống của người Việt và thực hiện các công tác xã hội rất ý
nghĩa như thăm viếng các viện Dưỡng Lão, phát thức ăn cho người Vô Gia Cư hay gây quỹ từ thiện
nhằm giúp đỡ cho những người thiệt thòi hay những nạn nhân bão lụt Việt Nam, Nhật
Bản, Thái Lan và Phillippines. Đáng nhớ
nhất là toàn thể cộng đồng người Việt
vùng Hoa Thịnh Đốn cùng các cộng đồng người Việt khác ở khắp nơi trên đất Mỹ và
thế giới đã phát động rầm rộ phong trào gây quỹ
giúp đỡ người dân Philippines
trong trận bão dữ dội Haiyan đầu tháng 11 năm 2013. Việc làm hết sức ý
nghĩa này bày tỏ phần nào sự đền ơn đáp nghĩa của người Việt tị nạn đối với
nước Philippines, quốc gia cưu mang và giúp đỡ thuyền nhân Việt trong hải trình
tìm bến tự do. Giới trẻ Mỹ gốc Việt trong thế hệ hai, ba luôn đồng nhịp với thế
hệ cha anh chúng tôi, tham gia đều đặn với những hoạt động của Cộng Đồng. Các em không những thu thập văn hóa “ Xin chào”, “ Cảm ơn”, “xin lỗi” , “ Con có thể … không?” của văn hóa Mỹ và cả “Dạ”, “Thưa”,
“Đi thưa về trình”, “Kính trên nhường dưới”, “Tiên học lễ hậu học văn”… của văn hóa Việt Nam.
Song song với chuyện trau dồi phẩm chất Nhân,
Nghĩa, Lễ, Trí và Tín, cộng đồng người
Việt chúng tôi còn khuyến khích nhau giữ gìn và
tôn vinh chiếc áo dài truyền thống của dân tộc. Trước đây, trong những
năm 1976 đến 1980, những chiếc áo dài truyền thống Việt Nam ít thấy xuất hiện trên đất Mỹ thì ngày nay những chiếc
áo dài đủ màu, đủ sắc, đủ kiểu thường tha thướt phô bày trong các nhà thờ, chùa chiền và các hội lớn
trên xứ Cờ Hoa này. Các thí sinh trong
các cuộc thi hoa hậu Áo Dài Việt Nam hay Hoa Hậu Việt Nam thường phải tham gia
các cuộc trình diễn áo dài dân tộc. Trong những ngày hội Tết Âm Lịch tại
Maryland, ban tổ chức thường miễn phí cho những ai tham gia với chiếc áo dài Việt
Nam. Mặc dù trời rất lạnh, vẫn có rất nhiều em nữ vui vẻ tham gia. Các em nói
là không phải vì miễn phí mà vì các em cảm thấy tự hào khi mặc chiếc áo dài Việt
Nam.
Đồng nghiệp của tôi đã
nhận định khá chính xác rằng người Việt chúng tôi đã mang sắc thái mới, làm
giàu cho sự đa dạng của nền văn hóa Mỹ. Tuy nhiên, có lẽ họ không bao giờ biết
rõ là chúng tôì đã làm điều đó từ con số không. Bạn bè của tôi, những người Việt
đến Mỹ theo làn sóng tị nạn năm 1975, đã tâm sự với tôi rằng: “Tuy những người
vượt biển bằng thuyền như bạn nguy hiểm và gian nan hơn những người chạy loạn trong
đợt di tản nhưng những người đi sau được may mắn là kế thừa được những gì người đi trước ky
cóp, tích trữ cho. Nhờ như vậy mà bây giờ
các bạn được hưởng đầy đủ các món ăn Việt
Nam ở Mỹ chẳng khác gì ở Việt Nam. Chứ
ngày đầu tiên tụi này đến Mỹ khổ không sao tả hết được! Đã nhớ nhà đến đau lòng
mà còn nhớ những món ăn Việt Nam khủng khiếp. Thèm chút nước mắm cũng không có
chớ nói chi đến các món chả giò, phở, bún bò, bún riêu. Không dễ dàng tìm thấy các
loại rau húng, rau quế, rau răm, ngổ, bạc hà, bắp chuối… như bây giờ đâu!” Lời tâm sự này đã khiến tôi
hình dung cảnh những người Việt Tị
Nạn đầu tiên săn lùng trên đất Mỹ từng loại gia vị quý hiếm, góp nhặt từng loại rau
nhiệt đới để chế biến các món ăn na ná với những món ăn thường có ở Việt Nam.
Ngày nay, những món ăn chế biến kia đã trở thành những món ăn thuần tuý đậm đà. Mùi vị không khác mùi
vị của các món ăn ở Việt Nam. Bởi hầu hết các mảnh vườn của người Việt chúng
tôi trên đất Mỹ đều có đủ các loại rau từng có ở quê nhà như: húng quế, xả, ớt,
ngò, rau răm… nên chúng tôi đã dễ dàng thực hiện được điều này. Những khu vườn
của người Việt ở miền nắng ấm như
California, Texas, Florida còn có nhiều loại trái cây thường có ở Việt Nam như nhãn, mãng cầu, vải, chôm chôm, bưởi, xoài, dưa hấu,
chùm ruột, chuối, khế, ổi, chanh , đu đủ…
Những loại trái cây này đã giúp cho những bàn thờ tổ tiên của người Việt trong
những ngày Tết Âm Lịch trở nên đẹp mắt và đầy đủ cùng những chiếc bánh chưng,
bánh Tét truyền thống. Có thể nói là
chúng tôi đã đem theo quê hương Việt Nam đến tận Hoa Kỳ. Với ngôn ngữ Việt, chiếc
áo dài truyền thống, và các món ăn Việt, chúng tôi đã duy trì bản sắc dân tộc
Việt trên quê hương thứ hai.
Nếu trong những năm đầu
tiên, người Việt tị nạn chúng tôi thường
bị người bản xứ ái ngại là gánh nặng thì ngày nay hầu hết chúng tôi được tin tưởng
là những công dân Mỹ gốc Việt góp phần đắc lực cho đất nước. Đa số con của người Việt tị nạn và con của con
lai đều thành công trong các trường đại học và đều có việc làm vững chắc. Lớp
trẻ này trở thành thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt vững mạnh kế thừa và phát triển đức
tính siêng năng cần mẫn của cha mẹ.
Nhiều người Mỹ gốc Việt hiện nay có mặt hầu hết
trong các cơ quan chính phủ Liên Bang cũng như tiểu bang. Đã có nhiều người thành công trong các ngành
y khoa, dược khoa, luật khoa, giáo dục, xã hội, không gian, chính trị và cả
quân đội. Chúng tôi có bác sĩ Nguyễn Xuân Nam đạt nhiều giải thưởng trong ngành
y, giáo sư bác sĩ Đặng Văn Chi, phó trưởng
khoa Y của trường Johns Hopkins, là bác sĩ hàng đầu về ung thư tại Mỹ. Nhiều giáo sư đại học thành công như giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của đại học
George Mason, giáo sư Cao Hữu Trí của đại học California ở San José,
Giáo sư Nguyễn Văn Xương ở đại học California ở San Diego. Chúng tôi có tiến sĩ
Nguyễn Tuệ giữ kỷ lục của viện Công nghệ Massachusetts, kỹ sư Đinh Trường
Hân giám đốc Nghiên Cứu và Phát Triển các chương trình về xe của Bưu Điện Hoa Kỳ.
Chúng tôi còn có giáo sư Nguyễn Xuân Vinh Được Giải Thưởng Của Hội Du Hành Vũ
Trụ Hoa Kỳ, dân biểu Cao Quang Ánh là
người Việt đầu tiên được bầu vào Hạ Viện Mỹ, nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh
thành công trong việc chế bom Áp Nhiệt cho chiến trường Afghanistan đạt huy
chương phục vụ Quốc gia về an ninh, tướng Lương
Xuân Việt là tướng Mỹ gốc Việt đầu tiên trong quân lực Hoa Kỳ phụ trách hành quân tác chiến, nữ
đại tá Elizabeth Phạm, nữ trung tá lục quân
Phạm Phan Lang, nữ trung tá bác sĩ không quân Mylene Trần Huỳnh,... và
còn rất nhiều người nữa. Tôi tin chắc là nếu mỗi người Mỹ gốc Việt viết về cuộc
sống họ ở Mỹ, sẽ có vô số câu chuyện thành công lý thú đáng để cho các thế hệ con
cái mai sau học hỏi và tự hào.
Sự thành công vượt bậc
của chúng tôi, người Việt tị nạn trước đây và người Mỹ gốcViệt hiện nay, không
phải chỉ do tính siêng năng cần cù chịu khó của chúng tôi mà còn do tấm lòng
nhân ái và vòng tay rộng mở của nước Mỹ. Ngay từ những ngày đầu tiên, chúng tôi
được chính phủ tận tâm giúp đỡ từ tài chính, y tế, thực phẩm, nhà trẻ, học
hành, giáo dục khuyết tật đến cả giao
thông vận chuyển. Cùng với những trợ cấp
xã hội, sự Tự Do và Dân Chủ của nước Mỹ đã tạo cho chúng tôi cơ hội phát triển
khả năng và tài lực của mình. Chúng tôi có thể ghi danh học ở bất cứ lứa tuổi
nào, bất cứ môn học gì và bất cứ trường học nào, giờ học nào phù hợp với sở thích,
khả năng và thời khóa biểu của mình. Bản
thân tôi khi đến Mỹ là người đàn bà có chồng con. Với ba đứa con trai nhỏ, vừa
làm vừa học không phải là chuyện dễ dàng nhưng tôi đã cố gắng dành thời gian để
đến trường. Kết quả là tôi lấy được bằng
cử nhân, rồi bằng thạc sĩ và trở thành nhân viên của chính phủ Hoa Thịnh Đốn. Mặc
dù, sự thành công của tôi chỉ là hạt cát trong sa mạc cống hiến và thành công của vô số đồng hương trong cộng đồng
người Việt tại Hải Ngoại nhưng tôi rất hãnh
diện vì mình đã
đồng hành cùng đồng hương góp phần vào sự cố gắng chung của Cộng Đồng. Sự tận tụy của
chúng tôi trong 40 năm đã tạo một uy tín khá lớn trong lòng những người bản xứ
và bày tỏ phần nào sự đền ơn đáp nghĩa đối với xứ sở cưu mang mình.
Lòng thương nhớ Việt Nam không bao giờ nguôi trong lòng tôi nhưng tôi chỉ còn
biết cầu nguyện cho quê hương tôi sớm có Tự Do Dân Chủ. Tôi suy nghĩ rất nhiều
về tình cảnh hai quê của mình và thường chạnh lòng với thân phận lưu vong trong
giòng chảy ngày càng xa cội nguồn. Nhưng, tôi tự an ủi rằng số phận của mình gắn
liền với quê hương thứ hai nên tôi tiếp
tục cùng cộng đồng người Việt duy trì bản sắc của
dân tộc trong “cái tô sà lách trộn của nước Mỹ”.
Cung
Thị Lan
Ngày
30 tháng 4 năm 2015
No comments:
Post a Comment