Sunday, October 2, 2016

Học trò cũ Sông Mao -Cung Thị Lan



Tôi rất vui  và xúc động khi gặp lại Vòng Hồng Như  và các em Loan Quốc Hòa, Hoàng Kim Dung tại Hoa Thịnh Đốn sau ba mươi lăm năm xa cách. Bởi các em là  học trò cũ  có nhiều kỷ niệm đặc biệt gắn bó với tôi ở
 Sông Mao cho nên sự hiện diện của  các em đã khơi lại trong tôi thời gian tuyệt đẹp  trong những năm tôi chập chững vào ngh dạy học; đồng thời cho tôi hiểu thêm về sự liên quan của những sinh hoạt thời thơ ấu tác động đến cách sống hiện tại của các em như thế nào. Đáng kể nhất là Vòng Hồng Như, cô bé lớp trưởng lớp Sáu trong năm học  1979-1980 do tôi đảm nhiệm trước khi tôi rời Sông Mao.

 Sau khi học xong khóa một Cao Đẳng Sư Phạm NhaTrang,  tôi tình nguyện ghi danh vào Thuận Hải( Bình Thuận cũ) để nhận công tác. Đến sở giáo dục Thuận Hải ở Phan Rang, tôi được phân đến trường cấp hai Hải Ninh, Sông Mao. Vì đến trường cấp hai Hải Ninh vào tháng tư, tháng cuối của năm học 1976 -1977 tôi chỉ được phân công dạy Sử Địa cho các lớp 6, 7, 8, và 9  chứ không phải chủ nhiệm lớp nào. Không phải chủ nhiệm lớp, tôi được cử thêm một nhiệm vụ khác là  làm trưởng ban văn nghệ  cả 3 trường của Sông Mao là trường cấp 1 Hải Xuân, trường cấp 1 Hải Thuỷ và trường cấp 2 Hải Ninh. Năm đó, Hồng Như đang học cấp 1 tiểu học  nhưng vì các lớp đều phải tham gia tiết mục văn nghệ nên Hồng Như, và  hai em gái của Hồng Như là Hồng Ý và Hồng Ân đều  biết tôi. Thêm vào đócô Hà Quân Hiền, mẹ Hồng Như,  là  đồng nghiệp với tôi, cùng dạy tại Sông Mao, thường rủ tôi về nhà chơi  sau  những  buổi họp hội đồng giáo viên nên quan hệ giữa tôi và mẹ con cô Hiền như thân thuộc. 

Khi ra trường tôi chỉ có hai mươi tuổi. Tuổi trẻ kèm với bản tính lơ là,  tôi không bao giờ thắc mắc về chuyện vắng mặt của  ba của Hồng Như mỗi khi tôi đến nhà gia đình Hồng Như chơi; ngay cả khi cô Hiền nói tôi ở lại đêm với mẹ con cô. 

Sau này, khi liên lạc với Hồng Như ở Mỹ tôi mới biết là trước năm 1975 ba Hồng Như , thầy Vòng Chay Dân, chính là cựu hiệu trưởng của trường trung học tỉnh hạt Hải Ninh nơi tôi dạy 4 năm sau thời gian vật đổi sao dời. Qua Hồng Như, tôi còn biết  thầy Dân bị bắt và nhốt trong  khu cải tạo  ngay sau khu Huyện Uỷ Bắc Bình mà  trước năm 1975 toàn bộ khu này nguyên là đồn lính quan trọng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Mỗi chiều sau khi đi dạy về, cô Hiền thường dắt chị em Hồng Như lân la  đến gần những hàng kẽm gai của khu cải tạo để hằng mong thấy thầy  Dân mạnh khỏe khi thầy lao động loanh quanh gần đó.





Cũng qua Hồng Như, tôi còn biết thêm là ngày tôi dạy ở Sông Mao, cô Hiền thương tôi đến nỗi cho tôi con chó Nhật Lili xinh xắn  do Hồng Như xin bạn và đánh đổi bằng 1 hộp sữa. Hồng Như nói khi đi học về, biết mất  chó Lili cưng của mình, Hồng Như khóc dữ lắm nhưng biết mẹ cho tôi, Hồng Như đành im lặng không than trách nữa. Nghe Hồng Như kể mà tôi sững sờ đến quặn thắt. Tôi không hiểu sao cô Hiền thương tôi đến nỗi lấy con chó quý của con mình cho tôi. Tôi nói điều này ngay sau khi Hồng Như kể chuyện và Hồng Như kể thêm là: "Lúc đó mẹ em nói với em  là tại Lili hay tiêu, tiểu bậy và  không ai trong nhà có thì giờ chăm sóc nó nên mẹ  cho cô Lan!" Tôi không biết có phải Hồng Như kể như thế để cho tôi  bớt áy náy không nhưng tôi thành thật kể  cho Hồng Như biết là Lili của Hồng Như, Bilou của tôi, rất thông minh chứ không hề tiêu tiểu bậy. Ngày tôi đem Bilou về Nha Trang bằng xe lửa, tôi giấu nó trong chiếc giỏ xách. Nó có vẻ hiểu chuyện tôi làm nên nằm yên . Khi nào nó muốn vệ sinh nó mới đứng lên, quay quanh trong giỏ cho  đến khi tôi bắt ra ngoài lót giấy cho nó tiêu tiểu nó mới ngưng. Khi Bilou về nhà tôi ở Nha Trang, nó thường chạy ra trước cổng nhà nội tôi để trông nhà. Vì nó nhỏ như con mèo nên ít ai trông thấy và nhờ thế có lần nó bắt trộm cho bác cả của tôi. Từ đó chỉ có Bilou  là con chó duy nhất được bác cả tôi cho phép đi lên trên hiên nhà, được vào căn nhà lớn của nội tôi. Sau này Bilou đẻ bốn con chó con: ba con chó cái và một con chó đực. Tôi cho những người thân quen ba con chó cái chỉ để lại một con chó đực đặt tên là Lucky.




Những con chó con của Bilou  rất  khó nuôi và đều chết yểu. Chúng đã khiến cho bạn bè và ngưòi thân tôi tiếc nuối khi mất giống chó Nhật xinh đẹp và khôn ngoan. Đáng kể nhất là con chó Mina ở kinh tế mới Nhiễu Giang với chị họ của tôi. Mỗi sáng đi làm rẫy chị họ của tôi thường dẫn Mina đi theo. Đến trưa chủ và chó thường về ăn cơm rồi mới ra rẫy làm lại. Trưa hôm đó chị tôi gọi Mina về nhưng tới nhà không thấy nó chị tôi tưởng mất nó rồi. Ai dè khi lên rẫy lại, chị thấy Mina nằm ngay chỗ chị để cái cuốc. Thì ra hôm đó chị tôi không muốn đem cuốc về, giấu trong bụi mà Mina sợ mất "của" của chủ không chịu về nhà ở lại nằm trông chừng...

Sau khi kể về Bilou và bốn đứa con yểu mệnh của nó, tôi  nói với Hồng Như là tôi nhớ những ngày tôi ở nhà Hồng Như, nhớ cảnh Hồng Như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăm em cho mẹ, và dạy em học. Tôi  nhớ nhất là cảnh Hồng Như bán thuốc lá lẻ trên một cái ghế có cây đèn dầu con vịt nho nhỏ...  Hồng Như nói là  em nhớ ngày thầy trò tôi  tập thể dục, tổ chức văn nghệ, các trò chơi và tổ chức trại ...  mà trong những hoạt động đó, em nhớ mãi chuyện tôi bảo các em giữ những tờ giấy bạc từ  trong những bao thuốc lá để  tôi cắt làm hoa trang hoàng cho những chiếc áo các em trình diễn  văn nghệ.

Hồng Như và tôi thường huyên thuyên từ  chuyện này sang chuyện khác qua điện thoại. Nhưng dần dà những  công việc bận rộn đã khiến những cuộc điện thoại của chúng tôi vơi đi nhất là khi chúng tôi  tụ họp được tin  tức của một số thầy cô và em học sinh khác  trên Facebook.

Một hôm, tôi  cảm động vô ngần khi nhận  tấm hình của tôi và Hồng Như với hai chữ Cô và Trò do Hồng Như gửi tặng vào Facebook. 




Trầm ngâm với tấm hình, tôi ôn lại kỷ niệm giữa tôi và Hồng Như này để hiểu vì sao  em thương mến tôi nhiều đến thế! Tôi chợt nhớ ngày tôi sinh hoạt với các em học sinh trong trường. Bất kể là nam hay nữ, cấp một hay cấp hai, tôi thương yêu và  hết lòng với  các em. Lúc đó tôi  nghèo đến độ phải mặc quần vải ú vá chằng chịt và mang dép bằng vỏ xe nhưng tôi đã luôn dành cho các em những món quà từ tấm lòng như dành dụm tiền mua quà bánh cho các em, cắt tóc và may áo cho một số em nữ. Tôi đã tạo cho các em nhiều điều kiện để các em vui chơi quên bớt những nhọc nhằn của đời sống khó khăn và cực khổ hằng ngày như tập cho các em múa hát,  khuyến khích các em tham gia thể dục, thể thao hay tổ chức cho các em đi chơi ở vườn, rẫy và suối.






Nhớ lại những ngày tháng ở Sông Mao, tôi thật là kẻ "điếc không sợ súng"! Đến một nơi nóng bức, khô hạn trong thời điểm khó khăn khổ sở mà cứ vô tư vô lự  nghĩ cách đi chơi cùng các em học sinh trong các hoạt động văn nghệ thể thao. 

Những ngày ấy, thời giờ của tôi rất hiếm hoi! Bởi sau một ngày dạy ở trường, soạn giáo án, có những đêm tối, tôi  phải  đốt đèn đến các nhà phụ huynh Nùng dạy bình dân học vụ cho phong trào chống  nạn mù chữ. Mỗi tối đi dạy, tôi thường bị phụ huynh Nùng tỏ thái độ không muốn tiếp tôi. Có người nói thẳng  rằng "Ngộ  nói thật với nị là ngày xưa ngộ làm chơi ăn thiệt bây giờ ngộ làm thiệt mà ăn 'chơi'. Làm suốt ngày không đủ ăn, mệt mỏi ngộ cần ngủ mai đi làm tiếp, không học làm gì. Không có thì giờ học đâu! Đừng đến nữa!"  Bị chối bỏ, tôi nghĩ thầy  cô giáo chúng tôi bị ghét lắm không kỳ vọng gì được những người trong thị trấn ủng hộ khi trường tổ chức buổi văn nghệ bán vé đâu. Nhưng, với  năng động của tuổi trẻ, với  sự yêu thích của các em học sinh  và với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo của các lớp cấp một và cấp hai cùng những người quen biết trong thị trấn Sông Mao, tôi đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ trưởng ban văn nghệ của trường

Trước ngày trường biểu diễn văn nghệ, các em học sinh của các lớp cấp một và cấp hai của ba trường Hải Thuỷ, Hải Xuân và Hải Ninh  cố gắng năn nỉ gọi mời hàng xóm mua vé nhưng mọi người (từ người Hoa, Nùng đến Kinh) đều từ chối với lý do mệt nhọc sau khi đi ruộng, rẫy hay buôn tàu. Vé còn nhiều, tưởng đâu khán giả chỉ lèo tèo vài người. Ai dè khi ban tổ chức của trường cho chạy máy phát điện và sân khấu sáng trưng thì hầu hết mọi người trong thị trấn nô nức đến trước trường Hải Ninh  để mua vé vào xem văn nghệ. Chỉ vài phút sau, mấy chục chiếc vé được bán hết sạch nhưng người chờ  mua vé  vào trường xem văn nghệ vẫn còn đầy nghịt ngoài cổng cho nên  chúng tôi phải cắt giấy rồi đóng dấu mộc của trường và dấu mộc của công đoàn trường để  làm vé. Mặc cho chúng tôi cố gắng bao nhiêu, số khách  chờ mua vé vào xem vẫn đứng đầy trước cổng trường. Không thể đóng nhiều "vé" thêm nữa, chúng tôi đành phải nhận tiền  cho khách vào trường để kịp trình diễn! Tối hôm ấy, thầy trò chúng tôi cùng tất cả những người tham gia có một buổi  diễn xuất tuyệt vời và đêm giải trí hết sức thú vị.

Những năm 1977 đến 1980 là những năm khó khăn nhất vậy mà thầy trò chúng tôi không những cố gắng lo văn nghệ mà còn nghĩ đến chuyện tổ chức trại. Các em đã trình bày hết sức mỹ thuật với những cành lá dừa, những loại hoa gom góp từ vườn rẫy trên những chiếc lều lính đủ kiểu  mà sau này tôi mới hiểu vì sao các em có chúng.  Sông Mao trước đây là căn cứ quân sự  nổi tiếng, một nơi sôi nổi nhộn nhịp mệnh danh Sài Gòn thứ hai của miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Bởi thế khi trường tổ chức trại, các em có dịp đem những vật dụng nhà binh từng có trước đó ra để trang hoàng. Tôi nhớ mãi ngày trường tổ chức trại. Khi tôi đứng giữa sân trường và đang ngắm những khu lều trang trí đầy sáng tạo  của các lớp thì các em lớp sáu quây quanh tôi tíu tít nói rằng" Cô ơi trường mình đẹp quá cô!" " Em cứ tưởng như mình đang ở chỗ thần tiên đó cô!" Tôi đã gật đầu  đáp " Thật là một công trình vượt bậc của thầy trò mình trong hoàn cảnh khó khăn lúc này. Cô biết các em bận rộn giúp cha mẹ mưu sinh kiếm sống nhưng cô lại muốn  các em một kỷ niệm đẹp; thế nhưng, cô không ngờ kết quả tuyệt vời như thế này! Cô mừng quá! Đây đích thực là món quà kỷ niệm đặc biệt mà cô có được trước khi cô rời nơi đây!"

Rồi tôi đã rời Sông Mao sau niên khóa 1979- 1980, tiếp tục giảng dạy tại các trường Nha Trang, lập gia đình và sau đó vượt biên ra khỏi nước. 

Thầy trò Sông Mao chúng tôi mỗi người một nơi vì các em  theo gia đình ra khỏi nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều nhất là đi theo diện bán chính thức, người Hoa.

Năm 2012 tôi về Việt Nam, đến Sông Mao thăm lại trường cũ tôi đau lòng khi thấy trường Hải Ninh điêu tàn sập xệ. Không thể tin vào mắt mình khi nghe Việt Nam đổi mới, chứng kiến bao nhiêu thành phố phát triển, nhà hàng, khách sạn cao cấp mà trường học dành cho những thế hệ tiếp nối, tương lai của đất nước, sập xệ và tồi tàn đến thảm hại!










 



















Tôi cảm thấy đau buồn hơn khi tôi đang đi lơ ngơ trên những con đường cũ, bỗng một em bé  bước đến hỏi "Cô đang tìm ai vậy?"  và tôi đã ngơ ngác lắc đầu đáp: "Cô không tìm ai cả!" Lúc đó, tôi thật sự  nhận ra rằng tôi không còn có ai  ở Sông Mao này để mà tìm! Quặn thắt biết bao khi trở về một nơi mà mình tin tưởng không ai có thể quên mình giờ đây chỉ còn những người xa lạ không biết mình là ai! Những con đường cát bụi, những mái nhà tôn, những góc đường vẫn còn đó nhưng bóng dáng những người thân mến ngày xưa không còn một ai nữa. Hay có lẽ thời gian làm mọi người thay đổi và chính tôi cũng thay đổi nên không ai nhận ra ai!










Khi chiếc xe chở tôi rời Sông Mao và phải dừng ngay nơi đường rầy chờ tàu đi ngang. Mắt tôi chợt cay nồng vì những kỷ niệm cũ lần lượt hiện ra trong trí. 


Ba mươi lăm năm trước, đây là nơi  các em học sinh của tôi nhọc nhằn giúp cha mẹ khuân khiêng các bao hàng lên xuống từ những đoàn  tàu chợ. Các toa tàu chợ lúc đó luôn luôn đầy nghẹt, xô bồ và hỗn độn.  Hàng và người ngập từ các toa tràn ra tận các bậc cấp lên xuống và  ngay cả trên nóc tàu. Mỗi lần đến ga Sông Mao này để đón tàu về Nha Trang, tôi chẳng bao giờ  có một chỗ ngồi tử tế. Hoặc là phải ngồi ở bậc cấp, hoặc chen chúc giữa rừng người ở hàng lang đi lại. Nép trong đám đông chen chúc ấy, tôi thường thấy các em học sinh nam của mình cố gắng lách qua để rao bán thuốc lá, hay  trà đá. Các em đã di chuyển khá khó khăn vì  vừa tránh người, vừa phải giữ thăng bằng vì  tàu chạy  khá nhanh. Khi có người kêu mua trà đá  thì các em càng phải vất vả hơn vì các em  phải kiếm chỗ đứng để có thể giữ thăng bằng trong lúc cố gắng ghìm cái ấm nước chế vào ly tránh không đổ tràn  hay văng lên những người đứng ngồi sát cạnh bên.  Thế nhưng, dường như công việc thường nhật đã làm cho các em quen dần cách đối phó khi lách qua đám đông, xuyên qua rừng người,  leo qua  các bao hàng, và nhảy  qua các toa tàu khác rao bán tiếp.
Lúc đó, đáng ra tôi nên giả vờ như không hề thấy cảnh cực khổ của các em và không hề biết việc làm của các em để các em không phải ngượng ngập và xấu hổ  khi thầy trò gặp nhau trong lớp học. Thế nhưng,  cô giáo 20 tuổi sau 10 tháng học cấp tốc trong khóa học đầu tiên của trường Cao Đẳng Sư Phạm, tôi đã quá ngây thơ và thành thực  đến độ hỏi các em theo tàu bán đến ga nào  mới đón tàu đi ngược trở về Sông Mao và nhân viên soát vé có hỏi vé các em không ... Sau khi biết các em không phải mua vé xe lửa và bán đến ga Long Hương hay Cà Ná thì quay về tuỳ theo bán nhanh hay chậm, tôi tinh nghịch hỏi có bao giờ các em bị tàu chở tuốt đến Nha Trang chưa và các em thành thật trả lời chưa bao giờ. Nghe thế, tôi tinh nghịch nói: "Như thế là các em không có cơ hội thăm biển Nha Trang!" Các em trả lời: "Tụi em chưa biết biển Nha Trang là gì!" Tôi ngạc nhiên hỏi : "Chẳng lẽ trước 1975, ba mẹ các em  chưa bao giờ đưa các em đến Nha Trang tắm biển?" Các em lắc đầu, khẳng định "Tụi em chưa bao giờ biết biển là gì!" Nghe thế, tôi hào hứng  tả cho các em những cảnh đẹp của Nha Trang như Hòn Chồng, Tháp Bà và đặc biệt nhất là biển. Sau khi nghe tôi tả, các em nói  khi nào tôi về thăm nhà, các em sẽ xin ba mẹ theo theo tôi đi Nha Trang để xem biển. Tôi gật đầu nói" Đúng rồi! Các em phải đi Nha Trang để thấy biển Nha Trang đẹp như thế nào và  nhất là thấy Nha Trang mát hơn Sông  Mao ra sao!" Nhưng tôi bảo các em phải chờ đến khi tôi dành dụm đủ tiền mua vé xe lửa, tôi sẽ cho các em hay. Rồi tôi nói tôi thường về Nha Trang chiều thứ bảy và đáp tàu vào lại Sông Mao tối Chủ  Nhật cho kịp  lên trường dạy sáng thứ Hai.  Các em gật đầu đồng ý.
Thế rồi, ngày hẹn đã đến. Chỉ có ba em nam được ba mẹ cho đi theo tôi ra Nha Trang "thấy" biển là Nguyễn Vĩnh Trúc, Sầm Đức Hạnh và  Ngô Đức Trung. Tôi nói ba em  cứ mang ấm trà đá bán như thường lệ, rồi căn dặn cặn kẻ là khi tàu dừng ở ga Nha Trang, các em xuống tàu, đi theo những người buôn bán lẻ trên tàu dọc theo đường rầy đến Mã Vòng rồi đi vòng lại đến trước cổng ga Nha Trang chờ tôi trong khi tôi sẽ đi thẳng ra cổng  vì tôi có vé!  Y lời các em xách ấm đi sau đó gặp tôi ngay  điểm hẹn. Tôi mừng khôn xiết vì  tôi không ngờ  ba em được du lịch  Nha Trang theo kiểu này và các em lấy làm thú vị lần đầu tiên đến nơi các em mơ ước! Hôm sau, sáng Chủ Nhật, tôi dắt các em đi Tháp Bà, Hòn Chồng, và biển Nha Trang. Tôi cho các em  uống nước dừa xong thuê người chụp hình dạo chụp cho các em vài tấm. Tối hôm đó, thầy trò chúng tôi đáp tàu vào lại Sông Mao. Trước khi đi, tôi làm cho ba em ba ấm trà đá để ba em đi  theo đường rầy từ Mã Vòng để các em được leo lên tàu như những người bán   dạo khác, không phải mua vé.  Khi tàu chuyển bánh thì các em tụ đến toa tôi ngồi chứ không đi bán dạo. Có lẽ vì trời đã tối và cũng có lẽ các em còn say men vui sướng của nước trà và cũng.  Bởi thế thầy trò tôi an toàn trở về Sông Mao và ngày  thứ Hai hôm sau chúng tôi đều có mặt ở trường.

... Khi chiếc xe rời Sông Mao, những kỷ niệm vui buồn cũ vẫn  tiếp tục hiện ra trong tâm trí của tôi nhưng tôi chán chường nghĩ: "Tất cả chỉ còn trong ký ức! Không còn gì nữa!"

 Tôi trở lại Mỹ, sinh hoạt đều đặn như  trước đó. Ý tưởng về chuyện gặp lại học sinh Sông Mao hoàn toàn vô vọng trong trong ý nghĩ của tôi. Thế nhưng, ý nghĩ bi quan này đã dần dần phai nhạt bởi những cuộc gọi điện thoại thăm hỏi từ các em học sinh cũ  ở Sông Mao từ khắp nơi trên thế giới. Phạm Mai Hoa, lớp trưởng lớp Sáu do tôi chủ nhiệm đầu tiên và trước lớp Sáu mà Hồng Như làm lớp trưởng gọi thăm tôi từ Úc. Kế đến là Hồng Như từ Seattle, Sáu  Chắn từ California, Nguyễn Văn Vui từ Ý,  Nguyễn Vĩnh Trúc từ Việt Nam  do Phạm Mai Hoa  tìm gặp. Nguyễn Phượng Uyển cùng chồng đến thăm tôi. 
Nhờ Facebook  tôi liên lạc thêm nhiều em học sinh như  Võ Thị Kim Liên, Ngô Thị Nga, Nguyễn Tiến Hoàng, Loan Quốc Hòa, Hoàng Kim Dung, Sáu Chắn (Jenny Tran), Lày A Pát, Phùng Văn Siêu, Nguyễn Văn Đông, Thương Thương, Nguyễn Văn Hoàng, Ngô Thị Nga, Vũ Chung Đức, Hoa Hồng, Ngô Kim, Trần Thị Thoa, Bùi Hân, Trần thị Kim Oanh ... và đồng nghiệp cũ như thầy Nguyễn Công Cương, Nguyễn Phước Vĩnh Lý, cô Nguyễn Thị Khánh, Nguyễn Thị Kim Thanh...

Cũng nhờ Facebook, chúng tôi hẹn gặp nhau tại Mỹ vào năm 2016 và tại Sông Mao năm 2017

Tháng 4 năm 2016   các em Hồng Như, Kim Dung, và Loan Quốc Hòa cùng gia đình đã đến thăm tôi tại Hoa Thịnh Đốn.


Chúng tôi đã có một thời gian hết sức thú vị và ý nghĩa khi  sinh hoạt cùng  nhau:
Viếng thủ đô Hoa Thịnh Đốn





Thăm viện Bảo Tàng




Viếng các vùng lân cận







trổ tài nấu ăn





 



















...và đặc biệt là các em Kim Dung, Hồng Như,  Hồng Ân  đã nằm ngang ngủ chung giường với tôi  vì tôi nhất quyết kỳ kèo  tất cả mọi người ở chung một nhà chứ không ra thuê khách sạn.



Nhóm Hội Ngộ Sông Mao đầu tiên  này có nhiều lứa tuổi già trẻ khác nhau nhưng mười hai người chúng tôi đều hạp tính nên luôn luôn vui vẻ khi sinh hoạt cùng nhau.
Trong lần hội ngộ này chúng tôi còn gặp Tuấn em của anh Hiếu là người thường giúp tôi đánh đàn cho các em học sinh múa hát trong thời gian tôi làm trưởng ban văn nghệ của trường Sông Mao.

Thầy Vòng Chay Dân và cô Hà Quân Hiền thường cười ké  khi nghe những câu chuyện tiếu lâm của thầy trò chúng tôi. Ba đứa con của Loan Quốc Hòa yêu thích  những món ăn do thầy trò chúng tôi tự nấu, vừa  thú vị  khi nghe những câu chuyện của thầy trò chúng tôi có liên quan đến những sinh hoạt thời niên thiếu của ba chúng.
Thầy trò chúng tôi liên tục nhắc lại  những kỷ niệm xưa, tán dương  hết lời về sự thành công của những ngày bên nhau hiện thời  rồi bàn tán kế hoạch cho những cuộc Hội Ngộ trong sắp đến.
Chồng tôi, được các em yêu kính chẳng khác gì thầy giáo thực thụ của các em, cảm động nhiều đến độ quyết định du lịch Seattle nơi gia đình Hồng Như cư ngụ cho chuyến nghỉ hè tháng Bảy 2016 của chúng tôi. 

Thế là sau khi chia tay với các em tại HoaThịnh Đốn, tôi được gặp lại Hồng Như và toàn  bộ gia đình em tại Seattle. Lần này  tôi không những gặp lại thầy Vòng Chay Dân, cô Hà Quân Hiền, vợ chồng con cái Hồng Như, vợ chồng  Vòng Hồng Ân mà cả em trai Michael Vong,  và em gái Vòng Hồng Ý là cô bé thường thăm hỏi tôi qua điện thoại cùng hôn phu của Vòng Hồng Ý là thầy Và đồng nghiệp với tôi ở Sông Mao.






Khi gặp lại tôi ở Hoa Thịnh Đốn, cô Hiền hết lời khen ngợi  về chuyện đảm đang của Hồng Như và  tôi tin điều này vì tôi đã từng chứng kiến cảnh em khéo léo chăm lo cho các em của em và giúp mẹ  mọi chuyện trong nhà như nấu ăn dọp dẹp  giặt giũ khi em còn là cô bé  học sinh cấp trường tiểu học. Nhưng khi đến nhà Hồng Như tại Seattle,  tôi khâm phục  sự  quán xuyến của em đối với gia đình nhiều hơn. Mọi thứ từ ngoài sân đến trong nhà của Hồng Như và từ trong nhà em cho đến ngoài vườn đều sạch đẹp, gọn gàng và ngăn nắp. 




Tôi thích nhất là khung cảnh vườn nhà của Hồng Như bởi nó bàng bạc hình ảnh của quê hương Việt Nam với sân gạch, bụi trúc, giàn hoa leo và những loại cây ăn trái. Hỏi ra thì  rõ: Đây là ý tưởng của em đối   sự xếp đặt và bối trí này.



Ở trong nhà Hồng Như trong suốt thời gian du lịch tại Seattle, tôi còn biết rõ cách sử dụng thời gian một cách hiệu quả của em.  Hồng Như biết vợ chồng chúng tôi chú trọng các danh lam thắng cảnh của những nơi du lịch hơn là ăn uống nên em đã chuẩn bị sẵn sàng các thứ để tự làm các món ăn nhanh chóng và ít tốn thời gian. Dù là thế, các món ăn do em tự nấu như phở,  bánh nướng, sữa đậu nành lá dứa, kem Flanc đều ngon và chất lượng.











 
 

Món ăn mà tôi ấn tượng nhất là món gỏi dưa Zucchini. Đây là lần đầu tiên tôi ăn món này! Thoạt đầu, tôi ngỡ  là mì xào nhưng khi nếm mới biết đây những sợi dưa Zucchini được bào     mỏng từ những trái dưa Zucchini  ướp gia vị như món gỏi biến dạng. 



Tôi còn ấn tượng  nhiều về cách nấu ăn nhanh và gọn của Hồng Như khi em làm món cơm sườn ram thập cẩm. Hồi giờ tôi  cứ ngỡ mình nấu ăn nhanh nhất và không ai có thể nấu nhanh như mình. Đến hôm ấy tôi mới thấy mình gặp kỳ phùng địch thủ và người ấy chính là cô học trò nhỏ của mình cách đây 35 năm trước.


Điều tôi thích nhất khi đến ở trong căn nhà của Hồng Như  là được ăn cơm cùng gia đình em và được tham gia những câu chuyện trong bữa ăn. Tôi vốn là người quý trọng bữa cơm gia đình vì  khi ăn chung với những người thân trong gia đình, cả nhà có thể bàn tán vấn đề gì đó để tạo cơ hội cho các con  của chúng tôi có dịp nói tiếng Việt vừa trao đổi ý nghĩ của chúng. Trong bữa  cơm của gia đình Hồng Như,  tôi không biết mở đầu bằng những chuyện gì ngoài chuyện quan sát. Hồng Như đã  khôn ngoan giới thiệu với chồng và hai  con của em tôi là giáo viên chủ nhiệm của em khi em học lớp Sáu. Và tôi đã cơ hội tiếp tục câu chuyện là kể cho mọi người nghe Hồng Như  học giỏi như thế nào trong khi em phải giúp mẹ quán xuyến chuyện trong gia đình  ra sao. Tôi còn tinh nghịch hỏi hai đứa con của Hồng Như có quý trọng và biết ơn những chuyện mẹ Hồng Như làm cho chúng không? Hai đứa đều trả lời có. Nghe vậy, Hồng Như  tinh nghịch  nói với chúng là chúng chỉ nói cho qua chuyện chứ không hiểu  và không biết ơn đâu! Thế là hai đứa đều phản đối một cách dễ thương là chúng nó biết và biết ơn nhưng không nói ra thôi! 
Giờ đây dĩ nhiên Hồng Như lo gia đình riêng của em  nhiều hơn ngày em lo cho gia đình của mẹ con em nữa. Ngoài sự chăm lo cho con cái học hành, em còn tạo cho chúng cơ hội đi học nhạc,  đi lễ nhà thờ thường xuyên, nhắc nhở những ngày lễ lạc, viết card mừng sinh nhật bạn bè người thân, động viên các hoạt động ngoài trời,  và nhất là tạo cho con cơ hội lao động như rửa chén, dọn dẹp và cả chuyện sơn rào. ( Hai mẹ con sơn toàn bộ hàng rào quanh vườn nhà trong thời gian vợ chồng tôi đi chơi với bạn!)

Ở chung nhà,  tôi rõ tính tình của Hồng Như là người có trái tim yêu thương và chu đáo.  Em vừa chu toàn gia đình riêng của mình, lẫn ba mẹ mình, ba mẹ chồng mình và cả  các em của em. Ngoài ra, em còn biết dàn xếp thời gian hợp tình hợp lý để các em của em và chồng con của em có thể tháp tùng đi chơi với vợ chồng chúng tôi hay gặp gỡ tại nhà của ai  tuỳ theo thời giờ rảnh rang của từng người.

Nhờ sự thông minh chu đáo ấy, tôi đã có cơ hội đi cùng  các em của Hồng Như ở các nơi khác nhau và đến thăm gia đình các em của Hồng Như và ba mẹ Hồng Như trong thời gian thuận tiện cho từng gia đình. 
Trong ngày lễ Độc Lập, sau khi thăm Hồng Ý, tôi cùng Hồng Ý  và Hồng Như  đến Hiram M Chittenden Locks






































rồi đến chợ nổi tiếng của Seattle là Public Market



Ngày khác, tôi đã  có dịp đi qua phà cùng với  Hồng Như và Hồng Ân đến các cánh đồng oải hương để chụp hình.

















Em còn sắp xếp cho chúng tôi đến thăm gia đình Vòng Hồng Ân 






Tại đây, vợ chồng chúng tôi đã được đón tiếp hết sức chu đáo! Sau những món cà ri gà, cá hồi hấp, chạo tôm, bánh khoai mì nướng, 





Hồng Ân còn cho chúng tôi thưởng thức món chè mè đen .
 Chè mè đen (Chí Mà Phù), món ăn truyền thống của người Nùng tại Sông Mao. Đây là lần thứ hai tôi được ăn lại món ăn đặc biệt này sau 35 năm. Tuy Hồng Ân chưa từng học tôi một ngày nào nhưng em  chuẩn bị chu đáo từng món ăn  để tiếp đón tôi khiến tôi rất  cảm động.

Cảm động như lần em mời tôi với hai tay bưng chén chè mè đen do Hồng Như nấu tại nhà tôi trong lần chúng tôi họp mặt tại Hoa Thịnh Đốn. 

Ngoài chuyện sắp xếp cho vợ chồng tôi gặp gỡ ba mẹ, gia đình các em và  đi chơi cùng các em của mình, Hồng Như còn sắp xếp cho chồng con của em đi chơi cùng vợ chồng chúng tôi.
Một nơi mà tôi cảm thấy đắc ý khi được đặt chân đến cùng gia đình Hồng Như là Mount Rainier National Park






































 đường đi đến Paradise (Thiên Đường) nơi chúng tôi có thể nhìn rặng núi  nổi tiếng Mount Rainier của Seattle. Bởi Mount Rainier là nơi có tuyết trên đỉnh quanh năm ngay cả mùa hè nhưng thường bị những đám mây trắng che khuất cho nên chúng tôi không ngừng dõi mắt nhìn về phía đỉnh núi để chờ mây tan rồi hò nhau  chạy tìm chỗ đứng thích hợp để đứng chụp hình chung. Đối với tôi, kỷ niệm này thật thú vị khó mà quên được!



Vợ chồng chúng tôi ở nhà Hồng Như tại Seattle khoảng bảy ngày, ngoài những chỗ Phạm Hữu Lành, bạn chúng tôi, đưa chúng tôi đến  như Gas Works Park 
Snoqualmie Water Fall 



và thăm gia đình  anh Trần Bá Hạnh+ chị Mai Ngọc Hoa  
chúng tôi được Hồng Như đưa  đến hầu hết  những nơi đặc biệt của Seattle như Kerry Park




Little Saigon




Bảo tàng viện Hàng Không 













Cốt để vui lòng tôi, Hồng Như đã không từ chối khi tôi tha thiết rủ em cùng đi với tôi đến thăm gia đình bạn tôi là Kiều Tuý và anh Phí Quang Quý.






Sau một bữa ăn tối thịnh soạn và ngon tuyệt tại nhà Kiều Tuý và anh Phí Quang Quý sáng hôm sau, Hồng Như  rủ tôi đi dạo bộ quanh hồ gần nhà để vừa ngắm cảnh vừa tập thể dục. 





Tôi khen Hồng Như biết tính toán cho chuyện nhất cử lưỡng tiện này. Rồi tôi cảm thấy bâng khuâng vì cảm thấy Hồng Như thông minh quá! 
Nhờ em tính toán giỏi mà vợ chồng tôi đã có một chuyến du lịch rất vui và ý nghĩa. Chúng tôi đã đến hầu hết những nơi chúng tôi ao ước  như cánh đồng oải hương, núi Mount Rainier.
Tôi thành thật nói với Hồng Như là tôi cảm kích những gì em và toàn thể gia đình em đối với tôi. Em đáp rằng em và gia đình của em xem tôi như người trong gia đình. Câu nói này làm tôi cảm động vô cùng. Tôi biết ơn gia đình Hồng Như đã xem tôi như người thân thuộc. Chính tôi, tôi  luôn nghĩ  người thân quen ở  Sông Mao  chẳng khác gì bà con ruột thịt của mình mà trong đó  các em học sinh  thân thương chiếm hầu hết tình cảm trong trái tim tôi. Rồi tôi nghĩ đến các em học sinh khác.  Tuy các em không có cơ hội để tâm sự với tôi nhiều như Hồng Như, nhưng những cử chỉ, lời nói của các em luôn tiềm ẩn sự kính nể lẫn yêu thương đối với tôi.  Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh em Hoàng Kim Dung đơn thân đáp máy bay đến Hoa Thịnh Đốn thăm tôi với khuôn mặt xanh lét sau cơn say máy bay.  Tôi cũng sẽ không bao giờ quên lời mời đầy chân tình của vợ chồng em Loan Quốc Hòa và cũng sẽ không bao giờ quên những cử chỉ thương kính của các em khác khi các em quan tâm đến món ăn thức uống và  hết lòng chăm sóc sức khỏe của vợ chồng tôi.

Hồng Ần nấu "thuốc" trị ho cho thầy Hiệp
Hồng Ân:"Mời cô dùng Chí Mà Phù" 
Chí Mà Phù(Chè mè đen) do Hồng Như nấu cho mọi người thưởng thức sau 35 năm
Loan Quốc Hòa mời cô dùng trà 


  Mật hoa Oải Hương từ các cánh đồng hoa Oải Hương tại Seattle

                                                 Hồng Ân mời thầy  Hiệp "nếm thử" mật ong oải hương               


Hồng Ý mời cô ăn đậu phọng và khoai lang luộc để nhớ kỷ niệm Sông Mao. ...rồi mời thầy cô đến Ballard 8OZ Burger&Co để thưởng thức món Burger đặc biệt của tiệm ăn này.

...rồi mời thầy cô đến Ballard 8OZ Burger&Co để thưởng thức món Burger đặc biệt của tiệm ăn này.
                                        Burger đặc biệt của tiệm Ballard 8OZ Burger&Co
Hồng Như chuẩn bị vớ và giày cho cô đi bộ và leo núi.
Cảm ơn con gái Hồng Như đôi vớ mẹ "mượn tạm" cho cô giáo của mẹ
Sau ba mươi lăm năm, bất kể các em thành danh và thành công trên xứ người ra sao, đạo nghĩa thầy trò vẫn còn trong tâm hồn các em.  Sự tôn kính của các em như những bông hoa tươi thắm gieo rắc cho tâm hồn buồn bã của tôi sau bao nhiêu năm làm bao nhiêu nghề nghiệp khác nhau trong hai mươi sáu năm trên x lạ quê người. Tôi cảm thấy mình là người may mắn nên có những đứa học trò  cũ hết sức ngoan ngoãn dễ thương.
Giờ đây thầy trò chúng tôi tiếp tục nối lại những mối giây liên lạc và tiếp tục gầy dựng kỷ niệm  đẹp trên đường không có khoảng cách giữa thầy và trò  mà chỉ có niềm vui trong yêu thương
Lễ Độc Lập 4 tháng 7 năm 2016 tôi có kỷ niệm đáng nhớ tại Hiram M. Chittenden Locks bởi ý tưởng độc đáo  của Hồng Như. Ngày xưa khi tôi dạy  những bài học Địa Lý, tôi thường nói " Ước gì cô có hình ảnh minh họa cho các em thấy!" Giờ đây em tạo cho tôi chiêm nghiệm thực tế về trí thông minh, sự sáng tạo và kiên nhẫn   của con người đối với thiên nhiên.  Washington Ship Canal và Hiram M. Chittenden Locks được xây dựng năm 1917. Đây là nơi kết nối các vùng biển của hồ Washington, Lake Union, và Salmon Bay đến vùng biển thủy triều của Puget Sound.  Ổ khóa của kênh đào vùng này cho phép tàulớn nhỏ thông thương ở các bến cảng đồng thời bảo tồn nguồn nước ngọt  của Seattle.



 





 






No comments:

Post a Comment