Con nhỏ ngồi trước bậc thềm của
ngôi biệt thự lớn, mơ màng lướt mắt qua những khóm hoa trước mặt rồi nhìn xa tận
con đường đất. Nó chăm chú quan sát nơi mà nó thường dừng lại mỗi khi nó đi ngang qua con đường này. Biết bao lần, nó đã đứng nơi hàng rào cạnh khóm hoa màu tim tím xen lẫn
trăng trắng để lắng nghe tiếng đàn dương
cầm du dương trầm bổng từ ngôi biệt thự mà nó đang ngồi. Tiếng đàn đã mê hoặc
nó khiến nó để ý nhiều đến cách bài trí của khu vườn và chú tâm tìm hiểu chủ nhân ngôi nhà là ai. Bạn
bè của nó, đa số ở làng chài Bãi Dương cho nó biết ngôi biệt thự trắng là nơi cư ngụ của cặp
vợ chồng giáo sư nghiêm trang và đạo mạo nhất đồi La San. Trước năm 1975, người chồng là giáo sư viện đại học Cộng Đồng Duyên Hải và vợ là giáo sư âm nhạc của một trường đạo nào
đó tại thành phố Nha Trang. Sau năm 1975, cả hai không còn đi dạy nên ít khi xuất
hiện bên ngoài. Họ sống khép kín và tách biệt như trước. Tụi bạn của nó nói họ không
giao tiếp với những người xung quanh có lẽ vì căn nhà của họ và những căn nhà khác trên đồi La San khá rộng tạo nên sự biệt
lập và vì sự khác biệt khá lớn về kiến thức và trình độ của những người sống
trên đồi La San này với những người ngư dân sống ở dưới xóm chài Bãi Dương. Đám
bạn của nó đã làm nó có ý nghĩ rằng cả nó và bạn nó, những đứa nghèo khổ của
làng chài, không bao giờ có thể được bước chân vào khu vườn đặc biệt của cặp vợ
chồng giáo sư khá bí ẩn này. Thế mà bây
giờ như được phép lạ, nó đang nghiễm nhiên ngồi trước ngôi nhà của họ để ngắm
toàn bộ công trình đậm nét nghệ thuật và thẩm mỹ phương Tây của khu vườn.
Cách đây sáu tháng, khi nó cùng đám bạn cả trai lẫn gái lang thang nhặt
ốc dọc theo bãi biển từ bãi Dương đến Hòn Chồng, một chàng thanh niên cao gầy độ
mười bảy, mười tám như tuổi của bọn nó hỏi
đường về đồi La San. Thằng Tư, thằng Cường và thằng Lễ ném cho người thanh niên này cái nhìn khi dễ trong lúc con Chút cười khúc
khích. Nó bực mình vì thái độ bất lịch sự của đám bạn; nó hiểu tụi bạn nó đang chế
nhạo người thanh niên đang đứng trước mặt, vì
chúng không tin người thanh niên này không biết đường từ biển Bãi Dương lên
đồi La San. Hỏi đường chẳng qua chỉ là cái cớ để người thanh niên này muốn làm
quen với nó mà thôi. Trong mắt tụi bạn, nó là một đứa con gái đầy nam tính, chẳng
biết yểu điệu dịu dàng là gì, quần áo đơn sơ giản dị nhưng nó sở hữu một thân
hình cao ráo, thon thả và khuôn mặt khả
ái, ưa nhìn. Đối với bạn nó, những đứa cùng trang lứa tìm cách nói chuyện với nó chỉ cốt để làm quen chứ
không ngoài mục đích nào khác. Nó bực tụi bạn lắm nhưng bất kể tụi này nghĩ gì,
nó tỉnh bơ tận tình chỉ cho chàng thanh niên đường tắt lên đồi La San, đến Bãi
Dương, sang Hòn Chồng và cả con đường đến cái quán nước dừa trên dốc đá Hòn Chồng,
nơi mà nó thường phụ mẹ nó bán chung với dì Ba.
Sau lần đó, người thanh niên này
thường xuyên đến quán nước dừa ở Hòn Chồng tìm nó và làm quen với nó. Anh cho
nó biết tên là Khôi Nguyên. Khôi
Nguyên là con trai một của vợ chồng giáo
sư trong ngôi biệt thự trắng có trồng loại hoa Bâng Khuâng tím trên đồi La San. Trước
tháng tư 1975, Khôi Nguyên ở Sài Gòn với gia đình bác ruột để học trường Petrus Ký.
Trong biến cố ngày 30 tháng tư năm 1975, khi gia đình bác của Khôi Nguyên theo
đoàn người ồ ạt di tản ra nước ngoài, anh phải quay về Nha Trang sống với ba mẹ. Anh kể là từ nhỏ
anh học trường Pháp ở Nha Trang nhưng đến trung học anh chuyển vào Sài Gòn học
tiếp. Dù học trong trường Pháp từ nhỏ đến lớn nhưng anh thích đọc cả sách tiếng
Việt lẫn Pháp, thích ăn cả món ăn Việt lẫn món ăn Pháp và đàn hát những bản nhạc
tiếng Pháp, Anh lẫn tiếng Việt. Anh cho rằng
thời gian anh sống ở Sài Gòn là thời gian sống thú vị và ý nghĩa nhất trong đời, bởi anh có
những người bạn cùng sở thích. Bạn của anh là những người thích đàn hát. Họ và anh không phải là những tay chơi nhạc
chuyên nghiệp nhưng thường xuyên tụ tập để chơi những bản nhạc phổ biến
và những bản nhạc trẻ đương thời. Những bản nhạc khiến cho người chơi lẫn
người nghe tưởng như trái đất là thiên đàng của tình yêu, ước vọng và kỳ thú. Ngoài những giây phút vui vẻ cùng
bạn, Khôi Nguyên còn có một cô bạn gái rất xinh đẹp tên Minh Tuyết. Anh đã qua
mặt bao nhiêu chàng trai lịch lãm và tài hoa để chinh phục cô bạn gái có khuôn
mặt tuyệt đẹp, con nhà gia giáo bề thế và cũng học trường Tây từ nhỏ đến lớn.Tuy nhiên, giờ
đây anh mất Minh Tuyết vì nàng đã theo
gia đình rời khỏi Sài Gòn trước khi những đoàn quân Bắc Việt tiến vào Sài Gòn.
Rồi anh than rằng bây giờ anh không còn một chút vui thú nào. Hiện tại đối với anh chỉ là sự trống
rỗng của con số không to lớn! Bởi thế khi trở về với gia đình, anh cảm thấy rất
cô đơn. Sự cô đơn đã khiến cho anh thường lang thang trên đường đồi La San, dọc
ven biển Bãi Dương ra tận đến những mô
đá cao của Hòn Chồng. Đã nhiều lần anh lang thang quên cả đường về nhà.
Qua những lời tâm sự của Khôi
Nguyên, con nhỏ dần dần thuộc tiểu sử, gia thế, tâm tư tình cảm của người thanh
niên mà nó mới quen biết. Điều này khiến con nhỏ thường tự
hỏi sao Khôi Nguyên lại chọn mình như là
cuốn nhật ký của anh ta. Nhưng mỗi lần nhìn cái “cổ cồn” bẻ cao và làn ủi thẳng
nếp của áo sơ mi bó gọn trong quần dài đứng
ly của Khôi Nguyên, rồi nhìn bộ đồ đơn bạc của mình, nó cảm thấy ngượng ngùng.
Nó có cảm tưởng những câu chuyện kể của người thanh niên mới quen là những giòng
chữ nắn nót xinh xắn bị ghi trên một cuốn vở tồi tàn, với tấm bìa thô nhám, những
trang giấy ố vàng minh họa vài hình mẫu vụng về xấu xí. Cuốn vở ấy gọi là cuốn
nhật ký mà bản thân nó chính là cuốn nhật ký ấy. Nó không hiểu sao Khôi Nguyên
chọn nó để tâm sự ngày này sang ngày khác về đời sống của anh mà không biết
chán. Rồi nó đoán là anh ta quá cô đơn nên đã xem nó như là một điểm tựa, người
mà anh chỉ mới quen, để tìm kiếm một sự cảm thông, hay là quên đi nỗi
buồn vương vấn trong lòng. Mấy lần gặp
anh, nó ngại ngùng vì cách phục sức khác biệt nên nó
thường im lặng và hạn chế nói về mình. Sau một thời gian, lắng nghe những
điều Khôi Nguyên tâm sự, nó tự nhiên cởi mở hơn. Lúc đó, nó cho anh biết nó tên Chi. Sau đó, nó nói rõ hơn là nó tên
Chị. Mẹ nó gọi nó là Bé Chị. Nó còn kể
thêm là nó có hai đứa em.Con em gái tên Bé Em và thằng em út tên là Cu Tí. Tên
trong khai sinh của chị em nó là Nguyễn Thị Chi, Nguyễn Thị Em và Nguyễn Văn
Tí. Vốn sinh trưởng trong làng chài, nó và cả đám bạn của nó không được đặt tên
lót trang trọng như Khôi Nguyên hay những đứa cùng trang lứa sống trong những
gia đình trí thức. Nó may mắn có tên Chi
vì khi làm giấy khai sinh người ta quên dấu nặng cho nên tên Chi vô tình cho nó
một tên gọi đặc biệt và hay hay. Nó không được học tiếng Tây nhưng nó đã từng
là học sinh khá của trường trung học Văn Hóa ở Nha Trang. Nó không biết chơi một
loại nhạc cụ nào nhưng nó biết thưởng thức những bản nhạc hay tuyệt của những
nghệ sĩ trứ danh. Nó thú thật là nó yêu tiếng dương cầm từ căn nhà của ba mẹ
Khôi Nguyên và thích ngắm những khóm hoa màu tím mà bạn nó thường gọi là hoa Bâng Khuâng. Khôi Nguyên nói Bâng
Khuâng là một loài hoa dại trước đây thường mọc đầy trên đồi La San nên chẳng
ai buồn để ý đến chuyện đem về trồng trong nhà. Sở dĩ mẹ anh trồng trong vườn vì
loài hoa này tên chính thức là Ngọc Hân,
tên của mẹ anh. Còn tiếng đàn dương cầm
mà nó thường lắng nghe là do mẹ anh chơi trong những lúc thư thả. Biết sự khao
khát thầm kín của nó, Khôi Nguyên hứa sẽ đưa nó đến nhà để nó có điều kiện tiếp
cận với những gì nó yêu thích. Từ lời hứa này, nó được Khôi Nguyên đưa đến biệt thự của anh.
Khôi Nguyên từ trong nhà bước ra
với cây đàn ghi-ta. Anh ngồi xuống cạnh nó rồi đàn hết bài này sang bài khác. Bất
chợt, anh ngưng đàn hỏi:
“Chi thích nghe anh đàn chứ?”
“Có.”
“Nhưng Chi có vẻ không chú tâm lắm!”
“Đúng vậy, vì Chi đang ngắm những
khóm hoa Bâng Khuâng tím đàng kia.”
“Chi có thích được tặng hoa không?”
Nó lắc đầu:
“Không! Thật ra là không biết, vì chưa
bao giờ có ai tặng hoa!”
“Vậy hồi giờ Chi chưa có bạn trai à?”
“Có chứ nhưng không có ai tặng
hoa!”
Nó
định buột miệng nói thêm “Cái xóm chài
này làm gì có ai nghĩ ra chuyện tặng hoa
như mấy người học trường Tây!”nhưng kịp thời nín bặt. Nó chú tâm lắng nghe tiếng
đàn dương cầm du dương từ trong ngôi nhà vọng ra. Tiếng đàn làm nó quên hết những
thắc mắc của Khôi Nguyên và cảm thấy mình nhẹ bổng trong chiếc váy lụa trắng mỏng.
Nó cảm tưởng như thân hình nó được nâng
lên, bước nhẹ nhàng xuống những bậc tam
cấp rồi uyển chuyển bước trên con đường rải sỏi đến tận
những khóm hoa Bâng Khuâng màu tím. Với trạng thái hân hoan, nó đã xoay tròn theo điệu nhạc rồi tung cái váy trắng thật
cao. Cái váy quay tròn nhiều lần và vạt trắng của nó như tấm lụa trải rộng, lướt qua những đọt hoa
tím. Những cánh hoa tím vương theo vạt lụa
trắng mỏng, chấp chới trong gió làm kinh động những chú bướm đang chờn vờn gần
đó. Cả hoa và bướm như quyện vào nhau, bay khắp nơi; cứ như chúng đang quay cuồng
trong bản nhạc êm dịu. Nó giang rộng hai tay
đón những cánh hoa bay lả chả như những mảnh giấy màu tròn nhỏ mà người
ta thường tung cao để chào mừng những đôi vợ chồng trong ngày đám cưới.Tiếng dương
cầm thánh thót tiếp tục ngân vang trong khu vườn đầy màu sắc
của các loài hoa khiến nó tưởng mình là nàng công chúa kiều diễm đang tung tăng
trong thế giới thần tiên đầy thơ mộng . Nó đã cười vang thích thú khi nhún nhảy
giữa vườn hoa. Bất chợt, tiếng đàn dương cầm ngưng bặt và tiếng nắp đàn đóng lại
khẽ khàng khiến nó bừng tỉnh. Nó ôn lại
những gì vừa mơ mộng rồi chợt nhận ra cô gái trong chiếc áo đầm trắng chính là hình ảnh Minh Tuyết, bạn gái của Khôi Nguyên chứ
không phải là nó. Một cô gái chưa từng gặp nhưng hình ảnh tưởng tượng đã khắc
sâu vào trong ý nghĩ của nó ngay sau khi Khôi Nguyên tâm sự chuyện tình của anh
ta. Quay sang nhìn Khôi Nguyên nó nhoẻn miệng cười. Khôi Nguyên nhìn nó với vẻ
rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao nó cười với anh bằng đôi mắt đầy hóm hỉnh.
Anh định hỏi nhưng chưa kịp, đã phải đứng lên nhận chiếc đĩa có hai chiếc bánh
bông lan từ tay mẹ. Cô Ngọc Hân nói anh mời nó ăn bánh. Chiếc bánh do chính tay
cô làm ra. Nó cảm động nhận chiếc bánh từ tay Khôi Nguyên, ăn từ tốn. Cả anh và
nó ngồi ăn trong im lặng. Mỗi người theo đuổi
ý nghĩ của riêng mình.
Gió chiều đưa hơi ẩm của nước biển
mặn khiến nó nhớ thói quen của đám bạn
nó. Những ngày có trăng, tụi bạn thường rủ nó đem trà bánh đến những tảng đá cao của Hòn Chồng để vừa nhấm
nháp vừa ngắm trăng. Những lúc như thế, bọn nó chỉ có những cái bánh qui rẻ tiền,
những chiếc bánh mì nướng đơn giản với đường vàng chứ không hề có vani thơm như
vị bánh mà nó đang thưởng thức. Nó tự hỏi nếu cho phép Bé Em và Cu Tí cùng với
nó đến ngôi biệt thự này để tận hưởng những gì nó đang có, hai đứa sẽ phản
ứng như thế nào. Rồi nó tự trả lời rằng hai đứa sẽ nói không thích vì chúng
không muốn ở trong tình trạng e dè ngượng ngập như cảm
giác nó đang có.
Sau lần đến nhà Khôi Nguyên với
mong muốn thoả mãn trí tò mò và ao ước, nó không nghĩ đến chuyện đến nhà anh ta
lần thứ hai. Nó ý thức là khi đứng trên con đường đất trước nhà Khôi Nguyên
nhìn vào ngôi biệt thự để ngắm những khóm hoa Bâng Khuâng tím và nghe tiếng
dương cầm của mẹ anh nó cảm thấy thú vị nhiều hơn là khi ngồi ở trong ngôi nhà
anh thưởng thức cũng những điều như thế.
Từ ý nghĩ này, nó chắc chắn rằng nó sẽ không bao giờ trở lại ngôi nhà ấy
lần thứ hai cũng như không bao giờ để cho anh đến căn nhà tồi tàn của mình trong
xóm chài. Để có thể cắt đứt mối liên hệ giữa anh và nó, nó nói với mẹ nó rằng
nó muốn đi học lại. Nó muốn tiếp tục học lớp mười một, lớp học mà nó bị dang dở
trong niên khóa trước. Thay vì phải ra trông quán, nó ở nhà lo nấu cơm, xách nước, chăm sóc em và chỉ ra phụ giúp mẹ nó những
lúc cần thiết. Mẹ nó bằng lòng bởi quán nước cũng không đông khách.
Sau hai tuần không ra quán, không
đi ngang ngôi biệt thự có khóm hoa Bâng Khuâng tím nó cảm thấy an tâm và an phận
với cuộc sống bình dân và đơn giản mà nó quen thuộc từ nhỏ. Tuy nhiên, cứ mỗi ngày trôi qua, nỗi buồn lại chồng chất trong tâm khảm nó. Nỗi
buồn không phải vì vắng Khôi Nguyên mà vì nó không còn người bạn nào gần gũi với
nó như trước. Những đứa bạn trong xóm lần lượt bỏ nó ra đi. Con Chút theo gia
đình đến nhà bà con ở Mã Vòng để buôn bán theo đường tàu.Chuyện này do người
trong xóm kể lại chứ con Chút không chào từ giã. Còn thằng Tư, thằng Cường và
thằng Lễ rời làng đi theo những chuyến vượt biển. Chúng đã âm thầm đi hôi theo
những chiếc ghe trốn ra khỏi nước mà chẳng hề nói với nó một lời nào. Nó cảm thấy tổn thương
bởi vì trước đây không có chuyện gì tụi bạn không kể cho nó nghe. Nó không hiểu sao tụi bạn nó có thể thay đổi như
thế nhưng khi ôn lại những gì xảy ra
trong những ngày trước đó, nó giải thích với những nguyên nhân tự đặt ra. Nó nhớ ra là
từ lúc nó thân mật với Khôi Nguyên, đám bạn đã dần dần xa lánh nó. Có lẽ
chúng không còn muốn chơi với nó khi thấy nó quen thân với một người xa lạ thuộc
một tầng lớp khác biệt. Chúng không còn đến nhà nó hay đến quán nước rủ rê nó
đi câu cá bắt ốc bắt cua ngay từ lúc Khôi Nguyên đến quán nước kết thân với nó mà
nó không để ý. Trong thời gian chúng xa lánh nó có lẽ là thời gian chúng biết
những chiếc ghe tính chuyện vượt biển nên âm thầm giữ bí mật tối đa để có thể trốn theo những chiếc ghe ra khỏi
nước. Tất nhiên, chúng không thể nào tin nó khi thấy nó thân thiện với một kẻ
xa lạ. Càng nghĩ, nó càng giận mình rồi giận mình xen lẫn giận bạn. Tuy nhiên,
khi hình dung những đứa bạn có tương lai sáng sủa ở phương trời xa, lại có cơ hội giúp đỡ gia đình nghèo khổ của chúng thoát
khỏi cảnh mò cua bắt cá đói nghèo, nó cảm thấy vui vui. Vẩn vơ một lúc, nghĩ đến hoàn cảnh khổ cực của gia đình mình, nó xót xa cho số phận kém may mắn của mình. Làm thể nào nó
có thể giúp gia đình nó thoát cảnh kiếm sống bằng những quả dừa trong cái quán
trong khi cái chết vì bão biển của cha nó vẫn còn là nỗi ám ảnh trong tâm trí của
nó. Giả sử tụi bạn nó báo cho nó biết ngày giờ chiếc ghe nào trong làng chài sắp
trốn ra khỏi nước, nó không thể đi hôi theo. Khả năng bơi cuả nó rất yếu. Nếu nó phải bơi xa đến tận chiếc ghe đậu ngoài
khơi, nó sẽ bị kiệt sức ngay. Lúc đó, hóa ra nó sẽ làm mẹ nó khổ tâm như lần bà
mất cha của nó chứ nó chẳng làm nên tích sự gì!Tụi bạn nó có lẽ đã thấu rõ điều
này nên không tiết lộ cho nó biết chuyện
vượt biên để nó không có cơ hội đi hôi cùng. Suy nghĩ vẩn vơ với những điều
tiêu cực, nỗi buồn của nó ngày càng lớn hơn. Cho nên khi dì Ba và mẹ nó nhờ nó
trông quán dùm vì có chuyện cần kíp phải làm, nó nhận lời ngay.
Hòn Chồng sau ngày đất nước thống
nhất có rất ít du khách đến thăm viếng. Hầu hết mọi người dồn sức
vào chuyện mưu sinh kiếm sống hơn là chuyện tham quan du lịch. Thỉnh thoảng có một
vài người khách địa phương đến quán nước khiến con nhỏ cảm thấy buồn chán vô
cùng. Nhìn những chai nước ngọt đặt ngay ngắn trên kệ, ly tách được úp gọn
trong khay,muỗng và ống hút trong hộp chứa,
những trái chanh xếp thành ngọn, hũ đường trắng đầy và con dao phay nằm im bên
cạnh những buồng dừa tươi, nó nghĩ là nó
có thể phục vụ hơn chục người khách đến cùng một lúc một cách nhanh chóng. Thế
mà chẳng có nhóm khách nào xuất hiện. Bấy giờ nó chẳng có một đứa bạn nào trong
làng chài ghé thăm để cùng nó làm nước chanh giải khát và ngồi tán gẫu như trước
nên nó cảm thấy cô đơn vô ngần. Bất chợt, nó nghĩ đến Khôi Nguyên. Giá như Khôi Nguyên đến quán của nó như những ngày
trước thì có lẽ những cuộc đối thoại của
anh và nó sẽ làm cho nó vui hơn. Nghĩ đến đây, nó lướt mắt hướng về cái bàn gỗ ở
góc xa nhất, nơi nó và Khôi Nguyên hay ngồi tâm tình. Một bó hoa Bâng Khuâng
tím đang nằm trên bàn. Không tin vào mắt mình, nó đứng phắt dậy, tiến về phía cái
bàn, cầm bó hoa lên, ngơ ngác nhìn xung quanh. Bó
hoa đầy những đóa hoa nhỏ màu tím vẫn còn tươi chứng tỏ chủ nhân chỉ vừa mới đặt
trên cái bàn độ một giờ hay ít hơn nữa. Nó muốn kêu tên một ai đó để chắc rằng
trong quán không có ai khác ngoài nó nhưng nó gượm lại đảo mắt nhìn xung quanh.
Không một ai xung quanh quán. Nó dáo dác
nhìn xuống. Những tảng đá chồng ở phía dưới xa cũng chẳng có một người nào. Dù thế, nó không an
lòng. Sợ bị người nào đó quan sát, thấy cảnh nó cầm bó hoa lên khỏi mặt bàn, nó
vội đặt bó hoa xuống chỗ cũ rồi quay về quầy ngồi im. Lòng thắc mắc với những
câu hỏi tự đặt mà không tìm ra câu trả lời.
Một lúc sau, dì Ba trở lại quán bảo nó đi về
vì mẹ nó đang cần nó. Chào dì, nó rảo bước về nhà. Trên đường, nó gặp Khôi
Nguyên đi ngược lại.
Ngạc nhiên, nó khựng lại, hỏi:
“Anh đi đâu vậy?”
“Anh đi tìm Chi!”
“Anh biết Chi đâu mà tìm?” Nó vừa hỏi vừa bước
tiếp.
Khôi Nguyên mỉm cười,
bước theo nó, đáp: “Mọi nơi đều dưới cái mũi mình chỉ cần hỏi là tìm ra ngay
thôi! Hơn nữa, có bao nhiêu căn nhà trong khu làng chài Bãi Dương đâu! Chỉ cần
hỏi thăm là được!”
“Mà anh đã tìm được nhà Chi chưa?”
“Anh nghĩ đến nhà Chi đường đột không
hỏi ý kiến trước là không phải nên quay về !”
Nó im lặng, không đáp, cúi đầu bước.
Một lúc nó nói với giọng khàn đục:
“Mấy hôm nay Chi buồn quá nên
không muốn tiếp xúc với ai!”
“Vì sao?”
“Bạn bè Chi vượt biên hết rồi! Tụi
nó biết nơi người ta tổ chức vượt biên ở đâu nên rủ nhau đi hôi hết trơn rồi.”
Khôi Nguyên nôn nóng:
“Có thành không?’
“Trót lọt hết! Tụi nó thật may mắn!”
“Vậy Chi nên mừng cho tụi nó chứ!”
“Ừ, thì mừng nhưng…”
“Nhưng cảm thấy bị bỏ rơi phải
không? Giống như cảm giác của anh khi mọi người thân quen bỏ Sài Gòn đi!”
Chi gật đầu:
“Đúng vậy! Chi cảm thấy bị bỏ
rơi! Thật sự bị bỏ rơi!” Nó ứa nước mắt nói tiếp “Chính Tư, Cường và Lễ đều nói thương Chi nhất trên đời mà bây giờ ba đứa
đều bỏ Chi đi cả!”
“Ba đứa đi cùng chuyến à?”
“Không! Ba đứa đi trong hai chuyến
khác nhau! Nhưng cả ba đứa đều giấu Chi!Ba đứa xấu như vậy đó! Nói thương người
ta mà trốn đi không nói cho người ta nghe một tiếng!”
Khôi Nguyên dừng bước, nắm tay
Chi, lay mạnh, nói:
“Đừng nghĩ đến tụi nó nữa! Trở lại
Hòn Chồng với anh đi. Mình đi ra biển! Anh
và Chi bơi xa thật xa. Rồi anh sẽ nhận Chi uống nước biển cho Chi vơi buồn!
Đi
trở lại Hòn Chồng tắm biển đi Chi!”
Chi lắc đầu, gỡ tay anh ra, nói:
“Không, Chi không thể! Chi phải về!
Dì Ba nói mẹ cần Chi về!”
“Vậy hôm khác cho anh đến nhà
nhé!”
“Được! Khi nào rảnh anh đến Xóm
trên, hỏi nhà Bé Chị, Bé Em con dì Lành ở
đâu mọi người sẽ chỉ cho anh nhà của Chi!Giờ Chi phải đi đây!”
Dứt lời
nó bước nhanh như chạy, không hề quay đầu lại để thấy Khôi Nguyên quay lưng đi ngược về đồi La San hay vẫn còn đứng yên
nhìn theo nó.
Thở hổn hển về nhà, nó khựng lại ngay ngưỡng cửa
vì tiếng đàn ghi-ta vọng từ trong ra. Ngạc nhiên, nó bước nhanh vào trong.
Trong góc nhà, trên cái giường của nó, Bé Em và Cu Tí đang ngồi bám sát vào một cô bé tóc tém ngắn đang ôm
đàn. Ngừng những ngón tay búp măng trắng
muốt trên dây đàn, cô bé nhoẻn miệng cười với nó:
“Bé Chị có nhận ra em không?”
Nó ngập ngừng bước đến gần cô bé,
la lớn:
“Trời
đất! Mai Thư đây sao? Em lớn quá lại đẹp
nữa! Chị không thể nào nhận ra em nếu gặp em trên đường”
Mai
Thư nhún vai, mỉm cười:
“Lúc
chị gặp em ở Sài Gòn em chỉ mới sáu tuổi
thôi. Hơn mười năm rồi còn gì!” Nói xong cô bé đặt cây đàn trên giường bước đến
cạnh nó so vai rồi nói tiếp:
“Bây
giờ em cao gần bằng chị rồi nè!”
Nó gật đầu, đồng tình:
“Đúng
rồi! Em chỉ nhỏ hơn chị có vài tuổi mà không hiểu sao chị luôn nghĩ em là cô bé
tí hon không bao giờ lớn! Có lẽ em bằng tuổi Bé Em cho nên khi nhìn Bé Em gầy
nhom khô đét chị không nghĩ em đã thành thiếu nữ như thế này.”
Bé
Em cười tủm tỉm:
“Nhờ
em ốm như vầy tối nay cái giường của má mới chứa thêm chị được đó!”
Mẹ
nó từ dưới bếp bước lên nói theo:
“Ừ.
Bắt đầu từ tối hôm nay, Bé Chị ngủ với mẹ và Bé Em để Mai Thư ngủ trên giường của Bé Chị. Còn Tí trải
chiếu ngủ dưới đất như hồi giờ!”
Nó thoáng chút ngạc nhiên nhưng lờ mờ hiểu
chút gì đó nên nói và hỏi theo ý nghĩ:
“Vậy
nghĩa là trưa nay mẹ đi đón Mai Thư về nhà mình phải không? Mà sao Mai Thư ra Nha
Trang chơi một mình chứ không đi cùng
chú thím Khang vậy mẹ? Có chuyện gì không?”
Mẹ
nó trả lời với khuôn mặt nghiêm trọng:
“Chú
thím Khang bận chuyện làm ăn không thể ra Nha Trang chơi được nên gửi Mai Thư
ra ở nhà mình một thời gian trước khi Mai Thư đi xa. Tạm thời các con chỉ biết là Mai Thư đến
nhà mình ở để nghỉ hè. Bà con trong xóm có hỏi gì thì chỉ trả lời như thế,
không nói năng lôi thôi gì thêm cả! Từ nay Bé Chị ngủ chung với mẹ và Bé Em.
Cái giường này để cho Mai Thư.”
Nó
im lặng không nói nhưng buồn. Bởi cái giường ọp ẹp mà nó sở hữu từ khi Cu Tí
nói thích nằm dưới đất nay thuộc người
khác, một người trang đài, khuê các hoàn toàn khác hẳn cách sống của chị em nó.
Nó thắc mắc không hiểu sao chú thím Khang để cho Mai Thư sống trong nhà nó và không
hiểu sao Mai Thư lại chấp nhận đến ở trong căn nhà với muôn vàn khó khăn như nhà nó. Trước tháng tư năm 1975,
có bao giờ gia đình chú thím Khang đến ở nhà nó đâu. Chú thím Khang là thương
gia có tiếng Sài Gòn. Nhà lầu cao tầng của chú đầy đủ tiện nghi với phòng tắm
có vòi sen, có người hầu kẻ hạ, con cái có gia sư đến kèm các môn học kể cả âm
nhạc. Giờ đây trong căn nhà tôn vách ván của nó, Mai Thư sẽ phải tựa vào những
gánh nước mà nó gánh từ giếng nước công cộng xa nhà, phải tự đun củi nấu ăn và phải
giúp mẹ kiếm sống từng ngày. Nó nhớ căn nhà lầu của chú thím Khang, nhớ phòng ngủ
của các chị em Mai Thư, nhớ cảm giác ái ngại khi ngồi trong phòng ăn, phòng khách của chú thím. Nhất cử nhất động của
nó đều bị cha nó nhắc nhở không được làm chú thím phật lòng. Từ khi cha nó mất,
mẹ nó ít khi liên lạc bà con của cha nó.
Mẹ nó tuyệt đối không hề liên lạc với chú thím Khang không phải vì chú Khang là chú họ xa với cha của nó mà vì
bà mặc cảm, sợ bị nghi ngờ vay mượn hay nhờ vả. Nó không mặn mà với chuyện giao
tiếp hay liên lạc với bà con giàu có hay nghèo hèn, xa hay gần mà chỉ thắc mắc chuyện chú thím Khang đã liên lạc với mẹ nó bằng
cách nào để cho phép mẹ của nó đưa Mai Thư
về nhà. Nó linh tính Mai Thư ở tạm trong nhà nó trong một thời gian để chờ đi
vượt biển nhưng không tỏ ra điều mình hồ nghi sợ mẹ lo. Nó im lặng tuân hành tất
cả những việc làm mà mẹ nó sai bảo nó. Bé Em và Cu Tí vô tư vô lự bám theo Mai
Thư vòi con bé chơi đàn và hát cho nghe.
Những lúc rảnh rỗi chúng rủ nhau ra biển tắm rồi phơi nắng.
Từ lúc Mai Thư ở trong nhà, mẹ nó không sai nó
ra quán trông hàng. Trái lại mẹ nó mua thức ăn nhiều hơn trước và thỉnh thoảng dúi
cho nó tiền sau những lần nó giặt giũ dọn dẹp hay gánh nước. Nó ngờ chú thím Khang giúp mẹ nó tiền để lo cho Mai Thư
đầy đủ nên mẹ nó dư dả hơn xưa. Trong tâm trạng sướng vui xen lẫn đầy đủ, nó cảm
thâý cuộc sống vui hơn trước rất nhiều.
Khôi
Nguyên thường xuyên đến nhà tìm nó và thường tâm sự với nó về những việc làm tương
lai của anh. Anh quyết định ghi danh học lớp 12 ở Nha Trang để sau khi tốt nghiệp
cấp ba sẽ vào Sài Gòn thi vào trường đại học ngoại ngữ. Nó cho anh biết nó cũng sẽ xin
đi học lại lớp 11 và cũng sẽ lấy bằng phổ thông trung học cấp ba trước khi theo
một ngành gì đó thiết thực, có thể là y tá.
Những
ngày tiếp theo, những cuộc đối thoại của Khôi Nguyên và nó thưa dần mặc dù anh
thường xuyên đến nhà nó. Anh thường nói chuyện với Mai Thư, đàn hát với Mai Thư
và đi tắm biển với Mai Thư bởi anh và nó không còn chuyện gì để nói thêm, nó
không biết gì về đàn hát và không thể bơi xa
cùng anh như Mai Thư. Mỗi lần
nhìn họ bên nhau,nó chợt nghĩ đến Minh
Tuyết rồi tưởng tượng Mai Thư là hình ảnh của Minh Tuyết. Có thể Mai Thư hơn cả
Minh Tuyết bởi vì con bé có một vẻ đẹp toàn bích. Có lần khi đi tắm biển về,
Mai Thư nói nó đứng trước nhà tắm trông
chừng dùm khi con bé cần tắm lại nước ngọt,
nó vô tình nhìn qua khe hở của liếp tre và sững sờ trước một thân hình đẹp tuyệt
của Mai Thư. Bộ ngực trắng hồng đầy đặn, cái lưng thon thả chảy
dài từ cái eo nhỏ lượn xuống vòng mông tròn trĩnh nẩy nở của
Mai Thư đã ám ảnh nó không dứt. Nó nghĩ
đến thân hình của nó và Bé Em rồi lắc đầu. Không bao giờ chị em nó có thể có một thân hình đẹp tuyệt như thế. Làm sao những đứa trẻ sống trong điều
kiện khó khăn có thể có vóc dáng như những đứa trẻ sống trong gia đình có đầy đủ
vật chất lẫn tinh thần. Rồi nó nghĩ đến
những khóm hoa Bâng Khuâng hoang dại trên sườn đồi La San và những khóm hoa
Bâng Khuâng có tên Ngọc Hân trong biệt thự của Khôi Nguyên. Rõ ràng nó thích
nhìn ngắm những khóm hoa được chăm sóc tử tế trong ngôi biệt thự ấy hơn là những
khóm hoa hoang dại xơ xác và run rẩy trong nắng gió.
Dù
lý luận như thế nhưng nó đã khá ngỡ ngàng khi Khôi Nguyên thú thật với nó là anh yêu Mai Thư. Bó hoa Bâng
Khuâng tim tím trên cái bàn gỗ,bàn tay lay mạnh và lời khẩn thiết rủ nó ra biển
để nhận nỗi buồn chìm đi chợt hiện rõ trong đầu nó khiến nó hoang mang. Nó ngẩn
ngơ cho rằng những hành động kia chẳng qua là phong cách tự nhiên của những người học trường Tây nên nó tỏ ra
thản nhiên chọc anh rằng từ đây phải gọi
nó là chị. Từ đó nó thường lảng tránh khi anh đến nhà để tạo cơ hội cho anh làm
quen với Mai Thư. Mai Thư rất hợp với Khôi Nguyên nên con bé đã đáp lại
tình yêu của anh ngay sau lời bày tỏ. Hai người thường khắng khít với nhau như
hình với bóng. Khi nhìn họ bên nhau nó hiểu Khôi Nguyên đã tìm lại những gì anh đã mất sau khi anh rời
Sài Gòn. Nó chỉ không biết Mai Thư có thú thật với Khôi Nguyên là con bé đang chờ ngày vượt biển và không biết tình yêu của Khôi Nguyên đủ làm cho con bé không nghĩ đến chuyện rời bỏ
anh như Minh Tuyết không.
Nó
chỉ rõ là nó đang chơi vơi trong nỗi buồn. Hình ảnh chiếc váy lụa trắng xoay
tròn với những cánh hoa Bâng Khuâng tim tím tung bay rơi rớt khắp nơi hiện rõ trong từng ý nghĩ của
nó nhưng nó chợt nhớ ra rằng từ nhỏ đến lớn nó chưa hề được mặc chiếc áo đầm
hay chiếc váy trắng nào.
Cung Thị Lan
(Ghi lại từ Tháng 4, năm 1979)
No comments:
Post a Comment