Saturday, December 12, 2015

Chân Dung người phụ nữ Việt Nam qua ống kính của Vũ Phan Anh
                                                                                                                Cung Thị Lan
Tình cờ, tôi được chị Vũ Phan Anh cho xem tập hình chân dung người phụ nữ Việt Nam của chị. Những tấm hình của bộ sưu tập đã cuốn hút sự chú ý của tôi. Theo tôi, độ sáng chuẩn mực,  đường nét rõ ràng,  bố cục cân đối và nội dung có ý nghĩa của tập hình   chứng tỏ  người chụp  là một nhiếp ảnh gia thiện nghệ. Thế nhưng, chị Vũ Phan Anh nói rằng tập hình của chị chỉ dành cho kỳ thi tốt nghiệp lớp ba của Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam chứ chị không được giải nào hết. Chị Vũ Phan Anh còn nói thêm là tuy tập hình của chị không đạt giải, nhưng chúng đã làm cho một số thầy dạy Nhiếp Ảnh và những người tham dự buổi triển lãm Nhiếp Ảnh nghệ Thuật  rất cảm động khi chị giải thích những tính cách của người phụ nữ Việt Nam trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
Tập  hình Chân Dung người phụ nữ Việt Nam gồm có chín tấm hình trắng đen tuyệt đẹp. Theo thứ tự, chín tấm hình này dẫn người thưởng thức tìm lại hình ảnh người phụ nữ khi còn là cô gái bé bỏng thơ ngây đến khi lập gia đình. Qua những tấm hình, người xem còn tìm  thấy tính cách tiêu biểu nhưng rất đặc biệt của các cô bé nhỏ, các thiếu nữ  xuân thì, và phụ nữ có gia đình.

1.Trong trắng là tên của tấm hình có một em bé mặc áo đầm trắng bằng lụa mềm đang vén màn nhìn tượng chúa Jesus. Trong trắng là đặc tính tiêu biểu của cô bé nhỏ Việt Nam trước năm 1975. Là trẻ con, cô bé nào cũng vâng lời cha mẹ. Rất nhiều cô bé tuân theo cha mẹ rửa tội thành người Công giáo hay quy y thành Phật tử trong thời thơ ấu.

2. Ngây thơ  tiêu đề của tấm hình của ba em bé đang chơi trò chơi buôn bán. Nội dung tấm hình thể hiện rõ tính cách của các em bé gái trong độ tuổi thiếu niên. Ở lứa tuổi này, các em thường thích chơi những trò chơi giả bộ như chăm sóc em bé, nấu ăn, buôn bán hay dạy học. Những trò chơi này xuất phát từ sự quan sát bà và mẹ. Đây là tính cách đặc trưng của người phụ nữ đảm đang trong tương lai.

3. Vô tư và hồn nhiên được thể hiện trong hình ảnh ba cô gái đội nón lá, mặc áo dài trắng tay cầm tập vở đang trò chuyện một cách hồn nhiên. Tấm hình đưa người xem về thời gian mà nữ sinh chỉ biết bàn về sách vở học hành, điểm cao điểm kém.

4. Mộng Mơ được phán ánh trong hình ảnh dễ thương của một cô bé mặc áo dài trắng, cặp nón lá, ngồi nghiêng và soi bóng mình trong vũng nước. Hình ảnh đặc biệt này đã diễn tả sự mộng mơ của lứa tuổi dậy thì. Là con gái ai mà không mong được là cô gái đẹp, nhưng liên tục ngắm mình trong gương để tìm thấy mình đẹp đâu phải dễ dàng trong những gia đình lễ giáo. Đưa hình ảnh cô gái soi mình trong nước để mộng mơ là một nhận xét rất tinh tế của chị Vũ Phan Anh.


5. Tập luyện: được thể hiện qua hình ảnh của một cô gái đang ngồi tập đan. Các cô gái trong các trường trung học thường có các lớp nữ công gia đình. Sau giờ học các cô nữ sinh thường tập đan, thuê, may, móc, nấu ăn hoặc làm bánh.

6. Hạnh Phúc mà người con gái mơ ước là được lên xe hoa về nhà chồng. Hình ảnh cô gái mặc áo cưới trắng, đội khăn voan trăng với nụ cười rạng rỡ đã thể hiện tính cách này.

7. Đảm Đang được thể hiện trong tấm hình của một người phụ nữ đang ngồi đọc sách cho ba cô con gái. Qua tấm hình này, chị Vũ Phan Anh muốn bày tỏ rằng thời gian người chiến sĩ ra trận, người vợ ở nhà  thay chồng chăm sóc đàn con và dạy dỗ con cái. Vì không muốn  làm bận lòng hay nản lòng chiến sĩ, các chị em phụ nữ luôn tạo cho các anh niềm vui và sự an tâm  khi trở lại chiến trường

8. Âm thầm chịu đựng bản tính của đa số phụ nữ có chồng nơi chiến trận. Thiếu nữ đọc thơ ngay tại bậc tam cấp thể hiện nỗi khao khát mong chờ và nôn nóng muốn biết tin  chồng. Tuy xa chồng, người phụ nữ này vẫn trong y phục gọn gàng tươm tất. Giải thích tấm hình này, chị Vũ Phan Anh kể  chuyện về người bạn gái của chị đi đến tiệm làm tóc. Người thợ làm tóc hỏi có phải chị làm đẹp để ăn cưới không thì chị này trả lời rằng chị muốn làm đẹp để đón chồng về phép thôi.

9. Khổ Đau chấp nhận: thể hiện qua hình ảnh người đàn bà mặc áo tang trắng, đầu buộc khăn tăng trắng gục đầu trên lá cờ tổ quốc đang phủ trên chiếc quan tài. Đây là tính cách của đa số phụ nữ miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Người vợ của chiến sĩ đã biết rủi ro có thể xảy ra nhưng vẫn chấp nhận mọi khổ đau.


            Tập hình của chị Vũ Phan Anh đã  cho tôi thấy rõ hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam  trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam với bốn đức tính Công Dung Ngôn Hạnh. Trắng mà màu cơ bản trong các tấm hình này. Hầu hết y phục  của những cô bé, cô gái, thiếu nữ và phụ nữ trong các tấm hình của chị đều là màu trắng.  Màu trắng thể hiện sự trong trắng ngây thơ của các cô bé nhỏ. Áo dài trắng vừa là đồng phục của thời cắp sách đến trường vừa thể hiện tâm hồn trong trắng của các thiếu nữ  tuổi ô mai. Tâm hồn họ là một  tờ giấy trắng, chưa hề bị vẫn đục. Màu trắng của áo cưới thể hiện sự trong sạch và tinh khiết . Và màu trắng của áo tang  bao phủ một màu buồn bã, cô đơn và mất mát . Chị Vũ Phan Anh lập đi lập lại  nhiều lần câu nói “Người phụ nữ Việt Nam không bao giờ làm nản lòng chiến sĩ .” Chị còn nhấn mạnh rằng “ Sở dĩ người phụ nữ Việt Nam trước năm 1975  có những hình ảnh dễ thương và những tính cách đặc biệt trên nhờ những  chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ biên thùy cho người ở hậu phương được hạnh phúc.” Nghe chị nhắc lại thời trung học,tôi cảm thấy bồi hồi nhớ lại những ngày chúng tôi  thêu khăn, đan áo và làm thiệp gửi tặng các chiến sĩ ở tiền tuyến.Tôi tin rằng người thưởng thức tập hình Người Phụ Nữ Việt Nam của chị Vũ Phan Anh sẽ thấy hình ảnh chính mình, mẹ, vợ, và em gái mình qua từng giai đoạn khác nhau. Nội dung của tập hình đã nói lên  những  giá trị của người phụ nữ Việt Nam, những  gì mà con người trong thế giới bận rộn đã quên đi. Tôi rất tự hào là đã học cùng trường Nữ Trung Học Nha Trang với chị. Tôi tin chị sẽ là một nhiếp ảnh gia thành công trong tương lai.
Mến chúc chị Vũ Phan Anh tiếp tục nâng cao tay nghề để diễn đạt những tư tưởng giá trị trong những tập hình mới.                                                                                                                                                                                                                                                                                              
 Cung Thị Lan
Ngày 26 tháng 4 năm 2011







No comments:

Post a Comment