Wednesday, January 8, 2020

Hữu Duyên Cung Thị Lan


Hữu Duyên
Cung Thị Lan
“…Vài ngày sau, các lớp của trường Nữ Trung Học Huyền Trân bị dời sang trường Nữ Tiểu Học Nha Trang…Dần dà lớp học của Hạ chỉ còn có chín người. Ngoài Hạ, không còn một ai trong nhóm Ngũ Cô Nương đến lớp. Hạ càng hoang mang và lo lắng hơn khi thấy cô giáo chủ nhiệm kiêm dạy Việt Văn của mình cũng chào tạm biệt để vào Sài Gòn…Hạ cảm thấy như mình bị bỏ rơi…”
Tôi vắn tắt tâm trạng của mình trong tác phẩm Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm như thế nhưng thực tế  lúc ấy tôi  hoàn toàn tuyệt vọng khi nghe cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Ngọc Dung chào từ giã những đứa học sinh còn lại trong lớp 12C của chúng tôi trong buổi học cuối cùng trong một  ngày của tháng ba năm 1975. Cô Ngọc Dung bấy giờ rất là cô giáo trẻ nhất trường với thân hình  nhỏ nhắn nhưng trong ý nghĩ của tôi, cô là chỗ tựa vững chắc giúp cho tôi, một đứa nữ sinh mười chín tuổi, có chút sức mạnh tinh thần trước những cuộc di tản không ngừng. Lúc ấy, tôi cảm tưởng  như mình là  một  kẻ đang  bơi trong giòng nước cuồn cuộn kinh hoàng, víu hụt một tấm ván mỏng manh. Tôi hoàn toàn  mất cô  sau ngày từ giã ấy như  từng mất các thầy cô và các bạn theo đoàn người di tản vào Sài Gòn. Cùng với  người ở lại tôi  lao theo những việc làm cực nhọc để đối phó với hoàn cảnh mới, thường gọi một cách chua chát  là “đổi đời sau ngày 30 tháng 4”.  Sau ngày này, tôi đã xếp tất cả kỷ niệm trong thời áo trắng vào quá khứ để rồi khi bất chợt nhớ đến, chúng chỉ còn là hình ảnh dễ thương của  truyện cổ tích. 
Năm 2004, Hội Ngộ hai trường Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang tổ chức tại California, tôi may mắn có số điện thoại của cô Ngọc Dung . Từ đó tôi thường  xuyên tâm tình với cô  qua điện thoại luôn. Tôi đã thật tình tâm sự với cô  rằng tôi không thích cái bục giảng trong lớp học trong thời trước năm 1975 bởi nó đã làm cho tình thầy trò xa cách. Dù lúc ấy,  tôi  rất quý mến phong cách đặc biệt của cô nhưng tôi chẳng bao giờ  có cơ hội gần gũi cô để thố lộ với cô điều này. Chính vì điều này mà trong suốt thời gian học lớp 12C với cô tôi nhát đến nỗi không dám  nói chuyện với cô một lời nào ngoài những lúc trả bài. Tôi nghe tiếng cười nhẹ của cô kèm những lời thông cảm. Cô  kể cho tôi nghe chuyện cô dạy ở một trường ngoại ô Sài Gòn rồi giải thích sự khác biệt giữa mối quan hệ của thầy trò trước và sau 1975. Sự khó khăn đã làm tình thầy trò gần gũi và gắn bó nhiều hơn. Sau đó, thầy trò tôi đã tâm sự với nhau hàng giờ  về cuộc sống khó khăn của mỗi người trong thời gian xa cách.  Tôi không hiểu những câu chuyện của tôi có khơi lại những thời gian đẹp đẽ của lớp 12C trong ký ức của cô. Còn tôi, hầu hết những câu chuyện kể của cô thường làm tôi xót xa đến nỗi  thấm sâu vào trong giấc ngủ của tôi. Đến khi tỉnh giấc, cảm giác đau xót vẫn còn ngập tràn trong tâm hồn tôi. Có lần tôi  nói với  cô là: “Em tiếc tập thơ của thầy quá cô à! Cả một công trình thầy ghi chép trong thời gian học tập cải tạo vậy mà mất tiêu! Phải chi cô còn giữ đến bây giờ thì mình sẽ rõ biết bao nhiêu điều thú vị!” Cô chép miệng: “Cô tiếc lắm em ạ nhưng lúc đó đi xe đò rất khó khăn, đưa cho họ chuyền vào trong, quên không hỏi lấy lại thế là mất!”  Giọng nói đầy xa vắng của cô đã gợi lại hình ảnh trong giấc mơ của tôi. Tôi thấy cảnh cô chen chúc trong chiếc xe đò gập ghềnh trên đường từ trại cải tạo về nhà. Chiếc xe đông đến nỗi những người trong xe phải giúp cô chuyền chiếc giỏ của cô vào trong rồi nhét vào một chỗ nào đó  để cô có thể chen chân vào trong xe. Khi cô xuống xe, chiếc giỏ có tập thơ mà chồng của cô gửi cô đem về nhà trong ngày thăm nuôi  không còn để đến tay cô. Cô  nói là cô quên nói người ta đưa lại cho cô chứ không hề tỏ ý nghi ngờ hay đổ lỗi ai. Giọng nói êm nhẹ  của cô  đã làm tôi cảm thấy thương xót khi  nghĩ đến hình ảnh  nhỏ nhắn của cô giáo chưa từng lăn lóc giữa chợ đời phải chen chúc trong chiếc xe đò đầy ắp người để rồi chiếc giỏ chứa bao nhiêu tờ giấy ghi chép những bài thơ  ky cóp  trong tù học tập cải tạo  trở thành những tập giấy cân ký của người vô tình hay cố ý sở hữu chúng. Tôi hiểu cô giáo Việt Văn của mình là người yêu  mến văn chương cho nên  khi  mất tập thơ của người thân yêu cô  ắt phải tiếc nuối nhiều lắm. Thế nhưng cô đã không vì chuyện đã xảy ra mà tự dằn vặt hay làm nặng lòng mình.  Cô có cách sống thư thái ung dung để hạn chế những căng thẳng không cần thiết. Nếu trong thời trường nữ trung học Nha Trang, tôi học cô  Ngọc Dung về Văn Chương và Công Dân Giáo Dục thì hiện tại tôi học cô cách giữ cho  tinh thần có sức khỏe tốt. Tôi đã may mắn được gặp lại cô trong Hội Ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang tại Houston Texas năm 2010, được cô cho đến nhà cô  ở Canada và được cùng du lịch cùng cô trong  vườn hoa đẹp The Butchart Gardens ở Victoria. Được gần gũi với cô giáo mà mình ngưỡng mộ trong thời trung học, tôi rất hạnh phúc.

Giáo sư Việt Văn Nguyễn Thị Ngọc Dung và Cung Thị Lan

Giáo sư Việt Văn Nguyễn Thị Ngọc Dung và Cung Thị Lan
Giáo sư Việt Văn Nguyễn Thị Ngọc Dung và Cung Thị Lan

Giáo sư Việt Văn Nguyễn Thị Ngọc Dung và Cung Thị Lan


 Ngoài ra, tôi còn cảm thấy sung sướng khi nghe cô khen ngợi những tác phẩm văn chương của mình, nhất là tác phẩm đầu tay về thời trung học ở thành phố biển Nha Trang. Gần đây, sau hơn 15 năm phát hành tác phẩm Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm, cô  Ngọc Dung nói với tôi qua điện thoại rằng “ Cô thấy em và Hiệp hay du lịch và hạnh phúc cô mừng lắm.” Tôi ngạc nhiên: “Dạ vợ chồng  tụi em hồi giờ không có bất hòa hay cãi nhau điều gì  lâu đâu cô!” Giọng Bắc ấm nhẹ của cô ngập ngừng “Tại cô đọc Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm nên cô lo! “ Tôi rối rít  nói: “Ồ cô lo ảnh phiền về mối tình đầu của em hả? Khi viết em muốn thành thật tất cả những gì xảy ra với mình mà anh Hiệp không có tính nhỏ mọn cô à! Hơn nữa thời nhỏ ai cũng từng lãng mạn như vậy, cô đừng lo nữa nha!” “Vậy thì cô an tâm!” Âm thanh vui vẻ hòa quyện trong lời nói của cô làm  tôi cảm động muốn khóc. Tôi  thầm cảm ơn trời cho tôi có cơ hội được gặp lại cô giáo mà tôi từng âm thầm thương kính đồng thời được cô mến thương như khi còn nhỏ.  
Ngoài cô Ngọc Dung, tôi cũng được cô Hồ Thị  Phương Lan thương mến. Tôi chưa bao giờ được cô Hồ Thị Phương Lan giảng dạy nhưng tôi thường nghe “truyền thuyết” về cô  rằng “Trước khi Nữ Trung học Nha Trang thành lập, các chị nữ sinh trung học ở  Nha Trang phải học chung với nam sinh trong  trường nam trung học Võ Tánh nơi có một cô giáo dạy Anh Văn thường mặc mini jupe tên Hồ Thị Phương Lan. Vì cô Phương Lan khá tân thời nên  hiệu trưởng trường nam trung học Võ Tánh cảnh cáo và  nghiêm cấm nhưng cuối cùng  phải chào thua vì cô dạy Anh Văn khá giỏi!”  Lời đồn này đối với tôi như một chuyện phiếm với những tình tiết đặc biệt cho nên tôi không hề lưu tâm, hỏi sâu chi tiết.
Cho đến ngày tôi giới thiệu tác phẩm Không Phải Chỉ Là Chuyện Con Cọp trong  Hội Ngộ Võ Tánh  Nữ Trung Học Nha Trang 2012 tại Houston Texas, tôi gặp cô Phương Lan.
Hôm đó, trong lúc tôi đang lúi húi ký sách, một giọng Huế nhẹ nhàng vang bên tai:
“Cho mình lấy một cuốn sách!” 
Tôi quay lại, nhoẻn miệng cười:
“Dạ, chị cho em xin tên đi!”
“Phương Lan.”
“Dạ chị cho em họ luôn đi!”
“Hồ Thị Phương Lan”
Tôi chuẩn bị viết, chợt khựng lại, nhìn sững người trước mặt., nghĩ thầm: “Ui cha! Chẳng lẽ đây  là giáo sư Anh Văn  Hồ Thị Phương Lan của trường Võ Tánh Nha Trang mà tụi bạn mình kể chuyện hôm trước? Chắc  là trùng tên chứ làm sao cô trẻ như vầy!” 
Như đọc được ý nghĩ của tôi, cô Phương Lan điềm đạm nói:
“Mình không phải là học sinh. Trước đây mình  dạy trường Võ Tánh!”
Tôi nói gần như reo:
“Ôi cô Hồ Thị Phương Lan! Em nghe tiếng cô từ lâu…nhưng vì em nghe cô dạy Anh Văn trường Võ Tánh cho mấy anh lớp  lâu lắm rồi nên em nghĩ cô không thể nào trẻ như vầy!” Rồi tôi rối rít phân trần tiếp: “Cô cho em xin lỗi nhé! Em tưởng cô cỡ mấy chị học trên em vài lớp nên xưng hô không đúng!”
Cô Phương Lan cười xuề xòa:
 “Không sao! Cung Lan ký cho mình  một cuốn sách đi!”
Tôi im lặng làm theo ý của cô. Lòng vẫn chưa hết ngượng, tự trách cái tật lơ đễnh, ba chớp ba nháng của mình. Dù sao, tôi nghĩ sự ngượng ngập của mình chỉ trong phút chốc rồi trở thành một kỷ niệm vui vui trong  hội ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang 2012 tại Houston Texas. Vậy mà, khi về lại Hoa Thịnh Đốn, ít lâu sau, tôi nghe một số anh chị em trong nhóm Hoa Đô, gồm tất cả các anh chị em trong Ban Tổ Chức Hội Ngộ  VT+NTH Nha Trang 2011, nhắn tin  mời vợ chồng tôi  đến thương xá Eden dùng cơm với cô Phương Lan. Người chủ xướng là anh Nguyễn Mỹ bởi anh Mỹ là học trò cũ của cô. Hòa theo sự háo hức được gặp cô của nhóm Hoa Đô, tôi rủ anh Hiệp, chồng của tôi đi cùng. Anh Hiệp cũng là cựu học sinh Võ Tánh, tuy chưa từng học với cô Phương Lan  nhưng cũng thích gặp cô do nghe “ truyền thuyết đặc biệt về cô”. Hôm đó, chúng tôi gồm có vợ chồng anh Mỹ, chị Thúy Anh, Tuyết Mai, Tuyết Lan, Hoàng Mơ, và Thanh Tùng.Cô Phương Lan rất vui khi thấy chúng tôi đón tiếp cô hết sức niềm nở.
 
   






Những câu chuyện cởi mở  trong bữa cơm thân mật đầu tiên đã khiến chúng tôi cảm thấy thân thiết và gần gũi cô như đã từng là học trò cưng của cô.Thực sự, cô cưng chúng tôi như chị gái cưng chiều những đứa em bé bỏng.  Mỗi lần có dịp đến Virginia thăm con trai, cô thường dành thì giờ  gặp chúng tôi. Cô hẹn chúng tôi đến thương xá Eden,Virginia rồi khao chúng tôi ăn những món ăn mà chúng tôi ưa thích. Thế là chúng tôi vòi đến  quán nem Ninh Hòa để ăn nem nướng, bún cá, mì Quảng và uống nước mía.  Lễ  Giáng Sinh cô đích thân tổ chức  tiệc cho nhóm Hoa Đô gồm cựu học sinh hai trường trung học Võ Tánh và Huyền Trân Nha Trang ở vùng Hoa Thịnh Đốn tại chung cư của con trai cô.  Tình thương của cô đối với chúng tôi khiến chúng tôi  ngày càng gần gũi cô hơn. Mỗi lần có dịp họp mặt, chúng  tôi thường nhắc nhau mời cô đến chung vui cùng. Mỗi lần như thế, cô không quản ngại đường xá xa xôi bay từ Florida đến vùng Hoa Thịnh Đốn, rồi lấy tàu điện từ Virginia sang Maryland để họp mặt với chúng tôi. Cô tham gia hầu hết những sinh hoạt mà chúng tôi trù định như hóa trang, diễn kịch, nói chuyện tếu. Sự hòa đồng của cô đã xóa ranh giới giữa thầy và trò. Có lúc, chúng tôi quên hẳn cô là giáo sư của các bậc đàn anh, đàn chị của mình, thi nhau  kể truyện tiếu lâm có pha chút mằn mặn rồi cười ha hả. Đang cười, chúng tôi chợt hết hồn, im lặng đưa mắt nhìn nhau ngầm  nói: “Chết rồi! Tụi mình quên là có cô Phương Lan ngồi ở đây!” Cô Phương Lan không nói gì chỉ cười hiền hậu với vẻ thông cảm. Dù là thế, cô luôn luôn giữ sự chừng mực và hướng dẫn chúng tôi điều hay lẽ phải bằng hình ảnh gương mẫu của mình. Cô thường nói “Đủ rồi!” khi thấy chuyện gì vượt giới hạn như: “Thôi bao nhiêu thức ăn như  ri đủ rồi!”, “Đã  chụp hình rồi! Mấy tấm hình chung như vậy là đủ rồi em!”, “Cô đến chơi với các em như  vầy đã đủ, cô phải về để còn lo….” Cô thường có  kế hoạch trong việc sử dụng thời gian cho nên cô luôn  giữ sự chừng mực và dung hòa các viêc làm một cách đúng đắn. Qua những câu chuyện kể của cô, tôi hiểu rằng cô đã quân bình thời gian của cô cho bản thân, gia đình và xã hội một cách rất hiệu quả.  Cô cân bằng thời giờ chăm sóc thầy, tiếp đón bạn bè thân thuộc, thực hiện những chuyến  thăm con cái ở xa, thăm bạn bè, tiếp đãi người thân, giúp đỡ bà con họ hàng, và thường xuyên làm công quả cho chùa trong lúc dành  chút thời gian riêng cho mình để sinh hoạt với học trò hay để chụp hình cảnh đẹp  khi du lịch đây đó. Thú vị với cách sống lạc quan và đầy ý nghĩa của cô, tôi thường hỏi thăm cô về những hoạt động của cô thời trẻ mỗi khi có cơ hội.Tôi đã ngỡ ngàng khi biết cô du học Mỹ  vào năm 1963,  thời gian hiếm có sinh viên Việt Nam  được học bổng  du học nước ngoài. Với trình độ Anh Văn xuất sắc, cô đã đạt ngay bằng cử nhân sau bốn năm học chương trình Điều Dưỡng tại Chicago, Hoa K ỳ. Vừa tốt nghiệp cử nhân, cô  trở về nước ngay và  sáng lập trường Điều Dưỡng đầu tiên tại Nha Trang 1967. Đến năm 1970, cô lập gia đình và chuyển  vào Sài Gòn. Tại đây, cô được đề cử làm giám đốc Điều dưỡng bệnh viện Chợ Rẫy.  Với  kiến thức sâu rộng về Điều Dưỡng và khả năng Anh Ngữ, cộng thêm tài  điều hành và óc tổ chức,  cô đã giúp bộ  Y Tế của miền nam Việt Nam trước  năm 1975 một cách hiệu quả. Đồng thời, cô có  rất nhiều học trò Anh Văn khá  giỏi  từ  các  lớp Anh Văn  mà cô giảng dạy ở các hội Việt Mỹ  và trường trung học Võ Tánh Nha Trang. Những câu chuyện về cô và của cô thường làm tôi thú vị suy nghĩ mãi. Chúng là những bài học giá trị v phẩm hạnh mà t ôi luôn luôn l ưu ý để noi theo. Đó  là thái độ điềm đạm, khiêm tốn, chân thực và s phóng khoáng đúng mức.
Tôi thường  lấy ngày  30 tháng 4 năm 1975 làm cái mốc cho sự phân ly. Trước cảnh thầy c ô bạn bè mỗi người một nơi  và những thay đổi liên tiếp  xảy ra trong thành phố  biển quê hương  Nha Trang trong thời gian  ấy đã làm  tôi tuyệt vọng với ý nghĩ là tôi không bao giờ có thể gặp lại thầy bạn ngày xưa nữa. Tôi đã không ngờ sau mấy chục năm xa cách, k ỹ thuật liên mạng toàn cầu đã giúp thầy trò bạn hữu chúng tôi nối kết và liên lạc nhau một cách dễ dàng. Từ khắp năm châu, ngoài nước lẫn trong nước, thầy trò, bạn hữu, đồng môn chúng tôi đều có thể dùng Emails, Facebook, Messengers, hay  Livestream để thăm hỏi hay  truyền tin tức cho nhau. Nhờ  thế , chúng  tôi được gặp lại những khuôn mặt thân thương từ những ngày xưa thân ái. Mạng Internet đang thu hẹp thế giới và giúp chúng tôi ngày càng gần gũi nhau hơn.





      Cô Tuất, CL và Tuyết Mai     

Cung Thị Lan và thầy Nguỵ Như Bàng

Cung Thị Lan và cô  Ngân Tổng Giám Thị 

Hội ngộ VT+NTH tại Texas 2005


Hội ngộ VT+NTH tại Houston 2005 




              











            














Hội ngộ VT+NTH tại Virginia 2011







































Khi nghĩ đến những buổi Hội Ngộ lớn nhỏ của hai trường Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang trong suốt  15 năm, tôi chợt nghĩ đến chữ “hữu duyên” trong câu thơ “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ!” và biết ơn Mạng Internet đã tạo điều kiện cho chúng tôi cơ hội gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách. M ặc dù không phải là tất cả thầy trò chúng tôi đều c ó thể gặp nhau ngoài đời trong những lần Hội Ngộ chính thức của hai trường Võ Tánh và NTH Nha Trang; nhưng qua mạng internet, FaceTime, Facebook Messengers và Livestream đã giúp  chúng tôi có thể  nhìn thấy lẫn nhau,  trao đổi tâm tư tình cảm  với nhau và chia sẻ cho nhau những tin tức  quan trọng. Bấy nhiêu đó cũng đủ ấm áp tình thầy trò và tình bằng hữu. Bấy nhiêu đó cũng đủ để chúng tôi hiểu nhau, thông cảm nhau và yêu thương nhau nhiều hơn.
 Cung Thị Lan
Ngày 16 tháng 4,2019



No comments:

Post a Comment