Saturday, September 3, 2016

Nhật Ký Chúng Mình Tiổi 50-3

Nhật Ký Hội Ngộ VT-NTH và CCH tại Virginia 2011
Cung Thị Lan



Tôi rất thích dự các buổi Hội Ngộ của hai trường Võ Tánh(VT) và Nữ Trung Học  (NTH) Nha Trang nhưng tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ là thành viên trong ban tổ chức; thế mà, tôi đã tham gia bởi một sự tình cờ. Chuyện bắt đầu từ ngày tôi  gọi thămTuyết Mai và khoe với nàng rằng tôi biết làm bánh cuốn bằng nồi hấp và vải căng chứ không phải bằng chảo không dính. Tuyết Mai hỏi với giọng ngạc nhiên:

“Ủa? Ai bày Cung Lan làm bánh cuốn kiểu đó hay vậy?”

“Từ Phương, một cựu phụ huynh của Lan. Mai không biết Phương đâu vì Mai chưa bao giờ gặp Phương. Phương là phụ huynh từ lúc Lan làm giáo viên viếng nhà của chương trình Head Start ở Washington D.C lận. Bây giờ gia đình Phương ở bên Virginia, tận Centreville nên ít khi qua Maryland đây lắm. Chỉ có khi nào rảnh, vợ chồng tụi Lan lái xe sang nhà thăm gia đình Phương thôi. Hôm trước thăm Phương, Phương cho Lan bánh cuốn còn bày cho cách làm. Cô nàng còn thương Lan đến độ cho mấy đồ nghề làm bánh cuốn như vải căng và đũa tre vớt bánh nữa. Lan đã làm một lần rồi, ngon lắm. Muốn ăn thì chủ nhật sang đây Lan làm cho ăn.”

            “Muốn chớ sao không nhưng nếu Lan cho Mai ăn thì gọi bạn bè đến ăn luôn đi. Lâu quá không gặp tụi Chợ Chồm Hổm(CCH), Mai nhớ quá.”

“Được mà,để  Lan rủ tụi nó luôn. Còn Mai thì mời anh Lập dùm Lan. Mình họp nhau vào lúc mười hai giờ trưa chủ nhật tuần tới nhen!”

Sau khi nghe Tuyết Mai đáp lời ưng thuận tôi chào nàng ngay rồi gọi điện mời Tuyết Lan đến ăn bánh cuốn vào chủ nhật tuần tới. Tôi còn nhờ Tuyết Lan nhắn lời mời của tôi đến những người bạn khác trong nhóm Chợ Chồm Hổm ở Virginia. Tuyết Lan vui vẻ nhận lời và nói rằng tất cả sẽ có mặt.

Thế là ngày chủ nhật hôm ấy, nhà của tôi náo nhiệt hẳn với tiếng cười nói của bạn bè. Chúng tôi gồm có Tuyết Mai, anh Lập, Tuyết Lan,Thùy My, Hoàng Mơ, Ngọc Hoa, và vợ chồng chúng tôi. Hôm ấy có thêm nhạc sĩ Huy Lãm. Ông đến để đưa có tôi những bản nhạc do ông sáng tác từ những bài thơ của tôi.

Sau khi chúng tôi ăn bánh cuốn, chả giò, gỏi thập cẩm, và gỏi đu đủ xong, chúng tôi tiếp tục ăn tráng miệng bánh ngọt và yaourt kiểu Việt Nam do Ngọc Hoa đem đến. Trong thời gian dùng tráng miệng, những dĩa bánh nho nhỏ, những tách cà phê và những tách trà đã khơi lại cho chúng tôi những câu chuyện của thời học sinh khi chúng tôi ở Nha Trang trước năm 1975 và những việc làm khó nhọc của chúng tôi sau năm 1975. Những câu chuyện được kể với những giọng điệu hài hước và ý nhị của từng người khiến cho mọi người cười không ngưng.Trong không khí vui vẻ ấy, nhạc sĩ Huy Lãm đề nghị tôi lấy cassette mở những bản nhạc do ông sáng tác để mọi người thưởng thức. Các bạn tôi khá thích thú khi biết những bản nhạc sáng tác từ những bài thơ của tôi nên tất cả đã chuyền cho nhau những bản nhạc có ký âm đã in sẵn rồi cùng hát chung. Chúng tôi lần lượt hát các bài Anh Còn Hẹn Em Đến Bao Giờ, Cùng Em và Hãy Đến Bên Nhau. Trong lúc vài người thu âm các bài hát này vào trong những cassette nhỏ hay trong điện thoại cầm tay, Thùy My hào hứng nói:

“Bài tango Anh Còn Hẹn Em Đến Bao Giờ này hay quá! Hôm nào mình hát hợp ca bài này trong ngày Hội Ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học đi Cung Lan!”

Tôi lắc đầu:

“Thôi đi Thùy My! Văn nghệ của trường thì mình hát mấy bài về thời học sinh, về áo trắng về Nha Trang chớ hát mấy bài tình yêu này làm chi. Hơn nữa Lan không muốn mang tiếng là lợi dụng.”

Thùy My cự nự:

“Gì đâu mà lợi dụng! Cung Lan là học sinh trường. Bài thơ của Cung Lan được phổ nhạc cũng nên để thầy cô và bạn bè mình biết chớ ! Để khi nào họp Ban Tổ Chức, My đề nghị cho!”

Hoàng Mơ nói thêm:

 “Hôm nay mấy anh chị họp ở nhà anh Bé và chị Ngôn để bàn về chuyện tổ chức Hội Ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học mà mình kẹt ở đây không đi được. Kỳ họp lần sau mình phải đi để giúp trường.”

Tuyết Mai lắc đầu:

“Làm gì thì làm chớ Mai không vô ban tổ chức đâu. Mai có nhiều việc lắm.”

Tôi cũng lắc đầu:

            “Lan cũng vậy ! Lan sẵn sàng mua vé tham dự và đến ngày đó ai sai gì làm nấy chớ không thể có thì giờ họp Ban Tổ Chức đâu.”

Thùy My cau mày :

“Ai cũng nói như Tuyết Mai và Cung Lan thì ai lo cho chuyện tổ chức Hội Ngộ? Mình có vào ban tổ chức thì mới biết ban tổ chức cần mình giúp cái gì chớ !”

“Thôi để Cung Lan coi lại đã.”Tôi hòa hoãn trả lời trong khi Tuyết Mai cương quyết: “ Ai nói gì thì nói, Tuyết Mai không tham gia trong ban tổ chức đâu. Đã không có thời giờ mà còn nhiều cái phiền lắm! Không tham gia được thì nói không tham gia được. Mất lòng trước được lòng sau!”
                                                             *
*                    *

                Tôi biết Tuyết Mai từ chối làm điều gì là nàng có lý do chính đáng nhưng như vậy không có nghĩa là nàng sẽ khăng khăng với điều nàng chối từ. Vẫn như lần rủ rê nàng đi sang Cali dự đám cưới Vy, con Bích Lan, tôi đã thu phục bằng cớ “đời có bao nhiêu mà hững hờ”

          Ba ngày sau, tôi gọi điện thoại thăm Tuyết Mai rồi nói với nàng rằng:

“Thùy My nói đúng đó Mai. Bên vùng Hoa Thịnh Đốn của mình không có nhiều học sinh Võ Tánh Nữ Trung Học như bên Cali mà ai cũng nói bận, không chịu vào ban tổ chức thì sẽ không có nhiều người đứng ra làm cho trường mình đâu!”

“Cung Lan nói vậy thì Cung Lan vào ban tổ chức đi chớ Mai không vào. Mai bận lắm Lan à ! Mai làm mỗi ngày đến khuya mới về  mà thứ bảy cũng phải làm chớ đâu được nghỉ.”

“Thì hôm nào họp, mình đề nghị mấy ảnh chỉ họp ngày Chủ Nhật. Nếu ngày họp nào rơi vào ngày thứ bảy Mai không đi được thì Mai nghỉ. Giống như hôm đám cưới Vy, Mai nói Mai không đi được vì có con nhỏ không có ai đưa đi học nhưng rồi Mai cũng tìm người gửi con Bé và mình đã có một kỷ niệm chung thật dễ thương. Mình đã năm mươi bốn, năm mươi lăm rồi mà không tham gia những chuyện vui thì  mình không biết đến khi nào mới có !”

Không nghe tiếng Tuyết Mai trả lời, tôi nói tiếp:

“Đi đi mà Mai! Kỳ tới ban tổ chức họp ngày chủ nhật, Mai không đi làm, đi thử một lần đi !”

Mai nói với giọng đấu dịu:

            “Thôi được ! Cung Lan lấy địa chỉ đi. Tuần tới Mai đến đón Lan rồi hai đứa đi chung.”
                                                           *
*                    *

Ngày 6 tháng 2 năm 2011 Ban Tổ Chức(BTC) Hội Ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học (VT-NTH) 2011 họp tại nhà anh Bé và chị Ngôn( nhà thơ phan Thị Ngôn Ngữ), chúng tôi gồm có anh Nguyễn Bé ( thầy Quảng Đức), chị Phan Thị Ngôn Ngữ, chị Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Trang, Quốc, anh Trần Mạnh Hùng,  chị Phan Anh,anh Bùi Hiển,chồng chị Phan Anh, chị Đỗ Linh,anh Phùng Văn Nguyên, anh Trần Thượng Toàn, anh Nguyễn Văn Tốt, và Mỹ Thanh, vợ anh Tốt, anh Phạm Quang Hưng, anh Dương văn Hưng,  Hoàng Anh, Tuyết Lan, Thùy My , Hoàng Mơ, Thanh Tùng,Tuyết Mai và tôi. Trong buổi họp, chúng tôi hoan nghênh anh Trần Mạnh Hùng đại diện cho trường Võ Tánh  và Hoàng Anh đại diện cho trường Nữ Trung Học Nha Trang, đã tình nguyện làm trưởng ban tổ chức Hội Ngộ 2011. Sau khi  bàn thảo  nhiệm vụ của các ban báo chí,  văn nghệ,  thể thao, đối ngoại, du lịch,  và thông tin, chúng tôi ghi tên mình vào từng ban.  Vì thiếu người, chúng tôi phải ghi tên vào hai hoặc ba ban. Nhân sự của ban tổ chức đã ít, chúng tôi còn nghe tin những người có mặt trong buổi họp hôm ấy sẽ dọn đi ở bang khác như anh Phạm Quang Hưng sắp chuyển nhà sang Texas và Thùy My sắp lên đường đi San Francisco.

Không hiểu có phải vì sợ những thành viên khác “nản lòng rồi âm thầm rút lui” hay không mà hai trưởng ban đề nghị mỗi người tham dự buổi họp hôm ấy  đóng 100 Mỹ Kim cho thủ quỹ Mỹ Thanh, dâu Võ Tánh, để tạo vốn ban đầu cho Ban Tổ Chức. Chúng tôi đề nghị với hai trưởng ban nên họp vào ngày chủ nhật để tất cả có thể tham gia. Hôm ấy, chúng tôi thưởng thức nhiều món Ta lẫn Tây như bánh mứt  hạt dưa và dưa hấu của tết Việt Nam, bánh kẹo Đan Mạch, Pizza của Mỹ và chè Thái. Tan họp, Tuyết Mai vui vẻ chở Thanh Tùng và tôi về tận nhà và còn hứa sẽ đón hai đứa tôi đi và chở hai đứa tôi về trong những lần họp tới.

Trong những buổi họp ban tổ chức Hội ngộ 2011 kế tiếp, ngoài những người đã có mặt hôm trước như anh Bé, chị Ngôn Ngữ, anh Trần Mạnh Hùng, anh Bùi Hiển, chị Phan Anh, chị Đỗ Linh,anh Phùng Văn Nguyên, chị Sanh, vợ anh Nguyên, anh Trần Thượng Toàn, anh Nguyễn Văn Tốt,  Mỹ Thanh,anh Dương văn Hưng,  Hoàng Anh, Tuyết Lan, Hoàng Mơ, Tuyết Mai và tôi, chúng tôi còn có thêm anh Bùi Dương Liêm, và vợ anh là chị Bé Bảy, anh Phạm Bá Vinh, anh Trần Việt Tân, Ngọc Hoa( hoa biển),anh Nguyễn Minh Niên, Tuyết Hoa em anh Niên và bạn của Hoa Biển,  anh Mỹ , chị Thúy Anh vợ của anh Mỹ,  Phan Công Chư, Phan Công Chương và Thu, vợ của Phan Công Chương . Thùy My và anh Nguyễn Văn Hưng đã lần lượt rời vùng Hoa Thịnh Đốn nhưng vẫn còn liên lạc với ban tổ chức trong nhóm điện thư ban tổ chức Hội Ngộ VT-NTH Nha Trang 2011. Hoàng Mơ là người hợp tác với anh trưởng ban Trần Mạnh Hùng, Phạm Hữu Lành và Trần Thị Thanh Tùng  trong việc giám sát diễn đàn ban tổ chức  Hội Ngộ 2011 và là  người thường ca ngợi sự giúp đỡ của các niên trưởng trong các buổi họp. Mỗi lần nghe chữ niên trưởng do Hoàng Mơ đề cập, tôi không biết niên trưởng là ai và lờ mờ nghĩ rằng đó  là những người đã từng tham gia  tổ chức Hội Ngộ cho trường và đang tiếp tục cố vấn hay tham gia chung trong ban tổ chức  Hội Ngộ VT-NTH 2011 của chúng tôi. Sau này tôi mới biết đó là những anh chị ở xa những có tên trong ban tổ chức chúng tôi hay giúp đỡ tinh thần và vật chất cho Hội Ngộ 2011 như chị Diệu Nga, chị Phạm Phan Lang, chị Bích Khuê, chị Bạch Tuyết, chị Vũ Kim Yến, anh Nguyễn Chí Lô, anh Phạm Hữu Lành và các dâu rể của hai trường Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang.

Trong những lần họp ban tổ chức kế tiếp, chúng tôi đã nghiêm túc bàn bạc về những món quà ý nghĩa tặng thầy cô, logo Hội Ngộ, đặt may áo thun, đặt nhà hàng, ban biên Tập cho Đặc San, phương cách mời thương gia đăng quảng cáo, và các tiết mục cho đêm văn nghệ. Những người  tình nguyện làm những công việc này là Ngọc Hoa ( Hoa biển), anh Trần Thượng Toàn, Hoàng Anh, chị Phan Anh, anh Bé, anh Phùng Văn Nguyên, Ngọc Hoa và Tuyết Lan. Cũng trong những lần họp ấy, thức ăn của chúng tôi ngày càng nhiều và càng phong phú thêm hơn. Nào là gỏi đồ biển, gỏi xoài, thịt bò nướng, bún bò, nem nướng, gỏi cuốn, bánh hỏi, gà chiên nước mắm, đậu luộc, bánh ướt, bánh cuốn, bánh mì thịt nguội, bánh mì chả cá, giò lụa, bánh Paté chaud, bánh ít, bánh chuối chiên, bánh cam, bánh nậm, hồng dòn, kẹo thập cẩm, vân vân và vân vân.Những chị  Nữ Trung Học như Hoàng Mơ và dâu Võ Tánh Mỹ Thanh cho chúng tôi nhiều món ăn ngon đã đành, các anh Võ Tánh không biết nấu ăn cũng “nấu” từ chợ Eden mang vào. Anh Việt Tân còn khao cả ban tổ chức chúng tôi một bữa hậu hĩ tại nhà hàng Buffet, anh chị Phạm Bá Vinh còn đãi chúng tôi một bữa rất hào phóng trước khi rời Virginia và anh chị Phùng Văn Nguyên còn thết chúng tôi một bữa linh đình nhân ngày cúng tạ.

Càng đến gần ngày Hội Ngộ có nhiều vấn đề khúc chiết và nhiều vấn đề cần giải quyết cấp thiết nên thư ký Hoàng Mơ không những vất vả ghi biên bản còn phải điều hợp các nhân sự của các ban để tránh những vấn đề không hay xảy ra. Những vấn đề rối rắm của thời gian này là sự không chắc chắn về phần hành của các trưởng ban, và thực lực tiến hành của Đặc San và Văn nghệ.

Vấn đề rối rắm đầu tiên là sự không đồng nhất giữa nhiệm vụ của các trưởng ban trong biên bản và sự loan báo trong diễn đàn và trang web của Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang. Trong khi nhiều người tập trung vào phần hành và nhiệm vụ của mình thì trưởng ban Trần Mạnh Hùng ôm đồm ghi tên của anh trong hầu hết các ban như văn nghệ, báo chí và thông tin. Anh đã làm cho trưởng ban văn nghệ Tuyết Lan chán nản, bỏ mặc đến đâu hay đến đó rồi nhường chức. May mắn cho Tuyết Lan và cả ban văn nghệ là Phan Công Chương đã đứng ra lãnh trách nhiệm làm trưởng ban văn nghệ  cho cả hai đêm Tiền Hội Ngộ và Hội Ngộ.

Vấn đề rối rắm thứ hai là sự chuyển giao nhiệm vụ Biên Tập từ anh Nguyễn Văn Bé và anh Phùng Văn Nguyên đến anh Phạm Bá Vinh. Nếu trong ngày anh Phạm Bá Vinh nhận trách nhiệm này, mọi người vui vẻ ca tụng anh Phạm Bá Vinh là người kỳ cựu trong ngành báo chí văn thơ và Đặc San 2011 sẽ là một Đặc San tuyệt vời nhất trong các Đặc San của Võ Tánh và Nữ Trung Học xuất bản từ trước tới nay, thì cách ngày Hội Ngộ một tháng ấy, tất cả mọi người từ trưởng ban đến thường ban đều hoang mang không biết Đặc San đã có được mấy bài, trình bày ra sao và nội dung như thế nào. Nguyên do của sự rối rắm này là không ai có thể liên lạc với anh Phạm Bá Vinh từ khi anh dọn nhà sang Texas. Anh Vinh không thường xuyên liên lạc với Ban Tổ Chức và không trả lời điện thư của các anh chị em trong nhóm có lẽ vì anh không muốn bị xao nhãng trong lúc hoàn thành Đặc San một mình nhưng anh đã không hổ danh là chủ nhiệm báo Sóng Thần vì anh đã cho ban tổ chức Hội Ngộ 2011 một phen khiếp vía với  một con sóng cao to và đen ngòm mà người ngồi trên đầu ngọn sóng là trưởng ban Võ Tánh Trần Mạnh Hùng. Anh Hùng,trước những câu hỏi không thể trả lời và những lời hối thúc của mọi người, thường lấy  điện thoại cầm tay gọi anh Vinh ra sau góc sân nhà của anh Bé hoặc là sau sân nhà của anh Nguyên để to nhỏ. Lần nào cũng vậy, khoảng mười phút sau, anh Hùng trở vào với đôi mắt thất thần nhưng cố gắng trấn an chúng tôi là “Anh Vinh nói là ảnh bận lắm nên không check email. Ảnh đang cố gắng hoàn thành Đặc San đó anh em đừng lo!” Khuôn mặt bất an của anh Hùng đã khiến chúng tôi không tin tưởng rằng chúng tôi sẽ có Đặc San trong ngày Hội Ngộ. Một số nam sinh Võ Tánh đề nghị anh Hùng năn nỉ anh Phạm Bá Vinh gửi những bài mà  anh Phạm Bá Vinh đã  sắp xếp trong Đặc San để các anh trong ban biên tập phụ anh kiểm tra nội dung và văn phạm.

            Các tiết mục cho chương trình văn nghệ cũng là vấn đề phức tạp và nan giải trước ngày Hội Ngộ. Trong khi anh Trần Việt Tân đề nghị thuê ca sĩ hát vì anh lo lắng giá vé của khách dự không tương xứng với sự phục vụ của Ban Tổ Chức Hội Ngộ thì tôi đề nghị học sinh hai trường VT- NTH nên tham gia các tiết mục để thể hiện thực lực của hai trường đã từng có tiếng có nhiều màn văn nghệ đặc sắc. Mọi người than phiền là không có thì giờ tập văn nghệ, nhất là bài hoạt kịch Chi Lăng do tôi đề nghị cần quá nhiều người. Anh Hùng tán thành chuyện Hội Ngộ của trường nên để học sinh trường tham gia hơn là  thuê ca sĩ chuyên nghiệp nhưng anh không có cách giải quyết nào hơn là ghi tên anh trong hầu hết các mục   tiết mục văn nghệ từ đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca, ngũ ca, và hợp ca với những bài của thập niên 60 và những bài do chính anh sáng tác. May mắn thay, anh Mỹ cho biết là chị Thúy Anh, vợ anh, có thể giúp ban tổ chức tập Hoạt Cảnh Huyền Trân và Jennifer con gái  anh có thể đóng vai Huyền Trân và hát bài Quốc Ca Mỹ. Tôi đã quá sức mừng rỡ vì không phải tập hoạt kịch Lê Lai Lê Lợi nhưng lại thêm một phen năn nỉ Tuyết Mai đóng vai tì nữ cho công chúa Huyền Trân.


                                                           *
*                    *



            Tôi nghĩ rằng tôi phải dừng lại nơi đây để giới thiệu cô bạnTuyết Mai với Nhật Ký của mình. Các bạn tôi thường chọc Tuyết Mai là bạn zàng của tôi vì họ thường thấy Tuyết Mai và tôi luôn luôn bên nhau khi xuất hiện giữa đám bạn bè.  Bạn bè tưởng rằng chúng tôi đã thân nhau từ khi chúng tôi còn học chung trường Nữ Trung Học Nha Trang( Sau đổi tên là nữ trung học Huyền Trân Nha Trang) trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến tận đến bây giờ. Thực ra, Tuyết Mai, nhỏ thua tôi một tuổi và học thua tôi một lớp. Trong khi tôi học lớp 12 C thì Tuyết Mai học lớp 11 C. Tôi tưởng Tuyết Mai là người chơi trống cho ban nhạc của trường nữ trung học Huyền Trân mà tôi từng ngưỡng mộ trong thời áo trắng  nhưng sau này tôi mới biết không phải là người tôi từng ao ước được có dịp làm quen và chơi thân.

Vào năm 2005, khi tôi cùng bạn bè nhóm Chợ Chồm Hổm tham gia Hội Ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học tại Houston Texas, chồng tôi gọi báo cho tôi biết có một người tên Tuyết Mai gọi đến mua sách và nói rằng học chung trường nữ trung học Huyền Trân với tôi trước năm 1975. Vì biết tôi không có ở nhà, Tuyết Mai nói là chờ tôi về rồi mới đến nhà mua sách. Tôi về nhà được hai hôm, Tuyết Mai đến nhà như đã hẹn. Sau khi mua sách xong, Tuyết Mai nói vợ chồng chúng tôi đem sách theo nàng để nàng giới thiệu bạn thân của chồng nàng, cũng là cựu học sinh trường nam trung học Võ Tánh, mua sách cho tôi. Chồng tôi và tôi đã nghe lời nàng, lái xe vùn vụt theo xe nàng để đi đến nhà độc giả không mời mà đến. Người bị mua sách là anh Nguyễn Văn Tốt, nam sinh trường Võ Tánh cùng với anh Lập chồng của Tuyết Mai và anh Hiệp chồng tôi. Tôi không nhớ Tuyết Mai nêu lý do gì mà anh Tốt này đã ngoan ngoãn nghe lời mua sách cho tôi trong lúc Mỹ Thanh, vợ anh mời chúng tôi ăn món cá hấp cuốn bánh tráng với mắm nêm.

Sau ngày hôm ấy, vợ chồng tôi được Tuyết Mai mời đến nhà để nàng giới thiệu chúng tôi với chồng  nàng. Chúng tôi còn được làm quen với ba đứa con trai và con gái Út của Tuyết Mai. Sau một hồi nói chuyện với những người trong gia đình Tuyết Mai, tôi nhận ra Tuấn và Trung, hai đứa con trai đầu của Tuyết Mai, trước đây từng là Hướng Đạo sinh của liên đoàn Hướng Đạo Potomac. Tôi cho Tuyết Mai biết tôi đang  làm trưởng Hướng Đạo của liên đoàn Chi Lăng  tại Hoa Thịnh Đốn và hay chở con tôi vào đó để sinh hoạt. Tuyết Mai lấy làm thích thú khi nghe tin này. Nàng nói với tôi là nàng muốn Toàn, con trai thứ ba của nàng được nhập đoàn Hướng Đạo Chi Lăng để cháu có cơ hội học hỏi nhiều điều hay trong sinh hoạt Hướng Đạo và có dịp giao tiếp bên ngoài nhiều hơn. Tôi vui vẻ nhận lời  giúp Tuyết Mai ghi danh cho Toàn vào liên đoàn Chi Lăng đồng thời dặn Tuyết Mai chở Toàn đến nhà tôi vào sáng thứ Bảy để tôi chở Toàn cùng ba đứa con trai của tôi vào Hoa Thịnh Đốn họp đoàn. Thỉnh thoảng, liên đoàn Hướng Đạo cắm trại hay những sinh hoạt khác, tôi báo cho Tuyết Mai biết và dặn nàng chở Toàn đến nhà tôi rồi tôi lo cho Toàn chu tất như cho những đứa con của tôi.  Toàn sinh hoạt với liên đoàn Hướng Đạo một năm thì không đi nữa vì liên đoàn Chi Lăng không còn Hướng Đạo sinh. Phần lớn Hướng Đạo sinh rời Hoa Thịnh Đốn về ở Virginia hay Maryland, một số khác vào Đại Học. Vợ chồng tôi phải chuyển ba đứa con trai của chúng tôi về liên đoàn Hướng Đạo Potomac. Để vào đoàn này phụ huynh phải ghi danh cho con mình nhưng Tuyết Mai khá bận rộn nên Toàn không còn sinh hoạt Hướng Đạo.

Tuyết Mai là người rộng rãi, cởi mở và thường quan tâm đến mọi người xung quanh.Từ lúc gặp tôi, và có lẽ tôi là đồng môn duy nhất của Tuyết Mai trong vùng Maryland nên nàng thường tỏ ra quan tâm đến tôi và những lợi ích của tôi. Sống trong căn nhà mới đẹp với các phòng rộng rãi và bồn tắm spas, Tuyết Mai tỏ vẻ ái ngại khi nhìn tôi sống trong căn nhà có cửa kính dán băng keo cho những chỗ vỡ và sàn gỗ long lở. Nàng khuyên tôi rằng:

            “Hiện thời nhà đang hạ, Cung Lan nên mua nhà mới để sống thoải mái khang trang!” 
Tôi lắc đầu:

 “Thôi đi người đẹp! Mình phải lo toan nhiều thứ lắm, ở nhà cũ như vầy cho yên thân. Coi đi ! Mình có ba đứa con, không bà con thân thích ở đây làm sao mình dám mua nhà mới như Tuyết Mai được?”

Tuyết Mai hỏi vặn:

“Sao Tuyết Mai có bốn đứa con mà vẫn mua nhà mới được? Tại Cung Lan không muốn, chứ muốn là được thôi. Đã năm mươi tuổi rồi mà không chịu hưởng lạc thú trên đời thì chờ đến khi nào!”

 Tôi lắc đầu, viện cớ:

 “Tụi con của Cung Lan không chịu đâu. Mua nhà mới lại phải dọn đi xa, tụi con Lan phải học trường khác.Tụi nó quen bạn bè ở trường tụi nó đang học rồi! Đời nào tụi nó chịu dời chỗ khác!” 

Chào thua với tính cương quyết của tôi, Tuyết Mai không đề cập gì đến chuyện mua nhà mới nữa.

Vài tuần sau đó Tuyết Mai gọi điện thoại mời tôi và gia đình tôi đi du thuyền và câu cá. Nàng nói :

            “Lan ơi! Chủ Nhật này lái xe đưa tụi nhỏ đến nhà mình rồi tụi mình đi biển chơi nhen. Ra ngoài đó tụi mình tắm, du thuyền, câu cá rồi nướng thịt ăn đến chiều về. Mai đã ướp thịt gà thịt bò và mua đầy đủ  thức ăn nước uống rồi, chỉ cần hai vợ chồng Lan và mấy đứa nhỏ tháp tùng thôi.”

            Tôi từ chối ngay:

“Chủ Nhật này hả? Lan phải đi làm chứ đâu có được nghỉ.” 

Mai thở dài giọng trách móc:

“Lại đi làm! Bộ không có lúc nào rảnh hết hả? Thứ bảy thì nói bận đi Hướng Đạo chủ nhật thì nói bận làm nail, làm tóc. Mai đã lo tất cả chỉ cần Lan đi thôi mà cũng không đi! Lan cứ lo làm đi rồi đến khi già không đi được nữa thì đừng có tiếc.” 

Mặc cho Tuyết Mai phân giải thiệt hơn thể nào tôi nhất định không nghe theo.

                                                  *****
Nhưng sau đó, tôi đã đưa cả gia đình tôi đến nhà Tuyết Mai nhiều lần để ăn giỗ, ăn mừng lễ Tạ Ơn, ăn mừng lễ Giáng Sinh và ăn mừng Giao Thừa để đón tết Nguyên Đán. Gia đình chúng tôi thân với gia đình Tuyết Mai như họ hàng và Tuyết Mai đối với tôi đậm đà hơn cả tình bà con ruột thịt. Vốn là người thích trồng hoa, Tuyết Mai có rất nhiều chậu hoa Lan tươi đẹp  trong nhà và còn sưu tầm cả các loại hoa huệ đặc biệt khác nữa.

Mùa xuân năm ấy, khi Tuyết Mai thấy tôi chiêm ngưỡng đóa hoa lan huệ đỏ thẫm lớn cánh của nàng một cách say mê, nàng tìm cách ươm giống và tặng cho tôi một củ ngay.  Mùa tết dương lịch năm sau, khi Tuyết Mai đến nhà tôi, nàng tỏ ra vui mừng khi thấy đóa hoa lan huệ tươi đẹp trong căn phòng khách của tôi. Nàng vui vẻ nói: “Đầu năm mà Cung Lan có hoa nở đẹp như vầy là cả năm gặp nhiều may mắn đó nhen. Không hiểu sao tết năm nay, loại hoa này ở nhà Mai không có cái hoa nào.” Tôi ghẹo: “Chắc có lẽ Mai đã cho cái hên của Mai cho Cung Lan rồi!”  Tuyết Mai mỉm cười không đáp. Nàng chăm chú ngắm đóa hoa tuyệt mỹ của tôi với khuôn mặt đầy vẻ hài lòng.

Tình bạn của Tuyết Mai và tôi ngày càng đậm đà và tình thương mến của Tuyết Mai dành cho tôi ngày càng nhiều hơn. Hàng ngày, chúng tôi thường nói chuyện với nhau qua điện thoại vào lúc mười một giờ đêm, thời gian Tuyết Mai lái xe từ sở làm về nhà. Có khi hai đứa chúng tôi nói chuyện với nhau cả hai ba tiếng đồng hồ vào những ngày cuối tuần. Những khi chúng tôi không nói chuyện với nhau là lúc Tuyết Mai du lịch xa với gia đình. Sau mỗi chuyến đi chơi ấy, tôi thường nhận rất nhiều quà của nàng như áo sườn xám từ California, áo dài, giày, dép, kẹp tóc từ Việt Nam và nhiều thứ trái cây từ Florida. Tình cảm của Tuyết Mai dành cho tôi càng thắm thiết thì lối xưng hô của Tuyết Mai đối với tôi ngày thân mật đến cao độ.Thoạt đầu Tuyết Mai gọi và xưng là “Cung Lan/Tuyết Mai” rồi đến “Lan/Mai” rồi “Lan/mình”, rồi đến “Bồ/tui”, và sau rốt là “Bà/tui”. Đặc biệt là mỗi lần Tuyết Mai nói đến những mối lợi mà tôi sắp sửa có thì nàng gọi tôi với hai chữ “Bà Lan! Bà Lan” với giọng hết sức hào hứng.

Một ngày nọ, Tuyết Mai gọi tôi với giọng mừng rỡ như vừa được trúng số:

“Bà Lan! Bà Lan! Bà muốn ăn bánh bèo không thì đi với tui tới nhà anh Hưng ăn.”

Tôi ngớ ngẩn hỏi lại:

“Chớ anh Hưng là anh nào mà bà mời tui đi ăn?”

Giọng nói của Tuyết Mai liếng thoắng ở từ đầu giây bên kia:

 “Anh Hưng này là bạn hàng xóm với tui ở Nha Trang đó! Tui mới liên lạc với ảnh. Ảnh mời tui tới nhà ảnh ăn bánh bèo. Vợ ảnh làm bánh bèo trong chén ngon lắm.”

“Trời! bạn bà mời thì bà đi ăn chớ bà rủ tui làm chi. Ai mà đi ăn theo kiểu kỳ cục như vậy?”
           
“Thì ổng mời tui mà bà bạn tui, tui mời bà đi không được sao? Vợ ổng làm nhiều lắm, đi với tui cho vui. Không sao đâu mà!”

 “Thôi đi bà ơi! Tui không đi đâu!”

“Vậy là không đi phải không?”

“Ừ, không đi.”

 “Không đi thì thôi! Vậy bà có muốn gửi gì về Việt Nam không?Ảnh sắp về việt Nam rồi, ảnh nói tui muốn gửi quà gì về nhà, ảnh lấy dùm cho. Bà muốn gửi gì về cho má bà thì đem qua cho tui tui gửi luôn cho.”
 
“Mà tui đâu có quen anh Hưng đó đâu mà nói ảnh đem quà tới nhà má tui.”

“Bà cứ gửi cho tui, tui gói lại gửi chung về địa chỉ nhà tui rồi tui nhờ em tui chuyển lên cho má bà.”

“Vậy chắc tui gửi mấy hộp thuốc. Cảm ơn Mai trước nhen.”

*
                                                                              *         *

Cách ngày Hội Ngộ khoảng một tháng, Tuyết Mai gọi điện cho tôi với giọng thỏ thẻ:
“Bà Lan, Bà Lan! Tui mới liên lạc với thằng Thành bạn hàng xóm của tui ở Nha Trang đó !”

“Lại bạn hàng xóm! Sao dạo này bà liên lạc được nhiều bạn hàng xóm quá vậy?”

“Thì tại thằng Thành này cũng mua vé dự Hội Ngộ VT-NTH 2010 nên nó biết tui cũng mua vé đi dự. Nó nói vợ nó giận nó dắt con về ngoại rồi nên nó nói tụi mình sang San José thì ở nhà nó. Nhà nó có nhiều phòng lắm lại gần nhà hàng nơi tổ chức tiệc Hội Ngộ của trường mình nữa. Nó nói nó có xe van lớn. Tụi mình sang đó, nó lấy xe chở cả bọn đi chơi, không phải mướn xe gì cả.”

“Thôi đi bà ơi! Tuyết Lan với Bạch Mai Anh không chịu đâu! Tụi nó không muốn làm phiền ai nên tính thuê khách sạn rồi!”

            “Muốn thuê khách sạn thì tui ở khách sạn với mấy bà nhưng mà người ta có nhà lớn nhiều phòng cho ở mà không ở thì uổng. Bà khuyên tụi nó ở nhà thằng Thành đi. Tính thằng Thành dễ thương lắm. Nó như em Út của tụi mình, không ngại gì cả!”

Tôi nói xuôi theo hàng hai:

“Thôi được, để tui nói tụi nó. Hễ tụi nói chịu thì tụi mình ở nhà thằng Thành của bà, còn không chịu thì mình ở khách sạn nhen.”

Mặc dù nói cho Tuyết Mai an lòng như thế, tôi không hề gọi báo cho Bạch Mai Anh và Tuyết Lan chuyện ở miễn phí tại nhà thằng Thành của Tuyết Mai. Tôi biết hai nàng này không bao giờ chấp thuận làm một chuyện kỳ lạ như thế. Hơn nữa, Tuyết Lan đã gọi báo cho tôi biết là hội trưởng Bích Lan đã dọn ba phòng ngủ cho bốn đứa chúng tôi và mẹ con Minh Tuyết ở nhà nàng.

Thời gian gần đi dự Hội Ngộ tôi quá bận rộn nên không liên lạc thường xuyên với Tuyết Mai và cũng không báo cho Tuyết Mai biết chuyện nhóm CCH miền Đông chúng tôi sẽ ở nhà Bích Lan. Đến ngày lên đường, Tuyết Mai gọi điện cho tôi với giọng hớt ha hớt hãi:

“Bà Lan ơi bà Lan! Vợ thằng Thành về rồi!”

Tôi tức cười quá nhưng cố giữ giọng bình thản hỏi vặn:

“Vợ thằng Thành về thì làm sao chớ?”

“Thì tụi mình không ở nhà nó được nữa chớ sao!”

 Tôi tiếp tục hỏi cắc cớ:

“Ủa ? Mấy bữa trước bà nói nhà tụi nó rộng, có nhiều phòng muốn ở mấy thì ở. Nay bà nói có vợ con nó về, không ở được. Bộ vợ con nó về rồi nhà nó nhỏ lại hả?”

“Bà này! Tui nói thật tình mà bà cứ giỡn hoài!”

“Ủa? Tui cũng nói thiệt chớ giỡn với bà sao? Bà nói tui cản tụi Tuyết Lan, Bạch Mai Anh không thuê khách sạn rồi nói tui khuyên tụi nó ở nhà 'thằng Thành của bà'. Bây giờ bà nói không có chỗ ở, vậy ngày mai qua đó, mình ở đâu đây?”

Tuyết Mai nói với giọng lo lắng:

“Ai biết chuyện như vầy đâu nà? Bửa trước nó nói vợ nó giận đi luôn không về ! Ai nhè bây giờ vợ nó về!”

Tôi vẫn giữ giọng căng thẳng:

“Đó! Tui đã nói không rồi mà bà không chịu nghe. Cứ khăng khăng nhất định ở nhà 'thằng Thành' cho nên không ai thuê khách sạn hết! Bây giờ bà lo tính làm sao để có chỗ ở đi! Ngày mai lên đường rồi giờ chưa thuê khách sạn ở đâu cho biết!”

Tuyết Mai chép miệng, than:

            “Giờ biết làm sao đây ta?”

            Tôi phá ra cười:

“Thôi đừng lo nữa người đẹp ơi! Mình đã có chỗ ở rồi!”

 “Vậy chớ mình ở đâu?”

“Bích Lan nói tụi mình tới nhà Bích Lan ở.”

“Cả bọn mình hả?”

            “Ừ cả bốn đứa tụi mình còn có thêm mẹ con Minh Tuyết nữa.”

Tuyết Mai thở phào với giọng nhẹ nhõm:

“Vậy thì  đỡ quá! Bất quá, tụi mình ngủ ở sô pha phòng khách của Bích Lan cũng được!”

Tôi cười khoái chí:

“Có một sô pha làm sao đủ cho bốn năm người ngủ. Ghế sô pha thì để tụi tui ngủ còn cho bà ngủ đứng để trị cái tội đòi ở nhà thằng Thành!”

                                                                *
                                                *                             *

Hoàng Hà Huyền Hương, bạn cùng trường Nữ Trung Học Nha Trang( sau đổi tên nữ trung học Huyền Trân Nha Trang) với Tuyết Mai và tôi, tán thành nhận định của tôi rằng Tuyết Mai có tính thương bạn bẩm sinh. Khi Huyền Hương kể cho tôi nghe những việc làm hết lòng vì bạn của Tuyết Mai trong thời trung học xa xưa,  tôi kể cho Huyền Hương nghe những việc Tuyết Mai giúp cho những người không có phương tiện đi lại như Thanh Tùng và tôi đi họp ban tổ chức Hội Ngộ Võ Tánh và Nữ Trung Học 2011. Cứ mỗi ngày chủ nhật, Tuyết Mai lái xe đến đón Thanh Tùng và tôi để đưa chúng tôi sang Virginia họp rồi đưa chúng tôi về tận nhà mà không tỏ ra chút phiền hà. Tôi kể cho Huyền Hương nghe là Tuyết Mai đón đưa chúng tôi như là một cái thú và dịp để nàng tâm sự đủ thứ chuyện trên đời. Bởi thích nói và để tâm vào câu chuyện đang nói hơn là địa chỉ của nơi đến mà lần nào đi họp nàng cũng lái hụt exit, có hôm cạn cả bình xăng. Huyền Hương cười đáp lại rằng:

“Tuyết Mai thích có bạn để tâm tình lắm nhưng mà Tuyết Mai than với Huyền Hương là Tuyết Mai không muốn vô ban tổ chức. Sở dĩ Tuyết Mai vô ban tổ chức vì sợ bị Cung Lan giận. Tuyết Mai nói là tưởng vô trong ban tổ chức chỉ lo phần hành tiếp tân, bán Đặc San hay nấu ăn cho picnic thôi nào dè  Tuyết Mai còn bị Cung Lan rủ rê vào ban văn nghệ.”
Tôi phân bua:

            “Ừ thì Hội Ngộ năm nào trường mình không có Văn nghệ! Nhưng bên vùng Washington D.C này ít người quá nên các thành viên trong ban tổ chức đều phải làm hai ba việc cả Huyền Hương à!”

“Ừ thì Tuyết Mai cũng nói vậy nhưng Tuyết Mai nói giọng tếu lâm làm Huyền Hương cười muốn bể bụng.”

“Tuyết Mai nói gì mà Huyền Hương cười dữ vậy?”

“Thì Tuyết Mai nói là sợ Cung Lan giận nên vô ban tổ chức. Vô ban tổ chức rồi Cung Lan bắt Tuyết Mai vào ban văn nghệ giả trai làm lính. Mà kịch Lê Lai Lê Lợi gì đó cần mười hai người nam cho nên Cung Lan không những bắt Tuyết Mai làm lính mà còn bắt cả chồng con Cung Lan  và chồng con Tuyết Mai cũng làm lính nữa.”

“Đúng vậy đó Huyền Hương ! Lúc đó Cung Lan cũng phải giả trai làm lính nữa chứ không có đủ người. Phần lớn mấy anh chị trong ban tổ chức đều ở Virginia, chỉ có Tuyết Mai, Thanh Tùng, Chư, anh Tốt và Cung Lan ở Maryland thôi!  Muốn  có hoạt kịch này chỉ có mấy người ở Maryland mới tập được mà ai cũng bận nên cái hoạt kịch đó bỏ rồi !”
 “Ừ Tuyết Mai cũng kể là Tuyết Mai rất mừng khi nghe các anh chị trong ban tổ chức quyết định bỏ  hoạt kịch Lê Lai Lê Lợi. Ai dè có anh Mỹ nào đó nói sẽ nhờ vợ ảnh bày hoạt kịch Huyền Trân công chúa, thế là Cung Lan rủ Tuyết Mai vào đóng hoạt kịch này ngay. Lúc Tuyết Mai kể, Huyền Hương nghe không rõ, hỏi Tuyết Mai lại là 'Ủa Cung Lan nói Tuyết Mai đóng vai công chúa Huyền Trân hả ?' Tuyết Mai trả lời ngay 'Phải chi cho Tuyết Mai đóng công chúa Huyền Trân thì phước rồi, hết kêu đóng lính cho Lê Lợi giờ kêu đóng tì nữ cho Huyền Trân mới khổ!' Mà Tuyết Mai nói với giọng têu tếu làm Huyền Hương cười muốn chết !”

Tôi đáp:

“Ừ Tuyết Mai cứ than với Cung Lan là tui năm bó rồi mà bà không tha còn bắt tui đóng vai này vai nọ. Ngày nào Tuyết Mai chở Cung Lan đi họp cũng than với Cung Lan là lỏng đầu gối, nhức chân rồi quở sao Cung Lan sung quá vậy ...nhưng mà nàng đến chỗ họp thì vui như tết. Hết làm trò lại nói chuyện tếu lâm cho mọi người cười.”

Lần điện đàm nào với Huyền Hương, hai đứa tôi cũng cười nắc nẻ nhưng chỉ nói chuyện với nhau trong thời gian rất ngắn. Huyền Hương thường xin lỗi phải ngưng giữa chừng vì nàng nói phải tiếp khách mua hàng mỹ phẩm. Cho nên, tôi không thể kể cho Huyền Hương  thêm những chuyện vui mà Tuyết Mai đã cho tôi trong những lần họp với anh chị em trong ban tổ chức Hội Ngộ. Một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là ngày tôi bị mang tiếng ngầm là người phá rối một buổi họp trang nghiêm.

Ngày chủ nhật hôm đó,  tại cái bàn lớn và dài trong phòng khách của anh Bé và nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ,anh Trần Mạnh Hùng, chủ tọa cuộc họp, đang bàn tính hết sức căng thẳng chuyện đặt nhà hàng và cách sắp xếp chỗ ngồi, thì những người ngồi gần Tuyết Mai cười khúc khích hoài đến độ Hoàng Anh phải dịch sang gần chỗ những người đang nói, Hoàng Mơ phải nghiêng tai nghe những lời bàn bạc trong lúc đánh máy ghi biên bản, Tuyết Lan phải la :”Học sinh im !” và anh Trần Mạnh Hùng cau mày nhìn về phía chúng tôi rồi nói với tôi với giọng bất bình rằng : “Cung Lan! Cung Lan! Em làm ơn đừng nói nữa, tập trung nghe mấy anh chị bàn chuyện đã!” Tôi bị la như vậy cũng đáng nhưng thực tình nguyên nhân cũng tại những người ngồi quanh tôi và nhất là tại nhân vật chính  Tuyết Mai.

Cũng ngày chủ nhật hôm đó, tôi tưởng không đi họp được vì không có phương tiện đi lại nhưng cuối cùng Tuyết Mai cũng đến đón tôi. Nàng nói không muốn bỏ họp vì nhớ ban tổ chức nhưng tới đón tôi trễ vì mới ở phòng cấp cứu ra. Tôi kinh ngạc hỏi nguyên nhân và được biết là Tuyết Mai vào bệnh viện điều trị vì bị nhiễm nặng chất độc từ  dây trường xuân có độc(poison ivy). Đến họp ban tổ chức, Tuyết Mai không những kể cho những người ngồi gần biết chuyện nàng mới được phóng thích từ phòng cấp cứu mà còn vén tay áo cho chúng tôi coi những vết thâm bầm trên hai cánh tay.

Nói xong, nàng đi vào nhà bếp rồi trở ra với chiếc đĩa trên tay. Đĩa thức ăn của Tuyết Mai vừa đặt trên bàn,  chị Linh Đỗ thảng thốt nói ngay :

“Tuyết Mai ! Tuyết Mai đang bị dị ứng chất độc mà ăn gỏi đồ biển không được đâu!”

Tuyết Mai ngần ngừ hỏi lại:

            “ Ủa vậy hả chị ? “

Anh Tốt đáp thay chị Linh Đỗ:

“Đúng rồi ! Tuyết Mai bị dị ứng sưng đầy tay như vậy mà ăn tôm vào càng bị sưng nhiều hơn nữa. Tuyết Mai để tụi này ăn dùm cho !”

Tuyết Mai ưng thuận  đẩy chiếc đĩa của nàng tới trước mặt chị Linh Đỗ và anh Tốt rồi trở lại  nhà bếp. Nhà bếp của anh Bé và chị Ngôn Ngữ có nhiều thức ăn đã bày trên bàn ăn nhưng không ai muốn rời ghế để lấy vì buổi họp đã bắt đầu. Mấy cái gỏi cuốn và  gỏi do Tuyết Mai lấy được phân xớt sạch sẽ bởi những người ngồi khúc  cuối bàn, xa chủ tọa.

Tuyết Mai trở lại chỗ chúng tôi với chiếc đĩa khác. Nàng vừa ngồi xuống tưởng được thưởng thức thức ăn  trong chiếc đĩa này trong khi nghe cử tọa bàn chuyện trong buổi họp thì anh Tốt lại nói :

“Tuyết Mai bị dị ứng sưng tay mà xôi dừa với bánh khoai mì thì càng chết nữa!”

Tuyết Mai phản đối:

“Gì kỳ vậy ? Sao tui lấy món gì ông cũng nói là  ăn không được  vậy? “

“ Tui nói thật đó ! Không tin bà hỏi mấy chị ở đây coi ! Dừa với khoai mì độc ghê lắm. Bà đừng ăn, để tui ăn dùm cho !” Anh Tốt đáp.

 Nhìn hai người đối đáp với hai khuôn mặt đau khổ và lém lĩnh, chúng tôi ai nấy đều phì cười. Tôi không những cười mà còn xác nhận :

 “Đúng đó Tuyết Mai, bị dị ứng sưng khắp cả người mà ăn xôi rồi dừa rồi khoai mì thì mấy thứ này làm mưng mủ không trị được đâu.”

Đang nói, tôi bị  anh Trần Mạnh Hùng bị bắt quả tang và nghĩ tôi là người  làm cho những  người  ở cuối bàn cười giỡn ồn ào, phá rối phần quan trọng của cuộc họp. Cảm giác của tôi lúc ấy như Thùy My  bị thầy bắt gặp ăn vụng trong lớp do bạn bè xúi.
                                                                        *
                                                            *                      *
Tôi còn muốn kể cho Huyền Hương nghe những chuyện thầm kín của tôi khi làm thành viên của ban tổ chức. Ngoài những chuyện giả trai đóng vai lính hay làm tì nữ cho công chúa mà Tuyết Mai than thở với Huyền Hương, tôi còn bị ghi tên trong những tiết mục song ca, tam ca, tứ ca, ngũ ca và hợp ca. Mỗi lần họp là tôi lại thấy tên mình với một bài hát nào đó và tôi phải tập bằng cách nghe từ mp3 hay youtube. Để chắc ăn, tôi còn lấy máy cassette thâu rồi mở vang lừng cả nhà để làm việc ở đâu tôi cũng có thể nghe và thuộc bài hát. Tôi tập bài hợp ca Vui Ngày Họp mặt do anh Trần Mạnh Hùng sáng tác từ thơ của Người Xứ Vạn ( anh Nguyễn Văn Sanh ở Úc), rồi bài Tôi Muốn Yêu Người Yêu Đời của Lê Hựu Hà, rồi Bài Ca Hạnh Ngộ của Lê Uyên Phương, rồi Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ và Áo Trắng Học Trò của thầy Đặng Ngọc Ẩn. Khổ thân cho chồng và ba đứa con trai của tôi, tất cả thành viên gia đình tôi đều thuộc các bài hát mà tôi tập và đặc biệt nhất là thuộc bài Áo Trắng Học Trò vì đây là bài tôi hát nhiều nhất. Đây là bài mà tôi chính thức được hát trong buổi trình diễn văn nghệ. Những bài hát khác chỉ tập nhưng không được hát vì sự thay đổi theo thời gian và khả năng hát “quá hay” của tôi.

Tôi lấy làm tiếc là không có đủ thời gian để kể cho Huyền Hương nghe chi tiết về tâm và tài của những người trong ban tổ chức Hội Ngộ năm 2011 như :

1.  Anh Bé và chị Phan Thị Ngôn Ngữ đã cho cả ban tổ chức đến  nhà họp thường xuyên và xem chúng tôi như anh em trong nhà. Chúng tôi tự do đi lại và sử dụng các vật dụng trong nhà một cách tự nhiên và thoải mái như nhà của chúng tôi. Anh chị còn  tiếp đãi thầy cô Bùi Ngoạn Lạc tại nhà anh chị một cách lịch sự và tế nhị.

   2. Anh Bùi Dương Liêm và vợ là chị Bé Bảy không quản thì giờ thu hình rất nhiều lần cho chúng tôi. Anh Bùi Dương Liêm đã vẽ tranh cho đặc san Hội Ngộ 2011 và phông cho sân khấu của hai ngày tiền Hội Ngộ và Hội Ngộ.Ngoài ra, anh Bùi Dương Liêm còn là MC cho các buổi tiền Hội Ngộ và đêm Hội Ngộ chính thức của hai trường Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang

3. Anh Trần Việt Tân, chủ nhiệm báo Đời Nay, đã quảng cáo miễn phí  ngày Hội Ngộ VT-NTH trên trang báo của anh. Anh còn rộng rãi đãi ban tổ chức VT-NTH tại nhà hàng Buffet và mừng Hội Ngộ thành công tại nhà anh Trần Mạnh Hùng.

  4. Anh Phùng Văn Nguyên là thành viên trong ban biên tập của đặc san VT-NTH 2011 nhưng anh còn phải kiêm thêm nhiều công việc khác như bán vé và sắp xếp chỗ ngồi cho đêm Hội Ngộ. Anh còn quan tâm nhiều đến chương trình văn nghệ của trường nên đã săn lùng những tài năng của trường trong vùng và đã giới thiệu vợ chồng anh Nguyễn Tiến Việt tham gia tiết mục song ca. Trong đêm Hội Ngộ, anh còn qua tâm đến sự thưởng thức của khán giả với các tiết mục văn nghệ của trường. Anh đã yêu cầu các nhiếp ảnh gia ngồi xuống chụp hình để tránh chuyện chắn tầm nhìn của khách ngồi ở các bàn sau trong khi màn hoạt kịch công chúa Huyền Trân trình diễn.

5.         Anh Phạm Bá Vinh là biên tập viên đơn độc lay out cho Đặc San Hội Ngộ 2011.
6. Anh Trần Mạnh Hùng gan dạ lãnh chức vụ trưởng Ban Tổ Chức trong phút ban đầu còn ít nhân lực. Anh đã tham gia nhiều tiết mục văn nghệ, tạo điều kiện cho ban văn nghệ tập dợt tại nhà và tổ chức dạ tiệc mừng Hội Ngộ thành công cho tất cả đồng môn hai trường VT-NTH.

7. Anh Trần Thượng Toàn, nghệ sĩ tài hoa, vẽ logo cho áo thun của Hội NgộVT-NTH 2011

8. Phan Công Chương tập các bài hợp ca và làm trưởng ban Văn nghệ trong thời điểm cấp bách cho cả chương trình văn nghệ của tiền Hội Ngộ và đêm Hội Ngộ chính thức. Là người đóng vai tổng thống Bill Clinton nhưng vì bị giới thiệu nhầm tên anh Bùi Hiển, chồng chị Phan Anh, nên không giở mặt nạ ra khi chào khách. Chương cùng vợ là Thu đã lo sắp xếp chỗ ngồi qua hệ thống điện tử.

  9. Phạm Hữu Lành tuy ở xa nhưng vẫn giúp đỡ trong phần hành monitor Diễn Đàn và không quản ngại đóng vai vũ nam Hawaii cho màn văn nghệ Hóa Trang
   10. Anh nguyễn Minh Niên làm nức nở lòng thầy cô và bạn bè với bài ca những Ngày Xưa Thân Ái.Tuyết Hoa , em gái của anh  là nữ sinh của trường Thánh Tâm, tham dự đều đặn và hết lòng phụ giúp các chuyện cần thiết cho ban tổ chức, đặc biệt là tiếp tân trong ngày Hội Ngộ VT-NTH 2011.

   11. Lê Hoàng Anh đại diện cho trường Nữ Trung Học  đảm nhận chức vụ trưởng ban tổ chức. Là người đón thầy cô và bạn bè tại các phi trường, tiếp đãi nhóm Nữ trung Học 1977 tại nhà, và lo ẩm thực cho picnic Hội Ngộ 2011. Anh Bùi Dương Hưng, chồng Hoàng Anh không quản ngại giả gái để đóng vai vũ nữ trong màn văn nghệ Hoá Trang và phụ giúp nhiều công việc trọng yếu cho ban tổ chức.

   12. Anh Mỹ là ca sĩ chuyên nghiệp, góp cho chương trình văn nghệ một bài đơn ca. Ngoài ra, anh còn huy động cả vợ và con giúp vui trong chương trình văn nghệ. Chị Thúy Anh, vợ anh, đã tập hoạt cảnh Huyền Trân. Jennifer, con gái anh, đã hát quốc ca Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và đóng vai Huyền Trân Công Chúa. Cô bé đã làm cho quan khách  khâm phục giọng ca hùng hồn cao vút và nhỏ lệ trước cảnh công chúa Huyền Trân từ biệt Trần Khắc Chung.

   13. Anh Tốt không nề hà khi đóng vai tổng thống Obama hay lính hầu đưa công chúa Huyền Trân về Chiêm Thành. Vợ anh, Mỹ Thanh là thủ quỹ hết sức tận tâm. Nàng dâu Võ Tánh này đã  kê khai rõ ràng các con số thu chi và báo chi tiết cho chúng tôi mỗi tuần. Ngoài ra, Mỹ Thanh còn là người nội trợ giỏi. Nàng thường đem  những món ăn  đặc biệt do chính nàng nấu cho chúng tôi thưởng thức trong các buổi họp.

   14.Trần Hoàng Mơ được gọi là trái tim của ban tổ chức Hội Ngộ 2011. Là người rất rộng rãi và hết lòng với mọi người. Mỗi lần đi họp, Hoàng Mơ đem cả một nồi bún riêu, một nồi bún bò hay một khay nem nướng với đày đủ các món linh tinh khác như rau, bún, tương, mắm, chanh, hành, ớt tỏi.... Hoàng Mơ còn ra công trang hoàng các tập bìa cho hai bài hát hợp ca Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ và Áo trắng Học Trò với những chiếc dây ruy băng nhã nhặn và những chiếc hoa xinh xắn. Nàng tự bỏ tiền ra may sắm các vật dụng hóa trang cho vũ nam vũ nữ Hawaii và sao điện ảnh Cam Pu Chia cho tôi thủ vai. Hoàng Mơ còn thức khuya dậy sớm cùng Hoàng Anh và Thanh Tùng lo nấu nướng cho phần ẩm thực của picnic và hướng dẫn bạn bè du lịch các vùng phụ cận của Hoa Thịnh Đốn.

   15. Trần Thị Thanh Tùng còn gọi là 4T(Tình Tiền Tù Tội). Là người được giải nhất thư Tứ Tuyệt và đóng xuất sắc vai Monica Lewinski trong màn Hóa Trang.

   16. Phạm Ngọc Hoa( Hoa biển) đã giúp ban tổ chức đặt tặng phẩm cho các thầy cô và mua trang sức cho ban hợp ca. Nàng là ca sĩ nổi tiếng Sophia Lauren trong màn Hóa Trang và cùng Minh, con trai của nàng, đứng ra lo tổ chức các trò chơi cho ngày picnic.
17. Chị Linh Đỗ và chị Phan Anh là nhiếp ảnh gia của BTC. Hai chị đã chụp cho ban tổ chức chúng tôi nhiều bức ảnh đẹp, nhiều nhất là những tấm hình áo dài trắng mà chúng tôi chủ làm quảng cáo. Chị Linh Đỗ đóng rất xuất sắc trong vai ngoại trưởng Hillary Clinton và chị Phan Anh đóng vai cô gái Nhật nói tiếng Huế rất dễ thương. Anh Bùi Hiển, chồng chị Phan Anh và rể Nữ Trung Học đã giúp ban tổ chức đón thầy cô và đồng môn từ các phi trường.

   18. Phạm Tuyết Lan: Trưởng ban văn nghệ trong những ngày đầu của ban tổ chức. Tuyết Lan là ca sĩ với giọng hát trầm ấm tuyệt vời và là cô gái Ấn Độ xinh xắn trong màn Hóa Trang.

19. Ngô Tuyết Mai: đưa đón người đi họp, đón   người ở phi trường, tiếp đãi đồng môn tại nhà trong thời gian Hội Ngộ và là người vui nhộn trong picnic đã làm cho mọi người nhiều phen cười bể bụng.

   20. Chị Phạm Phan Lang, chị Diệu Nga, chị Nguyễn Bạch Tuyết, chị Kim Yến và chị Tố Anh là niên trưởng dù ở xa vẫn đến giúp đỡ chúng tôi tinh thần, vật chất và các tiết mục văn nghệ.

            Với nguyện vọng làm vui lòng thầy cô, bạn bè và mang lại vinh quang cho trường, anh chị em trong ban tổ chức chúng tôi đã không quản ngại chuyện góp công, góp của và sức lực cho Hội Ngộ VT-NTH 2011. Đáp lại tinh thần tự nguyện này, chúng tôi đã đem lại cho hai trường một Hội Ngộ thành công một cách không ngờ và đã tạo một ấn tượng khá đẹp cho tất cả các quý khách,thầy cô và đồng môn tham dự. Chúng tôi đã nhận rất nhiều thư chúc mừng và khen ngợi từ các thầy cô và đồng môn trong diễn đàn Võ Tánh Nữ Trung Học. Nhiều người cho rằng Hội Ngộ VT-NTH 2011 trội hơn các Hội Ngộ trước đó rất nhiều.

Không ai rõ chuyện hơn những người trong cuộc. Chỉ có chúng tôi, những người trực tiếp trong Ban Tổ Chức, mới hiểu chúng tôi đã thành công và thất bại trong những mặt nào và nguyên nhân do đâu. Dù sao, chúng tôi, những người không hề biết nhau trước đó, bận rộn công việc riêng từng cá nhân, đầu tiên tập tành tham gia tổ chức một Hội Ngộ, đã không tránh khỏi những lỗi lầm.Có lúc vì quá lo cho chương trình văn nghệ mà thành viên trong BTC đã phải ghi tên cho quá nhiều tiết mục, có lúc vì bận rộn việc làm riêng mà không trả lời tất cả những thắc mắc trong diễn đàn, có lúc vì lơ đễnh không cân bằng các ban và quên mất ban biên tập là một ban rất quan trọng nên đã thất thoát bài của các thầy cô và đồng môn và không đăng trong Đặc San sau những lần chuyểncác điện thư.

Ngày Hội Ngộ chính thức, thành viên trong ban tổ chức đều đóng tiền mua vé nhưng hầu hết chúng tôi không hề ăn gì vì dồn thời gian cho sự liên tục của chương trình. Áp lực bởi thời gian và những việc ngoài dự định, chúng tôi có lúc đã căng thẳng với những lời  nói nặng nề trong lúc tiến hành Hội Ngộ, nhưng rồi sau đó chúng tôi đã cười vui trong buổi tiệc tự chúc mừng nhau thành công trong nhà hàng Buffet. Mừng nhất là sau ngày Hội Ngộ một tuần, vùng Hoa Thịnh Đốn của chúng tôi có động đất vào ngày thứ ba và bão lớn. Nếu động đất và bão lớn đến sớm một tuần hay chúng tôi chọn tuần sau ngày 18 tháng 8 năm 2011, thì Hội Ngộ 2011 sẽ không được thành công như chúng tôi đã có. Đúng như thi sĩ Trần Thị Thanh Tùng đạt giải Thơ Tứ Tuyệt năm 2011 của  hai  trường VT-NTH đã ghi lại trong bài thơ lục bát sau:

...Hội Ngộ chỉ mới vừa xong
Động đất ...lúc lắc cái...phòng của tôi
Chưa kịp kiếm chỗ để chui
Thêm một trận bão...tối thui đất trời
Giờ đây ngẫm lại thấy... lời
Đến sớm một chút, tiêu đời bọn ta
May hồn...chưa phải hít hà
Tiếc công tập dợt hét la om sòm

Trời thương Hội Ngộ cũng...ngon
Thôi thì...quên lỗi sẽ còn vui hơn
Gặp nhau...nhám sẽ thành trơn
Nhậu say một bữa xóa cơn tam bành
Dù sao cũng chị, cũng anh
Nay còn, mai mất rành rành ai ơi...

                                                               *
                                                       *                        *
Khá nhiều khách tham dự thắc mắc về nguyên nhân khiến hai trường nam trung học Võ Tánh và nữ trung học Nha Trang trước năm 1975 thường tổ chức chung các buổi Hội Ngộ. Tôi không thể trả lời vì sao vì tôi không có dịp tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, từ sau lần Hội Ngộ đầu tiên năm 2004, hai trường trung học Võ tánh-Nữ Trung Học trở thành một trong ý nghĩ của tôi. Tôi cảm thấy tự hào sự gắn bó của đồng môn và sự liên tục của các lần hội ngộ của hai trường chúng tôi. Sự gắn bó này phát xuất có lẽ từ những cặp vợ chồng mà vợ là học sinh nữ trung học Nha Trang trong khi chồng là học sinh của nam trung học Võ Tánh như anh Khánh và chị Đỗ Khánh Linh, anh Hưng và Hoàng Anh, anh Lập và Tuyết Mai, và anh Hiệp và tôi.

Một vài người khách cho rằng hai trường trung học công lập Nha Trang trước năm 1975 thu hút đa số các gia đình di cư từ bắc vào Sài Gòn trong khoảng thời gian sau năm 1954 cho nên chúng đã có một số học sinh ưu tú và thông minh đáng kể. Anh Bùi Dương Liêm thì kể rằng anh học trường Võ Tánh là do ba của anh thuyên chuyển công tác từ Sài Gòn về Nha Trang. Ngẫm lại, học sinh của hai trường chúng tôi có rất nhiều người Bắc 1954. Đa số theo gia đình từ Bắc vào thẳng Nha Trang, vài người theo gia đình từ Bắc vào Sài Gòn rồi trở ra Nha Trang. Dù họ di chuyển và dời đổi theo gia đình như thế nào, nơi dung thân luôn coi trọng họ là những người cần mẫn và thông minh. Sở dĩ tôi nói như vậy vì thời niên thiếu chúng tôi không ai cũng có thể vào học trong hai trường trường công lập VT và NTH của Nha Trang. Để được vào hai trường này, chúng tôi phải qua một kỳ thi tuyển rất nghiên túc và gắt gao; cho nên, ở Nha Trang trước năm 1975, được làm học sinh của hai trường công lập này là niềm hãnh diện không những cho bản thân bọn trẻ chúng tôi mà còn cho cả gia đình của chúng tôi nữa. Chúng tôi không những không phải trả học phí mà còn được học rất nhiều môn học mà hầu hết các trường bán công hay tư thục trong thành phố không hề có như vẽ, nấu ăn, làm hoa, may cắt và thể dục. 

            Một vài khách tham dự Hội ngộ VT-NTH cho rằng hai trường chúng tôi không phải là trường lớn hay nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975 nhưng chúng tôi biết cách tổ chức và duy trì các buổi Hội Ngộ. Tôi lấy làm ấm ức khi nghe  hai trường Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang không nổi tiếng bằng các trường khác như Gia Long, Trưng Vương, Chu Văn An, Bùi thị Xuân, Đồng Khánh, hay Quốc Học nhưng lấy làm an ủi khi nghe khen sự đoàn kết của chúng tôi. Tôi nghĩ, sự đoàn kết này không nằm ngoài sự thông minh “ngầm” của chúng tôi nữa. Tôi nhớ ngày anh Trần Việt Tân đãi chúng tôi ăn ở nhà hàng Buffet, khi chúng tôi đang bàn bạc các vai cho màn hóa trang thì anh chị Bùi Dương Liêm đến. Sau khi mời chị Liêm ngồi gần mình, tôi trêu cả hai rằng:

“Ban tổ chức hội ngộ ai cũng phải tham gia màn hóa trang. Anh chị Liêm phải chọn một người nổi tiếng để hóa trang đó nhen.”

Anh Liêm đáp:

            “Anh làm MC rồi thì làm sao hóa trang được?”

Tôi đáp ngay:

“Vậy thì tha cho anh còn chị Bé Bảy phải giữ một vai!”

Chị Liêm lắc đầu:

“Chị mắc thu hình rồi, không đóng vai gì đâu!”

 Tôi tiếp tục trêu già:

“Chị để máy tự thu đi, còn chị phải đóng vai với tụi em. Ai cũng phải đóng một vai vì tụi mình có ít tiết mục quá! Em nói rồi đó nhen! Chị phải chọn một nhân vật vừa sexy vừa nổi tiếng đó!”

Anh Liêm đáp ngay:

“Đóng Bà Triệu đi vì bà Triệu vừa nổi tiếng vừa sexy.”

Nhìn thẳng vào đôi mắt tròn ngạc nhiên của tôi, anh Bùi Dương Liêm nói tiếp:

“Chứ bà Triệu đánh tan tành giặc Ngô được phong Nhụy Kiều tướng quân mà không nổi tiếng sao?  Bà Triệu còn sexy hơn người đàn bà con gái nào trên đời là cặp vú bà dài đến ba thước. Không đúng sao?”

Tôi ngớ ra trước sự thông minh đối đáp nhậm lẹ của anh Bùi Dương Liêm nhưng lập tức phản bác ngay:

“Úy! Sao mà được! Màn hóa trang của tụi mình sẽ khai mạc dạ vũ mà nỡ lòng nào đưa bà Triệu vô.”

 “Đừng lo Cung Lan! Dạ vũ có hay loại nhảy: Nhảy chay và nhảy mặn. Mình cứ cho nhạc nhảy chay hết là yên. Cung Lan biết nhảy chay là nhảy sao không?” Nhìn tôi lắc đầu, anh Liêm đáp luôn: “ Nhảy chay là nhảy  không ôm nhau như chachacha, disco, soul đó !”
 Tôi gật đầu cười thích chí:

“Còn nhảy mặn nhiều hay mặn ít là ôm sát rạt hay nới lỏng như slow, tango, rumba hay paso hả?”

 Tôi phục anh sát đất. Đúng là học sinh của trường Võ Tánh Nha Trang.
                                                                        *
*                      *


Từ lúc tham gia vào ban tổ chức Hội Ngộ, tâm trí của tôi thường lẫn lộn những thành viên trong ban tổ chức Hội ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang 2011 với những thành viên trong nhóm Chợ Chồm Hổm. Điều này có thể giải thích được bởi vì những người trong hai nhóm này đều là đồng hương Nha Trang và là đồng môn của hai trường trung học công lập nổi tiếng của thành phố biển này.  Tuy nhiên, khi ghi những gì xảy ra cho Nhật Ký mình tôi chỉ muốn tóm lược những gì xảy ra trong ban tổ chức Hội ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang 2011 còn tỉ mỉ cho nhóm Chợ Chồm Hổm của chúng tôi ;cho dù hầu hết những hoạt động của nhóm CCH nằm trong chương trình Hội ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang 2011  từ ngày 18 tháng 8 cho đến ngày 21 tháng 8 năm 2011.

Sáng ngày thứ năm 18 tháng 8 năm 2011, Tuyết Mai chở tôi ra phi trường Dulles để đón Đức Phúc và chị Phụng, chị của 4T Thanh Tùng. Tại phi trường chúng tôi gặp Hoàng Anh đón các anh chị Võ Tánh Nữ Trung Học khác và tất cả chúng tôi tíu tít chụp hình chung. Sau một hồi trò chuyện,  Tuyết Mai nhận ra Xuân Mai bạn cũ thế là nàng mời Xuân Mai về nhà ở và ở cùng phòng với Đức Phúc cho vui. Trong khi chị Lý, chị ruột Đức Phúc, tháp tùng với nhóm của Hoàng Anh để về ở nhà bạn của chị là chị Linh Đỗ.

Xe chúng tôi gồm chỉ có năm người nhưng những câu chuyện râm rang đã làm cho Tuyết Mai quên lối ra đến độ lạc mãi đến Fairfax Virginia. Đến trạm thu lệ phí, sau khi trả tiền xong, Tuyết Mai líu quíu thế nào không biết,  nói chào biệt ông giữ trạm là “ See you again !” thay vì “ Good bye” hay “ Bye and Have a nice day” . Thế là y như rằng nàng lái thêm một vòng lạc nữa và ngừng xe ở trạm thu tiền lệ phí này thêm một lần nữa.  Khi xe chúng tôi ngừng trước trạm thu tiền, ông gác trạm ngớ người ra trố ngạc nhiên. Rồi nhận ra chúng tôi đi lạc và có lẽ không muốn thu thêm một lần trạm phí một cách vô lý nữa, ông  mở cửa, bước ra  khỏi chỗ làm việc của mình, đến cần chắn chỉ cho Tuyết Mai đường nào ra khỏi cái vòng quay trở lại và ra đến quốc lộ 645.

Khi Tuyết Mai trả tiền cho ông, chúng tôi nhắc nàng làm ơn đừng nói “ See you again.”  nữa để không phải chạy lạc thêm một lần nữa và không phải trả thêm tiền trạm phí lần thứ ba. Tuyết Mai quyết định đưa chúng tôi đến thương xá Eden để mua thức ăn trước khi về nhà. Chúng tôi dung dăng dung dẻ trong khu thương xá, hết mua các món thịt heo quay, bánh mì, lại mua thức ăn tráng miệng và mua trái cây rồi chụp hình. Thư thả dạo từ gian hàng này đến quán khác  như dạo chợ Đầm Nha Trang thởu còn trung học, chúng tôi cảm thấy rất thích thú. Đây là thời gian chúng tôi lấy phép nghĩ làm như lấy phép hè vì thế chúng tôi tận hưởng những gì chúng tôi xứng đáng được hưởng. Cho đến khi Tuyết Mai nhận phone của Thanh Tùng giục đưa chị Phụng về nhà nàng để nàng đưa chị Phụng  kịp đến họp mặt với cô Bạch Vân và Thái Hằng ;Tuyết Mai mới hối chúng tôi về mau kẻo chị Phụng lỡ hẹn.

            Đến nhà Thanh Tùng, chúng tôi còn chưa muốn từ giã chị Phụng, lục tục vào thăm căn nhà trang trí bằng gương và đồ thủy tinh  của Thanh Tùng và để chụp hình làm kỷ niệm.  Mãi đến lúc Thanh Tùng phải rời nhà, chúng tôi mới kéo nhau về đến nhà Tuyết Mai ăn bánh mì xá xíu thịt quay, và trái cây. Ăn xong, chúng tôi tán gẫu thêm hai giờ nữa, Tuyết Mai mới đưa tôi về.
                                                            *   *   *
Tối thứ năm ngày 18 tháng 8 năm 2011 tôi không dự tiền Hội Ngộ mà đến nhà Ngọc Hoa( Hoa Biển) để họp mặt với nhóm CCH. Nơi đây tôi gặp anh Niên, Tuyết Hoa, Bích Lan, Tố Nga, Tuyết Lan, anh thầy Hiền, Thùy My, anh Liêm, Phạm Bích Lan và anh Trang chồng Phạm Bích Lan. Vẫn như những ngày họp mặt trước, Ngọc Hoa biển đãi rất nhiều món ăn và trình bày các đĩa thức ăn hết sức nghệ thuật. Tối nay, thêm bàn tay khéo léo của Tố Nga, CCH chúng tôi có món mì chay  rất ngon. Món mì chay nổi tiếng của Tố Nga thường được chúng tôi đọc trại là “ mì trai”.

Tố Nga thường đãi chúng tôi, hoặc là bún bò Huế , hoặc là mì chay, hoặc có khi cả hai. Trước khi đãi chúng tôi ăn, nàng thường hỏi thích ăn món gì và  chúng tôi thường trả lời thích ăn “mì trai”. Cũng may Tố Nga quá hiền lành nên nàng chỉ cười trừ chứ không phán là “Mặt mê trai!” như lời lẩm bẩm của thành viên nữ nào đó của CCH.

Thể theo lời yêu cầu “mì trai” từ nhóm điện thư CCH, Tố Nga đã chuẩn bị các thứ cho món mì chay từ California rồi đem sang Virginia để nấu cho chúng tôi ăn. Món mì chay của Tố Nga hôm ấy ngon hơn cả lần nàng đãi chúng tôi ở nhà nàng.Chúng tôi ăn uống, trò chuyện,hát Karaoke, nghe bạn hát,xem bạn nhảy minh họa rồi tâm tình đủ thứ chuyện trên đời. Thật là một buổi tối hết sức ấm cúng và trọn vẹn. Chia tay, như mọi lần, Ngọc Hoa phân xớt, gói ghém từng bao thức ăn cho chúng tôi đem về.
                                                *
                              *                                        *

Sáng thứ Sáu  ngày  19 tháng 8 năm 2011, chúng tôi mười hai mạng gồm Bích Lan, Hồng Loan, Bạch Mai Anh, Tuyết Lan, Tuyết Mai, Tuyết Hoa, Ngọc Hoa, Xuân Mai, Đức Phúc, Tố Nga, Phạm Bích Lan, anh Trang, anh Hiệp và tôi được anh thầy Hiền đãi ăn tại quán Việt Taste. Chúng tôi order mỗi người một món đủ loại phở, mì, cơm, bún. Ăn tráng miệng xong các mợ còn rủ nhau đi uống cà phê. Lo lắng chuyện kẹt xe, những người ở Maryland như Tuyết Mai, Xuân Mai, Đức Phúc và vợ chồng tôi từ chối ra về. Ra đến bãi đậu xe, chúng tôi đang  xếp chỗ chụp hình trước khi chia tay thì các chị Nữ Trung Học ở các tiệm ăn gần đó chạy ào ào đến, tụ vào để chụp hình chung.

Hội trưởng Bích Lan mừng rỡ khi nhận ra Tường Vân. Tay bắt mặt mừng một lúc, cả hai đứng vào  hàng để chụp hình chung với chúng tôi. Không ai bảo ai, chúng tôi, người nào người nấy cũng cười tươi roi rói chuẩn bị cho những cái nhấp chuột của máy ảnh. Nhiều máy ảnh được chuyền cho người chụp và các tấm hình càng lúc càng nhiều người. Tôi cũng bon chen nhờ nạn nhân bị bắt làm phó nhòm chụp cho vài tấm. Khi kiểm tra lại máy của mình, tôi cảm thấy vui sướng làm sao! Những bộ đồ đẹp mắt của các chị em Nữ Trung Học đã làm cho những tấm ảnh kỷ niệm của tôi đầy màu sắc rực rỡ và sang trọng. Nếu lần chụp hình ở trước khu thương mại Grand Century Mall, anh thầy Hiền bị mấy ông trong quá cà phê lộ thiên gần đó quở “Không biết 'thằng nào' mà tốt số vậy!” thì lần này trước khu thương mại Eden, thầy Hiền vẫn là “Gươm lạc giữa rừng hoa”

                                                            *   *   *


Chụp hình xong, vợ chồng tôi vội vã lái xe về nhà ngay. Tin tức về những đoạn đường xa lộ bị đóng vì sửa chữa khiến chúng tôi lo lắng bị kẹt xe và trễ giờ. Đến nhà, tôi dọn dẹp qua quít là chuẩn bị mọi thứ để ra nhà hàng Harvest Moon ngay. Tinô, con trai đầu của tôi phải tháp tùng vì nó đóng vai Trần Khắc Chung trong hoạt kịch Huyền Trân. Tưởng bị kẹt xe đến trễ, nào ngờ chúng tôi đến quá sớm. Chưa có người nào có mặt nhưng tất cả phông màn trang trí được trưng bày chu đáo và lịch thiệp.Nhìn hình vẽ và chữ trang trí trên sân khấu, tôi nghĩ anh Trần Thượng Toàn thiết kế tất cả nhưng sau này tôi mới biết người thực hiện là anh Bùi Dương Liêm. Phông màn khá đẹp khiến tôi có ý nghĩ chụp vài tấm làm kỷ niệm trước khi sắp xếp những đồ dùng cần thiết cho các tiết mục của mình. Vì có khá nhiều bàn khít vào nhau, cả trong khu vực sàn nhảy khiến tôi phải giải thích cho người quản lý nhà hàng về sự cần thiết của chỗ trình diễn. Tôi nói cho ông biết các màn múa, hoạt kịch và hóa trang cần trình diễn trong khu vực sàn nhảy, nhưng ông ta không chịu nghe. Ông lấy một bản sơ đồ của vị trí các bàn mà một người nào đó trong ban tổ chức Hội Ngộ 2011 đã đưa cho ông và nói rằng ông thực hiện đúng y như vậy. May mắn là anh Trần Mạnh Hùng đến sớm. Anh yêu cầu người quản lý nhà hàng dời hai bộ bàn ra khỏi sàn nhảy và người đàn ông này đã sai các nhân viên của ông thực hiện đúng như yêu cầu. 

Gần đến giờ khai mạc, khách khứa, thầy cô và cựu học sinh nam nữ đến nhiều hơn. Những người trong ban tổ chức, nhất là Hoàng Mơ, không những căng thẳng với chuyện tiếp tân, chuyện bày bán Đặc San và áo thun, và chuyện sắp xếp tặng phẩm của các thầy cô, mà còn cả chuyện chụp hình lưu niệm. Cũng may nhiều anh rể Nữ Trung Học và nhiều chị dâu Võ Tánh đã hết lòng góp sức cho những phần việc cần kíp.


Nhiều người không ở trong ban tổ chức như Đức Phúc của nhóm CCH chúng tôi cũng bị bắt cóc bỏ dĩa. Số là tôi nhờ Đức Phúc trông dùm chiếc giỏ đựng các vật dụng cần thiết của tôi ngay tại chỗ bán Đặc San và áo thun của trường một lát tôi sẽ trở lại nhưng tôi quên bẵng lời dặn của mình còn Đức Phúc nhất quyết ngồi giữ chiếc giỏ của tôi và chờ tôi trở lại chứ không đến ghế của mình. Khi lễ bắt đầu, những chị trong ban bán áo thun và Đặc San bỏ tất cả tại quầy kể cả tiền bán khiến Đức Phúc đang ngồi chịu trận, giữ tiền dùm luôn. Sau này, khi Đức Phúc kể cho tôi nghe chuyện giữ tiền của ban tổ chức và đã trao lại cho Phạm Ngọc Hoa, nàng đùa rằng khuôn mặt của nàng được tin cậy của khá nhiều người. Khi không mà nàng bị thiên hạ quăng cho một bao tiền mà chẳng hề hỏi nàng phải là người trong ban tổ chức không. Tôi thú vị với lối đùa của Đức Phúc nhưng không nghĩ người nào đó vô tâm đến độ quăng bao tiền cho Đức Phúc trong lúc không biết Đức Phúc là ai. Theo tôi, người ấy không cần biết Đức Phúc có phải là người trong ban tổ chức Hội Ngộ nhưng có thể chọn mặt gửi tiền vì trước đây Đức Phúc rất nổi tiếng trong trường Nữ Trung Học Nha Trang chúng tôi. Nàng là người chơi bóng bàn cừ khôi và thường thi đấu với các tay vợt cừ khôi của trường nam trung học Võ Tánh. Những người trong tuổi thanh thiếu niên của thành phố của Nha Trang trước năm 1975, không ai mà không biết Đức Phúc là cây vợt ping pong nữ nổi tiếng của thành phố.

Bước vào phần khai mạc Hội Ngộ, chúng tôi đã khá lúng túng với sự sắp xếp vị trí của anh Bùi Dương Liêm. Chúng tôi phải đứng dọc từ trên sân khấu xuống sàn nhảy như sự yêu cầu của anh chứ không phải là vị trí hàng ngang như chúng tôi từng tập khi tập hát hợp ca. Anh giải thích rằng vị trí mới hợp lý với không gian chật hẹp của sân khấu và thu hình đẹp hơn. Phút lúng túng rồi cũng qua khi các bài Quốc Ca Mỹ được Jennifer Anh Kim, con anh Mỹ và chị Thúy Anh,  cất giọng thánh thót vang lên. Chiếc áo dài vàng rực rỡ tạo cho con bé một dáng dấp sang trọng ưa nhìn. Tất cả đều dồn mắt về phía nó.

Những khuôn mặt thầy cô toát nên một vẻ tươi vui và hài lòng. Rồi chúng tôi hát quốc ca Việt Nam, hợp ca Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ và áo trắng học trò. Bài Áo Trắng Học Trò của thầy Đặng Ngọc Ẩn đã tạo nên một không khí hết sức tươi vui và nhộn nhịp đưa cho chúng tôi trở về thời học sinh hồn nhiên của chúng tôi năm nào. Cùng với lời hát vui tươi ấy, những chiếc áo dài màu mơ nhạt có đính hoa hồng  nhạt do chị Phan Anh  vẽ mẫu và những bìa nhạc được trang trí bằng giây ru băng và cánh hoa hồng nhạt thanh mảnh do Hoàng Mơ thiết kế đã  cho bọn con gái Nữ Trung Học chúng tôi hình ảnh uyển chuyển dễ thương chẳng khác gì các nữ sinh của trường Nữ Trung Học trong 36 năm trước.

Tôi thầm cảm ơn chị Phan Anh nhất quyết giữ ý định may áo dài đồng phục nên tất cả chúng tôi, nữ sinh Nữ Trung Học và dâu Võ Tánh trong ban tổ chức Hoa Đô đã có một dáng dấp  dịu dàng và đặc biệt trong đêm Hội Ngộ tại nhà hàng Harvest Moon. Còn nhớ khi chị Phan Anh đưa mẫu áo, Tuyết Mai và tôi phản đối chiếc cổ thuyền và sự kết hợp lạ lẫm của các màu mơ nhạt, hồng nhạt và vàng cát nên chị Phan Anh phải giải thích màu mơ nhạt thích hợp với lứa tuổi chúng tôi, chiếc cổ thuyền làm cho khuôn mặt chúng tôi trẻ trung hơn, viền tay màu vàng tượng trưng cho cát biển Nha Trang và màu hồng nhạt của cánh hoa biểu tượng cho những cánh hoa đào của vùng Hoa Thịnh Đốn. Tuyết Mai và tôi không thích và không tin đó là chiếc áo dài đẹp dành cho đêm Hội Ngộ nhưng vẫn phục tùng ý kiến của đa số.

Cho đến ngày mặc chiếc áo dài này với vòng cổ và vòng tay xà cừ do Ngọc Hoa biển đem từ Việt Nam sang, tôi nhận thấy là không có hình ảnh nào dễ thương và dịu dàng hơn thế. Sở dĩ tôi không thích màu khác vì tôi luôn tơ tưởng đến màu trắng của trường Nữ Trung Học của chúng tôi năm nào. Ngày thu hình để quảng cáo cho Hội Ngộ, tôi đề nghị các anh Võ Tánh mặc áo trắng, quần xanh và các chị Nữ Trung Học mặc áo dài trắng. Trước khi đi thu hình, chúng tôi nghịch ngợm đóng kịch đang ở trong thời niên thiếu xa xưa rồi vòi vĩnh hai nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp  Linh Đỗ, Phan Anh và  nhiếp ảnh viên nghiệp dư Bùi Hiển chụp cho; không ngờ, những tấm hình này đã làm cho nhiều bạn đồng môn trong diễn đàn Võ Tánh Nữ Trung Học không ngớt suýt xoa khen ngợi. Lúc đó, anh Trần Việt Tân, chủ nhiệm báo Đời Nay, đã hào phóng quảng cáo miễn phí cho trường về tin tức của Hội Ngộ VT-NTH 2011 trên tờ báo của anh đồng thời in hình thời áo trắng đóng kịch của chúng tôi vào poster để quảng cáo ở tiệm ăn trong khu thương xá Eden. Người nào đó, có lẽ thích tấm hình quảng cáo của chúng tôi quá, mượn tạm đem về làm kỷ niệm cho nên tôi, người mà anh Trần Việt Tân hứa sẽ cho tấm poster ấy sau khi tàn Hội Ngộ, phải chưng hửng.

 Dù mặc màu trắng hay mơ nhạt, chúng tôi đã tạo cho người nhìn một cảm giác thích thú vì sự đồng phục.Vài người khách thắc mắc không hiểu sao chúng tôi xài sang quá. Có lẽ họ nghĩ là chúng tôi có sự đài thọ chu đáo từ nguồn nào đó. Thực sự, mọi người không hề biết là mọi chi phí đều là tiền chúng tôi tự bỏ ra để làm đẹp cho mình và cho trường của mình. Hoàng Mơ là người rộng rãi nhất trong Ban Tổ Chức chúng tôi. Hoàng Mơ không những tự chi tiền lo nấu nướng bún bò, bún riêu, nem nướng cho hơn hai chục người của ban tổ chức VT-NTH 2011 trong các buổi họp mà còn bỏ tiền và bỏ công may sắm các trang phục cho màn hóa trang của phần văn nghệ.

Sau phần chào cờ, tuần tự là phần giới thiệu các anh chị đồng môn đến từ các bang ngoài các bang ngoài vùng Hoa Thịnh Đốn bởi anh MC Võ Tánh Bùi Dương Liêm. Phần giới thiệu các anh chị trong ban tổ chức Hội Ngộ VT-NTH năm 2011 bởi hai MC Nữ Trung Học Linh Đỗ và Tuyết Lan. Phần phát biểu của trưởng ban tổ chức Hội Ngộ đại diện trường Võ Tánh bởi anh Trần Mạnh Hùng. Lời phát biểu của thầy Nguyễn Khoa Phước đại diện trường Võ Tánh. Lời phát biểu của cô Bùi Ngoạn Lạc, cô hiệu trưởng khả ái của trường Nữ TrungHọc. Lời phát biểu của trưởng ban tổ chức Hội Ngộ 2011, đại diện học sinh trường Nữ Trung Học bởi chị Lê Hoàng Anh. Lời cảm tạ thầy cô của anh Trần Việt Tân đại diện học sinh trường Võ Tánh và lời cảm tạ của chị Phan Anh đại diện học sinh Nữ Trung Học.

Sau các bài hợp ca của ban tổ chức là phần trao quà lưu niệm cho các thầy cô.Tôi có cùng ý nghĩ với Tuyết Mai là không thích cổ thuyền của áo dài, nhưng khi nhìn lại tấm hình chúng tôi mặc áo dài đồng phục chụp chung với các thầy cô sau khi trao quà lưu niệm cho các thầy cô thì tôi cảm thấy thích thú lắm. Một hàng áo dài lụa màu mơ nhạt với những cánh hoa xinh xinh màu hồng tạo cho chúng tôi một dáng dấp dịu dàng dưới chân các thầy cô. Chúng tôi như đàn bướm trắng quỳ dưới chân những người đã dìu dắt chúng tôi trong thời niên thiếu. Chẳng hình ảnh nào đẹp hơn thế. Mai đây, khi có dịp khoe tấm hình này với người thân, tôi sẽ tự hào nói rằng đây là những thiếu nữ năm mươi. Những thiếu nữ năm mươi vẫn còn tươi tắn trẻ trung và vẫn còn làm đẹp cho đời vì những thiếu nữ này biết cách dụng câu “Người đẹp vì lụa” 


 Phần văn nghệ của chúng tôi bắt đầu là bài Tháng Tám Hoa Đô do anh Trần Mạnh Hùng trình bày và cũng do anh sáng tác từ bài thơ của anh Trần Việt Tân. Tiếp đến là Liên khúc Như Giấc Mơ Qua do nhóm ngũ ca Phan Anh, Tuyết Lan, Thanh Tùng, Phan Công Chương và Trần Mạnh Hùng thực hiện. Các anh chị của Liên Khúc này trang sức như một nhóm Hippy của thập niên 60. Ngầu nhất là nữ trung học Trần Thị Thanh Tùng đệm đàn Tây Ban Cầm chẳng kém gì nam trung học Trần Mạnh Hùng và Phan Công Chương. Chỉ tiếc là âm thanh của trống và đàn khá cao nên át hết giọng ca của ban ngũ ca này. Bài hát của họ vẫn thu hút khán giả nhưng không hay bằng lúc tập đợt. Tiếp đến là đơn ca Hoa Tím Ngày Xưa của chị Thanh Hải do các chị Tố Nga, Kiều Thúy và Kim Yến múa minh họa. Song ca Bài Ca Hạnh Ngộ bởi Nữ Trung Học Bích Hồng, ca sĩ đến từ Việt Nam và anh Trần Mạnh Hùng.Đơn ca Nha Trang của Minh Kỳ do Tuyết Lan trình bày. Song Ca Thoi Tơ bởi anhVõ Tánh Nguyễn Tiến Việt và vợ là chị Minh Hòa.Đơn ca Những Ngày Xưa Thân Ái bởi anh Nguyễn Minh Niên , Hoạt Cảnh Huyền Trân do Jennifer nguyễn Anh Kim, Phạm Thanh Tùng, Nguyễn Viết Toàn , Jason Nguyễn Anh Quân, Chị Phan Anh, Lê Hoàng Anh, Tuyết Mai, và tôi. Đơn ca  Mộng Ban Đầu của Hoàng Trọng bởi chị Mai Ngọc Hoa. Song Ca Thương Nhau Ngày Mưa và Và Tôi Cũng Yêu Em bởi anh Mỹ và Phan Công Chương. Song ca Sound of Silence và Greenfield bởi anh Trần Mạnh Hùng và anh Nguyễn Mạnh Hùng tặng anh Đỗ Quý Yến, thường âm thầm đến dự các buổi Hội ngộ VT-NTH Nha Trang để nhớ người vợ đã mất của mình , một cựu nữ trung học Nha Trang.Vũ Khúc Ân Tình trình bày bởi các chị niên trưởng Kim Yến(NTH 1970), Tố Anh (NTH 1974), chị Kiều Túy( 1975)và chị Thanh Hải (NTH 1971). Vũ khúc này được tập qua điện thoại và điện thư vì bốn chị ở bốn góc Đông, Tây, Nam và Bắc của nước Mỹ. Chị Kiều Túy ở Seatle, chị Tố Anh ở Florida, chị Thanh Hải ở Nam California và Kim Yến ở Maine (1970). Chị Kim Yến cho biết những chiếc áo dài của bài múa này đều do Út Ngọc Trâm CCH, con gái của cô hiệu trưởng Bùi Ngoạn Lạc design.

Màn hóa trang các nhân vật nổi tiếng gồm tổng thống Obama bởi anh Nguyễn Văn Tốt, tổng thống Clinton bởi Phan Công Chương, Monica Lewinsky bởi Thanh Tùng, Hillary Clinton bởi Đỗ Khánh Linh, Sophia Lauren bởi Phạm Ngọc Hoa (Hoa Biển), ca sĩ Ấn Độ Shreya Ghoshal của Phạm Ngô Tuyết Lan, Cô gái Nhật Nagasaki của chị Phan Anh. Sao điện ảnh của Campuchia Dy Saveth bởi Cung Thị Lan, hai vũ công của Hawaii ông Murray và cô Burrent bởi anh Phạm Hữu Lành và Dương Hưng. Sau phần hóa trang là dạ vũ. Chị Kalăng mở đầu dạ vũ bằng bài hát Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa. Chế Hồng Loan hát bài Hoa Soan Trên Thềm Cũ.

           Khi nhẩm lại những tiết mục văn nghệ của đêm hội ngộ, tôi không ngờ chúng tôi có quá nhiều tiết mục trình diễn. Tất cả là mười lăm tiết mục chưa kể các bài đơn ca của các chị Nữ Trung Học và các bài đơn ca khác của các ca sĩ chuyên nghiệp trong phần dạ vũ.Chương trình văn nghệ của chúng tôi không những phong phú mà còn đặc biệt đến độ thu hút rất nhiều khách dự chụp hình và thu hình.

Trong thời gian hoạt cảnh Huyền Trân trình diễn, anh Phùng Văn Nguyên phải yêu cầu những người chụp hình và thu hình ngồi xuống để khách ngồi phía sau có thể xem. Các màn múa của các chị Nữ Trung Học ở các bang xa rất đặc sắc vì được đạo diễn bởi chị Nữ Trung Học Kim Yến, một người múa chuyên nghiệp, từng trình diễn trong các cuộc thi với các vũ công chuyên nghiệp nước ngoài. Màn hóa trang của ban tổ chức chúng tôi đã làm khán giả thích thú vỗ tay tán thưởng không ngừng. Tội nghiệp cho Phan Công Chương tính gỡ mặt nạ tổng thống Clinton ra khi anh Bùi Dương Liêm giới thiệu vai đóng của từng người, phải để nguyên vì anh Bùi Dương Liêm giới thiệu anh Hiển, người tập thế cho Chương trong thời gian tổng dợt. Lúc đó tôi tưởng anh Hiển thế vai cho Chương luôn nên ghi tên anh trong tờ giới thiệu và anh Bùi Dương Liêm  cứ thế mà đọc và Chương gây cho khán giả ngạc nhiên không hiểu vì sao anh ta đưa tay định gỡ mặt nạ ra để trình diện khán giả khuôn mặt thật của mình như anh Tốt, đã ngưng một cách đột ngột và giữ nguyên chiếc mặt nạ che mặt.

            Không phải chỉ có sự nhầm lẫn tên của Phạm Công Chương mà còn có khá nhiều tên thầy, cô và nhạc sĩ bài hát bị đọc nhầm bởi những người giới thiệu. Sự sai sót có lẽ vì lỗi của người đánh máy hoặc vì mắt kém của người đọc. Dù sao, chúng tôi đã có một đêm hội ngộ rất vui vẻ và hào hứng. Để tránh sự gián đoạn của chương trình văn nghệ, chúng tôi cố gắng chạy theo với thời gian. Anh Trần Mạnh Hùng ôm đồm quá nhiều tiết mục đã phải giữ nguyên bộ đồ hippy của tiết mục Liên Khúc hát với ca sĩ Bích Hồng trong tà dài tha thướt. Máu “chỉ huy của bọn Nữ Trung Học chúng tôi” nổi lên và chúng tôi đề nghị anh Bùi Dương Liêm giới thiệu ngắn gọn các tiết mục. May mắn cho chúng tôi là anh đã nghe theo. Có lẽ anh cũng thấy sự cấp thiết của thời gian của chương trình văn nghệ đang có nguy cơ phải cắt bớt tiết mục. Rốt cuộc, chúng tôi chạy kịp với thời gian và hoàn thành đầy đủ chương trình đã đặt ra; tuy nhiên, những người trong ban tổ chức, nhất là những người trong ban văn nghệ, không hề có thì giờ để ăn.

            Ngay sau khi chương trình văn nghệ vừa chấm dứt, tôi đã thu vội tất cả các vật dụng của mình rồi bước ra khỏi phòng thay quần áo. Tôi nói với chồng của tôi rằng tôi muốn về nhà ngay để tìm thức ăn gì đó cho chiếc bao tử đang trống rỗng chứ không thể chờ đến lúc bế mạc. Nói xong, tôi xách chiếc giỏ đầy áo quần bước ra khỏi nhà hàng. Ngang qua chỗ bán Đặc San và áo thun Hội Ngộ, tôi nói với Hoàng Mơ tôi phải về sớm vì tôi quá đói. Hoàng Mơ rủ tôi ở lại kiếm thức ăn cùng các anh chị em khác trong Ban Tổ Chức vì nhiều người cũng chưa ăn gì cả. Tôi lắc đầu từ chối và giải thích rằng bao tử của tôi đã khá cồn cào, tôi sắp xỉu đến nơi và không thể chờ lâu hơn nữa. Hoàng Mơ gật đầu thông cảm và hẹn gặp tôi ngày mai tại Picnic. Tôi đã phải trở lại nhà hàng, tìm Đức Phúc để lấy chiếc giỏ nhờ nàng giữ dùm.Tôi nói Đức Phúc rằng tôi phải về với cùng lý do mà tôi đã phân trần với Hoàng Mơ. Đức Phúc bảo tôi ngồi xuống để nàng tìm thức ăn, rồi nàng đến cái bàn cạnh đó lấy hai hộp thức ăn thừa của ai đó định đem về, cho tôi. Nhận hai hộp thức ăn, tôi mừng như bắt được vàng, tay bốc, miệng nhai ngấu nghiến, ăn không kịp thở. Tuyết Lan mò đến, than đói và dự phần cùng tôi. Hai đứa đang ăn, nhạc khiêu vũ dồn dập náo động nên vội vã dẹp phần ăn thừa rồi rủ nhau ra sàn nhảy. Trước khi rời bàn, tôi còn nắm tay kéo Đức Phúc đi theo. Đức Phúc lưỡng lự vì bộ đồ Jeans và áo cánh đang mặc nhưng tôi nhất kéo nàng đến sàn nhảy mới thôi. Thế là chúng tôi đã cùng nhau nhảy chay cho đến khi chương trình khiêu vũ bế mạc. Tôi về nhà đến 1 giờ đêm.

Sáng thứ Bảy ngày 20 tháng 8 năm 2011

            Tôi đã bắt đầu bằng một buổi sáng không thú vị khi mà Rossi, đứa con trai thứ hai của tôi đưa một bộ mặt không vui vẻ ngang qua lại trước mặt tôi. Số là nó đã có hẹn đi chơi biển với đám bạn của nó nhưng chồng tôi nhất định bắt nó đi chung với gia đình để dự picnic VT-NTH. Tôi không thích con tôi lỗi hẹn với bạn; hơn nữa, nó đã mười chín tuổi, chuyện đi chơi riêng với những người bạn đàng hoàng của nó là lý do chính đáng; nhưng tôi không hề phản đối quyết định của chồng tôi và không hỏi vì sao anh muốn như vậy. Rossi không hề dám cãi lại ý của bố nên líu ríu theo anh và em của nó leo lên xe nhưng khuôn mặt của nó càng lúc càng trông nặng như sắp rớt. Thái độ bất mãn của nó đã làm cho bầu không khí trong xe của chúng tôi ngột ngạt vô cùng. Để phá tan sự ngột ngạt ấy, tôi gọi Tuyết Mai xem thử  nàng đã đưa mấy nàng CCH và NTH tá túc trong nhà nàng  rời nhà chưa.Giọng nói vui vẻ của Tuyết Mai bên kia đầu giây báo cho tôi biết nàng đang chở chị Tuyết Ba, Hồng Loan, Đức Phúc và Xuân Mai hướng về phía xa lộ.Tôi cũng lấy giọng vui vẻ báo nàng biết là xe chúng tôi đang ở trên xa lộ rồi hẹn gặp nhau sau.

           Khoảng mười lăm phút trên xa lộ, xe chúng tôi trở nên rù rì vì đoàn xe trước mặt đang chậm chạp nối đuôi nhau. Sốt ruột, tôi gọi anh Trần Mạnh Hùng báo là chúng tôi có khả năng đến trễ vì kẹt xe trên xa lộ. Anh Trần Mạnh Hùng trả lời tôi rằng anh cũng bị kẹt trên xa lộ và không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi gọi Tuyết Mai và biết rằng xe của nàng cũng bị kẹt như vậy. Tôi thầm lo chuyện trễ giờ nhưng hy vọng mọi người nhất là khách từ các bang xa đến đều bị tình trạng chung để không ai trách móc Ban Tổ Chức của chúng tôi. Xe chúng tôi đã mất ba mươi phút mới thoát khỏi tình trạng rù rờ của đoạn đường xa lộ từ exit 27 đến 30. Có lẽ một vụ tai nạn xe vừa mới được giải quyết xong hay vì một lý do nào khác mà tôi không thể nào đoán ra.

            Khi chúng tôi đến nơi, vài người trong ban tổ chức và các anh các chị Võ Tánh Nữ Trung Học đã có mặt. Mọi người đang phụ khiêng thức ăn vào cái nhà mát, nơi có những chiếc bàn gỗ dài có cặp băng ghế dính liền được sắp xếp ngay ngắn và ngăn nắp. Vợ chồng tôi nhờ mấy đứa con khiêng thùng đựng đá về phía nhà mát rồi bảo chúng phụ giúp những việc cần xung quanh. Nói xong, vợ chồng tôi mỗi người một ngã. Trong khi chồng tôi phụ các anh Võ Tánh treo băng rôn, tôi phụ các chị trong ban ẩm thực dọn thức ăn trên những chiếc bàn dài. Những chiếc bàn này được  xếp nối liền nhau thành ba hàng dài và được phủ bằng khăn bàn nhựa trắng. Màu trắng tinh của chúng đã tạo nên vẻ sang trọng của một buổi picnic. Sự sắp xếp chu đáo này từ công lao của những anh chị cư ngụ gần Burke Lake như vợ chồng Dương Hưng, Hoàng Anh, Hoàng Mơ, Thùy My (từ California bay sang) chị Phan Anh và chị Linh Đỗ. Khi phụ dọn các khay thức ăn trên bàn, tôi nghe họ thố lộ rằng họ đã thức từ bốn giờ sáng để luộc bún và nấu các món khác. Tôi còn biết thêm là nhóm Nữ Trung Học 1977, những người tá túc trong nhà Hoàng Oanh đã giúp Hoàng Oanh rất nhiều trong chuện nấu nướng. Cả Thanh Tùng, cùng là Nữ Trung Học năm 1977, cũng đến ngủ ở nhà Hoàng Oanh sau đêm Hội Ngộ tại nhà hàng Harvest Moon để góp thêm tay vào.Mặc dù đã nghe loáng thoáng chuyện bàn tính mua sắm thức ăn của ban ẩm thực trong lần họp cuối nhưng không đã không thể hình dung được số lượng thức ăn nhiều quá mức tưởng tượng như vậy. Tôi chưa từng thấy cuộc picnic nào có hàng chục khay bún luộc, hàng chục khay bánh hỏi, hàng chục khay xôi, hàng chục khay bánh ít bánh nậm, hàng trăm ổ bánh mì, hàng chục xấp bánh tráng, hàng chục hũ nước mắm, hai ba nồi chè, hai ba khay trái cây, hai ba khay bánh ngọt bày la liệt như vậy. Tôi đoán thầy cô, khách dự và các đồng môn đến từ các bang xa cũng đang sửng sốt với số lượng thức ăn trên bàn và càng kinh ngạc hơn khi thấy ban ẩm thực khiêng một con heo quay lớn vào nhà mát. Trong lúc mọi người dọn chỗ để đặt khay heo quay, ban ẩm thực gọi giúp đem dưa hấu vào. Trước ngày hội ngộ tôi nghe diễn đàn ban tổ chức Võ tánh-Nữ trung Học giễu với nhau chuyện mua 40 trái dưa hấu và anh Niên sẽ là người phụ trách phần ôm, bợ, chuyển tải. Lúc đó tôi tưởng 4 zero chỉ là con số ảo cho những lời nói bông đùa, ai dè đến lúc đó tôi mới biết đó là sự thật. Tôi muốn gặp anh Niên để ghẹo về chuyện dưa hấu nhưng không thấy anh. Bốn chục trái dưa hấu đang được thầy Hiền, Bích Lan, Tuyết Lan và Bạch Mai Anh chuyển vào nhà mát theo kiểu làm việc dây chuyền.

Ba dãy bàn dài trong căn nhà mát picnic của chúng tôi, không ai bảo ai, tự dưng chia thành ba nơi rõ ràng. Dãy bàn dài gần bìa rừng cây phía trái trở thành nơi mà thầy cô và các vị niên trưởng VT-NTH ngồi  tâm tình. Dãy bàn giữa là nơi bày những khay thức ăn đã chuẩn bị xong. Dãy bàn ngoài cùng phía phải thành nơi chuẩn bị thức ăn. Đầu của dãy bàn này là nơi để dĩa, chén, đũa, muỗng, nĩa và đũa. Kế đó là nơi đặt các nồi chè. Tiếp đến là nơi cắt dưa hấu. Tiếp đến nữa là nơi chặt thịt quay. Cuối cùng là nơi làm gỏi cuốn mặn và gỏi cuốn chay. Thùy My và Hoàng Mơ trao cho chúng tôi những chiếc găng tay, thau đựng nước, bánh tráng, bún, tôm thịt rau dưa leo để làm gỏi cuốn rồi nói chúng tôi phân thành hai nhóm làm gỏi cuốn chay và gỏi cuốn mặn. Lúc này Tuyết Mai đã đến với chị Tuyết Ba, Chế Hồng Loan, Đức Phúc và Xuân Mai. Nhóm CCH chúng tôi kẻ người làm gỏi cuốn chay, người làm gỏi cuốn mặn cùng với các chị em Nữ Trung Học khác. Tay làm miệng nói ồn ào hơn chợ Đầm Nha Trang. Khi làm được cuốn to, cuốn nhỏ, cuốn dài, cuốn ngắn cũng có chuyện để cười nói. Khu vực picnic của chúng tôi càng ngày đông. Không khí thật là vui tươi và nhộn nhịp.

Mặc dù bận rộn tíu tít với nhóm CCH và ban tổ chức VT-NTH 2011, tôi vẫn có cơ hội thăm hỏi và chụp hình chung với các anh chị đồng môn ở các tiểu bang xa và thường trao đổi điện thư với tôi trong diễn đàn Võ tánh Nữ Trung Học trước ngày hội ngộ như anh Nguyễn Đình Sài, anh Phạm Khắc Long, chị Diệu Nga, chị Vũ Thị Kim Yến, và chị nguyễn Thị Bạch Tuyết.Tại picnic, tôi đã biết thêm tài của các anh chị đồng môn như tài cắt dưa hấu của chị Bạch Tuyết, tài chặt thịt quay của chị Lý (chị của Đức Phúc) và tài hoạt náo của chị Kim Yến. Tôi còn được quen thêm vài chị NữTrung Học khác như Thu Liên, Bích Đào, Thu Uyên, Phương Lan, Túy và đặc biệt nhất là chị Mai Ngọc Hoa. Tôi đã hỏi chị  Mai Ngọc Hoa khi chị đi ngang chỗ tôi đang ngồi ăn rằng:

            “Chị ơi chị, chị có phải là vợ của anh Nguyễn Đình Sài không vậy?” 

Chị dừng bước, lắc đầu trả lời:

“ Không em. Vợ anh Nguyễn Đình Sài không có dự Hội Ngộ.”

Tôi nhìn thẳng vào mắt chị, hỏi tiếp với giọng lo lắng:

“Chị không phải là vợ của anh Nguyễn Đình Sài, sao chị có cuốn sách Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm của em ?”

“Ủa ? Té ra em là Cung Thị Lan đó hả ? Chị là em gái của anh Nguyễn Đình Sài chứ không phải vợ ảnh. Tại chị thấy ảnh cầm cuốn sách có tựa đề hay hay nên chị mượn ảnh đọc. Chị sẽ trả lại ảnh ngay thôi.”

Tôi gật đầu,bẻn lẻn:

“ Thì ra chị chỉ mượn đọc. Chứ em tưởng là em tặng ảnh rồi ảnh không cần, cho người khác thì buồn lắm.”

Chị lắc đầu ngầy nguậy :

“Úy không có chuyện đó đâu em. Chị chỉ mượn đọc chút xíu là trả lại ảnh ngay. Chị đang tìm ảnh để trả lại đó.”

 Tôi gật đầu ưng thuận khi chị chào từ giã. Cười thầm là chị quá hiền mà mình quá gan. Ai đời dám hỏi đường đột với một người chưa hề quen biết như vậy!

Tôi đã đi hai, ba vòng để lấy thức ăn vì có quá nhiều món  ngon. Ăn xong món mặn, tôi tìm món chay để thử. Anh Bùi Dương Liêm khèo tôi, nói:

“Cung Lan! Cung Lan! Không biết ai trong Ban Tổ Chức phân công Thanh Tùng coi gian hàng chay, thấy kỳ ghê !”

            Tôi chau mày ngạc nhiên:

“Kỳ sao anh?”

            “Người của Thanh Tùng thì mặn mà cắt trông gian hàng hàng chay.Coi sao được !”

Liếc mắt về phía 4T, cô em Nữ Trung Học 1977 tươi mướt, đang múc xôi vò cho khách ăn chay, tôi cười tủm tỉm, quay lại  nói với anh:

 “Thanh Tùng mà nghe như vầy là anh Liêm chết chắc !”

Ăn uống xong, tất cả cựu nữ sinh Nữ Trung Học và cựu nam sinh Võ Tánh lũ lượt tìm bạn theo niên khóa của mình để  chụp hình nơi bìa rừng cây. Bích Lan nói tôi vào nhà mát tìm tất cả các bạn học năm 1975 để chụp hình chung. Nhà mát chỉ còn lèo tèo vài người nhưng Mỹ Thanh, Hoàng Mơ và Thùy My vẫn còn bận rộn trong dãy bàn chuẩn bị thức ăn. Tôi nói Thùy My ra chụp hình với nhóm 1975 nhưng Thùy My nói là nàng còn phải cuốn gỏi cuốn. Tôi ngạc nhiên:

“Mọi người đã ăn xong hết rồi mà Thùy My còn làm làm chi ?”

 Thùy My lắc đầu:

            “Ăn hết đâu mà ăn hết Cung Lan. Hoàng Mơ chưa ăn gì cả.”

            Tôi nhìn Hoàng Mơ đang ăn, ngạc nhiên hơn:

            “Ủa? Hoàng Mơ chưa ăn sao? Tất cả mọi người đều ăn nãy giờ Cung Lan đâu biết.”

Nói xong, tôi ngồi xuống phụ làm gỏi cuốn với Thùy My. Làm được một lúc, Thùy My nói tôi đừng làm nữa khi thấy mọi người đang gói thức ăn đem về. Nàng thu dẹp mọi thứ và nói tôi nên lấy về các món mà tôi thích. Tôi lấy bún và ít gỏi xong, đến Thanh Tùng xin một ít xôi vò. Các món ăn trong picnic hôm nay đều ngon và món xôi vò là ngon nhất. Kể từ lúc tôi xa Việt Nam đến nay, tôi chưa từng thưởng thức món xôi vò ngon tuyệt như thế.

Khi tôi trở lại bìa rừng cây, nhóm VT-NTH 1975 đã chụp hình xong. Thầy Hiền cùng nhóm CCH và các anh chị VT-NTH khác đang đùa giỡn chuyện gì mà tôi không rõ. Cô Bùi Ngoạn Lạc đang dùng microphone cảm ơn ban tổ chức và hẹn gặp tất cả học sinh hai trường Hội Ngộ năm tới. Cô nói xong, rất nhiều người chuẩn bị ra về.  Buồn tình, tôi đi đến quầy giải khát lấy nước. Quầy giải khát gồm những thùng giữ lạnh đựng nước suối và các loại giải khát khác. Các thùng này được đặt tại gốc cây, cạnh bàn bán Đặc San và áo thun. Lấy nước xong, tôi lơ đễnh nhìn các nhóm cựu nam sinh Võ Tánh đang tụ tập nói cười và những người đang quảng cáo Đặc San và áo thun hạ giá.  Bất chợt tôi để mắt đến chồng bao nhựa lớn khổ dưới bàn bán Đặc San và hỏi người đứng cạnh:

“Ngọc Hoa! Ai chuẩn bị mấy bao này vậy Ngọc Hoa?”

“Ngọc Hoa chớ còn ai nữa.”

“Ngọc Hoa chuẩn bị mấy bao này cho trò chơi nhảy bao bố phải không?”

“Ừ nhưng giờ tất cả các  trò chơi đều hủy bỏ rồi.”

“Ủa?Sao lạ vậy?”

“Vì không ai đăng ký chơi cả! Trò chơi cờ tướng, kéo co, nhảy bao bố gì cũng bỏ hết. Bây giờ ai cũng lo về đâu còn người tham gia!”

 “Trời đất!Chuẩn bị mấy cái bao lớn như vầy đâu có dễ mà giờ lại bỏ đi. Mà mình đã lên kế hoạch có trò chơi trong picnic, giờ bỏ thì uổng quá! Picnic nào hai trường mình cũng có trò chơi, nay đến tụi mình tổ chức mà không có, máy thu hình không có mục này thì quê chết!”

“Chớ không có ai tham gia làm sao tổ chức chơi.”

 “Để Cung Lan ghi tên  rồi Ngọc Hoa đi rủ mấy anh chị khác tham gia. Mà phần thưởng được gì vậy?”

 “Một trăm đô.”

  “Vậy Ngọc Hoa đi loan báo người thắng giải trò chơi được một trăm đô đi để có nhiều người tham gia.”

 “Ừ để Ngọc Hoa lấy giấy viết rồi đi mời mọi người.”

Ngọc Hoa vừa rảo bước tôi lấy một cái bao đem đến khu vực các cấp lớp cùng niên khóa vừa chụp hình rồi tròng  nó vào đôi chân mình. Tuyết Mai, Đức Phúc đang đứng lơ ngơ trên hiên nhà mát, lấy làm lạ đến hỏi. Tôi nói là trò chơi nhảy bao bố đang cần người tham gia và giải thưởng sẽ là một trăm đô cho người thắng cuộc. Hai người nghe xong, thích chí, đến bàn bán Đặc San lấy bao nhựa cho trò chơi bao bố rồi đến mức xuất phát tròng vào. Chúng tôi ba đứa đứng trên hàng thẳng, kêu gọi mọi người tham gia thêm để đủ năm người. Minh, con trai Ngọc Hoa, ôm hết cả chồng bao đến ven hiên nhà mát, kêu gọi mọi người tham gia cho đủ năm người của một cuộc thi. Chồng tôi đáp lờI kêu gọi, lấy một chiếc bao tròng vào tròng vào đến mức xuất phát nhưng bị bọn tôi phản đối không cho thi chung. Tôi réo Ngọc Hoa ra tham gia cùng nhưng Ngọc Hoa không nghe, đành khởi động tại chỗ trong khi chờ đợi. Tuyết Mai cũng khởi động bằng những cái nhún tưng tưng trong lúc hát ca om sòm:
            “Một trăm em ơi chiều nay hai tờ năm chục!”

Bộ dạng của nàng làm mọi người đang chờ xem thi đấu phải ôm bụng cười. Tất cả cười to hơn khi thấy bộ dạng khởi động của Đức Phúc. Nàng này nhảy tới bằng những bước dậm nặng nề và từng đợt một như một con ếch bự đang tập thể dục.

Bất chợt, Minh, con Ngọc Hoa đem chồng bao đến để ở vỉa hè của nhà mát, nơi gần điểm xuất phát , rồi lấy một chiếc bao tròng vào chân. Hoàng Anh và anh Tốt mỗi người cũng lấy một cái tròng vào chân. Ngọc Hoa đến nơi, phán là mỗi cuộc đua chỉ có  bốn người. Nàng bằng lòng để Hoàng Mơ, người vừa quyết định tham gia, dự cuộc đua đầu tiên với ba đứa chúng tôi. Sau đó, cuộc đua thứ hai sẽ dành cho anh Hiệp, anh Tốt, Minh và Hoàng Anh.

Dặn dò xong, Ngọc Hoa bảo chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng trước khi nàng thổi còi. Tôi đã cố gắng hết sức nhảy  nhanh khi nghe tiếng còi vang lên. Nàng Hoàng Mơ hay than chóng mặt vì bệnh gì đó, vậy mà vượt hết cả ba người trong nhóm bốn thi đầu tiên,  tiến về phía trước.Nàng Tuyết Mai thường than đau chân nhức đầu gối cũng vượt xa tôi cả tấc. Và nàng vận động viên ping pong Đức Phúc cũng bỏ tôi đàng sau rốt. Đến một phần ba đoạn đường, Hoàng Mơ bị té  và Tuyết Mai vượt nhanh hơn  trong khi tôi và Đức Phúc nhảy song đôi đàng sau. Tuyết Mai được công nhận thắng cuộc đua đầu tiên và Ngọc Hoa cho thi ngay dợt thứ nhì.

Hoàng Anh đã điềm tĩnh tham gia cuộc đua thứ hai với một thanh niên cường tráng Minh và hai cựu nam sinh Võ Tánh Hiệp và Tốt. Anh Tốt đã lăn quay ngay ở nửa đoạn đường từ mực xuất phát đến mức quay lại và anh Hiệp lăn nhào ngay điểm đến. Hoàng Oanh nhảy phía sau Minh cho nên Minh là người thắng cuộc đua thứ hai. Ngọc Hoa và ban giám khảo bất đắc dĩ( gồm những người đứng xem, đa số là CCH) phán là những người té bị loại và những người về nhất và nhì của hai cuộc đua sẽ được tham gia vào cuộc đua chung kết.

Tôi không hiểu sao, mọi người đề cử Hoàng Mơ và tôi. Thế là tôi tham gia với Minh, Tuyết Mai, Hoàng Mơ trong  cuộc thi này. Lúc này, tôi đã mệt hết sức nhưng cũng cố gắng làm găng, hù mọi người bằng câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine:

“Đừng chê con rùa nhen bà con. Lần này con rùa thắng đó.”

Tội nghiệp cho con rùa bị tôi đưa ví von không đúng chỗ. Trong cuộc đua chung kết nhảy bao nhựa thay cho bao bố, tôi chỉ nhảy đến mức quay lại thì  ba người cùng thi với tôi đã đến tới mức về rồi. Hoàng Mơ nhảy sau Tuyết Mai trong khi Tuyết Mai bị ngã nơi mức đến nên Minh là người thắng cuộc.

Sau trò chơi này tôi quá mệt nên vội đến lớp học Phong Thủy của thầy Quảng Đức(tức anh Bé) để vừa nghỉ , vừa nghe giảng bài. Thầy Quảng Đức đang giải thích những hướng lợi cho các căn nhà ở các hướng khác nhau. Thầy giảng tỉ mỉ với hình minh họa trên bảng, nhưng tôi chỉ hiểu lờ mờ vì đến trễ. Ngồi trong lớp Phong Thủy được khoảng mười phút, tôi rời lớp học để theo những tiếng reo hò inh ỏi từ phía các cuộc thi đua.

Lúc này hai đội Võ Tánh và Nữ Trung Học vừa mới thi kéo co xong. Ngọc Hoa nói to:
“Giờ Võ Tánh muốn thi lại thì thi nhưng mà Võ Tánh có hai người cũng được mà Nữ Trung Học có mười người cũng được! Tại mấy ổng học lớp Phong Thủy không chịu ra thì ráng chịu.”

Tôi hỏi Ngọc Hoa sự thể và Ngọc Hoa cho biết mấy ông bên Võ Tánh đã thua nữ sinh Nữ Trung Học một biền do số lượng người tham gia không đồng đều. Nói xong, nàng nói tôi phụ nàng làm trọng tài bằng cách cầm một khúc cây khô để làm mức giữa của hai phe khi nàng thổi còi bắt đầu. Chị Thanh Hải tình nguyện vào phe Võ Tánh vì chị nói đã từng học với Võ Tánh . Thùy My tranh cãi một lúc nhưng bằng lòng cho chị giúp họ. Cuối cùng, Võ Tánh có  được tất cả bốn người là chị Thanh Hải, anh Hiệp, anh Lành, và anh Dương Hưng.  Dương Hưng đoán bị thua nên giơ tay cầu viện anh Niên. Anh Niên hăm hở đáp lời thỉnh cầu của Dương Hưng bằng một cái phóng thật nhanh về phe Võ Tánh. Với phong cách của một người cứu khổ cứu nạn, anh  nắm chặt đuôi dây  của phe mình, ghì xuống rồi kéo lấy kéo để ra phía sau lưng. Anh càng ra sức kéo ra sau bao nhiêu  thì càng bị lôi ngược về phía trước bấy nhiêu. Rồi một cái kéo mãnh liệt  và chớp nhoáng đã lôi xềnh xệch anh về trước khiến anh phải rớt thân hình 70 pounds lên người trên người anh Hiệp. Phe Nữ Trung Học gồm chín người( Thanh Tùng, Thùy My, Hoàng Mơ, Tuyết Lan, Bạch Mai Anh, Hoàng Anh, Tố Nga và chị  Thanh Hải) nhảy cỡn lên reo mừng chiến thắng. Tôi cũng quăng cây giữ mức giới hạn, nhập cùng với họ nhảy tưng tưng reo mừng inh ỏi.Cảnh chồng té, vợ reo mừng khiến ai cũng tức cười. Anh thầy Hiền vừa cười vừa quở “Cung Lan mừng chiến thắng trên xác chồng !”

Té đau nhưng Võ Tánh nhất định không chịu thua, yêu cầu Ngọc Hoa cho thi đợt thứ ba. Trong lúc Đức Phúc tính ra tay làm anh hùng cứu rỗi cho phe họ thì tôi lùa nàng về phe Nữ Trung Học của mình. Chế Hồng Loan đang đứng xem, có lẽ sợ Nữ Trung Học thua nên làu bàu : “Võ Tánh thua thì chịu thua đi ! Tại sao không chịu ?”

Để tỏ ra công bình và đáp lại nguyện vọng của phe Võ Tánh, Ngọc Hoa quyết định cho thi lần ba. Lần này phe Nữ Trung học có đến mười người vì có thêm Đức Phúc. Võ Tánh vẫn chỉ năm người nhưng họ biết cách đứng và giữ thế kéo dây nên đã làm  phe Nữ Trung Học  lúng túng, hơi bị chao đảo. Sợ phe mình bị thua, tôi quẳng cây giữ giới hạn, bám vào phần dây của phe Nữ Trung Học và phụ kéo với các bạn gái của mình. Cuối cùng phe Nữ Trung Học thắng vẻ vang như hai lần trước.  Phe Nữ Trung Học reo hò inh ỏi trong phe Võ Tánh cười trừ.  Mọi người bàn tán nhặng xị về chiến thắng không ngang sức. Cả phe thắng, phe bại và những người đứng xem đều vui tươi hớn hở.

 Trong không khí vui tươi ấy, Tuyết Mai vui vẻ đề nghị:
 
“Bây giờ tất cả đứng vào vòng tròn đi,mình chơi trò nói nối vòng. Trò chơi này dễ lắm! Người thứ đầu nói câu gì đó, người thứ hai bắt đầu bằng chữ cuối của người nói đầu, rồi người thứ ba tiếp tục câu gì đó bằng chữ cuối của người thứ hai vừa nói.”

Tuyết Mai dứt lời, mọi người tán thành ngay, cầm tay nhau, đứng thành vòng tròn như nàng mong muốn.

Thùy My hỏi:

“Thí dụ đâu?”

 Đức Phúc đáp thay cho Tuyết Mai:

“Thí dụ như nói là tôi đi chợ thì người kế nói là ...”

Tuyết Lan đáp:

“Chợ đông người”

Đức Phúc gật đầu:

“Rồi người tiếp nữa bắp theo đó nói là người gì đó.”

Tuyết Mai xác nhận:

“Ừ,cứ lấy chữ cuối của người nói trước nói tiếp tục như vậy...Người nào bị tịt thì người đó bị ê.”

Đức Phúc hỏi:

“Nói câu gì không cần biết cũng được phải không ?”

“Ừ câu gì cũng được. Ví dụ như Tùng nói em yêu anh, người kế tiếp nói anh làm gì đó, rồi đó đi đâu....” Tuyết Mai vừa nói xong, đi theo anh Dương Hưng ra đến chỗ đậu xe.

Tuyết Lan giục mọi người trong vòng tròn:
“Rồi ! Giờ tất cả hiểu rồi! Mình bắt đầu đi !”

Thùy My, có lẽ còn say men chiến thắng từ cuộc thi kéo co, hào hứng nói với Tuyết Lan:

“Mình cố gắng thắng đi nhen!”

            Bạch Mai Anh từ xa đi lại hỏi dồn dập:

“Chuyện gì ? Chuyện gì ?”

Tôi giải thích:

“Mình chơi trò chơi nối vòng. Ví dụ Cung Lan nói 'Em yêu anh, thì người kế tiếp nói anh đi chợ, rồi chợ có cá, rồi cá có cơm...miễn là mình lấy chữ cuối của câu nói trước để nói tiếp tục cho câu khác lấy được.”

Bạch Mai Anh tỏ vẻ đồng ý. Nàng nắm tay đứng cạnh tôi ngay. Vòng tròn chúng tôi lúc này có Bạch Mai Anh, Đức Phúc, Thùy My, Chế Hồng Loan, Bích Lan, Tố Nga, Hoàng Mơ, Ngọc Hoa, Tuyết Lan, Thanh Tùng và tôi. Thùy My vẫy tay, vui vẻ gọi  chồng tôi:

“Anh Hiệp vào chơi không ?”

 Chồng tôi líu ríu bước vào đứng giữa Thùy My và Chế Hồng Loan . Chế Hồng Loan nhìn anh vừa cười vừa nói với Thùy My:

“Mày thiệt! Đây toàn đàn bà con gái không. ..Sao lại có gươm lạc giữa rừng hoa !”

            Tôi phản đối:

 “Ê mày !Cho chồng tao nổi tiếng chút chớ!”

Anh Hiệp, có lẽ không thấy ổn trong cảnh đơn thương độc mã, nên lặng lẽ bước ra khỏi vòng tròn.

Ngọc Hoa hỏi:

“Xong chưa? Bắt đầu được chưa?”

            Thùy My hỏi:

            “Xong rồi mà làm sao biết ai thắng?”

Mọi người đồng thanh:

            “Ai bí là thua.”

Ngọc Hoa nói:

          “OK hồi này mình có chai Remy Martin thắng kéo co rồi phải không? Mình muốn tháo ra uống hay để dành?”

Chế Hồng Loan nói:

 “Ngày mai khui nhậu liền tại chỗ. Không say không về”

Thanh Tùng lo lắng hỏi:

            “Trò chơi này muốn nói mấy chữ cũng được phải không?”

 Mấy chữ cũng được! Hai, ba, bốn gì gì cũng được.” Ngọc Hoa đáp xong đưa còi lên hỏi: “Giờ bắt đầu chưa? Mình thử thôi!”

            Cả bọn đáp: “Ừ, Bắt đầu đi!”

Tiếng còi của Ngọc Hoa vừa dứt tôi nói ngay:

“Em yêu anh.”

Bạch Mai Anh lính quính nói tiếp:

“Anh đi chợ.”

 Thùy My la lên:
 “Sai rồi! Em yêu anh mà sao em đi chợ?”

“Anh đi chợ mà?”

Mọi người chỉ vào Thanh Tùng nhắc:

“Rồi!Anh đi chợ  rồi kìa!”

Thanh Tùng vội vã nói:

“Chợ đông người.”

Tuyết Lan ôm bụng ngồi xuống cười ngặt nghẽo khi thấy Thanh Tùng quay mặt về phía mình trong lúc mọi người đứng gần đều trỏ tay về phía nàng, nhắc:

“Rồi, chợ đông người kìa!”

Tuyết Lan vẫn không ngớt cười khiến Thùy My la lên:

“Ê! Đừng có xạo nhen! Đừng làm bộ cười để không nói nhen!”

 Tuyết Lan nín cười ngay, đứng lên hỏi:

 “Chợ đông người phải không ? Chợ vui quá!”

Mặc cho nàng cao giọng chữ quá ra sao, cả bọn la to hơn nàng:

“Sai rồi! Phải là chữ người chớ!Chữ cuối là chữ người mà! Phạt đi!”

 Tuyết Mai từ xa đi lại, len vào giữa Hoàng Mơ và Tố Nga, nói với giọng trọng tài lẫn người tổ chức trò chơi:

“Giờ Tuyết Lan tự nhéo tai quỳ xuống đi !”

Tôi nói :

            “Mình chỉ làm nháp thôi mà ! Tha đi ! Mình làm lại !”

            Cả bọn đồng thanh :

            “Ừ lại đi ! Lại đi!”

Tôi giao hẹn :

 “Lần này mình nói liên tục , liền tiếp theo ngay, không được ngừng. Ai ngừng, bị phạt nhen.”

Tuyết Mai nhắc:

            “Nhớ lấy chữ cuối câu người nói trước mình để nói theo nhen!”

Ngọc Hoa thổi còi, tôi nói ngay:

            “Thầy Hiền đi.”

 Bạch Mai Anh đáp nhanh:

“Đi đâu?”

Thanh Tùng hỏi:

            “Nói hai ba chữ phải không?”

Tuyết Mai la lên:

            “Ngừng rồi, Nói mấy chữ không cần biết, ngừng là bị, ngồi xuống.”

Bích Lan, Chế Hồng Loan và Tố nga can thiệp: “ Thôi lại đi! “ “ Tha cho nó đi!Làm lại!” “Ừ đúng rồi, chưa biết rõ hai hay ba chữ trong câu mà ! Làm lại !”

            “Ừ lại thì lại.” Tôi nói: “Nhớ là mình nói tiếp tục chữ cuối của người nói trước mình. Câu mình nói có bao nhiêu chữ cũng được nhen. Ví dụ như...”

“Rồi rồi, hiểu rồi, giờ mình bắt đầu đi!” Cả bọn nôn nóng.

            Ngọc Hoa thổi còi, tôi nói nhanh:

            “Hội Ngộ Võ Tánh.”

 Bạch Mai Anh nói theo cũng nhanh không kém: “ Nữ Trung Học .”

Nói xong nàng vỗ tay, cười ngặt nghẽo vì nhận ra mình đã nói sai. Mọi người cũng cười nghiêng ngã vì hiểu ra nguyên nhân Bạch Mai Anh bị sai.Chữ Hội Ngộ Võ Tánh và Nữ Trung Học luôn luôn gắn liền nhau. Khi tôi nói Hội Ngộ Võ Tánh rồi ngưng ngang thì thể nào người nói kế tiếp cũng sẽ nói Nữ Trung Học một cách vô thức.Bạch Mai Anh gục đầu vào vai tôi cười đến chảy nước mắt, nước mũi. Nàng biết nàng đã rơi vào cái bẫy của tôi. Mọi người phản đối:

            “Giờ không cho con Cung Lan nói trước nữa! Con này nói khó quá đi!”

“Ừ!Giờ cho Tuyết Mai  nói trước đi!”

“Con Tuyết Mai nói thì tao phải đi xa, đến đây mới được !”Hồng Loan nói trong lúc chen vào đứng giữa tôi và Bạch Mai Anh.

Quả như lời đoán của Hồng Loan, không biết Tuyết Mai nói câu gì và Tố Nga đã đáp lại câu gì mà Tố Nga bị phạt ngồi xuống.

“Tuyết Mai  nhảy vào phía trong của vòng tròn lướt qua mặt Tố Nga, rồi dậm chân trước mặt Bích Lan nói nhanh:

“Đi về đâu hỡi em ?”

 Bích Lan lính quính đáp:

“Em về đâu?”

Thùy My lắp bắp tiếp:

            “Em đi về miền cát trắng.”

Tôi nhảy lên, la to:

            “Sai rồi! Phải nói tiếp chớ sao trả lời! Ngồi xuống đi!”

Đức Phúc bắt đầu:

            “Em bị kẹt.”

“Kẹt ở trong cầu.” Tôi đáp nhanh

“Cầu tiêu ở đâu?” Chế Hồng Loan

Bạch Mai Anh nói: “Đâu là đâu?”

Tuyết Lan lập lại: “Đâu là đâu?”

Tuyết Mai la lên:

 “Lặp lại !Không được ! Sai rồi !Ngồi xuống !”

“Giờ Cung Lan bắt đầu lại đi !”

Tôi nói :

“Em thương anh.”

Chế Hồng Loan nhìn mặt Bạch Mai Anh :

“Anh Hiền ơi!”

 “Không biết!”Bạch Mai Anh lính quính lắc đầu làm ai nấy cười nghiêng ngã.

 Thùy My nhắc:

 “Ê,Tuyết Lan tiếp kìa!”

Tuyết Lan la to:

 “Ơi ! Tuyết Lan đây !”

Ngọc Hoa nói :

 “Đây là đâu ?”

Hoàng Mơ đáp :

“Đâu là Hiền.”

Tuyết Mai nhảy về phía anh thầy Hiền, người đang quay phim, vung tay ra vẻ giới thiệu :

“Hiền ở bên này”

Tố Nga nói :

“Hiền ở đâu.”

“Sai rồi !” Tuyết Mai nói.

 Tố Nga hỏi :

“Sao sai?”

“Này mới là chữ cuối chớ đâu phải chữ Hiền.”

Nghe mọi người giải thích xong, Tố Nga nói:

 “Này là ở đâu?”
 “Ủa?” Bích Lan ngớ ngẫn tỏ vẻ không hiểu là đến phiên mình.

Ngọc Hoa đáp thế:

 “Đâu là ở trên trời.”

Bích Lan lập lại được chữ đâu rồi nhìn mặt Thùy My phì cười làm Thùy My quính quáng nói:

“Chết tổ tui rồi!”

Trong khi cả vòng tròn cười nghiêng ngả và Thùy My than:

“Té đái trong quần!”

 Thầy Hiền nhắc:

 “Trời ơi là trời!”

Hồng Loan không tha Bích Lan:

 “Hồi nãy con Bích Lan nói trễ rồi ngồi xuống.”

Thế là Thùy My Bắt đầu:

 “Đây là Thùy My!”

Đức Phúc nói:

“My gì?”

“Gì gì gì ở đâu?”Tôi lật đật nói với giọng cà lăm

Chế hồng Loan nói tiếp:

“Đâu là đây?”

Bạch Mai Anh:

“Đây đó,”

 Tuyết Lan chỉ vào người của Ngọc Hoa :

 “Đó là hoa”

Ngọc Hoa nói :

“Hoa là hoa hồng.”

Hoàng Mơ chỉ về phía thầy Hiền:

 “Hồng của Hiền.”

Tuyết Mai ra vẻ tìm kiếm:

 “Hiền ở đâu ?”

 Ngọc Hoa cảnh cáo : “ Chuẩn bị đâu lại đó bà con !”

“Sao cứ nói chữ đâu hoài vậy ?” Tố Nga than xong , bị bắt quỳ vì chậm trễ.

 Tuyết Mai ung dung nói :

 “Nói lại chữ  cũ cũng được.Miễn sao người ta nói tiếp chữ cuối của người vừa nói là được chứ bộ !”

Tôi nói :

“ Giờ chỗ đó hai người ngồi rồi, Thùy My bắt đầu đi.”

“ Bắt đầu sao?” Thùy My hỏi.

Cả bọn nhắc loạn xạ:

“Anh Liêm ơi!” “Anh Liêm đâu rồi!”, “Anh Liêm ơi cứu bồ !Nói Đại đi !”

 “ Nguy Hiểm nguy hiểm! Chế Hồng Loan than vì sắp đến phiên của nàng trong  khi Tuyết Lan hối Thùy My:

“Liêm đâu rồi?”

Thùy My nhắc lại y chang như thế.

Đức Phúc nói tiếp thật nhanh:

“Rồi là gì?”

Tôi tiếp:

“Gì  cái gì vậy ?”

Hồng Loan nói ngay:

“Vậy là sao?”

Bạch Mai Anh nhanh không kém:

“Sao trên trời.”

Tuyết Lan phản ứng không thua gì, lại còn pha chút hề trong giọng điệu :

“Trời hôm nay đẹp quá!”

“Quá xá quà xa!” Ngọc Hoa nói xong bị phạt ngồi xuống vì nói chậm và  Hoàng Mơ bắt đầu:

“Quá xá đau tiểu.”

 “Tiểu bên kia.” Tuyết Mai đáp

“Đến phiên Tố Nga kìa.”

Tôi phản đối:

“Bên đó hai người ngồi rồi! Tố Nga và Bích Lan đều bị phạt thì phải đến Thùy My chớ?”

Tuyết Mai đáp:

“Phạt ngồi chút thôi ,giờ nói tiếp được.”

Tôi tiếp tục cãi :

 “Nói như Tuyết Mai vậy thì làm sao biết ai thắng ?”

“Chơi này cho vui thôi, không cần thua thắng gì cả.”

 Tôi im lặng không đáp trả. Tuyết Mai quả là có lý.  Những trò chơi chỉ cốt làm vui chứ chẳng phải thắng thua gì. Ngay cả chiến thắng ăn gian của người phụ trọng tài quẳng cây giữ giới hạn để phụ phe mình cũng chỉ để làm vui cho người xem. Tôi chắc rằng những anh chị đang đứng xem chúng tôi chơi trò nói nối vòng cũng có một phen cười hả hê. Thầy Hiền thì tủm tỉm chọc chúng tôi rằng khi chúng tôi bí thì cứ lấy tên thầy ra mà nói tiếp. Tôi cười thầm vì tuổi năm mươi của mình vẫn còn chơi đùa và tranh cãi như con nít và chắc chắn thầy cô ở tuổi lục, thất, bát tuần cũng thấy trẻ lại khi nhìn chúng tôi vẫn còn nghịch ngợm như thưở nào. Anh Nguyên, cựu trưởng Hướng Đạo của vùng Hoa Thịnh Đốn và là khách mua vé ủng hộ dùm cho tôi, duy nhất dự picnic hôm nay. Anh cho tôi biết là chưa bao giờ anh thấy một picnic của trường nào vui như thế. Ngoài ra anh còn khen ban tổ chức đã sắp xếp chu đáo các  món ăn, nước uống. Tôi biết anh còn muốn nói một điều mà chưa tiện nói đó là học sinh trường Nữ Trung Học của chúng tôi có những khuôn mặt rất ưa nhìn. Sở dĩ tôi biết điều này vì chồng tôi tiết lộ cho tôi biết anh đã tìm gặp chị Tuyết Ba, một Nữ Trung Học độc thân duyên dáng và thành viên trung thành của Chợ Chồm Hổm.

Chúng tôi rời Burke Lake vào khoảng 4 giờ chiều. Trên đường về, ba đứa con tôi không hề bàn bạc gì về buổi picnic của trường trung học xưa của bố mẹ nhưng cũng không hề  biểu hiện sự bất bình nào.Chắc chắn là chúng đã quan sát tất cả những sinh hoạt của bố mẹ  chúng và bạn bè của họ trong ngày hôm nay.


                                                     *
Anh Hiệp không thích tham dự các buổi dạ vụ nên anh đưa tôi sang nhà Tuyết Mai để tôi quá giang đến nhà anh Trần Mạnh Hùng và chị Diệu Phương chiều hôm nay. Chúng tôi gồm có anh Lập, Tuyết Mai, Chế Hồng Loan, chị Tuyết Ba, Đức Phúc,Xuân Mai và tôi đã có một buổi  tối khá vui vẻ  và thú vị. Dạ vũ có ban nhạc sống của cây nhà lá vườn cộng thêm những danh ca nổi tiếng của hai trường VT-NTH đã tạo nên một không khí rất đặc biệt. Nhóm CCH chúng tôi có Chế Hồng Loan và thầy Hiền hát đơn ca. Nghe nhạc, nhảy vài ba điệu, chụp vài ba chục tấm hình, chúng tôi kéo nhau ra sân sau nhà đùa giỡn  một lúc rồi bàn tính cách chuồn ra khỏi nhà. Sở dĩ chúng tôi phải làm như thế vì khi chúng tôi nói từ giã chị Diệu Phương, chị than là mọi người sẽ kéo nhau về hết khi thấy nhóm CCH chúng tôi đi ra khỏi nhà. Để khỏi phá đêm dạ vũ của VT-NTH do anh Trần Mạnh Hùng và chị Diệu Phương tổ chức như chị Diệu Phương khuyến cáo, chúng tôi đã đạp trên bãi cỏ rộng và đẹp của chị ở lối sau để đi ra đường thay vì đường đường chính chính dùng cửa trước.Ra đến chỗ đậu xe, bọn con gái CCH chúng tôi năn nỉ thầy  Hiền ở lại thêm một ngày  nữa để dự buổi họp mặt CCH tại nhà tôi ngày mai nhưng thầy Hiền nhất quyết về lại Canada vào sáng sớm để kịp đến nơi.Tôi lấy làm tiếc vì không được thầy đến nhà nhưng thông cảm tình trạng lái xe một mình trên đường dài đằng đẵng của thầy. Thế là, chúng tôi chào từ giã thầy theo kiểu bịn rịn như từ giã người đi xa không bao giờ gặp lại.Thầy Hiền cũng quá rành tính phá phách của chúng tôi nhưng cũng chấp nhận cử chỉ thân mật khá kỳ quái này.



Sáng Chủ Nhật ngày 21 tháng 8 năm 2011

Tôi dậy lúc năm giờ sáng để nấu ăn. Như thường lệ, vợ chồng chúng tôi nấu món bún riêu nấu bằng nước me và  chả giò. Ngoài ra còn có thêm món thịt nướng, bánh hỏi, xôi dừa, xôi bắp, chè thập cẩm, gỏi sứa và gỏi hến. Hoàn tất các món ăn đúng chín giờ rưỡi, tôi vội gọi Tuyết Mai mượn ghế. Hôm nay chúng tôi có rất nhiều bạn bè đến  như anh Lập, Tuyết Mai, Chế Hồng Loan, chị Tuyết Ba, Đức Phúc, thầy Hiền,  Bích Lan, anh Trang, Phạm Bích Lan, Bạch Mai Anh, anh Liêm, Thùy My, Tố Nga,  Ngọc Hoa, anh Niên, Tuyết Hoa, anh Nguyễn Hướng Đạo và vợ chồng anh Nguyễn Chí Lô.

Đúng mười hai giờ, căn nhà tôi trở nên nhộn nhịp vì những tiếng nói, tiếng cười vui vẻ của bạn bè của CCH, của VT-NTH Nha Trang, của nữ trung họcThánh Tâm, và của Hướng Đạo vùng Hoa Thịnh Đốn. Tay bắt mặt mừng một lúc, chúng tôi vây quanh anh Nguyễn để ký tên vào áo thun VT-NTH 2011 của anh. Do anh là khách trung thành, không bỏ sót một buổi tiệc nào của Hội Ngộ VT-NTH lại chụp nhiều hình cho chúng tôi nên anh được chiếu cố đặc biệt như thế. Sau khi tra tấn anh bằng những chữ ký trên áo trước và sau, chúng tôi tản mác ngồi từng nhóm ở phòng khách lẫn trong phòng ăn. Có quá nhiều thức ăn lại thêm các thức ăn khác của bạn bè, hai bàn ăn của chúng tôi đầy ắp các  món mặn, ngọt, chua cay...

Ăn xong, nhóm trong phòng ăn vây quanh Đức Phúc nghe nàng diễn tả chuyện nàng bị cảnh sát bắt thử hơi rượu ngay sau đêm Hội Ngộ. Đức Phúc  nói nguyên nhân mà nàng bị cảnh sát chặn là nàng đã change lane không đúng phép do phải đuổi theo xe của Tuyết Mai để biết đường về. Khi ông cảnh sát đến nơi, nghi ngờ nàng đã uống say trong khi lái vì mùi rượu nồng nặc bốc ra từ cánh cửa mở của xe. Mặc cho anh Lập hết lòng đính chính rằng chính anh là người uống bia nên nhờ Đức Phúc chở dùm nhưng ông cảnh sát nhất định không nghe và không tin. Ông bắt Đức Phúc ra khỏi xe để kiểm tra hơi thở và cân bằng thân thể. Sau một hồi kiểm tra, ông cảnh sát không hề  tìm được chứng cớ rằng Đức Phúc say trong khi lái nhưng ông vẫn tặng cho Đức Phúc một phiếu phạt với ba con số không nhỏ.Kết thúc của câu chuyện chẳng có hậu chút nào nhưng cách diễn tả của Đức Phúc khi kể chuyện đã làm chúng tôi ôm bụng cười quá chừng.

Nhóm ngoài phòng khách cũng đang nói cười về chuyện gì đó và cũng cười to chẳng kém. Sau khi hai bên ngưng cười, Ngọc Hoa đề nghị tất cả cùng ra ngồi ở phòng khách để cùng trò chuyện cho thân mật. Chúng tôi lục tục đem ghế ra ngoài, đặt sát cạnh tường, tạo thành vòng tròn trong căn phòng nho nhỏ. Trong khi mọi người yên vị, nhỏ Chế Hồng Loan nói tôi lấy chiếc ly để nó rót rượu mừng. Tôi tưởng Hồng Loan rót rượu mừng họp mặt nên với đại một chiếc cốc nhỏ, đưa nó:
“Ê mày ! Nhà tao nghèo có một cái ly hà ! Mình uống chung đi mỗi người một ngụm ! Ai ho lao bị lây ráng chịu! Lâu lâu bị ho lao một chút không sao đâu!”

Hồng Loan trợn mắt:

 “Nhà có một đống ly kia mà nói có một cái! Làm biếng vừa vừa đó!Tao cần hai cái để tác hợp cho đôi ễnh ương!”

 “A thì ra rượu mừng đám cưới anh Nguyễn với chị Tuyết Ba chớ không phải rượu cho tụi mình hả? Vậy thì có ngay!Đây nè!”

          “Thôi được rồi, không cần nữa! Để tao lấy thêm ly của tao! Đây là hai ly rượu dành cho đôi nam thanh nữ tú!”

            “Hai người cần một ly chớ cần chi hai ly!” Tuyết Mai bàn ra.

 “Chia đôi đi! Chia đôi đi!”

“Chưa! Còn mấy ông kia chưa có.”

 “Rồi! Có hết chưa?”

“Chúng ta ở giờ phút quan trọng!” Nhỏ Hồng Loan loan báo xong ngâm nga nhạc đám cưới như tất cả đang đứng trong nhà thờ. “Tờn tơn tơn tơn Tờn tớn tờn tơn! Tờn tơn tơn tớn Tơn tơn tờn tơn tớn tơn...”

Mấy anh nam cổ vũ:

 “Vô đi ! Giờ hai người kéo tay nhau ! Ý quên nắm tay nhau đi chớ!”

 Anh Chí Lô:

“Ừ Kéo tay đi chớ chưa kéo chân được! “

 “Thôi kệ. Mới đầu cặp này còn hơi e thẹn một chút cũng được !” Chế Hồng loan nói rồi ngâm thơ: “Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy ! Ngàn năm dễ có mấy ai quên !”

 Bích Lan nói:

 “Nãy giờ Bích Lan quên mất. Đây là quà của Kim Lệ tặng cho Chợ Chồm Hổm tụi mình. Vì Kim Lệ tặng Chợ Chồm Hổm cho nên Bích Lan xin phép chỉ có những người trong Chợ Chồm Hổm mới có số bốc thăm!”

 “Trời ! Chỗ đây nhiều người mà nó cho quà Victoria Secret!”

Trong khi Bích Lan bận rộn đếm người và xin giấy viết để ghi số bốc thăm, Chế Hồng Loan nói với Bích Lan rằng:  “Cho tao số mười rưỡi được rồi!”,  rồi quay sang anh Nguyễn nó nói tiếp:

             “Anh Nguyễn anh biết sao không. Năm ngoái tụi này ăn cưới cặp vợ chồng này nè ! Tụi này bay  lên San José ăn cưới anh Liêm và Thùy My.”

Anh Nguyễn cười:

 “Năm này thì khác, có một đám cưới riêng không ai biết!”

 “Anh bậy bạ quá! Nhiều người như thế này sao làm đám cưới riêng.Muốn riêng thì chọn ngày khác.”

            “Có mấy người này, talk only chớ chẳng làm được gì hết!” Anh Nguyễn đáp.

             “Anh biết đó là thủ tục đầu tiên!” Hồng Loan vui vẻ trả lời.

             “Năm nay nếu có đám cưới, thì đây là bà mai!” Chỉ vào Hồng Loan, Thùy My nói một cách nhỏ nhẹ, rồi chỉ Bích Lan nàng nói tiếp một cách chậm chạp:  “ Còn năm ngoái cặp em làm đám cưới là nhờ bà mai kia !”

Tôi trợn mắt không tin sự thật vì nhớ ba cái ngu của nàng hội trưởng thường tuyên bố là sẽ không bao giờ dính dự. A há ! Hội trưởng Chợ Chồm Hổm nói một nơi mà làm một  nẻo! Cũng may là cặp vợ chồng anh Liêm và Thùy My là một cặp hạnh phúc và dễ thương cho nên chắc chắn là bà mai Bích Lan thông minh chứ không bị vướng vào một trong bốn cái ngu “ làm mai, lãnh nợ, gác cu cầm chầu” rồi!

Tuyết Lan vẫn gõ nhịp trên nắp soong cổ vũ lời nói chí lý của từng người trong lúc Thùy My gật gù :

 “Hồi trước ảnh Liêm nín dữ lắm! Sau đám cưới, ảnh nói nhiều hơn !”

            Tôi nhìn về phía anh Liêm nơi mọi người đang dồn mắt về trong khi nghe Chế Hồng Loan nói:

 “Năm ngoái  cũng không thấy ảnh đẹp trai, năm nay thấy ảnh đẹp trai hơn ! Mặt phương phi hồng hào! Đã đẹp trai lại còn nói nhiều và nói hay nữa chớ!”

Anh Liêm vừa nói, vừa cười :

 “Đúng là vợ bác sĩ ! Biết cách khám bịnh! Nói đâu đúng đó!”

 Thùy My cười, tiếp lời:

 “Má ảnh nói sao hồi đó nó ít nói mà từ ngày nó ưng con nó nói gì mà nói dữ vậy không biết!Chớ hồi trước, nó không có nói.”

            Chế Hồng Loan:

             “Cái này là nhờ chợ mình khai hoang diễn dã!”

 “Bây giờ ảnh tới chỗ mấy ông bạn ảnh cũng vậy.Ổng nói một hồi lỡ lời sao mà bị mấy ông bạn ổng bắt phạt rượu!”

            “Phạt quỳ chớ phạt rượu làm gì!”

Bích Lan thở dài:

            “Từ 1975 đến giờ mà có một cặp ít quá! Thôi giờ mình làm thêm một cặp nữa đi!”

  “Cái này làm như là chỉ tiêu phấn đấụ! Một năm phải có một cặp!”

  “Giờ mình sắp có một cặp nữa rồi!Đừng lo !” Hồng Loan nói.

Không khí tự dưng im lặng.

 “Ủa sao không có ai chụp hình vậy? Chưa có ai chụp hình hết! Chụp hình đi!” Hồng Loan nói.

 “Thôi giờ ai có chuyện vui gì kể đi!” Anh Chí Lô nói.

 “Mấy chuyện vui của Hồng Loan hồi trước xưa rồi! Mà già rồi không biết còn nhớ được hết để kể chuyện vui không?” Hồng Loan từ chối.

Anh Chí Lô tình nguyện kể đầu tiên. Anh kể chuyện con muỗi đực kiện thượng đế về sự không công bằng của giống đực và cái nhưng cuối cùng không muốn làm muỗi cái chỉ vì sợ mất những điều nó đang có và chẳng thà chết sướng hơn là không có chuyện nó đang được có.

Trong khi mọi người cười ồ, Bích Lan đứng vào giữa vòng nói:

 “Trong này có 12 số. Nếu ai nhận được chữ Congratulations thì người đó được món quà của Kim Lệ.”

Cả đám đàn bà nhao nhao:

“Đừng mở nhen! Để chờ nhận các số hết rồi mở ra một lần.”

Bích Lan nói:

“One, two Three! Rồi, mở ra đi!”

“Mở thì mở!”

Bạch Mai Anh:

 “Đây! Có chữ Congratulations đây nè!”

Chế Hồng Loan vui vẻ như vừa nghe tin mình được thưởng, chỉ vào Bạch Mai Anh giới thiệu với mọi người:

“Đây là một thành viên độc thân của Chợ Chồm Hổm! Xin lưu tâm đến!”
Rồi nói với Bạch Mai Anh:

“Mày được quà là đỏ bạc đen tình. Tao yêu cầu mày phải thử sau khi mở quà ra để có cả quà lẫn tình.”

Bạch Mai Anh run rẩy mở chiếc hộp nằm trong chiếc giỏ có chữ Victoria Secret xinh xắn. Rồi nàng thở dài thoát nạn, giơ cao cái thẻ quà mua hàng của Victoria Secret lên trình làng.

 Hồng Loan nói với giọng đầy thất vọng:

“Hồng Loan đang mong là cái gì thuộc Victoria Secret chớ !At least là một cái thong, ai dè chỉ là cái gift card! Ê, Bích Lan! Kỳ này về Cali, tao hỏi tội con Kim Lệ cho coi!”

Anh Liêm cười “Tưởng là Single string hả!”

Ha ha ha...
“Giờ không có đồ Victoria secret thì mượn đồ của Cung Lan đi!” Một giọng nói ma mãnh của một mợ nào đó vang lên.

Tôi hoảng hồn đáp :

 “Cung Lan không biết là Cung Lan có đồ nào của Victoria Secret không nữa! Mà thực muốn đồ Victoria Secret cho Bạch Mai Anh không? Cung Lan đem xuống cho.”

Chế Hồng Loan nói:

“Thôi khỏi! Làm nó run cũng tội !Mình mà trúng congratulations của Victoria Secret như nhân vật Bạch Mai Anh  mình  cũng run.”

“Sao run?” Tôi vặn.

            “Thì hồi giờ mình chỉ biểu diễn trước một người giờ phải trình diễn trước nhiều người!”Chế Hồng Loan “Với lại, bảo đảm với tụi mày tuổi tụi mình mà biểu diễn đồ victoria Secret là mọi người té xỉu hết. Một là xỉu hai là nổ đom đóm!”

Vài ba mợ chêm thêm:

“Không phải ! Sẽ bị chó cắn chết!”

“Tai nạn xe cộ xảy ra !”

“Tối gặp nightmare!”

Hồng Loan lắc đầu:

“Không dám đâu ! Có một người rất xinh đẹp ở đây và biểu diễn tụi mình sẽ mê mẫn... đó là chị...”

“Tuyết Ba!” Chúng tôi đồng thanh đáp.

Tuyết Mai nói:

 “Thôi giờ mình cũng kể một chuyện vui nhen. Một chuyện vui có thật có Đức Phúc làm chứng nữa!”

Đức Phúc cau mày hỏi: “Gì?” làm ai nấy cười ồ.

Tuyết Mai không quan tâm đến sự ngạc nhiên của Đức Phúc, tiếp tục:

“Từ hồi giờ tụi mình ai muốn mặc đồ gì thì đi mua đúng không?Cung Lan bữa đó mình rủ Cung Lan đi hồ bơi,tự dưng Cung Lan nói anh Hiệp mua đồ tắm cho mình. Cái mình hỏi ủa sao anh Hiệp lại mua đồ tắm cho Cung Lan? Cung Lan nói  hồi giờ đồ của Cung Lan toàn anh Hiệp mua không hà. Đến khi ra hồ tắm thấy Cung Lan mặc đồ tắm mình với Đức Phúc hỏi 'Cung Lan ủa  cái gì đây?' Đó là một cái lỗ tròn rất rộng ở giữa ngực . Khi Cung Lan bận xong, mình mới nói may hồn là cái lỗ tròn đó hở phía trên chớ không phải ở phía dưới.”

 “Rồi sao nữa?”

 “Xong rồi vô hồ tắm mà Cung Lan còn ráng đem máy hình vô theo.”

 “Ha ha ha...Cái con ưa chụp hình mà! Rồi sao nữa ?”

“Ba bà tắm xong vào sauna hong người cho ấm thì bất ngờ có một bà mở cửa bước vô( Ha ha ha) Bà này không bận áo quần gì hết. Nói tóm lại là bả ở truồng. Ba bà trố mắt nhìn bả như thấy hiện tượng lạ. Cung Lan cũng ngẵng đời nói 'Chị, chị, chị, chị lấy máy ảnh này chụp dùm tụi em đi!'“

Ha ha ha...
“ Đâu có Cung Lan đâu có nói tiếng Việt với bả!Bà đó người Tàu mà!”  Tôi cãi.

“ Ừ thì Cung Lan chỉ nói Please please please mà bà này hình như không hiểu tiếng Mỹ gì mấy nên Cung Lan vừa nói please vừa ra dấu chụp hình dùm.Tội cho bả là hai tay của bả đang bụm thế này nhưng cũng phải lịch sự nhận cái máy hình của Cung Lan để chụp hình dùm cho ba đứa tụi mình. Đến khi bả dùng cả hai tay để chụp thì ba bà mình đồng nhìn xuống phía dưới của bà  chứ không nhìn máy hình gì hết!”

“Ha ha ha...” nhiều tiếng cười kèm với những tiếng ho sặc sụa vang lên.

Tuyết Mai vừa cười vừa hỏi:

“Bữa mình gửi hình cho Bích Lan để gửi hình vô chợ mấy bạn có thấy ba bà đều nhìn xuống không? “

“Thấy mà không ai để ý đâu!”

“Ba bà đều nhìn xuống  nhưng không ai trong Chợ Chồm Hổm  để ý cả !” Tôi vừa nói vừa cười đến chảy nước mắt, rồi phân bua:

“Áo tắm Cung Lan hở một lỗ tròn ở giữa ngực mà  bị Tuyết Mai với Đức Phúc  quở quá chừng...đến khi vô chỗ tắm nước nóng gặp mấy bà già ở truồng như nhộng  hết thì hai nàng ngọng luôn! Mà chỗ đó họ tắm như vậy để khi vào phòng hong đá lữa cho tiện . Bà người Tàu đó tưởng tắm xong vô gặp người cùng hội cùng thuyền để hong khô  người ai dè gặp ba nàng mặc áo tắm chiếm hết cả phòng lại còn bị bắt chụp hình mới khổ chớ.”

“Ác nhơn vậy!” Thùy My vừa cười vừa nói.

Cả phòng xôn xao nói như chợ của Quốc Tế. Bàn tán, bình phẩm, giọng cười, giọng nói,  giọng ho ồn ào trong căn phòng  đến độ chẳng ai có thể nghe được ai một cách rõ ràng.

            Tôi vừa cười vừa nói:

 “Hôm đó Cung Lan phải đi học buổi chiều tối nên tắm xong Cung Lan gửi áo tắm nhờ Tuyết Mai giặt dùm. Tuyết Mai nói là Cung Lan đừng lo, Tuyết Mai không những giặt dùm mà còn khoét thêm một lỗ phía dưới để design cho đúng điệu.Cung Lan về nhà cự anh Hiệp là mua đồ gì kỳ cục để em bị mấy đứa bạn chọc.”

Mọi người dồn mắt về anh Hiệp cười lớn trong lúc Chế Hồng Loan nói:

“Cái này phải vỗ tay chúc mừng anh Hiệp.”

            Tuyết Mai nói:

 “Công nhận chuyện vui có thiệt này hay phải không?”

“Ừ Vỗ tay!” Chế Hồng Loan rao như hát hồ quảng và Tuyết Lan đánh phèng la nắp soong.

“Giờ next đi! Ai tiếp?”

“Tới phiên Hồng Loan đó.”

“Thôi giờ Hồng Loan cũng ráng kể nhưng chuyện này kể phải có người minh họa mới được. Như Bích Lan muốn minh họa thì cứ ra. Hồi đó có một phái đoàn thì ... mà  thôi ngồi xuống đi mày!Tao không cần minh họa nữa! Tao là người tốt bụng mà! Giờ để Hồng Loan kể lại nhen! Hồi đó có một phái đoàn đi Trung quốc trong phái đoàn đó có một ông đó là một nhà nghiên cứu rất khó tính. Ổng mới về lại  quê nhà nên ổng muốn ăn một món đặc biệt và ổng order một con vịt quay Bắc Kinh. Khi bồi bàn đem con vịt quay ra, ổng hửi hửi rồi nói: “Nô! đây  không phải là vịt Bắc Kinh, Tui order vịt Bắc Kinh chính cống;thì ông bồi nói sao mà ổng hay vậy nên đem con vịt khác lên. Ông hửi phau câu con vịt rồi lại nói: 'Không! Không phải là vịt Bắc Kinh.'“

            Bích Lan chặn ngang:

“Ê, Hồng Loan phau câu là gì vậy?”

Ha ha ha

Anh Chí Lô nhanh nhảu:

“Phau câu là đít nó chỏnh lên đó ! chỗ dỉnh lên đó!”

Ha ha ha

Chế Hồng Loan lờ đi, tiếp tục kể:

 “Nô! không phải là vịt Bắc Kinh! Ổng làm vậy đến lần thứ ba thì ổng nói; 'Đúng con này là vịt Bắc Kinh.' Thế là cả phái đoàn có một bữa ăn ngon vui vẻ. Ăn xong ổng về phòng khách sạn ngủ. Ổng về phòng chưa kịp tắm rửa thay đồ thì có tiếng gõ cửa phòng. Ổng mở cửa ra thì thấy một cô gái. Ổng hỏi cổ là cô cần gì. Cổ là waitress trong nhà hàng. Anh giúp dùm em một chuyện. Ổng hỏi chuyện gì. Cổ nói cổ là người mồ côi, cha mẹ chết hết. 'Hiện tại em không biết gốc gác cha mẹ em là ai. Em  nghe người ta nói em ở trong tu viện mồ côi Bắc Kinh mà em không biết em có phải là người Bắc Kinh không thì giờ anh coi thử em có phải là người Bắc Kinh không?'“

Cả bọn cười ồ : “Hay hay hay...Vỗ tay !” Hồ Quảng của Chế Hồng Loan và phèng la của Tuyết Lan đồng vang lên om sòm.

Tôi nói: “Hay nhất là Bích Lan biết ngưng Hồng Loan đúng lúc, đúng chỗ để hỏi phau câu là gì ? phau câu nằm ở chỗ nào và còn minh họa phau câu chớ không ai có thể hình dung anh Trung Quốc đó kiểm tra phau câu của cô waitress kia ở đâu để biết cổ là người Bắc Kinh!”

“Đó là nhắc tuồng !” Anh Chí Lô nói.

Chế Hồng Loan cãi: “Không cần nhắc tuồng, cũng đâu cần Bích Lan hỏi, Hồng Loan cũng có thể biểu diễn cho mọi người thấy phau câu là gì mà !”

 Anh Chí Lô đáp :

            “Nhưng phau câu của Hồng Loan không phải là của Bắc Kinh!”

Ha ha ha...Cả bọn lại ôm bụng cười.

“Rồi, next!”

            “Đến phiên ai ?”

            Tuyết Mai nói:

 “Đến Xuân Mai kìa! Xuân Mai có chuyện gì kể không?”

 “Thôi thì Xuân Mai cũng làm gan kể chuyện có thật của Mai nhen. Mà thôi, trước tiên để Mai kể chuyện không có thật đã! Có một cô nọ mới ở Việt Nam qua, lái xe ra free way gọi về cho ông ba. Xong ông ba nói 'Con ơi, con cẩn thận chớ ba mới nghe radio báo là có một cái xe đi ngược đường đó con!' Cô gái nói 'Để con nhìn kỹ coi! Ba ơi! Ai cũng đi ngược đường con hết đó ba!'“

“Ha ha ha! Hay, hay! Vỗ tay!” Hồng Loan rao Hồ Quảng và Tuyết Lan gõ phèn la

“Còn chuyện thứ hai là chuyện thật của Mai hén. Mai đi chợ ra shopping. Ra tới chợ, cell Mai hết pin rồi nên Mai đi ra đường gặp một người Việt Nam mượn điện thoại gọi về nhà. Em Mai hỏi: Mai đứng chỗ nào vậy? Thì Mai đứng ở góc đèn xanh đèn đỏ đó!”

“Vỗ tay !”

 Chí Lô chép miệng:

 “Trời ơi! Chắc thành phố đó nhỏ lắm!”

“Rồi đến Đức Phúc!”

 “Đức Phúc nhiều chuyện lắm! Kể đi!”

“Ha ha ha...” Mọi người đều cười với nghĩa đen của chữ nhiều chuyện là tò mò tọc mạch chứ không phải là có nhiều chuyện kể.

Đức Phúc điềm tĩnh bước vào giữa những con mắt đang chăm bẳm nhìn nàng, nói một cách khoan thai:

“Ngọc Hoa có một bài ca rất là hay. Để Đức Phúc và Ngọc Hoa hai đứa hợp ca.Ngọc Hoa ra đây !”

“Hợp ca phải đứng ra giữa hát đàng hoàng như vậy mới được!” Hồng Loan gật đầu đồng ý.

Đức Phúc đưa tay giới thiệu ngọc Hoa:

“Đây là Sôphia Lò Rèn. Sôphia Lò Rèn sẽ hát chung với Đức Phúc”

“Ha ha ha....” Cả bọn phá ra cười lớn. Tuyết Lan đánh phèng la và Chế Hồng Loan ca Hồ Quảng”Vỗ tay!”

Ngọc Hoa tỉnh bơ:

 “Hoa chỉ hát câu đầu thôi nhen!”

Đức Phúc giả nai:

“Vậy câu thứ hai là câu làm sao?”

“Ha ha ha...”cả bọn phá ra cười lớn.

“Không thuộc bài thì hát bè cho đồng điệu!”

“ Không cần câu một câu hai gì cả. Hát đi”

Ngọc Hoa cắt ngang những lời đề nghị và những tiếng cười ồn ào bằng giọng nói hết sức nghiêm trọng:

 “Giờ Ngọc Hoa với Đức Phúc sẽ hát bài Có một loài chim không bao giờ bay!”

Cả bọn đang im lại phá ra cười:” Ha ha ha... Ui cha ơi!”

Ngọc Hoa cau mày:

“ Bây giờ tất cả đã sẵn sàng nghe chưa?Cười hoài làm sao mà nghe?”

Cả bọn vừa cười, vừa lau nước mắt vừa gật đầu. Ngọc Hoa cất giọng cùng Đức Phúc:

“Có một loài chim không bao giờ bay
Đó là loài chim nó nằm trong quần tây”

Ha ha ha...

 Đức Phúc đính chính:

 “Không phải nằm trong quần tây! Nằm trong quần Jeans !”

Nói xong nàng kéo Ngọc Hoa trở về ghế ngồi. Tôi phản đối :

 “Ủa ? bài hát gì kỳ vậy ! Thơ gì mà có hai câu vậy trời?”

“Thôi được rồi! Tao đề nghị hai tụi bay sáng tác thêm” Chế Hồng Loan giảng hòa “Còn giờ thì đến phiên con Phạm Bích Lan!”

Phạm Bích Lan lắc đầu, nói:

 “Bích Lan không biết chuyện gì đâu Hồng Loan! Tha cho Bích Lan đi! “

“Vậy thì suy nghĩ đi. Chặp nữa tụi tao trở lại !”

“Giờ tới phiên con Cung Lan!”

“Được! Để Cung Lan kể! Hồi giờ Trung Quốc và Việt Nam luôn luôn kèn cựa với nhau chuyện hơn thua mình giỏi hơn người, tài hơn người. Năm nào cũng có cuộc thi vẽ nhanh giữa Trung Quốc và Việt Nam hết. Năm đó, Việt Nam thắng Trung Quốc bởi vì họa sĩ Việt Nam nhúng năm ngón tay quẹt trên giấy đã có năm con trùn, trong khi họa sĩ Trung Quốc cặm cụi chỉ có một con rồng. Năm thi sau, Trung Quốc cử một họa sĩ nữ thi với họa sĩ nam của Việt Nam. Mục đích của họ là quyết thắng gấp đôi và bẻ mặt Việt Nam phục thù cho lần thua năm trước.Cô họa sĩ Trung Quốc này chuẩn bị đàng hoàng lắm: nào là chậu màu, nào giấy thi ...”

“Tinh tình tình, tình tình tính tính, tinh tính tình...” Nhạc của chiếc điện thoại cầm tay của tôi reo lên khiến mọi người cười ồ.

“Cung Lan câu giờ!” Hồng Loan chọc.

 Tôi mở điện thoại ra coi số rồi đóng lại ngay.

“Kệ đi! Chút nữa Cung Lan trả lời!” Nói xong, tôi kể tiếp: “Này nhen! Đây là chậu màu, đây là chỗ giấy vẽ nhen.” Tôi vừa nói vừa đưa tay ra điệu diễn tả:  “Cô họa sĩ Trung Quốc đó tuột quần xuống, chụt! Rồi nhúng mông vào thùng màu hai lần, chịt! chịt! rồi in mông ngồi trên tờ giấy vẽ, chẹt ! Rồi,  đưa tờ giấy vẽ lên ứng thí:” Đây là trái bí!”

Nuốt nước miếng cho thông giọng, tôi kể tiếp và tiếp tục đóng tuồng:

“Anh chàng họa sĩ Việt Nam cũng làm y chang như vậy: Chụt ! Tuột quần xuống. Chịt chịt, nhúng mông vào thùng nước màu, chẹt ! Ngồi trên giấy vẽ, ! rồi  đưa tờ giấy vẽ lên nói :” Đây là trái bí!” Và cuối cùng họa sĩ Việt Nam thắng vì bí Việt Nam có cuống.”

Hố hố hố...Ha ha ha

Tuyết Mai chau mày, hỏi lớn “Vì sao Việt Nam thắng?” 

 “Vì trái bí của Việt Nam có cuống !” Tôi vừa cười vừa trả lời.

Ha ha ha ...Tiếng cười dòn giã quanh tôi lớn hơn và Tuyết Mai hỏi tiếp với giọng to hơn:

             “Trái bí có gì?”

 “Trái bí có cuống!”  Tôi trả lời cũng to, cố át lại tiếng cười không ngớt.

 Chế Hồng Loan giúp tôi giải thích cho Tuyết Mai. Giọng bình thường của nó đã to, lúc này càng to hơn:

 “Tại vì Trung Quốc cho đàn bà thi còn Việt Nam cho đàn ông thi! Đàn ông có thể làm trái bí có cuống! Chớ đàn bà không thể làm trái bí có cuống!”

             “Ha ha ha...” Tuyết Mai chợt hiểu, phá ra cười . Tiếng cười nàng hòa theo những tiếng cười không ngơi. Nàng gật đầu lia lịa”Hay hay hay...”

Tôi nói về phía Chế Hồng Loan:

             “Ê Hồng Loan! Tao biết tao có nhiều cú phone quan trọng nhưng chẳng thà tao kể tiếp để bí khỏi bị đứt cuống...”

  “Hay lắm...Vỗ tay!”  Chế Hồng Loan  ca Hồ Quảng rồi hỏi:

 “ Rồi  đến phiên ai?”

Tuyết Hoa nói từ từ với giọng nhỏ nhẹ:

            “Đến phiên Hoa, để Hoa kể!”

Cả phòng chợt im thin thít. Có lẽ mọi người muốn thấu đáo câu chuyện kể từ một người có giọng nói quá ư là mền dịu. Riêng tôi, tôi tập trung nghe một cách chú tâm  vì tôi quá bất ngờ trước sự tình nguyện của  cô bạn cựu nữ sinh trung học Thánh Tâm rất ít nói này. Tuyết Hoa bắt đầu với giọng trầm đều không đổi:

            “Ở trên nhà quê có hai vợ chồng kia có nuôi một con chó. Mà con chó tên là Dang. Buổi tối hai vợ chồng lên giường ngủ thì không biết vì sao con chó lại liếm chân ông chồng. Ông chồng kêu con con chó Dang Dang Dang. Bà vợ nghe vậy mới nói 'Tui dang hết cỡ rồi còn kêu dang gì nữa!'“

            “Ha ha ha ! Hố hố hố! Ha ha ha ! Hố hố hố! Ớ hớ Ơ hớ hớ”

Tuyết Mai ngưng cười, giảng đạo:

             “Truyện tếu lâm nào cũng phải có tục mới vui, phải không? Truyện thì phải có thanh có tục.”

Đức Phúc gật gù:

             “Nhưng tục chút chút thôi thì được.”

Anh Niên  hứng  chí tình nguyện:

 “Tiếp tục tui có câu chuyện hay lắm!”

            “Thì anh kể đi!”

            “Sau 1975 mất nước lúc mấy 'ổng' vô miền Nam thì khổ lắm phải không? Lúc đó có bà trên quê xuống bệnh viện tỉnh Khánh Hòa khám bệnh. Bà này không biết nói phụ khoa là gì cả nên khi tới phòng khám bệnh bả nói với cô y tá là chị ơi chị cho tui khám cái đó đi. Cô y tá hỏi một hồi mới biết cái đó là khám phụ khoa. Khi vào phòng khám thì bà đó bỏ dẹp ngoài cửa phòng.Khám xong, bà ra ngoài phòng,thì bả mất đôi dép nên bà chửi : 'Tổ cha đứa nào lấy mất đôi dép của tao! Tao mà biết được tao quăng cái sản phụ khoa vào trong mặt mày !'“

 “Ha ha ha..” Mọi người cười ồ trong khi tôi chau mày.Anh Niên nhìn mặt ngớ ngẫn của tôi hỏi:

 “Hiểu không?”

Tôi lắc đầu:

 “Không! Không nghe khúc cuối, ai cũng cười ồn quá mà! Bả hăm quăng dép vô mặt thằng ăn cắp hả ?”

 “ Không phải ! Bả đòi quăng cái sản phụ khoa ! Bả  ở nhà quê đâu biết chữ sản phụ khoa là gì cho nên bả vừa khám phụ khoa xong bả dùng chữ sản phụ khoa để chửi thằng ăn cắp!”

            “Ha ha ha...truyện cười hay ghê! Phải giải thích mới cười được!”  Tôi giễu.

 Câu chuyện khám phụ khoa này đã khơi mào đến các chuyện về “chính khoa”   được kể bởi Xuân Mai, anh Niên và Bích Lan. Xuân Mai kể chuyện về đoàn y tế của một nhóm bác sĩ tình nguyện  lên vùng núi nơi mà một cô bác sĩ bị anh chàng người Thượng mắng ngu vì không hiểu căn bệnh “đau dai đau lâu”  là gì. Anh Niên kể chuyện anh bạn của anh đến bệnh viện da liễu khám 'chính khoa' bị đuổi ra ngoài vì đi nhầm phòng và Bích Lan kể chuyện giá cả khám bệnh chênh lệch bởi kích thước của “chính khoa” và chuyện phát hiện khủng khiếp của Vy, con gái độc nhất của nàng, lúc cháu sáu tuổi về “brown tail” (chiếc đuôi màu nâu) từ mới của 'chính khoa'.

Những câu chuyện này đã khiến chúng tôi cười no nê. Tuyết Mai hứng chí nói:

 “ Mai có câu chuyện rất vui !”

Nói xong cô nàng về chuyện những người đã từng thi đậu vào công dân Mỹ có thể trả lời hết những câu hỏi thông thường nhưng không thể trả lời về những  vấn đề liên quan đến nước Mỹ và  các vị cố tổng thống  của Mỹ.

Kể xong nàng vừa cười vừa nói :

 “Citizen kiểu gì kỳ ! Hỏi cái gì cũng biết mà hỏi đến mấy vấn đề liên quan đến nước Mỹ lại không biết !”

Chuyện rất vui của Tuyết Mai vui đến nỗi không làm mọi người cười rộn rã như trước đó nên Tuyết Lan đề nghị “Giờ  mình đi ra hồ sen chụp hình đi!”

            Tôi bàn ra : “ Giờ đi ra hồ sen thì chỉ nhặt hạt sen chứ làm gì có hoa sen mà chụp. Cung Lan nói thiệt là Cung Lan mới tới đó nhặt hạt sen về nè.”

 “Hì hì hì...”

            Thùy My bàn ra theo:

 “Thôi! Chiều rồi còn đi  làm gì! Ở nhà chơi cho rồi!”

Hồng Loan gật đầu:

  “Ừ ở nhà chơi đi! Giờ để Hồng Loan kể một câu chuyện khác nhen!Có một cặp tình nhân đang rù rì rủ rỉ, trên một băng ghế đá dưới một tàng cây hoa hồng, rất thơ mộng thì cô gái nói: 'Anh à em đau con mắt quá!', thì anh này hun ở con mắt  và cô gái hết đau mắt!”

 “Cặp tình nhân đó có phải anh Liêm và Thùy My không? Để anh Liêm và Thùy My  diễn tả đi!” Bích Lan nói.

 “Ừ cặp tình nhân đó là anh Liêm và Thùy My nhưng khỏi cần diễn tả  để Hồng Loan kể tiếp! Rồi Thùy My nói 'Anh ơi em đau cái tay này quá!', thì anh Liêm hun cái tay. Thế là cái tay của Thùy My hết đau!”

 “Xong, Thùy My nói 'Anh ơi em đau cái má quá!' thì anh Liêm hun cái má cho Thùy My. Thế là cái má của Thùy My hết đau!”

 “Lúc đó có một ông già ngồi sau lưng anh Liêm và Thùy My.”

            “Ai đó? Mày phải nói tên ông già đó là ai!” Bích  Lan gạ.

  “Cho anh Niên đi! Ảnh làm ông già được.Giờ bắt ba người đóng kịch.”  Tuyết Mai đề nghị.

 Hồng Loan lắc đầu:

            “Nói tên ông già đó là anh Niên được rồi. Lúc đó anh Niên đến nói với anh Liêm là: 'Tui nghe nói anh có cái tài hun đâu lành đó. Tui có căn bệnh trĩ lâu năm không hết. Anh có thể chữa bịnh trĩ này cho tui không?'“

 Anh Niên trợn mắt:

  “Con Hồng Loan ác nhơn!”

Anh Liêm gật đầu:

 “Ác thiệt!”

            Bích Lan nói:

             “Mày phải diễn tả anh Liêm là chàng trai có đôi môi kỳ diệu!”

Ha há ha Hớ hớ hớ...

   Tôi than:

 “Trời! câu chuyện tàn nhẫn thiệt đó Hồng Loan! Sáng giờ tao làm không mệt mà tao nghe mày kể xong tao mệt quá!”

Ngọc Hoa tán đồng một cách ma mãnh:

  “Con này ác độc thiệt! Phải chi nó cho con Tuyết Mai hay Bạch Mai Anh bị bệnh trĩ thì được. Tự nhiên cho anh Niên!”

 Chế Hồng Loan chống chế:

             “Anh Niên là lão già kỳ cục mà mày!”

Tôi thấm ý cười hằng hặc:

             “Mày cứ vậy đi Hồng Loan! Tối nay anh Niên đập đầu vô gối tự tử thì đừng có trách.”

 “Thôi để Ngọc Hoa kể chuyện thương yêu. Có cặp vợ chồng nọ...à mà cứ cho là cặp vợ chồng anh Liêm với Thùy My đi, mỗi lần anh Liêm và Thùy My thương yêu nhau là bỏ một hạt gạo bỏ trong cái lu. Sau đó ba mươi năm sau, anh Liêm về trời...”

Chế Hồng Loan cự: “Ê mày! sao có ba chục năm? Ít nhất là năm chục chớ !”

 “Ừ thì năm mươi năm sau, anh Liêm về trời thì My lấy nong lấy nia vừa đong vừa khóc:'Ba lon với một ngần này. sao anh không sống cho đầy bốn lon?'“

 “Ha ha ha...Năm chục năm mà có ba lon gạo!”

Tôi đề nghị:

 “Thôi để Cung Lan kể một câu chuyện thương yêu khác nhen !Có hai cặp vợ chồng đó mỗi lần yêu thương với  nhau...”

 Tuyết Mai bắt bí:

 “Ai mà biết yêu thương là gì? Giờ Cung Lan diễn tả yêu thương là gì đi !”

Tôi nhăn nhó :

“Mệt quá ! Để ta kể tiếp. Yêu thương là cái gì các 'you' đã từng làm đó ! Hỏi gì đâu không hà !”

 “Ha ha ha... OK kể tiếp đi. “

 “ Ê, Cung Lan nói nè!” Chế Hồng Loan gọi tôi vừa chỉ tay về phía anh Nguyễn và chị Tuyết Ba “ Bây giờ mình nói chuyện yêu thương thì hãy để ý đến một cặp sắp sửa yêu thương”

Tôi phản đối:

 “Không, không, không! Cung Lan không dám nói ai hết. Cung Lan chỉ kể là một cặp yêu thương mà không biết ai là ai. Nghe tiếp nè: Xong rồi, người vợ  nói với chồng  là chúng mình sẽ yêu thương rất nồng nàn nhưng không hiểu yêu thương bao nhiêu lần cho nên mỗi lần như thế anh nên bỏ một đô la vào cái hộp trên đầu giường rồi sau đó mình sẽ đếm bao nhiêu tiền để biết bao nhiêu lần. Sau đó, mỗi lần hai người này yêu thương nhau thì người chồng bỏ một đồng trong cái hộp trên đầu giường. Bữa đó đến ngày kỷ niệm thành hôn, hai vợ chồng mở cái hộp ra. Người chồng sắp xếp các tờ giấy bạc và nói đây là một đồng, đây là một đồng nữa là hai, một đồng nữa là ba...mà ủa sao đây có tờ năm đồng, ủa còn đây là tờ mười đồng, còn có tờ năm chục và một trăm đồng nữa? Người vợ cao giọng: 'Chớ anh tưởng ai cũng keo kiệt như anh sao?'“

“Ha ha ha... Phèng la inh ỏi và giọng Hồ Quảng của Hồng Loan vang lừng: “Hay hay hay! Hèn gì nó không dám nói ai là ai!”

“Anh Hiệp coi chừng nhen!” Anh Liêm chọc.

Chế Hồng Loan đe:

“Im! Phát ngôn linh tinh!”

Tôi nhìn anh Liêm:

“Ừ phát ngôn linh thật.Giờ đến phiên anh Liêm ! Anh Liêm kể đi!”

 “Ừ! Câu chuyện này nhắc cho mấy người quậy đừng ham muốn nhiều. Có một anh đó cũng hiền lành nhưng có tật thích uống rượu và thích  gái. Khi ảnh chết, thánh Pherô cho ảnh chọn thiên đàng hay địa ngục thì anh này nói con thích uống rượu và gái đẹp, cho nên nếu con lên thiên đàng con sẽ không có những gì con thích, vậy thôi cho con xuống địa ngục. Rồi ảnh xuống địa ngục thì ảnh vô một cái bar có sexy girl đẹp và nhiều rượu. Khi đứng với nhiều người sắp hàng đang chờ rót rượu và gặp gái đẹp, ảnh thấy quyết định chọn lựa của mình là có lý nên ảnh nói với người đang đứng chờ rót rượu phía trước ảnh là 'Mình thật sung sướng là xuống địa ngục có rượu uống lại có gái đẹp!' thì ông đứng trước ảnh thở dài nói với ảnh là: Anh có để cái ly của anh lúc mà bartender rót rượu là ly không đáy không?Rót rượu hoài mà ly không đầy. Còn mấy cô gái đẹp đó, anh nhìn kỹ thì các cổ không có đáy!”

 “Hớ hớ hớ...”giọng cười đắc ý của mấy ôn vang lên.

Và anh Liêm kết thúc:

  “Vậy cho nên đừng ham xuống địa ngục!”

Chế Hồng Loan lại hò Hồ Quảng :

  “Vỗ tay !”

 “Bây giờ bà mai của anh Liêm và Thùy My kể chuyện đi !”

            “Bích Lan kể rồi !”

             “Vậy đến phiên chị Tuyết Ba ! Rồi anh Nguyễn !”

 “Ừ !Anh  Nguyễn kể chuyện Tâm Sự đời tôi đi !”

            “Hay là anh kể chuyện từ đêm thứ Sáu đến giờ cũng được !”

             “Chuyện đêm thứ sáu thì biết hết rồi !!” Anh Nguyễn nói.

Tuyết Mai nói :

 “Không ai kể thì  để mình kể một chuyện về vợ chồng Cung Lan. Cung Lan có thằng Út là Tinô phải không ?”

  “Không phải là Trí !”

 “A, Mai quên không phải Tinô mà là Trí. Trí đi học vẽ ở trường. Cô giáo dạy vẽ nói là các em ra ngoài trời sẽ thấy có cây có cỏ có nhà. Thì Trí giơ tay lên hỏi : 'Thưa cô cặp mắt mình nhìn không thấy hết cả thì em phải làm sao?' Cô giáo nói là 'Khi em không nhìn thấy vật ở điểm ấy gọi là chân trời. Chân trời  là nơi mình đường giới hạn  trước mắt mình không cho mình thấy những vật xa hơn chớ không phải là trời có chân.' Nghe cô nói vậy thì thằng Tinô ý quên thằng Trí cãi lại là : 'Cô nói trời không có chân là không đúng bởi vì tối nào cũng nghe bố em cũng bảo với mẹ em là 'Trời ơi! có dang chân ra cho người ta nhờ không ?'“

Tôi lườm Tuyết Mai :

 “Hết chuyện chọc quê hén !”

            “ Hà hà hà hặc hặc hặc...!” phèng la inh ỏi.

            Đức phúc hỏi:

            “ Ủa mà dang chân ra để làm chi vậy?”

            “ Hì hì hì...bí hiểm bí hiểm...ai mà biết ! Có trời mà biết !” Tuyết Mai đáp.

             “ Giờ để Hồng Loan kể một chuyện có thật về mấy đứa con nít Việt Nam ở Mỹ. Mấy đứa nhỏ Việt Nam sinh ra ở Mỹ thì nói tiếng việt Si cà la que phải không ?( ha ha ha) Có cô gái đó là con gái của một bác sĩ ra làm dược sĩ, thì có một ông nọ năm mươi mấy tuổi rồi, trước khi về Việt Nam tới bác sĩ khám bệnh để lấy thuốc. Thì khi dược sĩ bán thuốc cho mình nó hay dặn dò cách thuốc uống như thế nào cho nên khi ông này lấy thuốc, cô gái này dặn ông này kỹ lắm. Cổ nói 'Con dặn bác nhen thuốc này bác uống chừng mực, bác có bị tim không ? Bác có gì không ? Khi nào bác làm chuyện bậy bạ bác nhớ đừng có uống. Nhớ nhen bác, khi nào bác làm chuyện bậy bạ bác đừng có uống đó !'Ổng hỏi, 'Con ơi, con đẻ ở Việt Nam hay đẻ ở Mỹ vậy con ?' 'Dạ con đẻ bên này.' 'Tổ cha mày !'“

            Ha ha ha...

Phèng la lại gõ vang inh ỏi.

            “Chuyện bậy bạ chớ không phải chuyện yêu thương hén !” Anh Chí Lô đồ đậm thêm.

            “Ừ! nó nói rõ ràng với ổng là khi nào bác làm chuyện bậy bạ!”

“Ha ha ha...Hờ hờ hờ ...Hức hức hức...”

 “ Để Đức Phúc kể chuyện có thật về về mấy người Việt Nam hay ghép tiếng Mỹ với tiếng Việt. Ghép hai thứ tiếng thì dễ gây hiểu lầm lắm.Có một cô Việt Nam sang đây từ năm 1975 nên tiếng Việt hầu như quên hết thành ra cô hay ghép hai tiếng Mỹ Việt khi nói chuyện với người Việt.  Có một ông Việt Nam người Huế đến một văn phòng than phiền là ổng không nhận được check. Cô này mới hỏi: Bác có move không? Ông lắc đầu nói tui có mu mô.”

Hì hì hì...Mu nghĩa là 'phụ khoa'!”

 “ Ừ, Đức Phúc gật đầu, Mu là nghĩa 'đó' của người Huế. Mà cô này  bực mình vì ông này nhất định không  chịu nhận là mình có mu. Cổ kiểm tra hồ sơ một lúc rồi chỉ vào mấy cái địa chỉ trong tờ  giấy trước mặt và cự ổng: Bác có move đây mà ông nói không move! Hồi trước bác ở địa chỉ này giờ bác dời về địa chỉ này mà sao bác nói là không có move?' 'Ơ cô nói rứa, mu nghĩa là tui dọn nhà hỉ?' Ông chồng Đức Phúc ngồi nghe hai người nói chuyện mà cười quá chừng. Đó là chuyện có thật 100%. Về nhà ảnh dặn : 'Em nhen, em nói tiếng Việt thì nói đàng hoàng chớ nói ghép kiểu đó có ngày bể mặt!'“

Ha ha ha...

 “ Thôi bây giờ Cung Lan cũng kể chuyện có thật về Tuyết Mai. Hồi nãy giờ Tuyết Mai kể nhiều chuyện về  Cung Lan rồi. Giờ Cung Lan phải kể chuyện về Tuyết Mai chớ!”

Ha ha ha..

 “ Nhen  bữa đó Tuyết Mai chở Cung Lan về. ...A, mà phải mở ngoặc đơn nói rằng hai đứa này đi với nhau thì lúc nào cũng có chuyện cười vì chuyện nào nhỏ xíu cũng thành vui. Cung Lan nói với Tuyết Mai là 'Tuyết Mai, Cung Lan thấy mình làm cha mẹ cũng vô lý lắm. Con cái mình sinh ra ở Mỹ thì tiếng Việt không rành mà mình dặn dò hay nói điều gì không rõ ràng thì tụi nó không hiểu rồi bị la oan thì cũng tội nghiệp.Ví dụ như chuyện anh Hiệp nói thằng Út con Lan là 'Trí xuống lấy cái khăn nhúng nước lau cái bàn cho bố' . Thằng nhỏ răm rắp làm theo. Sau đó, ảnh lên phòng ăn thấy cái bàn lỗ chỗ đầy nước ảnh than trời 'Trời đất ơi, con cái không làm ăn được cái gì cả ! Nói nó lau một cái bàn nó làm cho một cái bàn đầy nước. Mày lau một cái bàn không được thì sau này làm được gì ăn hả con?' làm thằng nhỏ tiu nghỉu cằn nhằn là bố nó chửi nó ngu vô lý vô cớ. Mà  Lan thấy ông Hiệp không có lý chút nào. Vì ảnh nói nó nhúng nước cái khăn lau bàn thì nó nhúng nước lau bàn để bàn đầy nước  y chang như ảnh dặn chớ ảnh đâu có dặn nó vắt khô trước khi lau đâu để bàn khô đâu !”

 “ Hì hì hì...cũng có lý !” Một người nào đó tán thành.

Tôi gật đầu nói tiếp:

 “ Ừ ! Cung Lan giải thích như vậy thì nghe cũng có lý hén? Nhưng mà Tuyết Mai nói 'Thôi đi bà ơi! Anh Lập với tui nói con làm gì thì cũng dặn dò kỹ lắm! Mà không phải chỉ có mình ảnh nói hay tui nói! Cả hai vợ chồng cùng nói: 'Út ra đây, con ơi, con hãy ngồi trên máy cắt cỏ này, con vặn nút này bấm ga, máy sẽ chạy, con bấm nút này, máy sẽ dừng, con xoay cần qua đây , máy sẽ quẹo trái, con xoay cần qua đây, máy sẽ quẹo phải.' Út của Mai hiểu thông suốt rồi, anh Lập với Mai mới vô nhà uống trà, uống cà phê ăn bánh ngọt, coi ti vi, nghe nhạc...hay làm gì gì đó'.  Một giờ sau, Út chạy vô nhà, hớt ha hớt hãi nói: 'Bố mẹ ơi cứu con! Cứu mạng!' Hai vợ chồng lật đật bỏ trà, bỏ cà phê, bỏ bánh, bỏ ca nhạc , bỏ tất cả...chạy ra ngoài sân thấy một máy cắt cỏ nằm giữa hai cột trụ điện. Anh Lập tức quá, nói: 'Sao mày cắt cỏ trong này? Giữa hai cái trụ này chỗ có một chút xíu sao mày chạy máy vào được?' 'Dạ con cố gắng push nó vào?' 'Rồi giờ cái máy cắt cỏ chẹt cứng giữa hai cái trụ điện này làm sao lấy ra? ' 'Dạ con push ra không được nên nhờ bố mẹ cứu con!' 'Cứu sao được mà cứu! Chẹt như vầy làm sao tụi tao đẩy ra? Sao mày không tính toán gì hết vậy? Sao mày phải đẩy máy cắt cỏ vô chỗ này làm gì chớ?' Út nói 'Dạ tại con thấy có cỏ mọc trong đó nên con phải push máy vô để cắt.' Thế là hai vợ chồng Mai, kẻ kéo, người đẩy một ngày trời mới đẩy được máy cắt cỏ ra khỏi hai trụ điện.”

Ha ha ha...

Tôi lắc đầu:

            “Chưa xong! Mai nói: 'Đó bà thấy chưa! Bà đừng có trách anh Hiệp! Lỗi là tụi nhỏ!Tụi con nít đẻ ở Mỹ ít để ý để tứ lắm. Đây nè nhen. Bữa đó thằng Út về nói Mai là 'Mẹ ơi con đang tập  nhạc ở trường nên con phải lấy một cái máy thu thanh thật lớn ở nhà mang lên trường.' Tui gật đầu nói 'Lấy thì lấy. Mà bà Lan! Bà tới nhà tui chắc bà cũng biết nhà tui có cửa gỗ rồi đến cửa kính phải không?' Lan gật đầu: 'Ừ nhà nào ở vùng này mà không như vậy!' 'Vậy mà nó đi hoài, đi học, đi về, đi ra, đi vô không biết bao nhiêu lần mà nó không nhớ! Nó cầm cái máy to đùng như vậy mà nó phang cái máy vào cái cửa kính làm kính vỡ tan nát, mảnh văng tùm lum trong nhà. Anh Lập với tui phải quét nhà, dọn dẹp, hốt mảnh vỡ gần chết! Anh Lập tức quá la lên: 'Mày hả? Mày có đui không mà mày không thấy cái cửa kính sờ sờ ở đây?' Nó nói: 'Dạ không đui, lúc con làm bể cái cửa kính con có đeo kính mắt đàng hoàng!' Hết chuyện.”

Ha ha ha... Vỗ tay.

Chí Lô ôm bụng than:  “Chắc không sống nổi qua con trăng này quá!”

 Hồng Loan gật đầu:

             “ Ừ! Chuyện con nít ở xứ này kể hoài không bao giờ hết! Loan kể cho nghe. Năm 1996 Loan dắt hết một bầy con về Việt Nam chơi. Trước khi xuống máy tay người ta phát cho một tờ giấy để mình điền vàonhững thứ mình đem về Việt Nam. Trong form có tiếng Mỹ và tiếng Việt, tụi con Loan thắc mắc là không biết tiếng Việt sao đọc được. Có một cố ngồi gần hù tụi nó là tụi con không biết nói tiếng Việt về phi trườngViệt Nam, công an đuổi sang Mỹ hết. Đến phi trường Tân Sơn Nhất, ba đứa đứng một chùm, mặt xanh lè xanh lét nói với Hồng Loan tụi con không biết tiếng Việt giờ làm sao hả mẹ? Cô kia nói tụi con không biết nói tiếng Việt làm sao đây mẹ? Chỉ nghe hù, giỡn chơi thôi mà tụi nó cứ nghĩ thiệt, nhập tâm sợ quá chừng. Nghĩ lại tức cười ghê!Vui dễ sợ! Tụi con nít không gì hết trơn!”

Bích Lan nói:

  “Như Vy con của Bích Lan thường hay được anh Hòe và Bích Lan giới thiệu với bạn bè nó và mọi người là con một vì vợ chồng Lan chỉ có mỗi mình nó. Dù Vy không nói rành tiếng Việt nhưng nó hiểu tiếng Việt cũng rành. Một hôm, bạn Vy, một đứa người Việt sinh ở Mỹ giới thiệu Vy với mẹ nó là 'Vy là một con!'“

Ha ha ha

 “Nghe vậy Vy hết hồn nói: 'No no no bác I am not married'

 Ha ha ha...

“Nó về kể với Bích Lan là 'Thằng bạn con kỳ ghê mẹ.Nó  giới thiệu với mẹ nó con là một con!'“

Đức Phúc nói:

“Anh Phiếm chồng Phúc cũng hay bắt con nói tiếng Việt. Hôm đó ăn lễ Tạ Ơn ảnh chỉ con gà tây hỏi thằng Lực con Phúc 'Con này con gì?' Thằng Lực tính nói là turkey. Nó mới nói 'Tớ... , cái anh Phiếm chặn ngang nói 'Ớ! Ớ! Ớ!' nó liền nói 'Con tớ chim!”

Ha ha ha...

“Con gì?” Tuyết Mai lắng tai hỏi lớn.

“Con tớ chim!”

“Sao lại tớ chim?”

“Thì nó định nói turkey nhưng sợ bị la nên nói tớ chim.”

 “A à à...hì hì hì”

“ Bữa nào chỉ anh Niên, mình nói: 'Anh Niên chim!'“ Hồng Loan đề nghị.

            “ Nhỏ Hồng Loan này ! Tự nhiên!”Anh Niên nguýt dài.

Ha ha ha...Tôi cười ngất, nghĩ thầm:  “Con nhỏ Hồng Loan này chỉ mới gặp anh Niên lần đầu đã bắt nạt ảnh rồi !”   Thực sự, anh Niên vốn có khuôn mặt thật thà lại hay hỏi những câu  ngây ngô thành ra thường bị bạn bè cùng lứa và những người nhỏ tuổi hơn ghẹo hoài.

Tôi nhớ hôm ăn  tiệc ở nhà chị Phụng và anh Đức, anh ruột của Tuyết Mai, anh Niên bị anh Đức chọc là nhà quê, chưa biết quán cà phê nhểu là gì! Anh Niên tình thiệt hỏi anh Đức diễn tả cà phê nhểu là sao và anh Đức nói anh Niên vào quán cà phê ở Việt Nam phải xin thêm một cái ly để khi thấy mấy cô tiếp viên mặc hở hang mà không làm gì được thì lấy cái ly để hứng nước miếng.

Bị ghẹo như vậy mà anh Niên vẫn không ngưng cái tật hay hỏi. Anh Đức lại hỏi anh Niên ở Mỹ lâu năm có biết dịch câu: “You try you fight you like you now là gì không ?” Anh Niên biết là đố mẹo nhưng không thể dịch ra đành chịu thua để anh Đức dịch là “ Vú trái, vú phải anh 'phái'( khoái) vú nào ?”

Tuyết Mai thì luôn thuyết phục anh Niên đưa chị Thu, vợ của anh, đi cruise để hưởng thú vị cuộc đời. Nhất là trên tàu có các sòng bài casino chơi vui lắm. Mang theo hai ba ngàn đô mà chơi chừng ba ngày là hết ngay. Anh Niên nhạo là đi cruise mà chơi bài suốt ngày đêm kiểu đó sướng thiệt! Đi cruise mà hết tiền kiểu đó chắc nhảy xuống biển tự tử  luôn khỏi về nhà. Nghe vậy, ai cũng tưởng anh Niên sáng suốt và tỉnh táo lắm. Ai dè, Tuyết Mai hỏi anh đã đi cruise tới Hạ Long bay và Cam Ranh bay chưa ? anh nói chưa. Tuyết Mai hỏi tiếp “Còn Cam Dai bay anh đi chưa ?” Anh Niên lắc đầu hỏi lại “Cam Dai bay là vịnh nào, ở đâu anh không biết.”Tuyết Mai lắc đầu “Cam Dai bay  không phải là vịnh nào hết mà là Cấm Đái Bậy. Bảng cấm này  thường có rất nhiều ở Việt Nam.”

Lần đó, anh Đức và Tuyết Mai cũng nhận những cái nguýt của anh Niên cũng tương tự như Hồng Loan bây giờ. Ôi ! Chuyện về anh Niên là chuyện dài nhiều tập ! Chỉ cần nhìn khuôn mặt ngơ ngác của anh với đôi mắt nguýt dài là không thể ôm bụng cười. Tôi vừa cười, vừa nói:

            “Anh Niên à ! Từ khi nghe bài hát Có một loài chim không bao giờ bay của Ngọc Hoa và Đức Phúc, con nhỏ Hồng Loan nhập tâm rồi!”

Hồng Loan mau mắn nói:

“Nhập tâm nhằm nhò gì! Nghe bài hát Có Một Loài Chim Không Bao Giờ Bay  là mình liên tưởng nhiều đến anh Niên!”

Anh Chí Lô chêm thêm:

“Chim anh Niên là cỡ đại bàng diều hâu chớ gà tây nhằm nhò gì!”

Hì hì hì

Bạch Mai Anh nói “Thôi giờ mình chuẩn bị đi chơi Annapolis là vừa. Bốn giờ rồi. Xuống đó để những bạn từ xa đến như Tố Nga, Phạm Bích Lan có nhiều thời gian đi ngắm cảnh hơn.”

Đức Phúc nói:

 “Ủa? chứ không phải tất cả mọi người phải kể chuyện rồi mới đi sao? Bạch Mai Anh, Tố Nga, Phạm Bích Lan và anh Trang chưa kể nè!”

Tôi tố khổ thêm:

            “ Tuyết Lan cũng chưa kể!”

            Tuyết Lan lắc đầu:

 “Tuyết Lan biết gì mà kể !”

Tôi phản đối :

            “Tuyết Lan kể chuyện hay và có duyên thấy mồ . Bày đặt giấu nghề nữa !”

Mọi người nhao nhao:

            “Tuyết Lan không kể thì hát đi! Không hát thì múa ! Hay vừa hát vừa múa cũng được !”

Anh nguyễn đứng lên:

 “Mình cũng nên đi xuống Annapolis sớm để order bàn ăn.”

 Bọn con gái nhìn nhau ái ngại:

 “Thôi đi anh Nguyễn ! Mình ăn ở đây rồi về ! Ăn ở đó đắt lắm. CCH đông ngần này làm sao chịu nổi! Có nước mình đến đó chơi rồi tìm quán uống cà phê thôi.”

 Anh Nguyễn cười:

 “Không sao đâu ! Tất cả đi ăn Seafood. Đồ biển ở Annapolis rất ngon. Đời chỉ có một lần. Only once in a life time. Đừng lo lắng gì chuyện tiền bạc! Như chúng ta gặp nhau hôm nay rất vui. Phải nói là không có đồng Mỹ Kim nào có thể so sánh được với những tiếng cười của Chợ Chồm Hổm hôm nay đâu!”

Lời của anh khích lệ bọn con gái đứng lên lục đục xếp ghế lại. Tôi cũng đứng lên theo, hỏi Tuyết Lan:

“Cung Lan mặc như vậy được không Tuyết Lan? “

Tuyết Lan nhìn bộ đồ ống lửng của tôi, lắc đầu:

“Thôi đi ! Cung Lan chịu khó thay đồ đi để chụp với bạn bè làm kỷ niệm cho đẹp.”

“Nhỏ Tuyết Lan giống y chang bạn zàng khè Thùy My của nó, chuyên môn thích mình diện đẹp mới chịu!” Tôi thầm nghĩ vậy rồi hỏi Hồng Loan:

            “Ê, Hồng Loan, tao mặc như vậy được không?Tao làm biếng thay đồ quá!”

 “Theo tao thì được! Mà mày xấu ráng chịu!”

“Ô! Tao hiểu rồi! Tao phải đi thay đồ!”

Nhảy lên lầu, tôi lật đật thay chiếc váy dài rồi lần lượt theo mọi người ra khỏi nhà. Anh Liêm và Thùy My kiếu vì còn phải thăm con gái và bà con. Chúng tôi năm chiếc xe hướng về Annapolis.



























Chúng tôi đã có một buổi tối khá thú vị.

Đậu xe xong, chúng tôi đi dọc theo con đường bộ hành lang thang trên phố. Buổi chiều thật yên ắng. Nắng vàng rớt trên mặt đường và nhạt nhòa trên những khu nhà và góc phố. Những cặp tình nhân thả bộ hai bên đường. Không khí mát rượi khiến tôi cảm thấy khoan khoái. Chúng tôi đã ghé thăm vài tiệm bán hàng ở đó rồi tấp vào những cửa hàng châu Á. Chúng tôi mua quà cho mình và cho nhau. Hội trưởng Bích Lan tặng tôi chiếc vòng tay được trang trí bằng những hạt cườm đen lấp lành rất đẹp. Khi chúng tôi quay trở lại quán đồ biển nơi mà anh Nguyễn đã lên lầu order bàn, nhóm Ngọc Hoa, Tố Nga vẫn chưa đến nên chúng tôi phải đứng chờ ngoài cổng. Anh Hiệp tình nguyện đi bộ đến bến cảng tìm. Lát sau anh trở lại với cả nhóm. Thì ra nhóm này ngồi đợi ngay bảng quảng cáo lớn, nơi cách tiệm khoảng 150 mét.

Chúng tôi có tất cả mười lăm người có thêm năm thành viên của gia đình của Tuyết Mai nữa thành hai mươi người tất cả. Số là Tuyết Mai đã mời cả nhà đi ăn chiều ở nhà hàng với nhóm cư ngụ trong nhà nàng trong thời gian Hội Ngộ VT-NTH 2011 như chị Tuyết Ba, Chế Hồng Loan, Đức Phúc và Xuân Mai nhưng vì anh Nguyễn hết lòng mời mọc nên tất cả đành tháp tùng luôn với việc làm ngoài dự định. Chúng tôi được hướng dẫn đến một góc riêng biệt của nhà hàng nơi có bốn chiếc bàn dài được xếp thành một hình vuông ngay ngắn. Quán ăn có khá nhiều thực khách trẻ trung với nhiều sắc dân khác nhau. Nhiều nhất là những thanh niên nam nữ da trắng. Tiếp đãi viên hầu hết là những ngườI trẻ. Họ tiếp chúng tôi hết sức niềm nở rồi vui vẻ trao cho chúng tôi những tấm thực đơn. Bọn con gái chúng tôi đọc các món thực đơn xong, đưa mắt nhìn nhau. Món nào cũng quá ư là đắt. Rẻ nhất cũng mười lăm hay mười tám Mỹ Kim. Có lẽ Ngọc Hoa và Tuyết Lan đã biết trước đây là quán đắt tiền, nên trước khi rời nhà tôi, hai nàng đã hết lòng năn nỉ anh Nguyễn đi ăn nhà hàng Buffet ở Virginia nhưng anh nhất định không nghe. Anh đã dùng câu Đời chỉ có một lần (Only once in a life time)để động viên chúng tôi đi. Tôi đã từng đi ăn nhà hàng Buffet ở Virginia, giá cả của nhà hàng ấy mềm mại và nhẹ nhàng hơn những con số trong bản thực đơn trước mặt chúng tôi rất nhiều.

Anh Nguyễn, có lẽ hiểu sự ngần ngừ của chúng tôi, giục chúng tôi chọn đồ ăn và thức uống để anh đặt với tiếp viên. Nhỏ Hồng Loan nghe theo lời anh, chọn một món rồi vô tư vô lự nói gì đó với anh và chị Tuyết Ba. Có lẽ nàng đã cắp đôi gì đó mà anh Nguyễn phì ra cười lớn và chị Tuyết Ba thì cười chúm chím không ngưng. Chỗ tôi ngồi,trước mặt tôi là  Ngọc Hoa và Tố Nga,  cạnh là anh Hiệp, Tuyết Lan, rồi Đức Phúc và Xuân Mai. Đức Phúc và Xuân Mai e dè chọn chung một món khai vị gì đó. Đức Phúc  nói thức ăn đắt quá còn Xuân Mai nói là vừa ăn quá no rồi. Anh Hiệp và đám đàn bà trong bàn của tôi, mỗi đứa chọn một món đồ biển khác nhau với giá tiền ít nhất bằng nhau. Ngọc Hoa chọn món sea food Jumbo xong, nói thì thầm với chúng tôi rằng: “Ăn món này, tối nay về ngủ bình yên. Anh Nguyễn rộng rãi thì rộng rãi, mình cũng tính toán vừa phải. “

Phương thức chọn món ăn của Ngọc Hoa quả là hợp tình hợp lý bởi vì không những nàng lo lắng đến số tiền của anh Nguyễn khoản đãi còn suy nghĩ đến món Sea Food Jumpo, một món ăn đặc thù của Ý, quê hương yêu dấu của Sophia Lauren, nhân vật mà nàng đóng vai cho màn hóa trang của đêm Hội Ngộ VT-NTH Nha Trang 2011.

Đặt thức ăn vừa xong, chúng tôi có ngay món khai vị. Bánh mì và bơ đều ngon nên ai nấy thưởng thức tận tình như đang ăn món chính. Đến khi món chính được bày ra thì người nào người nấy nhìn nhau ngao ngán. Đĩa nào cũng to và đầy ắp thức ăn với đủ màu sắc khác nhau. Trong lúc chúng tôi háo hức các món của mình và chia nhau nếm thử, Ngọc Hoa ngao ngán nhìn món của nàng khiến Tuyết Lan chọc: “Sophia Lauren mà nhìn món ăn Ý một cách sợ sệt như vậy thì quả là Sô Phi A Lò Rèn thật rồi! “

Chúng tôi chia sớt, san sẻ nhau thức ăn để nếm thử nhưng vẫn không làm sao ăn hết phần ăn của mình.  Tố Nga và Ngọc Hoa gọi người phục vụ xin vài cái hộp giấy để lấy thức ăn về cho tôi. Ngọc Hoa là vậy! Đến nhà nàng ăn tiệc, nàng cũng thường để dành thức ăn cho mấy đứa con của tôi và bắt tôi đem về. Vẫn như những lần khác, tôi không từ chối. Tôi biết những thức ăn cầu kỳ này không hợp với khẩu vị của chúng tôi, những người quen ăn với thức ăn Việt Nam, nhưng chắc chắn con của tôi rất thích.

Bỏ thức ăn vào xe xong, vợ chồng tôi tháp tùng theo đám bạn  hướng về phía cảng.Theo bước anh Nguyễn và chị Tuyết Ba, hai người đang đi đầu, chúng tôi như một đoàn bộ hành thư thả dạo bờ . Những con thuyền trắng đang im lìm trên sóng nước cho tôi một cảm giác an nhàn và thư giản. Cả đám đang bước bỗng khựng lại theo dấy tay của Hồng Loan. Con nhỏ thì thầm:

“Ê tụi mày! Đi chậm lại đi! Xa 'đôi trẻ' có họ có cơ hội tâm sự!”

Ngọc Hoa nói:

 “Hay là tụi mình trốn đi để hai người không thấy mình rồi họ muốn đi đâu thì đi.”

Hồng Loan gật đầu:
 
“Ừ phải đó! Giờ kiếm chỗ trốn nhen tụi bây.”

Con nhỏ vừa dứt lời, cả bọn mạnh ai nấy chạy tìm chỗ nấp. Tôi chạy tới chiếc xe hơi đậu gần đó, ngồi thụp xuống cạnh Ngọc Hoa trong lúc Đức Phúc đu sau đuôi chiếc xe mà chúng tôi đang núp. Cảnh tượng lạ lùng khiến cho mấy người ngồi trong chiếc thuyền trắng cập gần đó phải trố mắt nhìn. Chuyện trốn để đôi trẻ tự do trò chuyện không hiệu lực khi mà anh Trang và Phạm Bích Lan không hề hay biết gì về kế hoạch của chúng tôi và vẫn đi tà tà sát bước với anh Nguyễn và chị Tuyết Ba. Nhỏ Hồng Loan biết trò chơi không hiệu lực, ra khỏi chỗ trốn lấy máy hình chụp chúng tôi. Nó vừa bấm máy vừa chọc ghẹo:
 Nhật Ký Hội Ngộ VT-NTH và CCH tại Virginia 2011
Cung Thị Lan



Tôi rất thích dự các buổi Hội Ngộ của hai trường Võ Tánh(VT) và Nữ Trung Học  (NTH) Nha Trang nhưng tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ là thành viên trong ban tổ chức; thế mà, tôi đã tham gia bởi một sự tình cờ. Chuyện bắt đầu từ ngày tôi  gọi thămTuyết Mai và khoe với nàng rằng tôi biết làm bánh cuốn bằng nồi hấp và vải căng chứ không phải bằng chảo không dính. Tuyết Mai hỏi với giọng ngạc nhiên:

“Ủa? Ai bày Cung Lan làm bánh cuốn kiểu đó hay vậy?”

“Từ Phương, một cựu phụ huynh của Lan. Mai không biết Phương đâu vì Mai chưa bao giờ gặp Phương. Phương là phụ huynh từ lúc Lan làm giáo viên viếng nhà của chương trình Head Start ở Washington D.C lận. Bây giờ gia đình Phương ở bên Virginia, tận Centreville nên ít khi qua Maryland đây lắm. Chỉ có khi nào rảnh, vợ chồng tụi Lan lái xe sang nhà thăm gia đình Phương thôi. Hôm trước thăm Phương, Phương cho Lan bánh cuốn còn bày cho cách làm. Cô nàng còn thương Lan đến độ cho mấy đồ nghề làm bánh cuốn như vải căng và đũa tre vớt bánh nữa. Lan đã làm một lần rồi, ngon lắm. Muốn ăn thì chủ nhật sang đây Lan làm cho ăn.”

            “Muốn chớ sao không nhưng nếu Lan cho Mai ăn thì gọi bạn bè đến ăn luôn đi. Lâu quá không gặp tụi Chợ Chồm Hổm(CCH), Mai nhớ quá.”

“Được mà,để  Lan rủ tụi nó luôn. Còn Mai thì mời anh Lập dùm Lan. Mình họp nhau vào lúc mười hai giờ trưa chủ nhật tuần tới nhen!”

Sau khi nghe Tuyết Mai đáp lời ưng thuận tôi chào nàng ngay rồi gọi điện mời Tuyết Lan đến ăn bánh cuốn vào chủ nhật tuần tới. Tôi còn nhờ Tuyết Lan nhắn lời mời của tôi đến những người bạn khác trong nhóm Chợ Chồm Hổm ở Virginia. Tuyết Lan vui vẻ nhận lời và nói rằng tất cả sẽ có mặt.

Thế là ngày chủ nhật hôm ấy, nhà của tôi náo nhiệt hẳn với tiếng cười nói của bạn bè. Chúng tôi gồm có Tuyết Mai, anh Lập, Tuyết Lan,Thùy My, Hoàng Mơ, Ngọc Hoa, và vợ chồng chúng tôi. Hôm ấy có thêm nhạc sĩ Huy Lãm. Ông đến để đưa có tôi những bản nhạc do ông sáng tác từ những bài thơ của tôi.

Sau khi chúng tôi ăn bánh cuốn, chả giò, gỏi thập cẩm, và gỏi đu đủ xong, chúng tôi tiếp tục ăn tráng miệng bánh ngọt và yaourt kiểu Việt Nam do Ngọc Hoa đem đến. Trong thời gian dùng tráng miệng, những dĩa bánh nho nhỏ, những tách cà phê và những tách trà đã khơi lại cho chúng tôi những câu chuyện của thời học sinh khi chúng tôi ở Nha Trang trước năm 1975 và những việc làm khó nhọc của chúng tôi sau năm 1975. Những câu chuyện được kể với những giọng điệu hài hước và ý nhị của từng người khiến cho mọi người cười không ngưng.Trong không khí vui vẻ ấy, nhạc sĩ Huy Lãm đề nghị tôi lấy cassette mở những bản nhạc do ông sáng tác để mọi người thưởng thức. Các bạn tôi khá thích thú khi biết những bản nhạc sáng tác từ những bài thơ của tôi nên tất cả đã chuyền cho nhau những bản nhạc có ký âm đã in sẵn rồi cùng hát chung. Chúng tôi lần lượt hát các bài Anh Còn Hẹn Em Đến Bao Giờ, Cùng Em và Hãy Đến Bên Nhau. Trong lúc vài người thu âm các bài hát này vào trong những cassette nhỏ hay trong điện thoại cầm tay, Thùy My hào hứng nói:

“Bài tango Anh Còn Hẹn Em Đến Bao Giờ này hay quá! Hôm nào mình hát hợp ca bài này trong ngày Hội Ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học đi Cung Lan!”

Tôi lắc đầu:

“Thôi đi Thùy My! Văn nghệ của trường thì mình hát mấy bài về thời học sinh, về áo trắng về Nha Trang chớ hát mấy bài tình yêu này làm chi. Hơn nữa Lan không muốn mang tiếng là lợi dụng.”

Thùy My cự nự:

“Gì đâu mà lợi dụng! Cung Lan là học sinh trường. Bài thơ của Cung Lan được phổ nhạc cũng nên để thầy cô và bạn bè mình biết chớ ! Để khi nào họp Ban Tổ Chức, My đề nghị cho!”

Hoàng Mơ nói thêm:

 “Hôm nay mấy anh chị họp ở nhà anh Bé và chị Ngôn để bàn về chuyện tổ chức Hội Ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học mà mình kẹt ở đây không đi được. Kỳ họp lần sau mình phải đi để giúp trường.”

Tuyết Mai lắc đầu:

“Làm gì thì làm chớ Mai không vô ban tổ chức đâu. Mai có nhiều việc lắm.”

Tôi cũng lắc đầu:

            “Lan cũng vậy ! Lan sẵn sàng mua vé tham dự và đến ngày đó ai sai gì làm nấy chớ không thể có thì giờ họp Ban Tổ Chức đâu.”

Thùy My cau mày :

“Ai cũng nói như Tuyết Mai và Cung Lan thì ai lo cho chuyện tổ chức Hội Ngộ? Mình có vào ban tổ chức thì mới biết ban tổ chức cần mình giúp cái gì chớ !”

“Thôi để Cung Lan coi lại đã.”Tôi hòa hoãn trả lời trong khi Tuyết Mai cương quyết: “ Ai nói gì thì nói, Tuyết Mai không tham gia trong ban tổ chức đâu. Đã không có thời giờ mà còn nhiều cái phiền lắm! Không tham gia được thì nói không tham gia được. Mất lòng trước được lòng sau!”
                                                             *
*                    *

                Tôi biết Tuyết Mai từ chối làm điều gì là nàng có lý do chính đáng nhưng như vậy không có nghĩa là nàng sẽ khăng khăng với điều nàng chối từ. Vẫn như lần rủ rê nàng đi sang Cali dự đám cưới Vy, con Bích Lan, tôi đã thu phục bằng cớ “đời có bao nhiêu mà hững hờ”

          Ba ngày sau, tôi gọi điện thoại thăm Tuyết Mai rồi nói với nàng rằng:

“Thùy My nói đúng đó Mai. Bên vùng Hoa Thịnh Đốn của mình không có nhiều học sinh Võ Tánh Nữ Trung Học như bên Cali mà ai cũng nói bận, không chịu vào ban tổ chức thì sẽ không có nhiều người đứng ra làm cho trường mình đâu!”

“Cung Lan nói vậy thì Cung Lan vào ban tổ chức đi chớ Mai không vào. Mai bận lắm Lan à ! Mai làm mỗi ngày đến khuya mới về  mà thứ bảy cũng phải làm chớ đâu được nghỉ.”

“Thì hôm nào họp, mình đề nghị mấy ảnh chỉ họp ngày Chủ Nhật. Nếu ngày họp nào rơi vào ngày thứ bảy Mai không đi được thì Mai nghỉ. Giống như hôm đám cưới Vy, Mai nói Mai không đi được vì có con nhỏ không có ai đưa đi học nhưng rồi Mai cũng tìm người gửi con Bé và mình đã có một kỷ niệm chung thật dễ thương. Mình đã năm mươi bốn, năm mươi lăm rồi mà không tham gia những chuyện vui thì  mình không biết đến khi nào mới có !”

Không nghe tiếng Tuyết Mai trả lời, tôi nói tiếp:

“Đi đi mà Mai! Kỳ tới ban tổ chức họp ngày chủ nhật, Mai không đi làm, đi thử một lần đi !”

Mai nói với giọng đấu dịu:

            “Thôi được ! Cung Lan lấy địa chỉ đi. Tuần tới Mai đến đón Lan rồi hai đứa đi chung.”
                                                           *
*                    *

Ngày 6 tháng 2 năm 2011 Ban Tổ Chức(BTC) Hội Ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học (VT-NTH) 2011 họp tại nhà anh Bé và chị Ngôn( nhà thơ phan Thị Ngôn Ngữ), chúng tôi gồm có anh Nguyễn Bé ( thầy Quảng Đức), chị Phan Thị Ngôn Ngữ, chị Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Trang, Quốc, anh Trần Mạnh Hùng,  chị Phan Anh,anh Bùi Hiển,chồng chị Phan Anh, chị Đỗ Linh,anh Phùng Văn Nguyên, anh Trần Thượng Toàn, anh Nguyễn Văn Tốt, và Mỹ Thanh, vợ anh Tốt, anh Phạm Quang Hưng, anh Dương văn Hưng,  Hoàng Anh, Tuyết Lan, Thùy My , Hoàng Mơ, Thanh Tùng,Tuyết Mai và tôi. Trong buổi họp, chúng tôi hoan nghênh anh Trần Mạnh Hùng đại diện cho trường Võ Tánh  và Hoàng Anh đại diện cho trường Nữ Trung Học Nha Trang, đã tình nguyện làm trưởng ban tổ chức Hội Ngộ 2011. Sau khi  bàn thảo  nhiệm vụ của các ban báo chí,  văn nghệ,  thể thao, đối ngoại, du lịch,  và thông tin, chúng tôi ghi tên mình vào từng ban.  Vì thiếu người, chúng tôi phải ghi tên vào hai hoặc ba ban. Nhân sự của ban tổ chức đã ít, chúng tôi còn nghe tin những người có mặt trong buổi họp hôm ấy sẽ dọn đi ở bang khác như anh Phạm Quang Hưng sắp chuyển nhà sang Texas và Thùy My sắp lên đường đi San Francisco.

Không hiểu có phải vì sợ những thành viên khác “nản lòng rồi âm thầm rút lui” hay không mà hai trưởng ban đề nghị mỗi người tham dự buổi họp hôm ấy  đóng 100 Mỹ Kim cho thủ quỹ Mỹ Thanh, dâu Võ Tánh, để tạo vốn ban đầu cho Ban Tổ Chức. Chúng tôi đề nghị với hai trưởng ban nên họp vào ngày chủ nhật để tất cả có thể tham gia. Hôm ấy, chúng tôi thưởng thức nhiều món Ta lẫn Tây như bánh mứt  hạt dưa và dưa hấu của tết Việt Nam, bánh kẹo Đan Mạch, Pizza của Mỹ và chè Thái. Tan họp, Tuyết Mai vui vẻ chở Thanh Tùng và tôi về tận nhà và còn hứa sẽ đón hai đứa tôi đi và chở hai đứa tôi về trong những lần họp tới.

Trong những buổi họp ban tổ chức Hội ngộ 2011 kế tiếp, ngoài những người đã có mặt hôm trước như anh Bé, chị Ngôn Ngữ, anh Trần Mạnh Hùng, anh Bùi Hiển, chị Phan Anh, chị Đỗ Linh,anh Phùng Văn Nguyên, chị Sanh, vợ anh Nguyên, anh Trần Thượng Toàn, anh Nguyễn Văn Tốt,  Mỹ Thanh,anh Dương văn Hưng,  Hoàng Anh, Tuyết Lan, Hoàng Mơ, Tuyết Mai và tôi, chúng tôi còn có thêm anh Bùi Dương Liêm, và vợ anh là chị Bé Bảy, anh Phạm Bá Vinh, anh Trần Việt Tân, Ngọc Hoa( hoa biển),anh Nguyễn Minh Niên, Tuyết Hoa em anh Niên và bạn của Hoa Biển,  anh Mỹ , chị Thúy Anh vợ của anh Mỹ,  Phan Công Chư, Phan Công Chương và Thu, vợ của Phan Công Chương . Thùy My và anh Nguyễn Văn Hưng đã lần lượt rời vùng Hoa Thịnh Đốn nhưng vẫn còn liên lạc với ban tổ chức trong nhóm điện thư ban tổ chức Hội Ngộ VT-NTH Nha Trang 2011. Hoàng Mơ là người hợp tác với anh trưởng ban Trần Mạnh Hùng, Phạm Hữu Lành và Trần Thị Thanh Tùng  trong việc giám sát diễn đàn ban tổ chức  Hội Ngộ 2011 và là  người thường ca ngợi sự giúp đỡ của các niên trưởng trong các buổi họp. Mỗi lần nghe chữ niên trưởng do Hoàng Mơ đề cập, tôi không biết niên trưởng là ai và lờ mờ nghĩ rằng đó  là những người đã từng tham gia  tổ chức Hội Ngộ cho trường và đang tiếp tục cố vấn hay tham gia chung trong ban tổ chức  Hội Ngộ VT-NTH 2011 của chúng tôi. Sau này tôi mới biết đó là những anh chị ở xa những có tên trong ban tổ chức chúng tôi hay giúp đỡ tinh thần và vật chất cho Hội Ngộ 2011 như chị Diệu Nga, chị Phạm Phan Lang, chị Bích Khuê, chị Bạch Tuyết, chị Vũ Kim Yến, anh Nguyễn Chí Lô, anh Phạm Hữu Lành và các dâu rể của hai trường Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang.

Trong những lần họp ban tổ chức kế tiếp, chúng tôi đã nghiêm túc bàn bạc về những món quà ý nghĩa tặng thầy cô, logo Hội Ngộ, đặt may áo thun, đặt nhà hàng, ban biên Tập cho Đặc San, phương cách mời thương gia đăng quảng cáo, và các tiết mục cho đêm văn nghệ. Những người  tình nguyện làm những công việc này là Ngọc Hoa ( Hoa biển), anh Trần Thượng Toàn, Hoàng Anh, chị Phan Anh, anh Bé, anh Phùng Văn Nguyên, Ngọc Hoa và Tuyết Lan. Cũng trong những lần họp ấy, thức ăn của chúng tôi ngày càng nhiều và càng phong phú thêm hơn. Nào là gỏi đồ biển, gỏi xoài, thịt bò nướng, bún bò, nem nướng, gỏi cuốn, bánh hỏi, gà chiên nước mắm, đậu luộc, bánh ướt, bánh cuốn, bánh mì thịt nguội, bánh mì chả cá, giò lụa, bánh Paté chaud, bánh ít, bánh chuối chiên, bánh cam, bánh nậm, hồng dòn, kẹo thập cẩm, vân vân và vân vân.Những chị  Nữ Trung Học như Hoàng Mơ và dâu Võ Tánh Mỹ Thanh cho chúng tôi nhiều món ăn ngon đã đành, các anh Võ Tánh không biết nấu ăn cũng “nấu” từ chợ Eden mang vào. Anh Việt Tân còn khao cả ban tổ chức chúng tôi một bữa hậu hĩ tại nhà hàng Buffet, anh chị Phạm Bá Vinh còn đãi chúng tôi một bữa rất hào phóng trước khi rời Virginia và anh chị Phùng Văn Nguyên còn thết chúng tôi một bữa linh đình nhân ngày cúng tạ.

Càng đến gần ngày Hội Ngộ có nhiều vấn đề khúc chiết và nhiều vấn đề cần giải quyết cấp thiết nên thư ký Hoàng Mơ không những vất vả ghi biên bản còn phải điều hợp các nhân sự của các ban để tránh những vấn đề không hay xảy ra. Những vấn đề rối rắm của thời gian này là sự không chắc chắn về phần hành của các trưởng ban, và thực lực tiến hành của Đặc San và Văn nghệ.

Vấn đề rối rắm đầu tiên là sự không đồng nhất giữa nhiệm vụ của các trưởng ban trong biên bản và sự loan báo trong diễn đàn và trang web của Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang. Trong khi nhiều người tập trung vào phần hành và nhiệm vụ của mình thì trưởng ban Trần Mạnh Hùng ôm đồm ghi tên của anh trong hầu hết các ban như văn nghệ, báo chí và thông tin. Anh đã làm cho trưởng ban văn nghệ Tuyết Lan chán nản, bỏ mặc đến đâu hay đến đó rồi nhường chức. May mắn cho Tuyết Lan và cả ban văn nghệ là Phan Công Chương đã đứng ra lãnh trách nhiệm làm trưởng ban văn nghệ  cho cả hai đêm Tiền Hội Ngộ và Hội Ngộ.

Vấn đề rối rắm thứ hai là sự chuyển giao nhiệm vụ Biên Tập từ anh Nguyễn Văn Bé và anh Phùng Văn Nguyên đến anh Phạm Bá Vinh. Nếu trong ngày anh Phạm Bá Vinh nhận trách nhiệm này, mọi người vui vẻ ca tụng anh Phạm Bá Vinh là người kỳ cựu trong ngành báo chí văn thơ và Đặc San 2011 sẽ là một Đặc San tuyệt vời nhất trong các Đặc San của Võ Tánh và Nữ Trung Học xuất bản từ trước tới nay, thì cách ngày Hội Ngộ một tháng ấy, tất cả mọi người từ trưởng ban đến thường ban đều hoang mang không biết Đặc San đã có được mấy bài, trình bày ra sao và nội dung như thế nào. Nguyên do của sự rối rắm này là không ai có thể liên lạc với anh Phạm Bá Vinh từ khi anh dọn nhà sang Texas. Anh Vinh không thường xuyên liên lạc với Ban Tổ Chức và không trả lời điện thư của các anh chị em trong nhóm có lẽ vì anh không muốn bị xao nhãng trong lúc hoàn thành Đặc San một mình nhưng anh đã không hổ danh là chủ nhiệm báo Sóng Thần vì anh đã cho ban tổ chức Hội Ngộ 2011 một phen khiếp vía với  một con sóng cao to và đen ngòm mà người ngồi trên đầu ngọn sóng là trưởng ban Võ Tánh Trần Mạnh Hùng. Anh Hùng,trước những câu hỏi không thể trả lời và những lời hối thúc của mọi người, thường lấy  điện thoại cầm tay gọi anh Vinh ra sau góc sân nhà của anh Bé hoặc là sau sân nhà của anh Nguyên để to nhỏ. Lần nào cũng vậy, khoảng mười phút sau, anh Hùng trở vào với đôi mắt thất thần nhưng cố gắng trấn an chúng tôi là “Anh Vinh nói là ảnh bận lắm nên không check email. Ảnh đang cố gắng hoàn thành Đặc San đó anh em đừng lo!” Khuôn mặt bất an của anh Hùng đã khiến chúng tôi không tin tưởng rằng chúng tôi sẽ có Đặc San trong ngày Hội Ngộ. Một số nam sinh Võ Tánh đề nghị anh Hùng năn nỉ anh Phạm Bá Vinh gửi những bài mà  anh Phạm Bá Vinh đã  sắp xếp trong Đặc San để các anh trong ban biên tập phụ anh kiểm tra nội dung và văn phạm.

            Các tiết mục cho chương trình văn nghệ cũng là vấn đề phức tạp và nan giải trước ngày Hội Ngộ. Trong khi anh Trần Việt Tân đề nghị thuê ca sĩ hát vì anh lo lắng giá vé của khách dự không tương xứng với sự phục vụ của Ban Tổ Chức Hội Ngộ thì tôi đề nghị học sinh hai trường VT- NTH nên tham gia các tiết mục để thể hiện thực lực của hai trường đã từng có tiếng có nhiều màn văn nghệ đặc sắc. Mọi người than phiền là không có thì giờ tập văn nghệ, nhất là bài hoạt kịch Chi Lăng do tôi đề nghị cần quá nhiều người. Anh Hùng tán thành chuyện Hội Ngộ của trường nên để học sinh trường tham gia hơn là  thuê ca sĩ chuyên nghiệp nhưng anh không có cách giải quyết nào hơn là ghi tên anh trong hầu hết các mục   tiết mục văn nghệ từ đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca, ngũ ca, và hợp ca với những bài của thập niên 60 và những bài do chính anh sáng tác. May mắn thay, anh Mỹ cho biết là chị Thúy Anh, vợ anh, có thể giúp ban tổ chức tập Hoạt Cảnh Huyền Trân và Jennifer con gái  anh có thể đóng vai Huyền Trân và hát bài Quốc Ca Mỹ. Tôi đã quá sức mừng rỡ vì không phải tập hoạt kịch Lê Lai Lê Lợi nhưng lại thêm một phen năn nỉ Tuyết Mai đóng vai tì nữ cho công chúa Huyền Trân.


                                                           *
*                    *



            Tôi nghĩ rằng tôi phải dừng lại nơi đây để giới thiệu cô bạnTuyết Mai với Nhật Ký của mình. Các bạn tôi thường chọc Tuyết Mai là bạn zàng của tôi vì họ thường thấy Tuyết Mai và tôi luôn luôn bên nhau khi xuất hiện giữa đám bạn bè.  Bạn bè tưởng rằng chúng tôi đã thân nhau từ khi chúng tôi còn học chung trường Nữ Trung Học Nha Trang( Sau đổi tên là nữ trung học Huyền Trân Nha Trang) trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến tận đến bây giờ. Thực ra, Tuyết Mai, nhỏ thua tôi một tuổi và học thua tôi một lớp. Trong khi tôi học lớp 12 C thì Tuyết Mai học lớp 11 C. Tôi tưởng Tuyết Mai là người chơi trống cho ban nhạc của trường nữ trung học Huyền Trân mà tôi từng ngưỡng mộ trong thời áo trắng  nhưng sau này tôi mới biết không phải là người tôi từng ao ước được có dịp làm quen và chơi thân.

Vào năm 2005, khi tôi cùng bạn bè nhóm Chợ Chồm Hổm tham gia Hội Ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học tại Houston Texas, chồng tôi gọi báo cho tôi biết có một người tên Tuyết Mai gọi đến mua sách và nói rằng học chung trường nữ trung học Huyền Trân với tôi trước năm 1975. Vì biết tôi không có ở nhà, Tuyết Mai nói là chờ tôi về rồi mới đến nhà mua sách. Tôi về nhà được hai hôm, Tuyết Mai đến nhà như đã hẹn. Sau khi mua sách xong, Tuyết Mai nói vợ chồng chúng tôi đem sách theo nàng để nàng giới thiệu bạn thân của chồng nàng, cũng là cựu học sinh trường nam trung học Võ Tánh, mua sách cho tôi. Chồng tôi và tôi đã nghe lời nàng, lái xe vùn vụt theo xe nàng để đi đến nhà độc giả không mời mà đến. Người bị mua sách là anh Nguyễn Văn Tốt, nam sinh trường Võ Tánh cùng với anh Lập chồng của Tuyết Mai và anh Hiệp chồng tôi. Tôi không nhớ Tuyết Mai nêu lý do gì mà anh Tốt này đã ngoan ngoãn nghe lời mua sách cho tôi trong lúc Mỹ Thanh, vợ anh mời chúng tôi ăn món cá hấp cuốn bánh tráng với mắm nêm.

Sau ngày hôm ấy, vợ chồng tôi được Tuyết Mai mời đến nhà để nàng giới thiệu chúng tôi với chồng  nàng. Chúng tôi còn được làm quen với ba đứa con trai và con gái Út của Tuyết Mai. Sau một hồi nói chuyện với những người trong gia đình Tuyết Mai, tôi nhận ra Tuấn và Trung, hai đứa con trai đầu của Tuyết Mai, trước đây từng là Hướng Đạo sinh của liên đoàn Hướng Đạo Potomac. Tôi cho Tuyết Mai biết tôi đang  làm trưởng Hướng Đạo của liên đoàn Chi Lăng  tại Hoa Thịnh Đốn và hay chở con tôi vào đó để sinh hoạt. Tuyết Mai lấy làm thích thú khi nghe tin này. Nàng nói với tôi là nàng muốn Toàn, con trai thứ ba của nàng được nhập đoàn Hướng Đạo Chi Lăng để cháu có cơ hội học hỏi nhiều điều hay trong sinh hoạt Hướng Đạo và có dịp giao tiếp bên ngoài nhiều hơn. Tôi vui vẻ nhận lời  giúp Tuyết Mai ghi danh cho Toàn vào liên đoàn Chi Lăng đồng thời dặn Tuyết Mai chở Toàn đến nhà tôi vào sáng thứ Bảy để tôi chở Toàn cùng ba đứa con trai của tôi vào Hoa Thịnh Đốn họp đoàn. Thỉnh thoảng, liên đoàn Hướng Đạo cắm trại hay những sinh hoạt khác, tôi báo cho Tuyết Mai biết và dặn nàng chở Toàn đến nhà tôi rồi tôi lo cho Toàn chu tất như cho những đứa con của tôi.  Toàn sinh hoạt với liên đoàn Hướng Đạo một năm thì không đi nữa vì liên đoàn Chi Lăng không còn Hướng Đạo sinh. Phần lớn Hướng Đạo sinh rời Hoa Thịnh Đốn về ở Virginia hay Maryland, một số khác vào Đại Học. Vợ chồng tôi phải chuyển ba đứa con trai của chúng tôi về liên đoàn Hướng Đạo Potomac. Để vào đoàn này phụ huynh phải ghi danh cho con mình nhưng Tuyết Mai khá bận rộn nên Toàn không còn sinh hoạt Hướng Đạo.

Tuyết Mai là người rộng rãi, cởi mở và thường quan tâm đến mọi người xung quanh.Từ lúc gặp tôi, và có lẽ tôi là đồng môn duy nhất của Tuyết Mai trong vùng Maryland nên nàng thường tỏ ra quan tâm đến tôi và những lợi ích của tôi. Sống trong căn nhà mới đẹp với các phòng rộng rãi và bồn tắm spas, Tuyết Mai tỏ vẻ ái ngại khi nhìn tôi sống trong căn nhà có cửa kính dán băng keo cho những chỗ vỡ và sàn gỗ long lở. Nàng khuyên tôi rằng:

            “Hiện thời nhà đang hạ, Cung Lan nên mua nhà mới để sống thoải mái khang trang!” 
Tôi lắc đầu:

 “Thôi đi người đẹp! Mình phải lo toan nhiều thứ lắm, ở nhà cũ như vầy cho yên thân. Coi đi ! Mình có ba đứa con, không bà con thân thích ở đây làm sao mình dám mua nhà mới như Tuyết Mai được?”

Tuyết Mai hỏi vặn:

“Sao Tuyết Mai có bốn đứa con mà vẫn mua nhà mới được? Tại Cung Lan không muốn, chứ muốn là được thôi. Đã năm mươi tuổi rồi mà không chịu hưởng lạc thú trên đời thì chờ đến khi nào!”

 Tôi lắc đầu, viện cớ:

 “Tụi con của Cung Lan không chịu đâu. Mua nhà mới lại phải dọn đi xa, tụi con Lan phải học trường khác.Tụi nó quen bạn bè ở trường tụi nó đang học rồi! Đời nào tụi nó chịu dời chỗ khác!” 

Chào thua với tính cương quyết của tôi, Tuyết Mai không đề cập gì đến chuyện mua nhà mới nữa.

Vài tuần sau đó Tuyết Mai gọi điện thoại mời tôi và gia đình tôi đi du thuyền và câu cá. Nàng nói :

            “Lan ơi! Chủ Nhật này lái xe đưa tụi nhỏ đến nhà mình rồi tụi mình đi biển chơi nhen. Ra ngoài đó tụi mình tắm, du thuyền, câu cá rồi nướng thịt ăn đến chiều về. Mai đã ướp thịt gà thịt bò và mua đầy đủ  thức ăn nước uống rồi, chỉ cần hai vợ chồng Lan và mấy đứa nhỏ tháp tùng thôi.”

            Tôi từ chối ngay:

“Chủ Nhật này hả? Lan phải đi làm chứ đâu có được nghỉ.” 

Mai thở dài giọng trách móc:

“Lại đi làm! Bộ không có lúc nào rảnh hết hả? Thứ bảy thì nói bận đi Hướng Đạo chủ nhật thì nói bận làm nail, làm tóc. Mai đã lo tất cả chỉ cần Lan đi thôi mà cũng không đi! Lan cứ lo làm đi rồi đến khi già không đi được nữa thì đừng có tiếc.” 

Mặc cho Tuyết Mai phân giải thiệt hơn thể nào tôi nhất định không nghe theo.

                                                  *****
Nhưng sau đó, tôi đã đưa cả gia đình tôi đến nhà Tuyết Mai nhiều lần để ăn giỗ, ăn mừng lễ Tạ Ơn, ăn mừng lễ Giáng Sinh và ăn mừng Giao Thừa để đón tết Nguyên Đán. Gia đình chúng tôi thân với gia đình Tuyết Mai như họ hàng và Tuyết Mai đối với tôi đậm đà hơn cả tình bà con ruột thịt. Vốn là người thích trồng hoa, Tuyết Mai có rất nhiều chậu hoa Lan tươi đẹp  trong nhà và còn sưu tầm cả các loại hoa huệ đặc biệt khác nữa.

Mùa xuân năm ấy, khi Tuyết Mai thấy tôi chiêm ngưỡng đóa hoa lan huệ đỏ thẫm lớn cánh của nàng một cách say mê, nàng tìm cách ươm giống và tặng cho tôi một củ ngay.  Mùa tết dương lịch năm sau, khi Tuyết Mai đến nhà tôi, nàng tỏ ra vui mừng khi thấy đóa hoa lan huệ tươi đẹp trong căn phòng khách của tôi. Nàng vui vẻ nói: “Đầu năm mà Cung Lan có hoa nở đẹp như vầy là cả năm gặp nhiều may mắn đó nhen. Không hiểu sao tết năm nay, loại hoa này ở nhà Mai không có cái hoa nào.” Tôi ghẹo: “Chắc có lẽ Mai đã cho cái hên của Mai cho Cung Lan rồi!”  Tuyết Mai mỉm cười không đáp. Nàng chăm chú ngắm đóa hoa tuyệt mỹ của tôi với khuôn mặt đầy vẻ hài lòng.

Tình bạn của Tuyết Mai và tôi ngày càng đậm đà và tình thương mến của Tuyết Mai dành cho tôi ngày càng nhiều hơn. Hàng ngày, chúng tôi thường nói chuyện với nhau qua điện thoại vào lúc mười một giờ đêm, thời gian Tuyết Mai lái xe từ sở làm về nhà. Có khi hai đứa chúng tôi nói chuyện với nhau cả hai ba tiếng đồng hồ vào những ngày cuối tuần. Những khi chúng tôi không nói chuyện với nhau là lúc Tuyết Mai du lịch xa với gia đình. Sau mỗi chuyến đi chơi ấy, tôi thường nhận rất nhiều quà của nàng như áo sườn xám từ California, áo dài, giày, dép, kẹp tóc từ Việt Nam và nhiều thứ trái cây từ Florida. Tình cảm của Tuyết Mai dành cho tôi càng thắm thiết thì lối xưng hô của Tuyết Mai đối với tôi ngày thân mật đến cao độ.Thoạt đầu Tuyết Mai gọi và xưng là “Cung Lan/Tuyết Mai” rồi đến “Lan/Mai” rồi “Lan/mình”, rồi đến “Bồ/tui”, và sau rốt là “Bà/tui”. Đặc biệt là mỗi lần Tuyết Mai nói đến những mối lợi mà tôi sắp sửa có thì nàng gọi tôi với hai chữ “Bà Lan! Bà Lan” với giọng hết sức hào hứng.

Một ngày nọ, Tuyết Mai gọi tôi với giọng mừng rỡ như vừa được trúng số:

“Bà Lan! Bà Lan! Bà muốn ăn bánh bèo không thì đi với tui tới nhà anh Hưng ăn.”

Tôi ngớ ngẩn hỏi lại:

“Chớ anh Hưng là anh nào mà bà mời tui đi ăn?”

Giọng nói của Tuyết Mai liếng thoắng ở từ đầu giây bên kia:

 “Anh Hưng này là bạn hàng xóm với tui ở Nha Trang đó! Tui mới liên lạc với ảnh. Ảnh mời tui tới nhà ảnh ăn bánh bèo. Vợ ảnh làm bánh bèo trong chén ngon lắm.”

“Trời! bạn bà mời thì bà đi ăn chớ bà rủ tui làm chi. Ai mà đi ăn theo kiểu kỳ cục như vậy?”
           
“Thì ổng mời tui mà bà bạn tui, tui mời bà đi không được sao? Vợ ổng làm nhiều lắm, đi với tui cho vui. Không sao đâu mà!”

 “Thôi đi bà ơi! Tui không đi đâu!”

“Vậy là không đi phải không?”

“Ừ, không đi.”

 “Không đi thì thôi! Vậy bà có muốn gửi gì về Việt Nam không?Ảnh sắp về việt Nam rồi, ảnh nói tui muốn gửi quà gì về nhà, ảnh lấy dùm cho. Bà muốn gửi gì về cho má bà thì đem qua cho tui tui gửi luôn cho.”
 
“Mà tui đâu có quen anh Hưng đó đâu mà nói ảnh đem quà tới nhà má tui.”

“Bà cứ gửi cho tui, tui gói lại gửi chung về địa chỉ nhà tui rồi tui nhờ em tui chuyển lên cho má bà.”

“Vậy chắc tui gửi mấy hộp thuốc. Cảm ơn Mai trước nhen.”

*
                                                  *         *

Cách ngày Hội Ngộ khoảng một tháng, Tuyết Mai gọi điện cho tôi với giọng thỏ thẻ:
“Bà Lan, Bà Lan! Tui mới liên lạc với thằng Thành bạn hàng xóm của tui ở Nha Trang đó !”

“Lại bạn hàng xóm! Sao dạo này bà liên lạc được nhiều bạn hàng xóm quá vậy?”

“Thì tại thằng Thành này cũng mua vé dự Hội Ngộ VT-NTH 2010 nên nó biết tui cũng mua vé đi dự. Nó nói vợ nó giận nó dắt con về ngoại rồi nên nó nói tụi mình sang San José thì ở nhà nó. Nhà nó có nhiều phòng lắm lại gần nhà hàng nơi tổ chức tiệc Hội Ngộ của trường mình nữa. Nó nói nó có xe van lớn. Tụi mình sang đó, nó lấy xe chở cả bọn đi chơi, không phải mướn xe gì cả.”

“Thôi đi bà ơi! Tuyết Lan với Bạch Mai Anh không chịu đâu! Tụi nó không muốn làm phiền ai nên tính thuê khách sạn rồi!”

            “Muốn thuê khách sạn thì tui ở khách sạn với mấy bà nhưng mà người ta có nhà lớn nhiều phòng cho ở mà không ở thì uổng. Bà khuyên tụi nó ở nhà thằng Thành đi. Tính thằng Thành dễ thương lắm. Nó như em Út của tụi mình, không ngại gì cả!”

Tôi nói xuôi theo hàng hai:

“Thôi được, để tui nói tụi nó. Hễ tụi nói chịu thì tụi mình ở nhà thằng Thành của bà, còn không chịu thì mình ở khách sạn nhen.”

Mặc dù nói cho Tuyết Mai an lòng như thế, tôi không hề gọi báo cho Bạch Mai Anh và Tuyết Lan chuyện ở miễn phí tại nhà thằng Thành của Tuyết Mai. Tôi biết hai nàng này không bao giờ chấp thuận làm một chuyện kỳ lạ như thế. Hơn nữa, Tuyết Lan đã gọi báo cho tôi biết là hội trưởng Bích Lan đã dọn ba phòng ngủ cho bốn đứa chúng tôi và mẹ con Minh Tuyết ở nhà nàng.

Thời gian gần đi dự Hội Ngộ tôi quá bận rộn nên không liên lạc thường xuyên với Tuyết Mai và cũng không báo cho Tuyết Mai biết chuyện nhóm CCH miền Đông chúng tôi sẽ ở nhà Bích Lan. Đến ngày lên đường, Tuyết Mai gọi điện cho tôi với giọng hớt ha hớt hãi:

“Bà Lan ơi bà Lan! Vợ thằng Thành về rồi!”

Tôi tức cười quá nhưng cố giữ giọng bình thản hỏi vặn:

“Vợ thằng Thành về thì làm sao chớ?”

“Thì tụi mình không ở nhà nó được nữa chớ sao!”

 Tôi tiếp tục hỏi cắc cớ:

“Ủa ? Mấy bữa trước bà nói nhà tụi nó rộng, có nhiều phòng muốn ở mấy thì ở. Nay bà nói có vợ con nó về, không ở được. Bộ vợ con nó về rồi nhà nó nhỏ lại hả?”

“Bà này! Tui nói thật tình mà bà cứ giỡn hoài!”

“Ủa? Tui cũng nói thiệt chớ giỡn với bà sao? Bà nói tui cản tụi Tuyết Lan, Bạch Mai Anh không thuê khách sạn rồi nói tui khuyên tụi nó ở nhà 'thằng Thành của bà'. Bây giờ bà nói không có chỗ ở, vậy ngày mai qua đó, mình ở đâu đây?”

Tuyết Mai nói với giọng lo lắng:

“Ai biết chuyện như vầy đâu nà? Bửa trước nó nói vợ nó giận đi luôn không về ! Ai nhè bây giờ vợ nó về!”

Tôi vẫn giữ giọng căng thẳng:

“Đó! Tui đã nói không rồi mà bà không chịu nghe. Cứ khăng khăng nhất định ở nhà 'thằng Thành' cho nên không ai thuê khách sạn hết! Bây giờ bà lo tính làm sao để có chỗ ở đi! Ngày mai lên đường rồi giờ chưa thuê khách sạn ở đâu cho biết!”

Tuyết Mai chép miệng, than:

            “Giờ biết làm sao đây ta?”

            Tôi phá ra cười:

“Thôi đừng lo nữa người đẹp ơi! Mình đã có chỗ ở rồi!”

 “Vậy chớ mình ở đâu?”

“Bích Lan nói tụi mình tới nhà Bích Lan ở.”

“Cả bọn mình hả?”

            “Ừ cả bốn đứa tụi mình còn có thêm mẹ con Minh Tuyết nữa.”

Tuyết Mai thở phào với giọng nhẹ nhõm:

“Vậy thì  đỡ quá! Bất quá, tụi mình ngủ ở sô pha phòng khách của Bích Lan cũng được!”

Tôi cười khoái chí:

“Có một sô pha làm sao đủ cho bốn năm người ngủ. Ghế sô pha thì để tụi tui ngủ còn cho bà ngủ đứng để trị cái tội đòi ở nhà thằng Thành!”

                                                                *
                                                *                             *

Hoàng Hà Huyền Hương, bạn cùng trường Nữ Trung Học Nha Trang( sau đổi tên nữ trung học Huyền Trân Nha Trang) với Tuyết Mai và tôi, tán thành nhận định của tôi rằng Tuyết Mai có tính thương bạn bẩm sinh. Khi Huyền Hương kể cho tôi nghe những việc làm hết lòng vì bạn của Tuyết Mai trong thời trung học xa xưa,  tôi kể cho Huyền Hương nghe những việc Tuyết Mai giúp cho những người không có phương tiện đi lại như Thanh Tùng và tôi đi họp ban tổ chức Hội Ngộ Võ Tánh và Nữ Trung Học 2011. Cứ mỗi ngày chủ nhật, Tuyết Mai lái xe đến đón Thanh Tùng và tôi để đưa chúng tôi sang Virginia họp rồi đưa chúng tôi về tận nhà mà không tỏ ra chút phiền hà. Tôi kể cho Huyền Hương nghe là Tuyết Mai đón đưa chúng tôi như là một cái thú và dịp để nàng tâm sự đủ thứ chuyện trên đời. Bởi thích nói và để tâm vào câu chuyện đang nói hơn là địa chỉ của nơi đến mà lần nào đi họp nàng cũng lái hụt exit, có hôm cạn cả bình xăng. Huyền Hương cười đáp lại rằng:

“Tuyết Mai thích có bạn để tâm tình lắm nhưng mà Tuyết Mai than với Huyền Hương là Tuyết Mai không muốn vô ban tổ chức. Sở dĩ Tuyết Mai vô ban tổ chức vì sợ bị Cung Lan giận. Tuyết Mai nói là tưởng vô trong ban tổ chức chỉ lo phần hành tiếp tân, bán Đặc San hay nấu ăn cho picnic thôi nào dè  Tuyết Mai còn bị Cung Lan rủ rê vào ban văn nghệ.”
Tôi phân bua:

            “Ừ thì Hội Ngộ năm nào trường mình không có Văn nghệ! Nhưng bên vùng Washington D.C này ít người quá nên các thành viên trong ban tổ chức đều phải làm hai ba việc cả Huyền Hương à!”

“Ừ thì Tuyết Mai cũng nói vậy nhưng Tuyết Mai nói giọng tếu lâm làm Huyền Hương cười muốn bể bụng.”

“Tuyết Mai nói gì mà Huyền Hương cười dữ vậy?”

“Thì Tuyết Mai nói là sợ Cung Lan giận nên vô ban tổ chức. Vô ban tổ chức rồi Cung Lan bắt Tuyết Mai vào ban văn nghệ giả trai làm lính. Mà kịch Lê Lai Lê Lợi gì đó cần mười hai người nam cho nên Cung Lan không những bắt Tuyết Mai làm lính mà còn bắt cả chồng con Cung Lan  và chồng con Tuyết Mai cũng làm lính nữa.”

“Đúng vậy đó Huyền Hương ! Lúc đó Cung Lan cũng phải giả trai làm lính nữa chứ không có đủ người. Phần lớn mấy anh chị trong ban tổ chức đều ở Virginia, chỉ có Tuyết Mai, Thanh Tùng, Chư, anh Tốt và Cung Lan ở Maryland thôi!  Muốn  có hoạt kịch này chỉ có mấy người ở Maryland mới tập được mà ai cũng bận nên cái hoạt kịch đó bỏ rồi !”
 “Ừ Tuyết Mai cũng kể là Tuyết Mai rất mừng khi nghe các anh chị trong ban tổ chức quyết định bỏ  hoạt kịch Lê Lai Lê Lợi. Ai dè có anh Mỹ nào đó nói sẽ nhờ vợ ảnh bày hoạt kịch Huyền Trân công chúa, thế là Cung Lan rủ Tuyết Mai vào đóng hoạt kịch này ngay. Lúc Tuyết Mai kể, Huyền Hương nghe không rõ, hỏi Tuyết Mai lại là 'Ủa Cung Lan nói Tuyết Mai đóng vai công chúa Huyền Trân hả ?' Tuyết Mai trả lời ngay 'Phải chi cho Tuyết Mai đóng công chúa Huyền Trân thì phước rồi, hết kêu đóng lính cho Lê Lợi giờ kêu đóng tì nữ cho Huyền Trân mới khổ!' Mà Tuyết Mai nói với giọng têu tếu làm Huyền Hương cười muốn chết !”

Tôi đáp:

“Ừ Tuyết Mai cứ than với Cung Lan là tui năm bó rồi mà bà không tha còn bắt tui đóng vai này vai nọ. Ngày nào Tuyết Mai chở Cung Lan đi họp cũng than với Cung Lan là lỏng đầu gối, nhức chân rồi quở sao Cung Lan sung quá vậy ...nhưng mà nàng đến chỗ họp thì vui như tết. Hết làm trò lại nói chuyện tếu lâm cho mọi người cười.”

Lần điện đàm nào với Huyền Hương, hai đứa tôi cũng cười nắc nẻ nhưng chỉ nói chuyện với nhau trong thời gian rất ngắn. Huyền Hương thường xin lỗi phải ngưng giữa chừng vì nàng nói phải tiếp khách mua hàng mỹ phẩm. Cho nên, tôi không thể kể cho Huyền Hương  thêm những chuyện vui mà Tuyết Mai đã cho tôi trong những lần họp với anh chị em trong ban tổ chức Hội Ngộ. Một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là ngày tôi bị mang tiếng ngầm là người phá rối một buổi họp trang nghiêm.

Ngày chủ nhật hôm đó,  tại cái bàn lớn và dài trong phòng khách của anh Bé và nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ,anh Trần Mạnh Hùng, chủ tọa cuộc họp, đang bàn tính hết sức căng thẳng chuyện đặt nhà hàng và cách sắp xếp chỗ ngồi, thì những người ngồi gần Tuyết Mai cười khúc khích hoài đến độ Hoàng Anh phải dịch sang gần chỗ những người đang nói, Hoàng Mơ phải nghiêng tai nghe những lời bàn bạc trong lúc đánh máy ghi biên bản, Tuyết Lan phải la :”Học sinh im !” và anh Trần Mạnh Hùng cau mày nhìn về phía chúng tôi rồi nói với tôi với giọng bất bình rằng : “Cung Lan! Cung Lan! Em làm ơn đừng nói nữa, tập trung nghe mấy anh chị bàn chuyện đã!” Tôi bị la như vậy cũng đáng nhưng thực tình nguyên nhân cũng tại những người ngồi quanh tôi và nhất là tại nhân vật chính  Tuyết Mai.

Cũng ngày chủ nhật hôm đó, tôi tưởng không đi họp được vì không có phương tiện đi lại nhưng cuối cùng Tuyết Mai cũng đến đón tôi. Nàng nói không muốn bỏ họp vì nhớ ban tổ chức nhưng tới đón tôi trễ vì mới ở phòng cấp cứu ra. Tôi kinh ngạc hỏi nguyên nhân và được biết là Tuyết Mai vào bệnh viện điều trị vì bị nhiễm nặng chất độc từ  dây trường xuân có độc(poison ivy). Đến họp ban tổ chức, Tuyết Mai không những kể cho những người ngồi gần biết chuyện nàng mới được phóng thích từ phòng cấp cứu mà còn vén tay áo cho chúng tôi coi những vết thâm bầm trên hai cánh tay.

Nói xong, nàng đi vào nhà bếp rồi trở ra với chiếc đĩa trên tay. Đĩa thức ăn của Tuyết Mai vừa đặt trên bàn,  chị Linh Đỗ thảng thốt nói ngay :

“Tuyết Mai ! Tuyết Mai đang bị dị ứng chất độc mà ăn gỏi đồ biển không được đâu!”

Tuyết Mai ngần ngừ hỏi lại:

            “ Ủa vậy hả chị ? “

Anh Tốt đáp thay chị Linh Đỗ:

“Đúng rồi ! Tuyết Mai bị dị ứng sưng đầy tay như vậy mà ăn tôm vào càng bị sưng nhiều hơn nữa. Tuyết Mai để tụi này ăn dùm cho !”

Tuyết Mai ưng thuận  đẩy chiếc đĩa của nàng tới trước mặt chị Linh Đỗ và anh Tốt rồi trở lại  nhà bếp. Nhà bếp của anh Bé và chị Ngôn Ngữ có nhiều thức ăn đã bày trên bàn ăn nhưng không ai muốn rời ghế để lấy vì buổi họp đã bắt đầu. Mấy cái gỏi cuốn và  gỏi do Tuyết Mai lấy được phân xớt sạch sẽ bởi những người ngồi khúc  cuối bàn, xa chủ tọa.

Tuyết Mai trở lại chỗ chúng tôi với chiếc đĩa khác. Nàng vừa ngồi xuống tưởng được thưởng thức thức ăn  trong chiếc đĩa này trong khi nghe cử tọa bàn chuyện trong buổi họp thì anh Tốt lại nói :

“Tuyết Mai bị dị ứng sưng tay mà xôi dừa với bánh khoai mì thì càng chết nữa!”

Tuyết Mai phản đối:

“Gì kỳ vậy ? Sao tui lấy món gì ông cũng nói là  ăn không được  vậy? “

“ Tui nói thật đó ! Không tin bà hỏi mấy chị ở đây coi ! Dừa với khoai mì độc ghê lắm. Bà đừng ăn, để tui ăn dùm cho !” Anh Tốt đáp.

 Nhìn hai người đối đáp với hai khuôn mặt đau khổ và lém lĩnh, chúng tôi ai nấy đều phì cười. Tôi không những cười mà còn xác nhận :

 “Đúng đó Tuyết Mai, bị dị ứng sưng khắp cả người mà ăn xôi rồi dừa rồi khoai mì thì mấy thứ này làm mưng mủ không trị được đâu.”

Đang nói, tôi bị  anh Trần Mạnh Hùng bị bắt quả tang và nghĩ tôi là người  làm cho những  người  ở cuối bàn cười giỡn ồn ào, phá rối phần quan trọng của cuộc họp. Cảm giác của tôi lúc ấy như Thùy My  bị thầy bắt gặp ăn vụng trong lớp do bạn bè xúi.
                                                                        *
                                                            *                      *
Tôi còn muốn kể cho Huyền Hương nghe những chuyện thầm kín của tôi khi làm thành viên của ban tổ chức. Ngoài những chuyện giả trai đóng vai lính hay làm tì nữ cho công chúa mà Tuyết Mai than thở với Huyền Hương, tôi còn bị ghi tên trong những tiết mục song ca, tam ca, tứ ca, ngũ ca và hợp ca. Mỗi lần họp là tôi lại thấy tên mình với một bài hát nào đó và tôi phải tập bằng cách nghe từ mp3 hay youtube. Để chắc ăn, tôi còn lấy máy cassette thâu rồi mở vang lừng cả nhà để làm việc ở đâu tôi cũng có thể nghe và thuộc bài hát. Tôi tập bài hợp ca Vui Ngày Họp mặt do anh Trần Mạnh Hùng sáng tác từ thơ của Người Xứ Vạn ( anh Nguyễn Văn Sanh ở Úc), rồi bài Tôi Muốn Yêu Người Yêu Đời của Lê Hựu Hà, rồi Bài Ca Hạnh Ngộ của Lê Uyên Phương, rồi Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ và Áo Trắng Học Trò của thầy Đặng Ngọc Ẩn. Khổ thân cho chồng và ba đứa con trai của tôi, tất cả thành viên gia đình tôi đều thuộc các bài hát mà tôi tập và đặc biệt nhất là thuộc bài Áo Trắng Học Trò vì đây là bài tôi hát nhiều nhất. Đây là bài mà tôi chính thức được hát trong buổi trình diễn văn nghệ. Những bài hát khác chỉ tập nhưng không được hát vì sự thay đổi theo thời gian và khả năng hát “quá hay” của tôi.

Tôi lấy làm tiếc là không có đủ thời gian để kể cho Huyền Hương nghe chi tiết về tâm và tài của những người trong ban tổ chức Hội Ngộ năm 2011 như :

1.  Anh Bé và chị Phan Thị Ngôn Ngữ đã cho cả ban tổ chức đến  nhà họp thường xuyên và xem chúng tôi như anh em trong nhà. Chúng tôi tự do đi lại và sử dụng các vật dụng trong nhà một cách tự nhiên và thoải mái như nhà của chúng tôi. Anh chị còn  tiếp đãi thầy cô Bùi Ngoạn Lạc tại nhà anh chị một cách lịch sự và tế nhị.

   2. Anh Bùi Dương Liêm và vợ là chị Bé Bảy không quản thì giờ thu hình rất nhiều lần cho chúng tôi. Anh Bùi Dương Liêm đã vẽ tranh cho đặc san Hội Ngộ 2011 và phông cho sân khấu của hai ngày tiền Hội Ngộ và Hội Ngộ.Ngoài ra, anh Bùi Dương Liêm còn là MC cho các buổi tiền Hội Ngộ và đêm Hội Ngộ chính thức của hai trường Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang

3. Anh Trần Việt Tân, chủ nhiệm báo Đời Nay, đã quảng cáo miễn phí  ngày Hội Ngộ VT-NTH trên trang báo của anh. Anh còn rộng rãi đãi ban tổ chức VT-NTH tại nhà hàng Buffet và mừng Hội Ngộ thành công tại nhà anh Trần Mạnh Hùng.

  4. Anh Phùng Văn Nguyên là thành viên trong ban biên tập của đặc san VT-NTH 2011 nhưng anh còn phải kiêm thêm nhiều công việc khác như bán vé và sắp xếp chỗ ngồi cho đêm Hội Ngộ. Anh còn quan tâm nhiều đến chương trình văn nghệ của trường nên đã săn lùng những tài năng của trường trong vùng và đã giới thiệu vợ chồng anh Nguyễn Tiến Việt tham gia tiết mục song ca. Trong đêm Hội Ngộ, anh còn qua tâm đến sự thưởng thức của khán giả với các tiết mục văn nghệ của trường. Anh đã yêu cầu các nhiếp ảnh gia ngồi xuống chụp hình để tránh chuyện chắn tầm nhìn của khách ngồi ở các bàn sau trong khi màn hoạt kịch công chúa Huyền Trân trình diễn.

5.         Anh Phạm Bá Vinh là biên tập viên đơn độc lay out cho Đặc San Hội Ngộ 2011.
6. Anh Trần Mạnh Hùng gan dạ lãnh chức vụ trưởng Ban Tổ Chức trong phút ban đầu còn ít nhân lực. Anh đã tham gia nhiều tiết mục văn nghệ, tạo điều kiện cho ban văn nghệ tập dợt tại nhà và tổ chức dạ tiệc mừng Hội Ngộ thành công cho tất cả đồng môn hai trường VT-NTH.

7. Anh Trần Thượng Toàn, nghệ sĩ tài hoa, vẽ logo cho áo thun của Hội NgộVT-NTH 2011

8. Phan Công Chương tập các bài hợp ca và làm trưởng ban Văn nghệ trong thời điểm cấp bách cho cả chương trình văn nghệ của tiền Hội Ngộ và đêm Hội Ngộ chính thức. Là người đóng vai tổng thống Bill Clinton nhưng vì bị giới thiệu nhầm tên anh Bùi Hiển, chồng chị Phan Anh, nên không giở mặt nạ ra khi chào khách. Chương cùng vợ là Thu đã lo sắp xếp chỗ ngồi qua hệ thống điện tử.

  9. Phạm Hữu Lành tuy ở xa nhưng vẫn giúp đỡ trong phần hành monitor Diễn Đàn và không quản ngại đóng vai vũ nam Hawaii cho màn văn nghệ Hóa Trang
   10. Anh nguyễn Minh Niên làm nức nở lòng thầy cô và bạn bè với bài ca những Ngày Xưa Thân Ái.Tuyết Hoa , em gái của anh  là nữ sinh của trường Thánh Tâm, tham dự đều đặn và hết lòng phụ giúp các chuyện cần thiết cho ban tổ chức, đặc biệt là tiếp tân trong ngày Hội Ngộ VT-NTH 2011.

   11. Lê Hoàng Anh đại diện cho trường Nữ Trung Học  đảm nhận chức vụ trưởng ban tổ chức. Là người đón thầy cô và bạn bè tại các phi trường, tiếp đãi nhóm Nữ trung Học 1977 tại nhà, và lo ẩm thực cho picnic Hội Ngộ 2011. Anh Bùi Dương Hưng, chồng Hoàng Anh không quản ngại giả gái để đóng vai vũ nữ trong màn văn nghệ Hoá Trang và phụ giúp nhiều công việc trọng yếu cho ban tổ chức.

   12. Anh Mỹ là ca sĩ chuyên nghiệp, góp cho chương trình văn nghệ một bài đơn ca. Ngoài ra, anh còn huy động cả vợ và con giúp vui trong chương trình văn nghệ. Chị Thúy Anh, vợ anh, đã tập hoạt cảnh Huyền Trân. Jennifer, con gái anh, đã hát quốc ca Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và đóng vai Huyền Trân Công Chúa. Cô bé đã làm cho quan khách  khâm phục giọng ca hùng hồn cao vút và nhỏ lệ trước cảnh công chúa Huyền Trân từ biệt Trần Khắc Chung.

   13. Anh Tốt không nề hà khi đóng vai tổng thống Obama hay lính hầu đưa công chúa Huyền Trân về Chiêm Thành. Vợ anh, Mỹ Thanh là thủ quỹ hết sức tận tâm. Nàng dâu Võ Tánh này đã  kê khai rõ ràng các con số thu chi và báo chi tiết cho chúng tôi mỗi tuần. Ngoài ra, Mỹ Thanh còn là người nội trợ giỏi. Nàng thường đem  những món ăn  đặc biệt do chính nàng nấu cho chúng tôi thưởng thức trong các buổi họp.

   14.Trần Hoàng Mơ được gọi là trái tim của ban tổ chức Hội Ngộ 2011. Là người rất rộng rãi và hết lòng với mọi người. Mỗi lần đi họp, Hoàng Mơ đem cả một nồi bún riêu, một nồi bún bò hay một khay nem nướng với đày đủ các món linh tinh khác như rau, bún, tương, mắm, chanh, hành, ớt tỏi.... Hoàng Mơ còn ra công trang hoàng các tập bìa cho hai bài hát hợp ca Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ và Áo trắng Học Trò với những chiếc dây ruy băng nhã nhặn và những chiếc hoa xinh xắn. Nàng tự bỏ tiền ra may sắm các vật dụng hóa trang cho vũ nam vũ nữ Hawaii và sao điện ảnh Cam Pu Chia cho tôi thủ vai. Hoàng Mơ còn thức khuya dậy sớm cùng Hoàng Anh và Thanh Tùng lo nấu nướng cho phần ẩm thực của picnic và hướng dẫn bạn bè du lịch các vùng phụ cận của Hoa Thịnh Đốn.

   15. Trần Thị Thanh Tùng còn gọi là 4T(Tình Tiền Tù Tội). Là người được giải nhất thư Tứ Tuyệt và đóng xuất sắc vai Monica Lewinski trong màn Hóa Trang.

   16. Phạm Ngọc Hoa( Hoa biển) đã giúp ban tổ chức đặt tặng phẩm cho các thầy cô và mua trang sức cho ban hợp ca. Nàng là ca sĩ nổi tiếng Sophia Lauren trong màn Hóa Trang và cùng Minh, con trai của nàng, đứng ra lo tổ chức các trò chơi cho ngày picnic.
17. Chị Linh Đỗ và chị Phan Anh là nhiếp ảnh gia của BTC. Hai chị đã chụp cho ban tổ chức chúng tôi nhiều bức ảnh đẹp, nhiều nhất là những tấm hình áo dài trắng mà chúng tôi chủ làm quảng cáo. Chị Linh Đỗ đóng rất xuất sắc trong vai ngoại trưởng Hillary Clinton và chị Phan Anh đóng vai cô gái Nhật nói tiếng Huế rất dễ thương. Anh Bùi Hiển, chồng chị Phan Anh và rể Nữ Trung Học đã giúp ban tổ chức đón thầy cô và đồng môn từ các phi trường.

   18. Phạm Tuyết Lan: Trưởng ban văn nghệ trong những ngày đầu của ban tổ chức. Tuyết Lan là ca sĩ với giọng hát trầm ấm tuyệt vời và là cô gái Ấn Độ xinh xắn trong màn Hóa Trang.

19. Ngô Tuyết Mai: đưa đón người đi họp, đón   người ở phi trường, tiếp đãi đồng môn tại nhà trong thời gian Hội Ngộ và là người vui nhộn trong picnic đã làm cho mọi người nhiều phen cười bể bụng.

   20. Chị Phạm Phan Lang, chị Diệu Nga, chị Nguyễn Bạch Tuyết, chị Kim Yến và chị Tố Anh là niên trưởng dù ở xa vẫn đến giúp đỡ chúng tôi tinh thần, vật chất và các tiết mục văn nghệ.

            Với nguyện vọng làm vui lòng thầy cô, bạn bè và mang lại vinh quang cho trường, anh chị em trong ban tổ chức chúng tôi đã không quản ngại chuyện góp công, góp của và sức lực cho Hội Ngộ VT-NTH 2011. Đáp lại tinh thần tự nguyện này, chúng tôi đã đem lại cho hai trường một Hội Ngộ thành công một cách không ngờ và đã tạo một ấn tượng khá đẹp cho tất cả các quý khách,thầy cô và đồng môn tham dự. Chúng tôi đã nhận rất nhiều thư chúc mừng và khen ngợi từ các thầy cô và đồng môn trong diễn đàn Võ Tánh Nữ Trung Học. Nhiều người cho rằng Hội Ngộ VT-NTH 2011 trội hơn các Hội Ngộ trước đó rất nhiều.

Không ai rõ chuyện hơn những người trong cuộc. Chỉ có chúng tôi, những người trực tiếp trong Ban Tổ Chức, mới hiểu chúng tôi đã thành công và thất bại trong những mặt nào và nguyên nhân do đâu. Dù sao, chúng tôi, những người không hề biết nhau trước đó, bận rộn công việc riêng từng cá nhân, đầu tiên tập tành tham gia tổ chức một Hội Ngộ, đã không tránh khỏi những lỗi lầm.Có lúc vì quá lo cho chương trình văn nghệ mà thành viên trong BTC đã phải ghi tên cho quá nhiều tiết mục, có lúc vì bận rộn việc làm riêng mà không trả lời tất cả những thắc mắc trong diễn đàn, có lúc vì lơ đễnh không cân bằng các ban và quên mất ban biên tập là một ban rất quan trọng nên đã thất thoát bài của các thầy cô và đồng môn và không đăng trong Đặc San sau những lần chuyểncác điện thư.

Ngày Hội Ngộ chính thức, thành viên trong ban tổ chức đều đóng tiền mua vé nhưng hầu hết chúng tôi không hề ăn gì vì dồn thời gian cho sự liên tục của chương trình. Áp lực bởi thời gian và những việc ngoài dự định, chúng tôi có lúc đã căng thẳng với những lời  nói nặng nề trong lúc tiến hành Hội Ngộ, nhưng rồi sau đó chúng tôi đã cười vui trong buổi tiệc tự chúc mừng nhau thành công trong nhà hàng Buffet. Mừng nhất là sau ngày Hội Ngộ một tuần, vùng Hoa Thịnh Đốn của chúng tôi có động đất vào ngày thứ ba và bão lớn. Nếu động đất và bão lớn đến sớm một tuần hay chúng tôi chọn tuần sau ngày 18 tháng 8 năm 2011, thì Hội Ngộ 2011 sẽ không được thành công như chúng tôi đã có. Đúng như thi sĩ Trần Thị Thanh Tùng đạt giải Thơ Tứ Tuyệt năm 2011 của  hai  trường VT-NTH đã ghi lại trong bài thơ lục bát sau:

...Hội Ngộ chỉ mới vừa xong
Động đất ...lúc lắc cái...phòng của tôi
Chưa kịp kiếm chỗ để chui
Thêm một trận bão...tối thui đất trời
Giờ đây ngẫm lại thấy... lời
Đến sớm một chút, tiêu đời bọn ta
May hồn...chưa phải hít hà
Tiếc công tập dợt hét la om sòm

Trời thương Hội Ngộ cũng...ngon
Thôi thì...quên lỗi sẽ còn vui hơn
Gặp nhau...nhám sẽ thành trơn
Nhậu say một bữa xóa cơn tam bành
Dù sao cũng chị, cũng anh
Nay còn, mai mất rành rành ai ơi...

                                                               *
                                                       *                        *
Khá nhiều khách tham dự thắc mắc về nguyên nhân khiến hai trường nam trung học Võ Tánh và nữ trung học Nha Trang trước năm 1975 thường tổ chức chung các buổi Hội Ngộ. Tôi không thể trả lời vì sao vì tôi không có dịp tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, từ sau lần Hội Ngộ đầu tiên năm 2004, hai trường trung học Võ tánh-Nữ Trung Học trở thành một trong ý nghĩ của tôi. Tôi cảm thấy tự hào sự gắn bó của đồng môn và sự liên tục của các lần hội ngộ của hai trường chúng tôi. Sự gắn bó này phát xuất có lẽ từ những cặp vợ chồng mà vợ là học sinh nữ trung học Nha Trang trong khi chồng là học sinh của nam trung học Võ Tánh như anh Khánh và chị Đỗ Khánh Linh, anh Hưng và Hoàng Anh, anh Lập và Tuyết Mai, và anh Hiệp và tôi.

Một vài người khách cho rằng hai trường trung học công lập Nha Trang trước năm 1975 thu hút đa số các gia đình di cư từ bắc vào Sài Gòn trong khoảng thời gian sau năm 1954 cho nên chúng đã có một số học sinh ưu tú và thông minh đáng kể. Anh Bùi Dương Liêm thì kể rằng anh học trường Võ Tánh là do ba của anh thuyên chuyển công tác từ Sài Gòn về Nha Trang. Ngẫm lại, học sinh của hai trường chúng tôi có rất nhiều người Bắc 1954. Đa số theo gia đình từ Bắc vào thẳng Nha Trang, vài người theo gia đình từ Bắc vào Sài Gòn rồi trở ra Nha Trang. Dù họ di chuyển và dời đổi theo gia đình như thế nào, nơi dung thân luôn coi trọng họ là những người cần mẫn và thông minh. Sở dĩ tôi nói như vậy vì thời niên thiếu chúng tôi không ai cũng có thể vào học trong hai trường trường công lập VT và NTH của Nha Trang. Để được vào hai trường này, chúng tôi phải qua một kỳ thi tuyển rất nghiên túc và gắt gao; cho nên, ở Nha Trang trước năm 1975, được làm học sinh của hai trường công lập này là niềm hãnh diện không những cho bản thân bọn trẻ chúng tôi mà còn cho cả gia đình của chúng tôi nữa. Chúng tôi không những không phải trả học phí mà còn được học rất nhiều môn học mà hầu hết các trường bán công hay tư thục trong thành phố không hề có như vẽ, nấu ăn, làm hoa, may cắt và thể dục. 

            Một vài khách tham dự Hội ngộ VT-NTH cho rằng hai trường chúng tôi không phải là trường lớn hay nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975 nhưng chúng tôi biết cách tổ chức và duy trì các buổi Hội Ngộ. Tôi lấy làm ấm ức khi nghe  hai trường Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang không nổi tiếng bằng các trường khác như Gia Long, Trưng Vương, Chu Văn An, Bùi thị Xuân, Đồng Khánh, hay Quốc Học nhưng lấy làm an ủi khi nghe khen sự đoàn kết của chúng tôi. Tôi nghĩ, sự đoàn kết này không nằm ngoài sự thông minh “ngầm” của chúng tôi nữa. Tôi nhớ ngày anh Trần Việt Tân đãi chúng tôi ăn ở nhà hàng Buffet, khi chúng tôi đang bàn bạc các vai cho màn hóa trang thì anh chị Bùi Dương Liêm đến. Sau khi mời chị Liêm ngồi gần mình, tôi trêu cả hai rằng:

“Ban tổ chức hội ngộ ai cũng phải tham gia màn hóa trang. Anh chị Liêm phải chọn một người nổi tiếng để hóa trang đó nhen.”

Anh Liêm đáp:

            “Anh làm MC rồi thì làm sao hóa trang được?”

Tôi đáp ngay:

“Vậy thì tha cho anh còn chị Bé Bảy phải giữ một vai!”

Chị Liêm lắc đầu:

“Chị mắc thu hình rồi, không đóng vai gì đâu!”

 Tôi tiếp tục trêu già:

“Chị để máy tự thu đi, còn chị phải đóng vai với tụi em. Ai cũng phải đóng một vai vì tụi mình có ít tiết mục quá! Em nói rồi đó nhen! Chị phải chọn một nhân vật vừa sexy vừa nổi tiếng đó!”

Anh Liêm đáp ngay:

“Đóng Bà Triệu đi vì bà Triệu vừa nổi tiếng vừa sexy.”

Nhìn thẳng vào đôi mắt tròn ngạc nhiên của tôi, anh Bùi Dương Liêm nói tiếp:

“Chứ bà Triệu đánh tan tành giặc Ngô được phong Nhụy Kiều tướng quân mà không nổi tiếng sao?  Bà Triệu còn sexy hơn người đàn bà con gái nào trên đời là cặp vú bà dài đến ba thước. Không đúng sao?”

Tôi ngớ ra trước sự thông minh đối đáp nhậm lẹ của anh Bùi Dương Liêm nhưng lập tức phản bác ngay:

“Úy! Sao mà được! Màn hóa trang của tụi mình sẽ khai mạc dạ vũ mà nỡ lòng nào đưa bà Triệu vô.”

 “Đừng lo Cung Lan! Dạ vũ có hay loại nhảy: Nhảy chay và nhảy mặn. Mình cứ cho nhạc nhảy chay hết là yên. Cung Lan biết nhảy chay là nhảy sao không?” Nhìn tôi lắc đầu, anh Liêm đáp luôn: “ Nhảy chay là nhảy  không ôm nhau như chachacha, disco, soul đó !”
 Tôi gật đầu cười thích chí:

“Còn nhảy mặn nhiều hay mặn ít là ôm sát rạt hay nới lỏng như slow, tango, rumba hay paso hả?”

 Tôi phục anh sát đất. Đúng là học sinh của trường Võ Tánh Nha Trang.
                                                                        *
*                      *


Từ lúc tham gia vào ban tổ chức Hội Ngộ, tâm trí của tôi thường lẫn lộn những thành viên trong ban tổ chức Hội ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang 2011 với những thành viên trong nhóm Chợ Chồm Hổm. Điều này có thể giải thích được bởi vì những người trong hai nhóm này đều là đồng hương Nha Trang và là đồng môn của hai trường trung học công lập nổi tiếng của thành phố biển này.  Tuy nhiên, khi ghi những gì xảy ra cho Nhật Ký mình tôi chỉ muốn tóm lược những gì xảy ra trong ban tổ chức Hội ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang 2011 còn tỉ mỉ cho nhóm Chợ Chồm Hổm của chúng tôi ;cho dù hầu hết những hoạt động của nhóm CCH nằm trong chương trình Hội ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang 2011  từ ngày 18 tháng 8 cho đến ngày 21 tháng 8 năm 2011.

Sáng ngày thứ năm 18 tháng 8 năm 2011, Tuyết Mai chở tôi ra phi trường Dulles để đón Đức Phúc và chị Phụng, chị của 4T Thanh Tùng. Tại phi trường chúng tôi gặp Hoàng Anh đón các anh chị Võ Tánh Nữ Trung Học khác và tất cả chúng tôi tíu tít chụp hình chung. Sau một hồi trò chuyện,  Tuyết Mai nhận ra Xuân Mai bạn cũ thế là nàng mời Xuân Mai về nhà ở và ở cùng phòng với Đức Phúc cho vui. Trong khi chị Lý, chị ruột Đức Phúc, tháp tùng với nhóm của Hoàng Anh để về ở nhà bạn của chị là chị Linh Đỗ.

Xe chúng tôi gồm chỉ có năm người nhưng những câu chuyện râm rang đã làm cho Tuyết Mai quên lối ra đến độ lạc mãi đến Fairfax Virginia. Đến trạm thu lệ phí, sau khi trả tiền xong, Tuyết Mai líu quíu thế nào không biết,  nói chào biệt ông giữ trạm là “ See you again !” thay vì “ Good bye” hay “ Bye and Have a nice day” . Thế là y như rằng nàng lái thêm một vòng lạc nữa và ngừng xe ở trạm thu tiền lệ phí này thêm một lần nữa.  Khi xe chúng tôi ngừng trước trạm thu tiền, ông gác trạm ngớ người ra trố ngạc nhiên. Rồi nhận ra chúng tôi đi lạc và có lẽ không muốn thu thêm một lần trạm phí một cách vô lý nữa, ông  mở cửa, bước ra  khỏi chỗ làm việc của mình, đến cần chắn chỉ cho Tuyết Mai đường nào ra khỏi cái vòng quay trở lại và ra đến quốc lộ 645.

Khi Tuyết Mai trả tiền cho ông, chúng tôi nhắc nàng làm ơn đừng nói “ See you again.”  nữa để không phải chạy lạc thêm một lần nữa và không phải trả thêm tiền trạm phí lần thứ ba. Tuyết Mai quyết định đưa chúng tôi đến thương xá Eden để mua thức ăn trước khi về nhà. Chúng tôi dung dăng dung dẻ trong khu thương xá, hết mua các món thịt heo quay, bánh mì, lại mua thức ăn tráng miệng và mua trái cây rồi chụp hình. Thư thả dạo từ gian hàng này đến quán khác  như dạo chợ Đầm Nha Trang thởu còn trung học, chúng tôi cảm thấy rất thích thú. Đây là thời gian chúng tôi lấy phép nghĩ làm như lấy phép hè vì thế chúng tôi tận hưởng những gì chúng tôi xứng đáng được hưởng. Cho đến khi Tuyết Mai nhận phone của Thanh Tùng giục đưa chị Phụng về nhà nàng để nàng đưa chị Phụng  kịp đến họp mặt với cô Bạch Vân và Thái Hằng ;Tuyết Mai mới hối chúng tôi về mau kẻo chị Phụng lỡ hẹn.

            Đến nhà Thanh Tùng, chúng tôi còn chưa muốn từ giã chị Phụng, lục tục vào thăm căn nhà trang trí bằng gương và đồ thủy tinh  của Thanh Tùng và để chụp hình làm kỷ niệm.  Mãi đến lúc Thanh Tùng phải rời nhà, chúng tôi mới kéo nhau về đến nhà Tuyết Mai ăn bánh mì xá xíu thịt quay, và trái cây. Ăn xong, chúng tôi tán gẫu thêm hai giờ nữa, Tuyết Mai mới đưa tôi về.
                                                            *   *   *
Tối thứ năm ngày 18 tháng 8 năm 2011 tôi không dự tiền Hội Ngộ mà đến nhà Ngọc Hoa( Hoa Biển) để họp mặt với nhóm CCH. Nơi đây tôi gặp anh Niên, Tuyết Hoa, Bích Lan, Tố Nga, Tuyết Lan, anh thầy Hiền, Thùy My, anh Liêm, Phạm Bích Lan và anh Trang chồng Phạm Bích Lan. Vẫn như những ngày họp mặt trước, Ngọc Hoa biển đãi rất nhiều món ăn và trình bày các đĩa thức ăn hết sức nghệ thuật. Tối nay, thêm bàn tay khéo léo của Tố Nga, CCH chúng tôi có món mì chay  rất ngon. Món mì chay nổi tiếng của Tố Nga thường được chúng tôi đọc trại là “ mì trai”.

Tố Nga thường đãi chúng tôi, hoặc là bún bò Huế , hoặc là mì chay, hoặc có khi cả hai. Trước khi đãi chúng tôi ăn, nàng thường hỏi thích ăn món gì và  chúng tôi thường trả lời thích ăn “mì trai”. Cũng may Tố Nga quá hiền lành nên nàng chỉ cười trừ chứ không phán là “Mặt mê trai!” như lời lẩm bẩm của thành viên nữ nào đó của CCH.

Thể theo lời yêu cầu “mì trai” từ nhóm điện thư CCH, Tố Nga đã chuẩn bị các thứ cho món mì chay từ California rồi đem sang Virginia để nấu cho chúng tôi ăn. Món mì chay của Tố Nga hôm ấy ngon hơn cả lần nàng đãi chúng tôi ở nhà nàng.Chúng tôi ăn uống, trò chuyện,hát Karaoke, nghe bạn hát,xem bạn nhảy minh họa rồi tâm tình đủ thứ chuyện trên đời. Thật là một buổi tối hết sức ấm cúng và trọn vẹn. Chia tay, như mọi lần, Ngọc Hoa phân xớt, gói ghém từng bao thức ăn cho chúng tôi đem về.
                                                *
                              *                                        *

Sáng thứ Sáu  ngày  19 tháng 8 năm 2011, chúng tôi mười hai mạng gồm Bích Lan, Hồng Loan, Bạch Mai Anh, Tuyết Lan, Tuyết Mai, Tuyết Hoa, Ngọc Hoa, Xuân Mai, Đức Phúc, Tố Nga, Phạm Bích Lan, anh Trang, anh Hiệp và tôi được anh thầy Hiền đãi ăn tại quán Việt Taste. Chúng tôi order mỗi người một món đủ loại phở, mì, cơm, bún. Ăn tráng miệng xong các mợ còn rủ nhau đi uống cà phê. Lo lắng chuyện kẹt xe, những người ở Maryland như Tuyết Mai, Xuân Mai, Đức Phúc và vợ chồng tôi từ chối ra về. Ra đến bãi đậu xe, chúng tôi đang  xếp chỗ chụp hình trước khi chia tay thì các chị Nữ Trung Học ở các tiệm ăn gần đó chạy ào ào đến, tụ vào để chụp hình chung.

Hội trưởng Bích Lan mừng rỡ khi nhận ra Tường Vân. Tay bắt mặt mừng một lúc, cả hai đứng vào  hàng để chụp hình chung với chúng tôi. Không ai bảo ai, chúng tôi, người nào người nấy cũng cười tươi roi rói chuẩn bị cho những cái nhấp chuột của máy ảnh. Nhiều máy ảnh được chuyền cho người chụp và các tấm hình càng lúc càng nhiều người. Tôi cũng bon chen nhờ nạn nhân bị bắt làm phó nhòm chụp cho vài tấm. Khi kiểm tra lại máy của mình, tôi cảm thấy vui sướng làm sao! Những bộ đồ đẹp mắt của các chị em Nữ Trung Học đã làm cho những tấm ảnh kỷ niệm của tôi đầy màu sắc rực rỡ và sang trọng. Nếu lần chụp hình ở trước khu thương mại Grand Century Mall, anh thầy Hiền bị mấy ông trong quá cà phê lộ thiên gần đó quở “Không biết 'thằng nào' mà tốt số vậy!” thì lần này trước khu thương mại Eden, thầy Hiền vẫn là “Gươm lạc giữa rừng hoa”

                                                            *   *   *


Chụp hình xong, vợ chồng tôi vội vã lái xe về nhà ngay. Tin tức về những đoạn đường xa lộ bị đóng vì sửa chữa khiến chúng tôi lo lắng bị kẹt xe và trễ giờ. Đến nhà, tôi dọn dẹp qua quít là chuẩn bị mọi thứ để ra nhà hàng Harvest Moon ngay. Tinô, con trai đầu của tôi phải tháp tùng vì nó đóng vai Trần Khắc Chung trong hoạt kịch Huyền Trân. Tưởng bị kẹt xe đến trễ, nào ngờ chúng tôi đến quá sớm. Chưa có người nào có mặt nhưng tất cả phông màn trang trí được trưng bày chu đáo và lịch thiệp.Nhìn hình vẽ và chữ trang trí trên sân khấu, tôi nghĩ anh Trần Thượng Toàn thiết kế tất cả nhưng sau này tôi mới biết người thực hiện là anh Bùi Dương Liêm. Phông màn khá đẹp khiến tôi có ý nghĩ chụp vài tấm làm kỷ niệm trước khi sắp xếp những đồ dùng cần thiết cho các tiết mục của mình.

Vì có khá nhiều bàn khít vào nhau, cả trong khu vực sàn nhảy khiến tôi phải giải thích cho người quản lý nhà hàng về sự cần thiết của chỗ trình diễn. Tôi nói cho ông biết các màn múa, hoạt kịch và hóa trang cần trình diễn trong khu vực sàn nhảy, nhưng ông ta không chịu nghe. Ông lấy một bản sơ đồ của vị trí các bàn mà một người nào đó trong ban tổ chức Hội Ngộ 2011 đã đưa cho ông và nói rằng ông thực hiện đúng y như vậy. May mắn là anh Trần Mạnh Hùng đến sớm. Anh yêu cầu người quản lý nhà hàng dời hai bộ bàn ra khỏi sàn nhảy và người đàn ông này đã sai các nhân viên của ông thực hiện đúng như yêu cầu. 

Gần đến giờ khai mạc, khách khứa, thầy cô và cựu học sinh nam nữ đến nhiều hơn. Những người trong ban tổ chức, nhất là Hoàng Mơ, không những căng thẳng với chuyện tiếp tân, chuyện bày bán Đặc San và áo thun, và chuyện sắp xếp tặng phẩm của các thầy cô, mà còn cả chuyện chụp hình lưu niệm. Cũng may nhiều anh rể Nữ Trung Học và nhiều chị dâu Võ Tánh đã hết lòng góp sức cho những phần việc cần kíp.

Nhiều người không ở trong ban tổ chức như Đức Phúc của nhóm CCH chúng tôi cũng bị bắt cóc bỏ dĩa. Số là tôi nhờ Đức Phúc trông dùm chiếc giỏ đựng các vật dụng cần thiết của tôi ngay tại chỗ bán Đặc San và áo thun của trường một lát tôi sẽ trở lại nhưng tôi quên bẵng lời dặn của mình còn Đức Phúc nhất quyết ngồi giữ chiếc giỏ của tôi và chờ tôi trở lại chứ không đến ghế của mình. Khi lễ bắt đầu, những chị trong ban bán áo thun và Đặc San bỏ tất cả tại quầy kể cả tiền bán khiến Đức Phúc đang ngồi chịu trận, giữ tiền dùm luôn. Sau này, khi Đức Phúc kể cho tôi nghe chuyện giữ tiền của ban tổ chức và đã trao lại cho Phạm Ngọc Hoa, nàng đùa rằng khuôn mặt của nàng được tin cậy của khá nhiều người. Khi không mà nàng bị thiên hạ quăng cho một bao tiền mà chẳng hề hỏi nàng phải là người trong ban tổ chức không. Tôi thú vị với lối đùa của Đức Phúc nhưng không nghĩ người nào đó vô tâm đến độ quăng bao tiền cho Đức Phúc trong lúc không biết Đức Phúc là ai. Theo tôi, người ấy không cần biết Đức Phúc có phải là người trong ban tổ chức Hội Ngộ nhưng có thể chọn mặt gửi tiền vì trước đây Đức Phúc rất nổi tiếng trong trường Nữ Trung Học Nha Trang chúng tôi. Nàng là người chơi bóng bàn cừ khôi và thường thi đấu với các tay vợt cừ khôi của trường nam trung học Võ Tánh. Những người trong tuổi thanh thiếu niên của thành phố của Nha Trang trước năm 1975, không ai mà không biết Đức Phúc là cây vợt ping pong nữ nổi tiếng của thành phố.

Bước vào phần khai mạc Hội Ngộ, chúng tôi đã khá lúng túng với sự sắp xếp vị trí của anh Bùi Dương Liêm. Chúng tôi phải đứng dọc từ trên sân khấu xuống sàn nhảy như sự yêu cầu của anh chứ không phải là vị trí hàng ngang như chúng tôi từng tập khi tập hát hợp ca. Anh giải thích rằng vị trí mới hợp lý với không gian chật hẹp của sân khấu và thu hình đẹp hơn. Phút lúng túng rồi cũng qua khi các bài Quốc Ca Mỹ được Jennifer Anh Kim, con anh Mỹ và chị Thúy Anh,  cất giọng thánh thót vang lên. Chiếc áo dài vàng rực rỡ tạo cho con bé một dáng dấp sang trọng ưa nhìn. Tất cả đều dồn mắt về phía nó.

Những khuôn mặt thầy cô toát nên một vẻ tươi vui và hài lòng. Rồi chúng tôi hát quốc ca Việt Nam, hợp ca Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ và áo trắng học trò.


Bài Áo Trắng Học Trò của thầy Đặng Ngọc Ẩn đã tạo nên một không khí hết sức tươi vui và nhộn nhịp đưa cho chúng tôi trở về thời học sinh hồn nhiên của chúng tôi năm nào. Cùng với lời hát vui tươi ấy, những chiếc áo dài màu mơ nhạt có đính hoa hồng  nhạt do chị Phan Anh  vẽ mẫu và những bìa nhạc được trang trí bằng giây ru băng và cánh hoa hồng nhạt thanh mảnh do Hoàng Mơ thiết kế đã  cho bọn con gái Nữ Trung Học chúng tôi hình ảnh uyển chuyển dễ thương chẳng khác gì các nữ sinh của trường Nữ Trung Học trong 36 năm trước.



Tôi thầm cảm ơn chị Phan Anh nhất quyết giữ ý định may áo dài đồng phục nên tất cả chúng tôi, nữ sinh Nữ Trung Học và dâu Võ Tánh trong ban tổ chức Hoa Đô đã có một dáng dấp  dịu dàng và đặc biệt trong đêm Hội Ngộ tại nhà hàng Harvest Moon. Còn nhớ khi chị Phan Anh đưa mẫu áo, Tuyết Mai và tôi phản đối chiếc cổ thuyền và sự kết hợp lạ lẫm của các màu mơ nhạt, hồng nhạt và vàng cát nên chị Phan Anh phải giải thích màu mơ nhạt thích hợp với lứa tuổi chúng tôi, chiếc cổ thuyền làm cho khuôn mặt chúng tôi trẻ trung hơn, viền tay màu vàng tượng trưng cho cát biển Nha Trang và màu hồng nhạt của cánh hoa biểu tượng cho những cánh hoa đào của vùng Hoa Thịnh Đốn. Tuyết Mai và tôi không thích và không tin đó là chiếc áo dài đẹp dành cho đêm Hội Ngộ nhưng vẫn phục tùng ý kiến của đa số.



Cho đến ngày mặc chiếc áo dài này với vòng cổ và vòng tay xà cừ do Ngọc Hoa biển đem từ Việt Nam sang, tôi nhận thấy là không có hình ảnh nào dễ thương và dịu dàng hơn thế. Sở dĩ tôi không thích màu khác vì tôi luôn tơ tưởng đến màu trắng của trường Nữ Trung Học của chúng tôi năm nào. Ngày thu hình để quảng cáo cho Hội Ngộ, tôi đề nghị các anh Võ Tánh mặc áo trắng, quần xanh và các chị Nữ Trung Học mặc áo dài trắng. Trước khi đi thu hình, chúng tôi nghịch ngợm đóng kịch đang ở trong thời niên thiếu xa xưa rồi vòi vĩnh hai nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp  Linh Đỗ, Phan Anh và  nhiếp ảnh viên nghiệp dư Bùi Hiển chụp cho; không ngờ, những tấm hình này đã làm cho nhiều bạn đồng môn trong diễn đàn Võ Tánh Nữ Trung Học không ngớt suýt xoa khen ngợi. Lúc đó, anh Trần Việt Tân, chủ nhiệm báo Đời Nay, đã hào phóng quảng cáo miễn phí cho trường về tin tức của Hội Ngộ VT-NTH 2011 trên tờ báo của anh đồng thời in hình thời áo trắng đóng kịch của chúng tôi vào poster để quảng cáo ở tiệm ăn trong khu thương xá Eden. Người nào đó, có lẽ thích tấm hình quảng cáo của chúng tôi quá, mượn tạm đem về làm kỷ niệm cho nên tôi, người mà anh Trần Việt Tân hứa sẽ cho tấm poster ấy sau khi tàn Hội Ngộ, phải chưng hửng.

 Dù mặc màu trắng hay mơ nhạt, chúng tôi đã tạo cho người nhìn một cảm giác thích thú vì sự đồng phục.Vài người khách thắc mắc không hiểu sao chúng tôi xài sang quá. Có lẽ họ nghĩ là chúng tôi có sự đài thọ chu đáo từ nguồn nào đó. Thực sự, mọi người không hề biết là mọi chi phí đều là tiền chúng tôi tự bỏ ra để làm đẹp cho mình và cho trường của mình. Hoàng Mơ là người rộng rãi nhất trong Ban Tổ Chức chúng tôi. Hoàng Mơ không những tự chi tiền lo nấu nướng bún bò, bún riêu, nem nướng cho hơn hai chục người của ban tổ chức VT-NTH 2011 trong các buổi họp mà còn bỏ tiền và bỏ công may sắm các trang phục cho màn hóa trang của phần văn nghệ.

Sau phần chào cờ, tuần tự là phần giới thiệu các anh chị đồng môn đến từ các bang ngoài các bang ngoài vùng Hoa Thịnh Đốn bởi anh MC Võ Tánh Bùi Dương Liêm. Phần giới thiệu các anh chị trong ban tổ chức Hội Ngộ VT-NTH năm 2011 bởi hai MC Nữ Trung Học Linh Đỗ và Tuyết Lan. Phần phát biểu của trưởng ban tổ chức Hội Ngộ đại diện trường Võ Tánh bởi anh Trần Mạnh Hùng. Lời phát biểu của thầy Nguyễn Khoa Phước đại diện trường Võ Tánh. Lời phát biểu của cô Bùi Ngoạn Lạc, cô hiệu trưởng khả ái của trường Nữ TrungHọc. Lời phát biểu của trưởng ban tổ chức Hội Ngộ 2011, đại diện học sinh trường Nữ Trung Học bởi chị Lê Hoàng Anh. Lời cảm tạ thầy cô của anh Trần Việt Tân đại diện học sinh trường Võ Tánh và lời cảm tạ của chị Phan Anh đại diện học sinh Nữ Trung Học.

Sau các bài hợp ca của ban tổ chức là phần trao quà lưu niệm cho các thầy cô.Tôi có cùng ý nghĩ với Tuyết Mai là không thích cổ thuyền của áo dài, nhưng khi nhìn lại tấm hình chúng tôi mặc áo dài đồng phục chụp chung với các thầy cô sau khi trao quà lưu niệm cho các thầy cô thì tôi cảm thấy thích thú lắm. Một hàng áo dài lụa màu mơ nhạt với những cánh hoa xinh xinh màu hồng tạo cho chúng tôi một dáng dấp dịu dàng dưới chân các thầy cô. Chúng tôi như đàn bướm trắng quỳ dưới chân những người đã dìu dắt chúng tôi trong thời niên thiếu. Chẳng hình ảnh nào đẹp hơn thế. Mai đây, khi có dịp khoe tấm hình này với người thân, tôi sẽ tự hào nói rằng đây là những thiếu nữ năm mươi. Những thiếu nữ năm mươi vẫn còn tươi tắn trẻ trung và vẫn còn làm đẹp cho đời vì những thiếu nữ này biết cách dụng câu “Người đẹp vì lụa” 


 Phần văn nghệ của chúng tôi bắt đầu là bài Tháng Tám Hoa Đô do anh Trần Mạnh Hùng trình bày và cũng do anh sáng tác từ bài thơ của anh Trần Việt Tân. Tiếp đến là Liên khúc Như Giấc Mơ Qua do nhóm ngũ ca Phan Anh, Tuyết Lan, Thanh Tùng, Phan Công Chương và Trần Mạnh Hùng thực hiện. Các anh chị của Liên Khúc này trang sức như một nhóm Hippy của thập niên 60. Ngầu nhất là nữ trung học Trần Thị Thanh Tùng đệm đàn Tây Ban Cầm chẳng kém gì nam trung học Trần Mạnh Hùng và Phan Công Chương. Chỉ tiếc là âm thanh của trống và đàn khá cao nên át hết giọng ca của ban ngũ ca này. Bài hát của họ vẫn thu hút khán giả nhưng không hay bằng lúc tập đợt. Tiếp đến là đơn ca Hoa Tím Ngày Xưa của chị Thanh Hải do các chị Tố Nga, Kiều Thúy và Kim Yến múa minh họa. Song ca Bài Ca Hạnh Ngộ bởi Nữ Trung Học Bích Hồng, ca sĩ đến từ Việt Nam và anh Trần Mạnh Hùng.Đơn ca Nha Trang của Minh Kỳ do Tuyết Lan trình bày. Song Ca Thoi Tơ bởi anhVõ Tánh Nguyễn Tiến Việt và vợ là chị Minh Hòa.Đơn ca Những Ngày Xưa Thân Ái bởi anh Nguyễn Minh Niên , Hoạt Cảnh Huyền Trân do Jennifer nguyễn Anh Kim, Phạm Thanh Tùng, Nguyễn Viết Toàn , Jason Nguyễn Anh Quân, Chị Phan Anh, Lê Hoàng Anh, Tuyết Mai, và tôi. Đơn ca  Mộng Ban Đầu của Hoàng Trọng bởi chị Mai Ngọc Hoa. Song Ca Thương Nhau Ngày Mưa và Và Tôi Cũng Yêu Em bởi anh Mỹ và Phan Công Chương. Song ca Sound of Silence và Greenfield bởi anh Trần Mạnh Hùng và anh Nguyễn Mạnh Hùng tặng anh Đỗ Quý Yến, thường âm thầm đến dự các buổi Hội ngộ VT-NTH Nha Trang để nhớ người vợ đã mất của mình , một cựu nữ trung học Nha Trang.Vũ Khúc Ân Tình trình bày bởi các chị niên trưởng Kim Yến(NTH 1970), Tố Anh (NTH 1974), chị Kiều Túy( 1975)và chị Thanh Hải (NTH 1971). Vũ khúc này được tập qua điện thoại và điện thư vì bốn chị ở bốn góc Đông, Tây, Nam và Bắc của nước Mỹ. Chị Kiều Túy ở Seatle, chị Tố Anh ở Florida, chị Thanh Hải ở Nam California và Kim Yến ở Maine (1970). Chị Kim Yến cho biết những chiếc áo dài của bài múa này đều do Út Ngọc Trâm CCH, con gái của cô hiệu trưởng Bùi Ngoạn Lạc design.











Màn hóa trang các nhân vật nổi tiếng gồm tổng thống Obama bởi anh Nguyễn Văn Tốt, tổng thống Clinton bởi Phan Công Chương, Monica Lewinsky bởi Thanh Tùng, Hillary Clinton bởi Đỗ Khánh Linh, Sophia Lauren bởi Phạm Ngọc Hoa (Hoa Biển), ca sĩ Ấn Độ Shreya Ghoshal của Phạm Ngô Tuyết Lan, Cô gái Nhật Nagasaki của chị Phan Anh. Sao điện ảnh của Campuchia Dy Saveth bởi Cung Thị Lan, hai vũ công của Hawaii ông Murray và cô Burrent bởi anh Phạm Hữu Lành và Dương Hưng. Sau phần hóa trang là dạ vũ. Chị Kalăng mở đầu dạ vũ bằng bài hát Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa. Chế Hồng Loan hát bài Hoa Soan Trên Thềm Cũ.

           Khi nhẩm lại những tiết mục văn nghệ của đêm hội ngộ, tôi không ngờ chúng tôi có quá nhiều tiết mục trình diễn. Tất cả là mười lăm tiết mục chưa kể các bài đơn ca của các chị Nữ Trung Học và các bài đơn ca khác của các ca sĩ chuyên nghiệp trong phần dạ vũ.Chương trình văn nghệ của chúng tôi không những phong phú mà còn đặc biệt đến độ thu hút rất nhiều khách dự chụp hình và thu hình.
Trong thời gian hoạt cảnh Huyền Trân trình diễn, anh Phùng Văn Nguyên phải yêu cầu những người chụp hình và thu hình ngồi xuống để khách ngồi phía sau có thể xem.








Các màn múa của các chị Nữ Trung Học ở các bang xa rất đặc sắc vì được đạo diễn bởi chị Nữ Trung Học Kim Yến, một người múa chuyên nghiệp, từng trình diễn trong các cuộc thi với các vũ công chuyên nghiệp nước ngoài. Màn hóa trang của ban tổ chức chúng tôi đã làm khán giả thích thú vỗ tay tán thưởng không ngừng. Tội nghiệp cho Phan Công Chương tính gỡ mặt nạ tổng thống Clinton ra khi anh Bùi Dương Liêm giới thiệu vai đóng của từng người, phải để nguyên vì anh Bùi Dương Liêm giới thiệu anh Hiển, người tập thế cho Chương trong thời gian tổng dợt. Lúc đó tôi tưởng anh Hiển thế vai cho Chương luôn nên ghi tên anh trong tờ giới thiệu và anh Bùi Dương Liêm  cứ thế mà đọc và Chương gây cho khán giả ngạc nhiên không hiểu vì sao anh ta đưa tay định gỡ mặt nạ ra để trình diện khán giả khuôn mặt thật của mình như anh Tốt, đã ngưng một cách đột ngột và giữ nguyên chiếc mặt nạ che mặt.

            Không phải chỉ có sự nhầm lẫn tên của Phạm Công Chương mà còn có khá nhiều tên thầy, cô và nhạc sĩ bài hát bị đọc nhầm bởi những người giới thiệu. Sự sai sót có lẽ vì lỗi của người đánh máy hoặc vì mắt kém của người đọc. Dù sao, chúng tôi đã có một đêm hội ngộ rất vui vẻ và hào hứng. Để tránh sự gián đoạn của chương trình văn nghệ, chúng tôi cố gắng chạy theo với thời gian. Anh Trần Mạnh Hùng ôm đồm quá nhiều tiết mục đã phải giữ nguyên bộ đồ hippy của tiết mục Liên Khúc hát với ca sĩ Bích Hồng trong tà dài tha thướt. Máu “chỉ huy của bọn Nữ Trung Học chúng tôi” nổi lên và chúng tôi đề nghị anh Bùi Dương Liêm giới thiệu ngắn gọn các tiết mục. May mắn cho chúng tôi là anh đã nghe theo. Có lẽ anh cũng thấy sự cấp thiết của thời gian của chương trình văn nghệ đang có nguy cơ phải cắt bớt tiết mục. Rốt cuộc, chúng tôi chạy kịp với thời gian và hoàn thành đầy đủ chương trình đã đặt ra; tuy nhiên, những người trong ban tổ chức, nhất là những người trong ban văn nghệ, không hề có thì giờ để ăn.

            Ngay sau khi chương trình văn nghệ vừa chấm dứt, tôi đã thu vội tất cả các vật dụng của mình rồi bước ra khỏi phòng thay quần áo. Tôi nói với chồng của tôi rằng tôi muốn về nhà ngay để tìm thức ăn gì đó cho chiếc bao tử đang trống rỗng chứ không thể chờ đến lúc bế mạc. Nói xong, tôi xách chiếc giỏ đầy áo quần bước ra khỏi nhà hàng. Ngang qua chỗ bán Đặc San và áo thun Hội Ngộ, tôi nói với Hoàng Mơ tôi phải về sớm vì tôi quá đói. Hoàng Mơ rủ tôi ở lại kiếm thức ăn cùng các anh chị em khác trong Ban Tổ Chức vì nhiều người cũng chưa ăn gì cả. Tôi lắc đầu từ chối và giải thích rằng bao tử của tôi đã khá cồn cào, tôi sắp xỉu đến nơi và không thể chờ lâu hơn nữa. Hoàng Mơ gật đầu thông cảm và hẹn gặp tôi ngày mai tại Picnic. Tôi đã phải trở lại nhà hàng, tìm Đức Phúc để lấy chiếc giỏ nhờ nàng giữ dùm.Tôi nói Đức Phúc rằng tôi phải về với cùng lý do mà tôi đã phân trần với Hoàng Mơ. Đức Phúc bảo tôi ngồi xuống để nàng tìm thức ăn, rồi nàng đến cái bàn cạnh đó lấy hai hộp thức ăn thừa của ai đó định đem về, cho tôi. Nhận hai hộp thức ăn, tôi mừng như bắt được vàng, tay bốc, miệng nhai ngấu nghiến, ăn không kịp thở. Tuyết Lan mò đến, than đói và dự phần cùng tôi. Hai đứa đang ăn, nhạc khiêu vũ dồn dập náo động nên vội vã dẹp phần ăn thừa rồi rủ nhau ra sàn nhảy. Trước khi rời bàn, tôi còn nắm tay kéo Đức Phúc đi theo. Đức Phúc lưỡng lự vì bộ đồ Jeans và áo cánh đang mặc nhưng tôi nhất kéo nàng đến sàn nhảy mới thôi. Thế là chúng tôi đã cùng nhau nhảy chay cho đến khi chương trình khiêu vũ bế mạc. Tôi về nhà đến 1 giờ đêm.

Sáng thứ Bảy ngày 20 tháng 8 năm 2011

            Tôi đã bắt đầu bằng một buổi sáng không thú vị khi mà Rosi, đứa con trai thứ hai của tôi đưa một bộ mặt không vui vẻ ngang qua lại trước mặt tôi. Số là nó đã có hẹn đi chơi biển với đám bạn của nó nhưng chồng tôi nhất định bắt nó đi chung với gia đình để dự picnic VT-NTH. Tôi không thích con tôi lỗi hẹn với bạn; hơn nữa, nó đã mười chín tuổi, chuyện đi chơi riêng với những người bạn đàng hoàng của nó là lý do chính đáng; nhưng tôi không hề phản đối quyết định của chồng tôi và không hỏi vì sao anh muốn như vậy. Rossi không hề dám cãi lại ý của bố nên líu ríu theo anh và em của nó leo lên xe nhưng khuôn mặt của nó càng lúc càng trông nặng như sắp rớt. Thái độ bất mãn của nó đã làm cho bầu không khí trong xe của chúng tôi ngột ngạt vô cùng. Để phá tan sự ngột ngạt ấy, tôi gọi Tuyết Mai xem thử  nàng đã đưa mấy nàng CCH và NTH tá túc trong nhà nàng  rời nhà chưa.Giọng nói vui vẻ của Tuyết Mai bên kia đầu giây báo cho tôi biết nàng đang chở chị Tuyết Ba, Hồng Loan, Đức Phúc và Xuân Mai hướng về phía xa lộ.Tôi cũng lấy giọng vui vẻ báo nàng biết là xe chúng tôi đang ở trên xa lộ rồi hẹn gặp nhau sau.

           Khoảng mười lăm phút trên xa lộ, xe chúng tôi trở nên rù rì vì đoàn xe trước mặt đang chậm chạp nối đuôi nhau. Sốt ruột, tôi gọi anh Trần Mạnh Hùng báo là chúng tôi có khả năng đến trễ vì kẹt xe trên xa lộ. Anh Trần Mạnh Hùng trả lời tôi rằng anh cũng bị kẹt trên xa lộ và không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi gọi Tuyết Mai và biết rằng xe của nàng cũng bị kẹt như vậy. Tôi thầm lo chuyện trễ giờ nhưng hy vọng mọi người nhất là khách từ các bang xa đến đều bị tình trạng chung để không ai trách móc Ban Tổ Chức của chúng tôi. Xe chúng tôi đã mất ba mươi phút mới thoát khỏi tình trạng rù rờ của đoạn đường xa lộ từ exit 27 đến 30. Có lẽ một vụ tai nạn xe vừa mới được giải quyết xong hay vì một lý do nào khác mà tôi không thể nào đoán ra.

            Khi chúng tôi đến nơi, vài người trong ban tổ chức và các anh các chị Võ Tánh Nữ Trung Học đã có mặt. Mọi người đang phụ khiêng thức ăn vào cái nhà mát, nơi có những chiếc bàn gỗ dài có cặp băng ghế dính liền được sắp xếp ngay ngắn và ngăn nắp. Vợ chồng tôi nhờ mấy đứa con khiêng thùng đựng đá về phía nhà mát rồi bảo chúng phụ giúp những việc cần xung quanh. Nói xong, vợ chồng tôi mỗi người một ngã. Trong khi chồng tôi phụ các anh Võ Tánh treo băng rôn, tôi phụ các chị trong ban ẩm thực dọn thức ăn trên những chiếc bàn dài. Những chiếc bàn này được  xếp nối liền nhau thành ba hàng dài và được phủ bằng khăn bàn nhựa trắng. Màu trắng tinh của chúng đã tạo nên vẻ sang trọng của một buổi picnic. Sự sắp xếp chu đáo này từ công lao của những anh chị cư ngụ gần Burke Lake như vợ chồng Dương Hưng, Hoàng Anh, Hoàng Mơ, Thùy My (từ California bay sang) chị Phan Anh và chị Linh Đỗ. Khi phụ dọn các khay thức ăn trên bàn, tôi nghe họ thố lộ rằng họ đã thức từ bốn giờ sáng để luộc bún và nấu các món khác. Tôi còn biết thêm là nhóm Nữ Trung Học 1977, những người tá túc trong nhà Hoàng Oanh đã giúp Hoàng Oanh rất nhiều trong chuện nấu nướng. Cả Thanh Tùng, cùng là Nữ Trung Học năm 1977, cũng đến ngủ ở nhà Hoàng Oanh sau đêm Hội Ngộ tại nhà hàng Harvest Moon để góp thêm tay vào.Mặc dù đã nghe loáng thoáng chuyện bàn tính mua sắm thức ăn của ban ẩm thực trong lần họp cuối nhưng không đã không thể hình dung được số lượng thức ăn nhiều quá mức tưởng tượng như vậy. Tôi chưa từng thấy cuộc picnic nào có hàng chục khay bún luộc, hàng chục khay bánh hỏi, hàng chục khay xôi, hàng chục khay bánh ít bánh nậm, hàng trăm ổ bánh mì, hàng chục xấp bánh tráng, hàng chục hũ nước mắm, hai ba nồi chè, hai ba khay trái cây, hai ba khay bánh ngọt bày la liệt như vậy. Tôi đoán thầy cô, khách dự và các đồng môn đến từ các bang xa cũng đang sửng sốt với số lượng thức ăn trên bàn và càng kinh ngạc hơn khi thấy ban ẩm thực khiêng một con heo quay lớn vào nhà mát. Trong lúc mọi người dọn chỗ để đặt khay heo quay, ban ẩm thực gọi giúp đem dưa hấu vào. Trước ngày hội ngộ tôi nghe diễn đàn ban tổ chức Võ tánh-Nữ trung Học giễu với nhau chuyện mua 40 trái dưa hấu và anh Niên sẽ là người phụ trách phần ôm, bợ, chuyển tải. Lúc đó tôi tưởng 4 zero chỉ là con số ảo cho những lời nói bông đùa, ai dè đến lúc đó tôi mới biết đó là sự thật. Tôi muốn gặp anh Niên để ghẹo về chuyện dưa hấu nhưng không thấy anh. Bốn chục trái dưa hấu đang được thầy Hiền, Bích Lan, Tuyết Lan và Bạch Mai Anh chuyển vào nhà mát theo kiểu làm việc dây chuyền.

Ba dãy bàn dài trong căn nhà mát picnic của chúng tôi, không ai bảo ai, tự dưng chia thành ba nơi rõ ràng. Dãy bàn dài gần bìa rừng cây phía trái trở thành nơi mà thầy cô và các vị niên trưởng VT-NTH ngồi  tâm tình. Dãy bàn giữa là nơi bày những khay thức ăn đã chuẩn bị xong. Dãy bàn ngoài cùng phía phải thành nơi chuẩn bị thức ăn. Đầu của dãy bàn này là nơi để dĩa, chén, đũa, muỗng, nĩa và đũa. Kế đó là nơi đặt các nồi chè. Tiếp đến là nơi cắt dưa hấu. Tiếp đến nữa là nơi chặt thịt quay. Cuối cùng là nơi làm gỏi cuốn mặn và gỏi cuốn chay. Thùy My và Hoàng Mơ trao cho chúng tôi những chiếc găng tay, thau đựng nước, bánh tráng, bún, tôm thịt rau dưa leo để làm gỏi cuốn rồi nói chúng tôi phân thành hai nhóm làm gỏi cuốn chay và gỏi cuốn mặn. Lúc này Tuyết Mai đã đến với chị Tuyết Ba, Chế Hồng Loan, Đức Phúc và Xuân Mai. Nhóm CCH chúng tôi kẻ người làm gỏi cuốn chay, người làm gỏi cuốn mặn cùng với các chị em Nữ Trung Học khác. Tay làm miệng nói ồn ào hơn chợ Đầm Nha Trang. Khi làm được cuốn to, cuốn nhỏ, cuốn dài, cuốn ngắn cũng có chuyện để cười nói. Khu vực picnic của chúng tôi càng ngày đông. Không khí thật là vui tươi và nhộn nhịp.

Mặc dù bận rộn tíu tít với nhóm CCH và ban tổ chức VT-NTH 2011, tôi vẫn có cơ hội thăm hỏi và chụp hình chung với các anh chị đồng môn ở các tiểu bang xa và thường trao đổi điện thư với tôi trong diễn đàn Võ tánh Nữ Trung Học trước ngày hội ngộ như anh Nguyễn Đình Sài, anh Phạm Khắc Long, chị Diệu Nga, chị Vũ Thị Kim Yến, và chị nguyễn Thị Bạch Tuyết.Tại picnic, tôi đã biết thêm tài của các anh chị đồng môn như tài cắt dưa hấu của chị Bạch Tuyết, tài chặt thịt quay của chị Lý (chị của Đức Phúc) và tài hoạt náo của chị Kim Yến. Tôi còn được quen thêm vài chị NữTrung Học khác như Thu Liên, Bích Đào, Thu Uyên, Phương Lan, Túy và đặc biệt nhất là chị Mai Ngọc Hoa. Tôi đã hỏi chị  Mai Ngọc Hoa khi chị đi ngang chỗ tôi đang ngồi ăn rằng:

            “Chị ơi chị, chị có phải là vợ của anh Nguyễn Đình Sài không vậy?” 

Chị dừng bước, lắc đầu trả lời:

“ Không em. Vợ anh Nguyễn Đình Sài không có dự Hội Ngộ.”

Tôi nhìn thẳng vào mắt chị, hỏi tiếp với giọng lo lắng:

“Chị không phải là vợ của anh Nguyễn Đình Sài, sao chị có cuốn sách Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm của em ?”

“Ủa ? Té ra em là Cung Thị Lan đó hả ? Chị là em gái của anh Nguyễn Đình Sài chứ không phải vợ ảnh. Tại chị thấy ảnh cầm cuốn sách có tựa đề hay hay nên chị mượn ảnh đọc. Chị sẽ trả lại ảnh ngay thôi.”

Tôi gật đầu,bẻn lẻn:

“ Thì ra chị chỉ mượn đọc. Chứ em tưởng là em tặng ảnh rồi ảnh không cần, cho người khác thì buồn lắm.”

Chị lắc đầu ngầy nguậy :

“Úy không có chuyện đó đâu em. Chị chỉ mượn đọc chút xíu là trả lại ảnh ngay. Chị đang tìm ảnh để trả lại đó.”

 Tôi gật đầu ưng thuận khi chị chào từ giã. Cười thầm là chị quá hiền mà mình quá gan. Ai đời dám hỏi đường đột với một người chưa hề quen biết như vậy!

Tôi đã đi hai, ba vòng để lấy thức ăn vì có quá nhiều món  ngon. Ăn xong món mặn, tôi tìm món chay để thử. Anh Bùi Dương Liêm khèo tôi, nói:

“Cung Lan! Cung Lan! Không biết ai trong Ban Tổ Chức phân công Thanh Tùng coi gian hàng chay, thấy kỳ ghê !”

Tôi chau mày ngạc nhiên:

“Kỳ sao anh?”

            “Người của Thanh Tùng thì mặn mà mà để ở gian hàng hàng chay.Coi sao được !”

Liếc mắt về phía 4T, cô em Nữ Trung Học 1977 tươi mướt, đang múc xôi vò cho khách ăn chay, tôi cười tủm tỉm, quay lại  nói với anh:

 “Thanh Tùng mà nghe như vầy là anh Liêm chết chắc !”

Ăn uống xong, tất cả cựu nữ sinh Nữ Trung Học và cựu nam sinh Võ Tánh lũ lượt tìm bạn theo niên khóa của mình để  chụp hình nơi bìa rừng cây. Bích Lan nói tôi vào nhà mát tìm tất cả các bạn học năm 1975 để chụp hình chung. Nhà mát chỉ còn lèo tèo vài người nhưng Mỹ Thanh, Hoàng Mơ và Thùy My vẫn còn bận rộn trong dãy bàn chuẩn bị thức ăn. Tôi nói Thùy My ra chụp hình với nhóm 1975 nhưng Thùy My nói là nàng còn phải cuốn gỏi cuốn. Tôi ngạc nhiên:

“Mọi người đã ăn xong hết rồi mà Thùy My còn làm làm chi ?”

 Thùy My lắc đầu:

            “Ăn hết đâu mà ăn hết Cung Lan. Hoàng Mơ chưa ăn gì cả.”

            Tôi nhìn Hoàng Mơ đang ăn, ngạc nhiên hơn:

            “Ủa? Hoàng Mơ chưa ăn sao? Tất cả mọi người đều ăn nãy giờ Cung Lan đâu biết.”

Nói xong, tôi ngồi xuống phụ làm gỏi cuốn với Thùy My. Làm được một lúc, Thùy My nói tôi đừng làm nữa khi thấy mọi người đang gói thức ăn đem về. Nàng thu dẹp mọi thứ và nói tôi nên lấy về các món mà tôi thích. Tôi lấy bún và ít gỏi xong, đến Thanh Tùng xin một ít xôi vò. Các món ăn trong picnic hôm nay đều ngon và món xôi vò là ngon nhất. Kể từ lúc tôi xa Việt Nam đến nay, tôi chưa từng thưởng thức món xôi vò ngon tuyệt như thế.

Khi tôi trở lại bìa rừng cây, nhóm VT-NTH 1975 đã chụp hình xong. Thầy Hiền cùng nhóm CCH và các anh chị VT-NTH khác đang đùa giỡn chuyện gì mà tôi không rõ. Cô Bùi Ngoạn Lạc đang dùng microphone cảm ơn ban tổ chức và hẹn gặp tất cả học sinh hai trường Hội Ngộ năm tới. Cô nói xong, rất nhiều người chuẩn bị ra về.  Buồn tình, tôi đi đến quầy giải khát lấy nước. Quầy giải khát gồm những thùng giữ lạnh đựng nước suối và các loại giải khát khác. Các thùng này được đặt tại gốc cây, cạnh bàn bán Đặc San và áo thun. Lấy nước xong, tôi lơ đễnh nhìn các nhóm cựu nam sinh Võ Tánh đang tụ tập nói cười và những người đang quảng cáo Đặc San và áo thun hạ giá.  Bất chợt tôi để mắt đến chồng bao nhựa lớn khổ dưới bàn bán Đặc San và hỏi người đứng cạnh:

“Ngọc Hoa! Ai chuẩn bị mấy bao này vậy Ngọc Hoa?”

“Ngọc Hoa chớ còn ai nữa.”

“Ngọc Hoa chuẩn bị mấy bao này cho trò chơi nhảy bao bố phải không?”

“Ừ nhưng giờ tất cả các  trò chơi đều hủy bỏ rồi.”

“Ủa?Sao lạ vậy?”

“Vì không ai đăng ký chơi cả! Trò chơi cờ tướng, kéo co, nhảy bao bố gì cũng bỏ hết. Bây giờ ai cũng lo về đâu còn người tham gia!”

 “Trời đất!Chuẩn bị mấy cái bao lớn như vầy đâu có dễ mà giờ lại bỏ đi. Mà mình đã lên kế hoạch có trò chơi trong picnic, giờ bỏ thì uổng quá! Picnic nào hai trường mình cũng có trò chơi, nay đến tụi mình tổ chức mà không có, máy thu hình không có mục này thì quê chết!”

“Chớ không có ai tham gia làm sao tổ chức chơi.”

 “Để Cung Lan ghi tên  rồi Ngọc Hoa đi rủ mấy anh chị khác tham gia. Mà phần thưởng được gì vậy?”

 “Một trăm đô.”

  “Vậy Ngọc Hoa đi loan báo người thắng giải trò chơi được một trăm đô đi để có nhiều người tham gia.”

 “Ừ để Ngọc Hoa lấy giấy viết rồi đi mời mọi người.”

Ngọc Hoa vừa rảo bước tôi lấy một cái bao đem đến khu vực các cấp lớp cùng niên khóa vừa chụp hình rồi tròng  nó vào đôi chân mình. Tuyết Mai, Đức Phúc đang đứng lơ ngơ trên hiên nhà mát, lấy làm lạ đến hỏi. Tôi nói là trò chơi nhảy bao bố đang cần người tham gia và giải thưởng sẽ là một trăm đô cho người thắng cuộc.







Hai người nghe xong, thích chí, đến bàn bán Đặc San lấy bao nhựa cho trò chơi bao bố rồi đến mức xuất phát tròng vào. Chúng tôi ba đứa đứng trên hàng thẳng, kêu gọi mọi người tham gia thêm để đủ năm người. Minh, con trai Ngọc Hoa, ôm hết cả chồng bao đến ven hiên nhà mát, kêu gọi mọi người tham gia cho đủ năm người của một cuộc thi. Chồng tôi đáp lờI kêu gọi, lấy một chiếc bao tròng vào tròng vào đến mức xuất phát nhưng bị bọn tôi phản đối không cho thi chung. Tôi réo Ngọc Hoa ra tham gia cùng nhưng Ngọc Hoa không nghe, đành khởi động tại chỗ trong khi chờ đợi. Tuyết Mai cũng khởi động bằng những cái nhún tưng tưng trong lúc hát ca om sòm:
            “Một trăm em ơi chiều nay hai tờ năm chục!”

Bộ dạng của nàng làm mọi người đang chờ xem thi đấu phải ôm bụng cười. Tất cả cười to hơn khi thấy bộ dạng khởi động của Đức Phúc. Nàng này nhảy tới bằng những bước dậm nặng nề và từng đợt một như một con ếch bự đang tập thể dục.

Bất chợt, Minh, con Ngọc Hoa đem chồng bao đến để ở vỉa hè của nhà mát, nơi gần điểm xuất phát , rồi lấy một chiếc bao tròng vào chân. Hoàng Anh và anh Tốt mỗi người cũng lấy một cái tròng vào chân. Ngọc Hoa đến nơi, phán là mỗi cuộc đua chỉ có  bốn người. Nàng bằng lòng để Hoàng Mơ, người vừa quyết định tham gia, dự cuộc đua đầu tiên với ba đứa chúng tôi. Sau đó, cuộc đua thứ hai sẽ dành cho anh Hiệp, anh Tốt, Minh và Hoàng Anh.

Dặn dò xong, Ngọc Hoa bảo chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng trước khi nàng thổi còi. Tôi đã cố gắng hết sức nhảy  nhanh khi nghe tiếng còi vang lên. Nàng Hoàng Mơ hay than chóng mặt vì bệnh gì đó, vậy mà vượt hết cả ba người trong nhóm bốn thi đầu tiên,  tiến về phía trước.Nàng Tuyết Mai thường than đau chân nhức đầu gối cũng vượt xa tôi cả tấc. Và nàng vận động viên ping pong Đức Phúc cũng bỏ tôi đàng sau rốt. Đến một phần ba đoạn đường, Hoàng Mơ bị té  và Tuyết Mai vượt nhanh hơn  trong khi tôi và Đức Phúc nhảy song đôi đàng sau. Tuyết Mai được công nhận thắng cuộc đua đầu tiên và Ngọc Hoa cho thi ngay dợt thứ nhì.

Hoàng Anh đã điềm tĩnh tham gia cuộc đua thứ hai với một thanh niên cường tráng Minh và hai cựu nam sinh Võ Tánh Hiệp và Tốt. Anh Tốt đã lăn quay ngay ở nửa đoạn đường từ mực xuất phát đến mức quay lại và anh Hiệp lăn nhào ngay điểm đến. Hoàng Oanh nhảy phía sau Minh cho nên Minh là người thắng cuộc đua thứ hai. Ngọc Hoa và ban giám khảo bất đắc dĩ( gồm những người đứng xem, đa số là CCH) phán là những người té bị loại và những người về nhất và nhì của hai cuộc đua sẽ được tham gia vào cuộc đua chung kết.

Tôi không hiểu sao, mọi người đề cử Hoàng Mơ và tôi. Thế là tôi tham gia với Minh, Tuyết Mai, Hoàng Mơ trong  cuộc thi này. Lúc này, tôi đã mệt hết sức nhưng cũng cố gắng làm găng, hù mọi người bằng câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine:

“Đừng chê con rùa nhen bà con. Lần này con rùa thắng đó.”

Tội nghiệp cho con rùa bị tôi đưa ví von không đúng chỗ. Trong cuộc đua chung kết nhảy bao nhựa thay cho bao bố, tôi chỉ nhảy đến mức quay lại thì  ba người cùng thi với tôi đã đến tới mức về rồi. Hoàng Mơ nhảy sau Tuyết Mai trong khi Tuyết Mai bị ngã nơi mức đến nên Minh là người thắng cuộc.











Sau trò chơi này tôi quá mệt nên vội đến lớp học Phong Thủy của thầy Quảng Đức(tức anh Bé) để vừa nghỉ , vừa nghe giảng bài. Thầy Quảng Đức đang giải thích những hướng lợi cho các căn nhà ở các hướng khác nhau. Thầy giảng tỉ mỉ với hình minh họa trên bảng, nhưng tôi chỉ hiểu lờ mờ vì đến trễ. Ngồi trong lớp Phong Thủy được khoảng mười phút, tôi rời lớp học để theo những tiếng reo hò inh ỏi từ phía các cuộc thi đua.

Lúc này hai đội Võ Tánh và Nữ Trung Học vừa mới thi kéo co xong. Ngọc Hoa nói to:
“Giờ Võ Tánh muốn thi lại thì thi nhưng mà Võ Tánh có hai người cũng được mà Nữ Trung Học có mười người cũng được! Tại mấy ổng học lớp Phong Thủy không chịu ra thì ráng chịu.”

Tôi hỏi Ngọc Hoa sự thể và Ngọc Hoa cho biết mấy ông bên Võ Tánh đã thua nữ sinh Nữ Trung Học một biền do số lượng người tham gia không đồng đều. Nói xong, nàng nói tôi phụ nàng làm trọng tài bằng cách cầm một khúc cây khô để làm mức giữa của hai phe khi nàng thổi còi bắt đầu. Chị Thanh Hải tình nguyện vào phe Võ Tánh vì chị nói đã từng học với Võ Tánh . Thùy My tranh cãi một lúc nhưng bằng lòng cho chị giúp họ. Cuối cùng, Võ Tánh có  được tất cả bốn người là chị Thanh Hải, anh Hiệp, anh Lành, và anh Dương Hưng.  Dương Hưng đoán bị thua nên giơ tay cầu viện anh Niên. Anh Niên hăm hở đáp lời thỉnh cầu của Dương Hưng bằng một cái phóng thật nhanh về phe Võ Tánh. Với phong cách của một người cứu khổ cứu nạn, anh  nắm chặt đuôi dây  của phe mình, ghì xuống rồi kéo lấy kéo để ra phía sau lưng. Anh càng ra sức kéo ra sau bao nhiêu  thì càng bị lôi ngược về phía trước bấy nhiêu. Rồi một cái kéo mãnh liệt  và chớp nhoáng đã lôi xềnh xệch anh về trước khiến anh phải rớt thân hình 70 pounds lên người trên người anh Hiệp.
Phe Nữ Trung Học gồm chín người( Thanh Tùng, Thùy My, Hoàng Mơ, Tuyết Lan, Bạch Mai Anh, Hoàng Anh, Tố Nga và chị  Thanh Hải) nhảy cỡn lên reo mừng chiến thắng. Tôi cũng quăng cây giữ mức giới hạn, nhập cùng với họ nhảy tưng tưng reo mừng inh ỏi.Cảnh chồng té, vợ reo mừng khiến ai cũng tức cười. Anh thầy Hiền vừa cười vừa quở “Cung Lan mừng chiến thắng trên xác chồng !”

Té đau nhưng Võ Tánh nhất định không chịu thua, yêu cầu Ngọc Hoa cho thi đợt thứ ba. Trong lúc Đức Phúc tính ra tay làm anh hùng cứu rỗi cho phe họ thì tôi lùa nàng về phe Nữ Trung Học của mình. Chế Hồng Loan đang đứng xem, có lẽ sợ Nữ Trung Học thua nên làu bàu : “Võ Tánh thua thì chịu thua đi ! Tại sao không chịu ?”

Để tỏ ra công bình và đáp lại nguyện vọng của phe Võ Tánh, Ngọc Hoa quyết định cho thi lần ba. Lần này phe Nữ Trung học có đến mười người vì có thêm Đức Phúc. Võ Tánh vẫn chỉ năm người nhưng họ biết cách đứng và giữ thế kéo dây nên đã làm  phe Nữ Trung Học  lúng túng, hơi bị chao đảo. Sợ phe mình bị thua, tôi quẳng cây giữ giới hạn, bám vào phần dây của phe Nữ Trung Học và phụ kéo với các bạn gái của mình. Cuối cùng phe Nữ Trung Học thắng vẻ vang như hai lần trước.  Phe Nữ Trung Học reo hò inh ỏi trong phe Võ Tánh cười trừ.  Mọi người bàn tán nhặng xị về chiến thắng không ngang sức. Cả phe thắng, phe bại và những người đứng xem đều vui tươi hớn hở.

 Trong không khí vui tươi ấy, Tuyết Mai vui vẻ đề nghị:
 
“Bây giờ tất cả đứng vào vòng tròn đi,mình chơi trò nói nối vòng. Trò chơi này dễ lắm! Người thứ đầu nói câu gì đó, người thứ hai bắt đầu bằng chữ cuối của người nói đầu, rồi người thứ ba tiếp tục câu gì đó bằng chữ cuối của người thứ hai vừa nói.”

Tuyết Mai dứt lời, mọi người tán thành ngay, cầm tay nhau, đứng thành vòng tròn như nàng mong muốn.

Thùy My hỏi:

“Thí dụ đâu?”

 Đức Phúc đáp thay cho Tuyết Mai:

“Thí dụ như nói là tôi đi chợ thì người kế nói là ...”

Tuyết Lan đáp:

“Chợ đông người”

Đức Phúc gật đầu:

“Rồi người tiếp nữa bắp theo đó nói là người gì đó.”

Tuyết Mai xác nhận:

“Ừ,cứ lấy chữ cuối của người nói trước nói tiếp tục như vậy...Người nào bị tịt thì người đó bị ê.”

Đức Phúc hỏi:

“Nói câu gì không cần biết cũng được phải không ?”

“Ừ câu gì cũng được. Ví dụ như Tùng nói em yêu anh, người kế tiếp nói anh làm gì đó, rồi đó đi đâu....” Tuyết Mai vừa nói xong, đi theo anh Dương Hưng ra đến chỗ đậu xe.

Tuyết Lan giục mọi người trong vòng tròn:
“Rồi ! Giờ tất cả hiểu rồi! Mình bắt đầu đi !”

Thùy My, có lẽ còn say men chiến thắng từ cuộc thi kéo co, hào hứng nói với Tuyết Lan:

“Mình cố gắng thắng đi nhen!”

            Bạch Mai Anh từ xa đi lại hỏi dồn dập:

“Chuyện gì ? Chuyện gì ?”

Tôi giải thích:

“Mình chơi trò chơi nối vòng. Ví dụ Cung Lan nói 'Em yêu anh, thì người kế tiếp nói anh đi chợ, rồi chợ có cá, rồi cá có cơm...miễn là mình lấy chữ cuối của câu nói trước để nói tiếp tục cho câu khác lấy được.”

Bạch Mai Anh tỏ vẻ đồng ý. Nàng nắm tay đứng cạnh tôi ngay. Vòng tròn chúng tôi lúc này có Bạch Mai Anh, Đức Phúc, Thùy My, Chế Hồng Loan, Bích Lan, Tố Nga, Hoàng Mơ, Ngọc Hoa, Tuyết Lan, Thanh Tùng và tôi. Thùy My vẫy tay, vui vẻ gọi  chồng tôi:

“Anh Hiệp vào chơi không ?”

 Chồng tôi líu ríu bước vào đứng giữa Thùy My và Chế Hồng Loan . Chế Hồng Loan nhìn anh vừa cười vừa nói với Thùy My:

“Mày thiệt! Đây toàn đàn bà con gái không. ..Sao lại có gươm lạc giữa rừng hoa !”

            Tôi phản đối:

 “Ê mày !Cho chồng tao nổi tiếng chút chớ!”

Anh Hiệp, có lẽ không thấy ổn trong cảnh đơn thương độc mã, nên lặng lẽ bước ra khỏi vòng tròn.

Ngọc Hoa hỏi:

“Xong chưa? Bắt đầu được chưa?”

            Thùy My hỏi:

            “Xong rồi mà làm sao biết ai thắng?”

Mọi người đồng thanh:

            “Ai bí là thua.”

Ngọc Hoa nói:

          “OK hồi này mình có chai Remy Martin thắng kéo co rồi phải không? Mình muốn tháo ra uống hay để dành?”

Chế Hồng Loan nói:

 “Ngày mai khui nhậu liền tại chỗ. Không say không về”

Thanh Tùng lo lắng hỏi:

            “Trò chơi này muốn nói mấy chữ cũng được phải không?”

 Mấy chữ cũng được! Hai, ba, bốn gì gì cũng được.” Ngọc Hoa đáp xong đưa còi lên hỏi: “Giờ bắt đầu chưa? Mình thử thôi!”

            Cả bọn đáp: “Ừ, Bắt đầu đi!”

Tiếng còi của Ngọc Hoa vừa dứt tôi nói ngay:

“Em yêu anh.”

Bạch Mai Anh lính quính nói tiếp:

“Anh đi chợ.”

 Thùy My la lên:
 “Sai rồi! Em yêu anh mà sao em đi chợ?”

“Anh đi chợ mà?”

Mọi người chỉ vào Thanh Tùng nhắc:

“Rồi!Anh đi chợ  rồi kìa!”

Thanh Tùng vội vã nói:

“Chợ đông người.”

Tuyết Lan ôm bụng ngồi xuống cười ngặt nghẽo khi thấy Thanh Tùng quay mặt về phía mình trong lúc mọi người đứng gần đều trỏ tay về phía nàng, nhắc:

“Rồi, chợ đông người kìa!”

Tuyết Lan vẫn không ngớt cười khiến Thùy My la lên:

“Ê! Đừng có xạo nhen! Đừng làm bộ cười để không nói nhen!”

 Tuyết Lan nín cười ngay, đứng lên hỏi:

 “Chợ đông người phải không ? Chợ vui quá!”

Mặc cho nàng cao giọng chữ quá ra sao, cả bọn la to hơn nàng:

“Sai rồi! Phải là chữ người chớ!Chữ cuối là chữ người mà! Phạt đi!”

 Tuyết Mai từ xa đi lại, len vào giữa Hoàng Mơ và Tố Nga, nói với giọng trọng tài lẫn người tổ chức trò chơi:

“Giờ Tuyết Lan tự nhéo tai quỳ xuống đi !”

Tôi nói :

            “Mình chỉ làm nháp thôi mà ! Tha đi ! Mình làm lại !”

            Cả bọn đồng thanh :

            “Ừ lại đi ! Lại đi!”

Tôi giao hẹn :

 “Lần này mình nói liên tục , liền tiếp theo ngay, không được ngừng. Ai ngừng, bị phạt nhen.”

Tuyết Mai nhắc:

            “Nhớ lấy chữ cuối câu người nói trước mình để nói theo nhen!”

Ngọc Hoa thổi còi, tôi nói ngay:

            “Thầy Hiền đi.”

 Bạch Mai Anh đáp nhanh:

“Đi đâu?”

Thanh Tùng hỏi:

            “Nói hai ba chữ phải không?”

Tuyết Mai la lên:

            “Ngừng rồi, Nói mấy chữ không cần biết, ngừng là bị, ngồi xuống.”

Bích Lan, Chế Hồng Loan và Tố nga can thiệp: “ Thôi lại đi! “ “ Tha cho nó đi!Làm lại!” “Ừ đúng rồi, chưa biết rõ hai hay ba chữ trong câu mà ! Làm lại !”

            “Ừ lại thì lại.” Tôi nói: “Nhớ là mình nói tiếp tục chữ cuối của người nói trước mình. Câu mình nói có bao nhiêu chữ cũng được nhen. Ví dụ như...”

“Rồi rồi, hiểu rồi, giờ mình bắt đầu đi!” Cả bọn nôn nóng.

            Ngọc Hoa thổi còi, tôi nói nhanh:

            “Hội Ngộ Võ Tánh.”

 Bạch Mai Anh nói theo cũng nhanh không kém: “ Nữ Trung Học .”

Nói xong nàng vỗ tay, cười ngặt nghẽo vì nhận ra mình đã nói sai. Mọi người cũng cười nghiêng ngã vì hiểu ra nguyên nhân Bạch Mai Anh bị sai.Chữ Hội Ngộ Võ Tánh và Nữ Trung Học luôn luôn gắn liền nhau. Khi tôi nói Hội Ngộ Võ Tánh rồi ngưng ngang thì thể nào người nói kế tiếp cũng sẽ nói Nữ Trung Học một cách vô thức.Bạch Mai Anh gục đầu vào vai tôi cười đến chảy nước mắt, nước mũi. Nàng biết nàng đã rơi vào cái bẫy của tôi. Mọi người phản đối:

            “Giờ không cho con Cung Lan nói trước nữa! Con này nói khó quá đi!”

“Ừ!Giờ cho Tuyết Mai  nói trước đi!”

“Con Tuyết Mai nói thì tao phải đi xa, đến đây mới được !”Hồng Loan nói trong lúc chen vào đứng giữa tôi và Bạch Mai Anh.

Quả như lời đoán của Hồng Loan, không biết Tuyết Mai nói câu gì và Tố Nga đã đáp lại câu gì mà Tố Nga bị phạt ngồi xuống.

“Tuyết Mai  nhảy vào phía trong của vòng tròn lướt qua mặt Tố Nga, rồi dậm chân trước mặt Bích Lan nói nhanh:

“Đi về đâu hỡi em ?”

 Bích Lan lính quính đáp:

“Em về đâu?”

Thùy My lắp bắp tiếp:

            “Em đi về miền cát trắng.”

Tôi nhảy lên, la to:

            “Sai rồi! Phải nói tiếp chớ sao trả lời! Ngồi xuống đi!”

Đức Phúc bắt đầu:

            “Em bị kẹt.”

“Kẹt ở trong cầu.” Tôi đáp nhanh

“Cầu tiêu ở đâu?” Chế Hồng Loan

Bạch Mai Anh nói: “Đâu là đâu?”

Tuyết Lan lập lại: “Đâu là đâu?”

Tuyết Mai la lên:

 “Lặp lại !Không được ! Sai rồi !Ngồi xuống !”

“Giờ Cung Lan bắt đầu lại đi !”

Tôi nói :

“Em thương anh.”

Chế Hồng Loan nhìn mặt Bạch Mai Anh :

“Anh Hiền ơi!”

 “Không biết!”Bạch Mai Anh lính quính lắc đầu làm ai nấy cười nghiêng ngã.

 Thùy My nhắc:

 “Ê,Tuyết Lan tiếp kìa!”

Tuyết Lan la to:

 “Ơi ! Tuyết Lan đây !”

Ngọc Hoa nói :

 “Đây là đâu ?”

Hoàng Mơ đáp :

“Đâu là Hiền.”

Tuyết Mai nhảy về phía anh thầy Hiền, người đang quay phim, vung tay ra vẻ giới thiệu :

“Hiền ở bên này”

Tố Nga nói :

“Hiền ở đâu.”

“Sai rồi !” Tuyết Mai nói.

 Tố Nga hỏi :

“Sao sai?”

“Này mới là chữ cuối chớ đâu phải chữ Hiền.”

Nghe mọi người giải thích xong, Tố Nga nói:

 “Này là ở đâu?”
 “Ủa?” Bích Lan ngớ ngẫn tỏ vẻ không hiểu là đến phiên mình.

Ngọc Hoa đáp thế:

 “Đâu là ở trên trời.”

Bích Lan lập lại được chữ đâu rồi nhìn mặt Thùy My phì cười làm Thùy My quính quáng nói:

“Chết tổ tui rồi!”

Trong khi cả vòng tròn cười nghiêng ngả và Thùy My than:

“Té đái trong quần!”

 Thầy Hiền nhắc:

 “Trời ơi là trời!”

Hồng Loan không tha Bích Lan:

 “Hồi nãy con Bích Lan nói trễ rồi ngồi xuống.”

Thế là Thùy My Bắt đầu:

 “Đây là Thùy My!”

Đức Phúc nói:

“My gì?”

“Gì gì gì ở đâu?”Tôi lật đật nói với giọng cà lăm

Chế hồng Loan nói tiếp:

“Đâu là đây?”

Bạch Mai Anh:

“Đây đó,”

 Tuyết Lan chỉ vào người của Ngọc Hoa :

 “Đó là hoa”

Ngọc Hoa nói :

“Hoa là hoa hồng.”

Hoàng Mơ chỉ về phía thầy Hiền:

 “Hồng của Hiền.”

Tuyết Mai ra vẻ tìm kiếm:

 “Hiền ở đâu ?”

 Ngọc Hoa cảnh cáo : “ Chuẩn bị đâu lại đó bà con !”

“Sao cứ nói chữ đâu hoài vậy ?” Tố Nga than xong , bị bắt quỳ vì chậm trễ.

 Tuyết Mai ung dung nói :

 “Nói lại chữ  cũ cũng được.Miễn sao người ta nói tiếp chữ cuối của người vừa nói là được chứ bộ !”

Tôi nói :

“ Giờ chỗ đó hai người ngồi rồi, Thùy My bắt đầu đi.”

“ Bắt đầu sao?” Thùy My hỏi.

Cả bọn nhắc loạn xạ:

“Anh Liêm ơi!” “Anh Liêm đâu rồi!”, “Anh Liêm ơi cứu bồ !Nói Đại đi !”

 “ Nguy Hiểm nguy hiểm! Chế Hồng Loan than vì sắp đến phiên của nàng trong  khi Tuyết Lan hối Thùy My:

“Liêm đâu rồi?”

Thùy My nhắc lại y chang như thế.

Đức Phúc nói tiếp thật nhanh:

“Rồi là gì?”

Tôi tiếp:

“Gì  cái gì vậy ?”

Hồng Loan nói ngay:

“Vậy là sao?”

Bạch Mai Anh nhanh không kém:

“Sao trên trời.”

Tuyết Lan phản ứng không thua gì, lại còn pha chút hề trong giọng điệu :

“Trời hôm nay đẹp quá!”

“Quá xá quà xa!” Ngọc Hoa nói xong bị phạt ngồi xuống vì nói chậm và  Hoàng Mơ bắt đầu:

“Quá xá đau tiểu.”

 “Tiểu bên kia.” Tuyết Mai đáp

“Đến phiên Tố Nga kìa.”

Tôi phản đối:

“Bên đó hai người ngồi rồi! Tố Nga và Bích Lan đều bị phạt thì phải đến Thùy My chớ?”

Tuyết Mai đáp:

“Phạt ngồi chút thôi ,giờ nói tiếp được.”

Tôi tiếp tục cãi :

 “Nói như Tuyết Mai vậy thì làm sao biết ai thắng ?”

“Chơi này cho vui thôi, không cần thua thắng gì cả.”

 Tôi im lặng không đáp trả. Tuyết Mai quả là có lý.  Những trò chơi chỉ cốt làm vui chứ chẳng phải thắng thua gì. Ngay cả chiến thắng ăn gian của người phụ trọng tài quẳng cây giữ giới hạn để phụ phe mình cũng chỉ để làm vui cho người xem. Tôi chắc rằng những anh chị đang đứng xem chúng tôi chơi trò nói nối vòng cũng có một phen cười hả hê. Thầy Hiền thì tủm tỉm chọc chúng tôi rằng khi chúng tôi bí thì cứ lấy tên thầy ra mà nói tiếp. Tôi cười thầm vì tuổi năm mươi của mình vẫn còn chơi đùa và tranh cãi như con nít và chắc chắn thầy cô ở tuổi lục, thất, bát tuần cũng thấy trẻ lại khi nhìn chúng tôi vẫn còn nghịch ngợm như thưở nào. Anh Nguyên, cựu trưởng Hướng Đạo của vùng Hoa Thịnh Đốn và là khách mua vé ủng hộ dùm cho tôi, duy nhất dự picnic hôm nay. Anh cho tôi biết là chưa bao giờ anh thấy một picnic của trường nào vui như thế. Ngoài ra anh còn khen ban tổ chức đã sắp xếp chu đáo các  món ăn, nước uống. Tôi biết anh còn muốn nói một điều mà chưa tiện nói đó là học sinh trường Nữ Trung Học của chúng tôi có những khuôn mặt rất ưa nhìn. Sở dĩ tôi biết điều này vì chồng tôi tiết lộ cho tôi biết anh đã tìm gặp chị Tuyết Ba, một Nữ Trung Học độc thân duyên dáng và thành viên trung thành của Chợ Chồm Hổm.

Chúng tôi rời Burke Lake vào khoảng 4 giờ chiều. Trên đường về, ba đứa con tôi không hề bàn bạc gì về buổi picnic của trường trung học xưa của bố mẹ nhưng cũng không hề  biểu hiện sự bất bình nào.Chắc chắn là chúng đã quan sát tất cả những sinh hoạt của bố mẹ  chúng và bạn bè của họ trong ngày hôm nay.


                                                     *
Anh Hiệp không thích tham dự các buổi dạ vụ nên anh đưa tôi sang nhà Tuyết Mai để tôi quá giang đến nhà anh Trần Mạnh Hùng và chị Diệu Phương chiều hôm nay. Chúng tôi gồm có anh Lập, Tuyết Mai, Chế Hồng Loan, chị Tuyết Ba, Đức Phúc,Xuân Mai và tôi đã có một buổi  tối khá vui vẻ  và thú vị. Dạ vũ có ban nhạc sống của cây nhà lá vườn cộng thêm những danh ca nổi tiếng của hai trường VT-NTH đã tạo nên một không khí rất đặc biệt.

















Nhóm CCH chúng tôi có Chế Hồng Loan và thầy Hiền hát đơn ca. Nghe nhạc, nhảy vài ba điệu, chụp vài ba chục tấm hình, chúng tôi kéo nhau ra sân sau nhà đùa giỡn  một lúc rồi bàn tính cách chuồn ra khỏi nhà. Sở dĩ chúng tôi phải làm như thế vì khi chúng tôi nói từ giã chị Diệu Phương, chị than là mọi người sẽ kéo nhau về hết khi thấy nhóm CCH chúng tôi đi ra khỏi nhà. Để khỏi phá đêm dạ vũ của VT-NTH do anh Trần Mạnh Hùng và chị Diệu Phương tổ chức như chị Diệu Phương khuyến cáo, chúng tôi đã đạp trên bãi cỏ rộng và đẹp của chị ở lối sau để đi ra đường thay vì đường đường chính chính dùng cửa trước.Ra đến chỗ đậu xe, bọn con gái CCH chúng tôi năn nỉ thầy  Hiền ở lại thêm một ngày  nữa để dự buổi họp mặt CCH tại nhà tôi ngày mai nhưng thầy Hiền nhất quyết về lại Canada vào sáng sớm để kịp đến nơi.Tôi lấy làm tiếc vì không được thầy đến nhà nhưng thông cảm tình trạng lái xe một mình trên đường dài đằng đẵng của thầy. Thế là, chúng tôi chào từ giã thầy theo kiểu bịn rịn như từ giã người đi xa không bao giờ gặp lại.Thầy Hiền cũng quá rành tính phá phách của chúng tôi nhưng cũng chấp nhận cử chỉ thân mật khá kỳ quái này.



Sáng Chủ Nhật ngày 21 tháng 8 năm 2011

Tôi dậy lúc năm giờ sáng để nấu ăn. Như thường lệ, vợ chồng chúng tôi nấu món bún riêu nấu bằng nước me và  chả giò. Ngoài ra còn có thêm món thịt nướng, bánh hỏi, xôi dừa, xôi bắp, chè thập cẩm, gỏi sứa và gỏi hến. Hoàn tất các món ăn đúng chín giờ rưỡi, tôi vội gọi Tuyết Mai mượn ghế. Hôm nay chúng tôi có rất nhiều bạn bè đến  như anh Lập, Tuyết Mai, Chế Hồng Loan, chị Tuyết Ba, Đức Phúc, thầy Hiền,  Bích Lan, anh Trang, Phạm Bích Lan, Bạch Mai Anh, anh Liêm, Thùy My, Tố Nga,  Ngọc Hoa, anh Niên, Tuyết Hoa, anh Nguyễn Hướng Đạo và vợ chồng anh Nguyễn Chí Lô.

Đúng mười hai giờ, căn nhà tôi trở nên nhộn nhịp vì những tiếng nói, tiếng cười vui vẻ của bạn bè của CCH, của VT-NTH Nha Trang, của nữ trung họcThánh Tâm, và của Hướng Đạo vùng Hoa Thịnh Đốn. Tay bắt mặt mừng một lúc, chúng tôi vây quanh anh Nguyễn để ký tên vào áo thun VT-NTH 2011 của anh.

Do anh là khách trung thành, không bỏ sót một buổi tiệc nào của Hội Ngộ VT-NTH lại chụp nhiều hình cho chúng tôi nên anh được chiếu cố đặc biệt như thế. Sau khi tra tấn anh bằng những chữ ký trên áo trước và sau, chúng tôi tản mác ngồi từng nhóm ở phòng khách lẫn trong phòng ăn. Có quá nhiều thức ăn lại thêm các thức ăn khác của bạn bè, hai bàn ăn của chúng tôi đầy ắp các  món mặn, ngọt, chua cay...







Ăn xong, nhóm trong phòng ăn vây quanh Đức Phúc nghe nàng diễn tả chuyện nàng bị cảnh sát bắt thử hơi rượu ngay sau đêm Hội Ngộ. Đức Phúc  nói nguyên nhân mà nàng bị cảnh sát chặn là nàng đã change lane không đúng phép do phải đuổi theo xe của Tuyết Mai để biết đường về. Khi ông cảnh sát đến nơi, nghi ngờ nàng đã uống say trong khi lái vì mùi rượu nồng nặc bốc ra từ cánh cửa mở của xe. Mặc cho anh Lập hết lòng đính chính rằng chính anh là người uống bia nên nhờ Đức Phúc chở dùm nhưng ông cảnh sát nhất định không nghe và không tin. Ông bắt Đức Phúc ra khỏi xe để kiểm tra hơi thở và cân bằng thân thể. Sau một hồi kiểm tra, ông cảnh sát không hề  tìm được chứng cớ rằng Đức Phúc say trong khi lái nhưng ông vẫn tặng cho Đức Phúc một phiếu phạt với ba con số không nhỏ.Kết thúc của câu chuyện chẳng có hậu chút nào nhưng cách diễn tả của Đức Phúc khi kể chuyện đã làm chúng tôi ôm bụng cười quá chừng.

Nhóm ngoài phòng khách cũng đang nói cười về chuyện gì đó và cũng cười to chẳng kém. Sau khi hai bên ngưng cười, Ngọc Hoa đề nghị tất cả cùng ra ngồi ở phòng khách để cùng trò chuyện cho thân mật. Chúng tôi lục tục đem ghế ra ngoài, đặt sát cạnh tường, tạo thành vòng tròn trong căn phòng nho nhỏ. Trong khi mọi người yên vị, nhỏ Chế Hồng Loan nói tôi lấy chiếc ly để nó rót rượu mừng. Tôi tưởng Hồng Loan rót rượu mừng họp mặt nên với đại một chiếc cốc nhỏ, đưa nó:
“Ê mày ! Nhà tao nghèo có một cái ly hà ! Mình uống chung đi mỗi người một ngụm ! Ai ho lao bị lây ráng chịu! Lâu lâu bị ho lao một chút không sao đâu!”

Hồng Loan trợn mắt:

 “Nhà có một đống ly kia mà nói có một cái! Làm biếng vừa vừa đó!Tao cần hai cái để tác hợp cho đôi ễnh ương!”

 “A thì ra rượu mừng đám cưới anh Nguyễn với chị Tuyết Ba chớ không phải rượu cho tụi mình hả? Vậy thì có ngay!Đây nè!”

          “Thôi được rồi, không cần nữa! Để tao lấy thêm ly của tao! Đây là hai ly rượu dành cho đôi nam thanh nữ tú!”

            “Hai người cần một ly chớ cần chi hai ly!” Tuyết Mai bàn ra.

 “Chia đôi đi! Chia đôi đi!”

“Chưa! Còn mấy ông kia chưa có.”

 “Rồi! Có hết chưa?”

“Chúng ta ở giờ phút quan trọng!” Nhỏ Hồng Loan loan báo xong ngâm nga nhạc đám cưới như tất cả đang đứng trong nhà thờ. “Tờn tơn tơn tơn Tờn tớn tờn tơn! Tờn tơn tơn tớn Tơn tơn tờn tơn tớn tơn...”

Mấy anh nam cổ vũ:

 “Vô đi ! Giờ hai người kéo tay nhau ! Ý quên nắm tay nhau đi chớ!”

 Anh Chí Lô:

“Ừ Kéo tay đi chớ chưa kéo chân được! “

 “Thôi kệ. Mới đầu cặp này còn hơi e thẹn một chút cũng được !” Chế Hồng loan nói rồi ngâm thơ: “Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy ! Ngàn năm dễ có mấy ai quên !”

 Bích Lan nói:

 “Nãy giờ Bích Lan quên mất. Đây là quà của Kim Lệ tặng cho Chợ Chồm Hổm tụi mình. Vì Kim Lệ tặng Chợ Chồm Hổm cho nên Bích Lan xin phép chỉ có những người trong Chợ Chồm Hổm mới có số bốc thăm!”

 “Trời ! Chỗ đây nhiều người mà nó cho quà Victoria Secret!”

Trong khi Bích Lan bận rộn đếm người và xin giấy viết để ghi số bốc thăm, Chế Hồng Loan nói với Bích Lan rằng:  “Cho tao số mười rưỡi được rồi!”,  rồi quay sang anh Nguyễn nó nói tiếp:

             “Anh Nguyễn anh biết sao không. Năm ngoái tụi này ăn cưới cặp vợ chồng này nè ! Tụi này bay  lên San José ăn cưới anh Liêm và Thùy My.”

Anh Nguyễn cười:

 “Năm này thì khác, có một đám cưới riêng không ai biết!”

 “Anh bậy bạ quá! Nhiều người như thế này sao làm đám cưới riêng.Muốn riêng thì chọn ngày khác.”

            “Có mấy người này, talk only chớ chẳng làm được gì hết!” Anh Nguyễn đáp.

             “Anh biết đó là thủ tục đầu tiên!” Hồng Loan vui vẻ trả lời.

             “Năm nay nếu có đám cưới, thì đây là bà mai!” Chỉ vào Hồng Loan, Thùy My nói một cách nhỏ nhẹ, rồi chỉ Bích Lan nàng nói tiếp một cách chậm chạp:  “ Còn năm ngoái cặp em làm đám cưới là nhờ bà mai kia !”

Tôi trợn mắt không tin sự thật vì nhớ ba cái ngu của nàng hội trưởng thường tuyên bố là sẽ không bao giờ dính dự. A há ! Hội trưởng Chợ Chồm Hổm nói một nơi mà làm một  nẻo! Cũng may là cặp vợ chồng anh Liêm và Thùy My là một cặp hạnh phúc và dễ thương cho nên chắc chắn là bà mai Bích Lan thông minh chứ không bị vướng vào một trong bốn cái ngu “ làm mai, lãnh nợ, gác cu cầm chầu” rồi!

Tuyết Lan vẫn gõ nhịp trên nắp soong cổ vũ lời nói chí lý của từng người trong lúc Thùy My gật gù :

 “Hồi trước ảnh Liêm nín dữ lắm! Sau đám cưới, ảnh nói nhiều hơn !”

            Tôi nhìn về phía anh Liêm nơi mọi người đang dồn mắt về trong khi nghe Chế Hồng Loan nói:

 “Năm ngoái  cũng không thấy ảnh đẹp trai, năm nay thấy ảnh đẹp trai hơn ! Mặt phương phi hồng hào! Đã đẹp trai lại còn nói nhiều và nói hay nữa chớ!”

Anh Liêm vừa nói, vừa cười :

 “Đúng là vợ bác sĩ ! Biết cách khám bịnh! Nói đâu đúng đó!”

 Thùy My cười, tiếp lời:

 “Má ảnh nói sao hồi đó nó ít nói mà từ ngày nó ưng con nó nói gì mà nói dữ vậy không biết!Chớ hồi trước, nó không có nói.”

            Chế Hồng Loan:

             “Cái này là nhờ chợ mình khai hoang diễn dã!”

 “Bây giờ ảnh tới chỗ mấy ông bạn ảnh cũng vậy.Ổng nói một hồi lỡ lời sao mà bị mấy ông bạn ổng bắt phạt rượu!”

            “Phạt quỳ chớ phạt rượu làm gì!”

Bích Lan thở dài:

            “Từ 1975 đến giờ mà có một cặp ít quá! Thôi giờ mình làm thêm một cặp nữa đi!”

  “Cái này làm như là chỉ tiêu phấn đấụ! Một năm phải có một cặp!”

  “Giờ mình sắp có một cặp nữa rồi!Đừng lo !” Hồng Loan nói.

Không khí tự dưng im lặng.

 “Ủa sao không có ai chụp hình vậy? Chưa có ai chụp hình hết! Chụp hình đi!” Hồng Loan nói.

 “Thôi giờ ai có chuyện vui gì kể đi!” Anh Chí Lô nói.

 “Mấy chuyện vui của Hồng Loan hồi trước xưa rồi! Mà già rồi không biết còn nhớ được hết để kể chuyện vui không?” Hồng Loan từ chối.

Anh Chí Lô tình nguyện kể đầu tiên. Anh kể chuyện con muỗi đực kiện thượng đế về sự không công bằng của giống đực và cái nhưng cuối cùng không muốn làm muỗi cái chỉ vì sợ mất những điều nó đang có và chẳng thà chết sướng hơn là không có chuyện nó đang được có.

Trong khi mọi người cười ồ, Bích Lan đứng vào giữa vòng nói:

 “Trong này có 12 số. Nếu ai nhận được chữ Congratulations thì người đó được món quà của Kim Lệ.”

Cả đám đàn bà nhao nhao:

“Đừng mở nhen! Để chờ nhận các số hết rồi mở ra một lần.”

Bích Lan nói:

“One, two Three! Rồi, mở ra đi!”

“Mở thì mở!”

Bạch Mai Anh:

 “Đây! Có chữ Congratulations đây nè!”

Chế Hồng Loan vui vẻ như vừa nghe tin mình được thưởng, chỉ vào Bạch Mai Anh giới thiệu với mọi người:

“Đây là một thành viên độc thân của Chợ Chồm Hổm! Xin lưu tâm đến!”
Rồi nói với Bạch Mai Anh:

“Mày được quà là đỏ bạc đen tình. Tao yêu cầu mày phải thử sau khi mở quà ra để có cả quà lẫn tình.”

Bạch Mai Anh run rẩy mở chiếc hộp nằm trong chiếc giỏ có chữ Victoria Secret xinh xắn. Rồi nàng thở dài thoát nạn, giơ cao cái thẻ quà mua hàng của Victoria Secret lên trình làng.

 Hồng Loan nói với giọng đầy thất vọng:

“Hồng Loan đang mong là cái gì thuộc Victoria Secret chớ !At least là một cái thong, ai dè chỉ là cái gift card! Ê, Bích Lan! Kỳ này về Cali, tao hỏi tội con Kim Lệ cho coi!”

Anh Liêm cười “Tưởng là Single string hả!”

Ha ha ha...
“Giờ không có đồ Victoria secret thì mượn đồ của Cung Lan đi!” Một giọng nói ma mãnh của một mợ nào đó vang lên.

Tôi hoảng hồn đáp :

 “Cung Lan không biết là Cung Lan có đồ nào của Victoria Secret không nữa! Mà thực muốn đồ Victoria Secret cho Bạch Mai Anh không? Cung Lan đem xuống cho.”

Chế Hồng Loan nói:

“Thôi khỏi! Làm nó run cũng tội !Mình mà trúng congratulations của Victoria Secret như nhân vật Bạch Mai Anh  mình  cũng run.”

“Sao run?” Tôi vặn.

            “Thì hồi giờ mình chỉ biểu diễn trước một người giờ phải trình diễn trước nhiều người!”Chế Hồng Loan “Với lại, bảo đảm với tụi mày tuổi tụi mình mà biểu diễn đồ victoria Secret là mọi người té xỉu hết. Một là xỉu hai là nổ đom đóm!”

Vài ba mợ chêm thêm:

“Không phải ! Sẽ bị chó cắn chết!”

“Tai nạn xe cộ xảy ra !”

“Tối gặp nightmare!”

Hồng Loan lắc đầu:

“Không dám đâu ! Có một người rất xinh đẹp ở đây và biểu diễn tụi mình sẽ mê mẫn... đó là chị...”

“Tuyết Ba!” Chúng tôi đồng thanh đáp.

Tuyết Mai nói:

 “Thôi giờ mình cũng kể một chuyện vui nhen. Một chuyện vui có thật có Đức Phúc làm chứng nữa!”

Đức Phúc cau mày hỏi: “Gì?” làm ai nấy cười ồ.

Tuyết Mai không quan tâm đến sự ngạc nhiên của Đức Phúc, tiếp tục:

“Từ hồi giờ tụi mình ai muốn mặc đồ gì thì đi mua đúng không?Cung Lan bữa đó mình rủ Cung Lan đi hồ bơi,tự dưng Cung Lan nói anh Hiệp mua đồ tắm cho mình. Cái mình hỏi ủa sao anh Hiệp lại mua đồ tắm cho Cung Lan? Cung Lan nói  hồi giờ đồ của Cung Lan toàn anh Hiệp mua không hà. Đến khi ra hồ tắm thấy Cung Lan mặc đồ tắm mình với Đức Phúc hỏi 'Cung Lan ủa  cái gì đây?' Đó là một cái lỗ tròn rất rộng ở giữa ngực . Khi Cung Lan bận xong, mình mới nói may hồn là cái lỗ tròn đó hở phía trên chớ không phải ở phía dưới.”

 “Rồi sao nữa?”

 “Xong rồi vô hồ tắm mà Cung Lan còn ráng đem máy hình vô theo.”

 “Ha ha ha...Cái con ưa chụp hình mà! Rồi sao nữa ?”

“Ba bà tắm xong vào sauna hong người cho ấm thì bất ngờ có một bà mở cửa bước vô( Ha ha ha) Bà này không bận áo quần gì hết. Nói tóm lại là bả ở truồng. Ba bà trố mắt nhìn bả như thấy hiện tượng lạ. Cung Lan cũng ngẵng đời nói 'Chị, chị, chị, chị lấy máy ảnh này chụp dùm tụi em đi!'“

Ha ha ha...
“ Đâu có Cung Lan đâu có nói tiếng Việt với bả!Bà đó người Tàu mà!”  Tôi cãi.

“ Ừ thì Cung Lan chỉ nói Please please please mà bà này hình như không hiểu tiếng Mỹ gì mấy nên Cung Lan vừa nói please vừa ra dấu chụp hình dùm.Tội cho bả là hai tay của bả đang bụm thế này nhưng cũng phải lịch sự nhận cái máy hình của Cung Lan để chụp hình dùm cho ba đứa tụi mình. Đến khi bả dùng cả hai tay để chụp thì ba bà mình đồng nhìn xuống phía dưới của bà  chứ không nhìn máy hình gì hết!”

“Ha ha ha...” nhiều tiếng cười kèm với những tiếng ho sặc sụa vang lên.

Tuyết Mai vừa cười vừa hỏi:

“Bữa mình gửi hình cho Bích Lan để gửi hình vô chợ mấy bạn có thấy ba bà đều nhìn xuống không? “

“Thấy mà không ai để ý đâu!”

“Ba bà đều nhìn xuống  nhưng không ai trong Chợ Chồm Hổm  để ý cả !” Tôi vừa nói vừa cười đến chảy nước mắt, rồi phân bua:

“Áo tắm Cung Lan hở một lỗ tròn ở giữa ngực mà  bị Tuyết Mai với Đức Phúc  quở quá chừng...đến khi vô chỗ tắm nước nóng gặp mấy bà già ở truồng như nhộng  hết thì hai nàng ngọng luôn! Mà chỗ đó họ tắm như vậy để khi vào phòng hong đá lữa cho tiện . Bà người Tàu đó tưởng tắm xong vô gặp người cùng hội cùng thuyền để hong khô  người ai dè gặp ba nàng mặc áo tắm chiếm hết cả phòng lại còn bị bắt chụp hình mới khổ chớ.”

“Ác nhơn vậy!” Thùy My vừa cười vừa nói.

Cả phòng xôn xao nói như chợ của Quốc Tế. Bàn tán, bình phẩm, giọng cười, giọng nói,  giọng ho ồn ào trong căn phòng  đến độ chẳng ai có thể nghe được ai một cách rõ ràng.

            Tôi vừa cười vừa nói:

 “Hôm đó Cung Lan phải đi học buổi chiều tối nên tắm xong Cung Lan gửi áo tắm nhờ Tuyết Mai giặt dùm. Tuyết Mai nói là Cung Lan đừng lo, Tuyết Mai không những giặt dùm mà còn khoét thêm một lỗ phía dưới để design cho đúng điệu.Cung Lan về nhà cự anh Hiệp là mua đồ gì kỳ cục để em bị mấy đứa bạn chọc.”

Mọi người dồn mắt về anh Hiệp cười lớn trong lúc Chế Hồng Loan nói:

“Cái này phải vỗ tay chúc mừng anh Hiệp.”

            Tuyết Mai nói:

 “Công nhận chuyện vui có thiệt này hay phải không?”

“Ừ Vỗ tay!” Chế Hồng Loan rao như hát hồ quảng và Tuyết Lan đánh phèng la nắp soong.

“Giờ next đi! Ai tiếp?”

“Tới phiên Hồng Loan đó.”

“Thôi giờ Hồng Loan cũng ráng kể nhưng chuyện này kể phải có người minh họa mới được. Như Bích Lan muốn minh họa thì cứ ra. Hồi đó có một phái đoàn thì ... mà  thôi ngồi xuống đi mày!Tao không cần minh họa nữa! Tao là người tốt bụng mà! Giờ để Hồng Loan kể lại nhen! Hồi đó có một phái đoàn đi Trung quốc trong phái đoàn đó có một ông đó là một nhà nghiên cứu rất khó tính. Ổng mới về lại  quê nhà nên ổng muốn ăn một món đặc biệt và ổng order một con vịt quay Bắc Kinh. Khi bồi bàn đem con vịt quay ra, ổng hửi hửi rồi nói: “Nô! đây  không phải là vịt Bắc Kinh, Tui order vịt Bắc Kinh chính cống;thì ông bồi nói sao mà ổng hay vậy nên đem con vịt khác lên. Ông hửi phau câu con vịt rồi lại nói: 'Không! Không phải là vịt Bắc Kinh.'“

            Bích Lan chặn ngang:

“Ê, Hồng Loan phau câu là gì vậy?”

Ha ha ha

Anh Chí Lô nhanh nhảu:

“Phau câu là đít nó chỏnh lên đó ! chỗ dỉnh lên đó!”

Ha ha ha

Chế Hồng Loan lờ đi, tiếp tục kể:

 “Nô! không phải là vịt Bắc Kinh! Ổng làm vậy đến lần thứ ba thì ổng nói; 'Đúng con này là vịt Bắc Kinh.' Thế là cả phái đoàn có một bữa ăn ngon vui vẻ. Ăn xong ổng về phòng khách sạn ngủ. Ổng về phòng chưa kịp tắm rửa thay đồ thì có tiếng gõ cửa phòng. Ổng mở cửa ra thì thấy một cô gái. Ổng hỏi cổ là cô cần gì. Cổ là waitress trong nhà hàng. Anh giúp dùm em một chuyện. Ổng hỏi chuyện gì. Cổ nói cổ là người mồ côi, cha mẹ chết hết. 'Hiện tại em không biết gốc gác cha mẹ em là ai. Em  nghe người ta nói em ở trong tu viện mồ côi Bắc Kinh mà em không biết em có phải là người Bắc Kinh không thì giờ anh coi thử em có phải là người Bắc Kinh không?'“

Cả bọn cười ồ : “Hay hay hay...Vỗ tay !” Hồ Quảng của Chế Hồng Loan và phèng la của Tuyết Lan đồng vang lên om sòm.

Tôi nói: “Hay nhất là Bích Lan biết ngưng Hồng Loan đúng lúc, đúng chỗ để hỏi phau câu là gì ? phau câu nằm ở chỗ nào và còn minh họa phau câu chớ không ai có thể hình dung anh Trung Quốc đó kiểm tra phau câu của cô waitress kia ở đâu để biết cổ là người Bắc Kinh!”

“Đó là nhắc tuồng !” Anh Chí Lô nói.

Chế Hồng Loan cãi: “Không cần nhắc tuồng, cũng đâu cần Bích Lan hỏi, Hồng Loan cũng có thể biểu diễn cho mọi người thấy phau câu là gì mà !”

 Anh Chí Lô đáp :

            “Nhưng phau câu của Hồng Loan không phải là của Bắc Kinh!”

Ha ha ha...Cả bọn lại ôm bụng cười.

“Rồi, next!”

            “Đến phiên ai ?”

            Tuyết Mai nói:

 “Đến Xuân Mai kìa! Xuân Mai có chuyện gì kể không?”

 “Thôi thì Xuân Mai cũng làm gan kể chuyện có thật của Mai nhen. Mà thôi, trước tiên để Mai kể chuyện không có thật đã! Có một cô nọ mới ở Việt Nam qua, lái xe ra free way gọi về cho ông ba. Xong ông ba nói 'Con ơi, con cẩn thận chớ ba mới nghe radio báo là có một cái xe đi ngược đường đó con!' Cô gái nói 'Để con nhìn kỹ coi! Ba ơi! Ai cũng đi ngược đường con hết đó ba!'“

“Ha ha ha! Hay, hay! Vỗ tay!” Hồng Loan rao Hồ Quảng và Tuyết Lan gõ phèn la

“Còn chuyện thứ hai là chuyện thật của Mai hén. Mai đi chợ ra shopping. Ra tới chợ, cell Mai hết pin rồi nên Mai đi ra đường gặp một người Việt Nam mượn điện thoại gọi về nhà. Em Mai hỏi: Mai đứng chỗ nào vậy? Thì Mai đứng ở góc đèn xanh đèn đỏ đó!”

“Vỗ tay !”

 Chí Lô chép miệng:

 “Trời ơi! Chắc thành phố đó nhỏ lắm!”

“Rồi đến Đức Phúc!”

 “Đức Phúc nhiều chuyện lắm! Kể đi!”

“Ha ha ha...” Mọi người đều cười với nghĩa đen của chữ nhiều chuyện là tò mò tọc mạch chứ không phải là có nhiều chuyện kể.

Đức Phúc điềm tĩnh bước vào giữa những con mắt đang chăm bẳm nhìn nàng, nói một cách khoan thai:

“Ngọc Hoa có một bài ca rất là hay. Để Đức Phúc và Ngọc Hoa hai đứa hợp ca.Ngọc Hoa ra đây !”

“Hợp ca phải đứng ra giữa hát đàng hoàng như vậy mới được!” Hồng Loan gật đầu đồng ý.

Đức Phúc đưa tay giới thiệu ngọc Hoa:

“Đây là Sôphia Lò Rèn. Sôphia Lò Rèn sẽ hát chung với Đức Phúc”

“Ha ha ha....” Cả bọn phá ra cười lớn. Tuyết Lan đánh phèng la và Chế Hồng Loan ca Hồ Quảng”Vỗ tay!”

Ngọc Hoa tỉnh bơ:

 “Hoa chỉ hát câu đầu thôi nhen!”

Đức Phúc giả nai:

“Vậy câu thứ hai là câu làm sao?”

“Ha ha ha...”cả bọn phá ra cười lớn.

“Không thuộc bài thì hát bè cho đồng điệu!”

“ Không cần câu một câu hai gì cả. Hát đi”

Ngọc Hoa cắt ngang những lời đề nghị và những tiếng cười ồn ào bằng giọng nói hết sức nghiêm trọng:

 “Giờ Ngọc Hoa với Đức Phúc sẽ hát bài Có một loài chim không bao giờ bay!”

Cả bọn đang im lại phá ra cười:” Ha ha ha... Ui cha ơi!”

Ngọc Hoa cau mày:

“ Bây giờ tất cả đã sẵn sàng nghe chưa?Cười hoài làm sao mà nghe?”

Cả bọn vừa cười, vừa lau nước mắt vừa gật đầu. Ngọc Hoa cất giọng cùng Đức Phúc:

“Có một loài chim không bao giờ bay
Đó là loài chim nó nằm trong quần tây”

Ha ha ha...

 Đức Phúc đính chính:

 “Không phải nằm trong quần tây! Nằm trong quần Jeans !”

Nói xong nàng kéo Ngọc Hoa trở về ghế ngồi. Tôi phản đối :

 “Ủa ? bài hát gì kỳ vậy ! Thơ gì mà có hai câu vậy trời?”

“Thôi được rồi! Tao đề nghị hai tụi bay sáng tác thêm” Chế Hồng Loan giảng hòa “Còn giờ thì đến phiên con Phạm Bích Lan!”

Phạm Bích Lan lắc đầu, nói:

 “Bích Lan không biết chuyện gì đâu Hồng Loan! Tha cho Bích Lan đi! “

“Vậy thì suy nghĩ đi. Chặp nữa tụi tao trở lại !”

“Giờ tới phiên con Cung Lan!”

“Được! Để Cung Lan kể! Hồi giờ Trung Quốc và Việt Nam luôn luôn kèn cựa với nhau chuyện hơn thua mình giỏi hơn người, tài hơn người. Năm nào cũng có cuộc thi vẽ nhanh giữa Trung Quốc và Việt Nam hết. Năm đó, Việt Nam thắng Trung Quốc bởi vì họa sĩ Việt Nam nhúng năm ngón tay quẹt trên giấy đã có năm con trùn, trong khi họa sĩ Trung Quốc cặm cụi chỉ có một con rồng. Năm thi sau, Trung Quốc cử một họa sĩ nữ thi với họa sĩ nam của Việt Nam. Mục đích của họ là quyết thắng gấp đôi và bẻ mặt Việt Nam phục thù cho lần thua năm trước.Cô họa sĩ Trung Quốc này chuẩn bị đàng hoàng lắm: nào là chậu màu, nào giấy thi ...”

“Tinh tình tình, tình tình tính tính, tinh tính tình...” Nhạc của chiếc điện thoại cầm tay của tôi reo lên khiến mọi người cười ồ.

“Cung Lan câu giờ!” Hồng Loan chọc.

 Tôi mở điện thoại ra coi số rồi đóng lại ngay.

“Kệ đi! Chút nữa Cung Lan trả lời!” Nói xong, tôi kể tiếp: “Này nhen! Đây là chậu màu, đây là chỗ giấy vẽ nhen.” Tôi vừa nói vừa đưa tay ra điệu diễn tả:  “Cô họa sĩ Trung Quốc đó tuột quần xuống, chụt! Rồi nhúng mông vào thùng màu hai lần, chịt! chịt! rồi in mông ngồi trên tờ giấy vẽ, chẹt ! Rồi,  đưa tờ giấy vẽ lên ứng thí:” Đây là trái bí!”

Nuốt nước miếng cho thông giọng, tôi kể tiếp và tiếp tục đóng tuồng:

“Anh chàng họa sĩ Việt Nam cũng làm y chang như vậy: Chụt ! Tuột quần xuống. Chịt chịt, nhúng mông vào thùng nước màu, chẹt ! Ngồi trên giấy vẽ, ! rồi  đưa tờ giấy vẽ lên nói :” Đây là trái bí!” Và cuối cùng họa sĩ Việt Nam thắng vì bí Việt Nam có cuống.”

Hố hố hố...Ha ha ha

Tuyết Mai chau mày, hỏi lớn “Vì sao Việt Nam thắng?” 

 “Vì trái bí của Việt Nam có cuống !” Tôi vừa cười vừa trả lời.

Ha ha ha ...Tiếng cười dòn giã quanh tôi lớn hơn và Tuyết Mai hỏi tiếp với giọng to hơn:

             “Trái bí có gì?”

 “Trái bí có cuống!”  Tôi trả lời cũng to, cố át lại tiếng cười không ngớt.

 Chế Hồng Loan giúp tôi giải thích cho Tuyết Mai. Giọng bình thường của nó đã to, lúc này càng to hơn:

 “Tại vì Trung Quốc cho đàn bà thi còn Việt Nam cho đàn ông thi! Đàn ông có thể làm trái bí có cuống! Chớ đàn bà không thể làm trái bí có cuống!”

             “Ha ha ha...” Tuyết Mai chợt hiểu, phá ra cười . Tiếng cười nàng hòa theo những tiếng cười không ngơi. Nàng gật đầu lia lịa”Hay hay hay...”

Tôi nói về phía Chế Hồng Loan:

             “Ê Hồng Loan! Tao biết tao có nhiều cú phone quan trọng nhưng chẳng thà tao kể tiếp để bí khỏi bị đứt cuống...”

  “Hay lắm...Vỗ tay!”  Chế Hồng Loan  ca Hồ Quảng rồi hỏi:

 “ Rồi  đến phiên ai?”

Tuyết Hoa nói từ từ với giọng nhỏ nhẹ:

            “Đến phiên Hoa, để Hoa kể!”

Cả phòng chợt im thin thít. Có lẽ mọi người muốn thấu đáo câu chuyện kể từ một người có giọng nói quá ư là mền dịu. Riêng tôi, tôi tập trung nghe một cách chú tâm  vì tôi quá bất ngờ trước sự tình nguyện của  cô bạn cựu nữ sinh trung học Thánh Tâm rất ít nói này. Tuyết Hoa bắt đầu với giọng trầm đều không đổi:

            “Ở trên nhà quê có hai vợ chồng kia có nuôi một con chó. Mà con chó tên là Dang. Buổi tối hai vợ chồng lên giường ngủ thì không biết vì sao con chó lại liếm chân ông chồng. Ông chồng kêu con con chó Dang Dang Dang. Bà vợ nghe vậy mới nói 'Tui dang hết cỡ rồi còn kêu dang gì nữa!'“

            “Ha ha ha ! Hố hố hố! Ha ha ha ! Hố hố hố! Ớ hớ Ơ hớ hớ”

Tuyết Mai ngưng cười, giảng đạo:

             “Truyện tếu lâm nào cũng phải có tục mới vui, phải không? Truyện thì phải có thanh có tục.”

Đức Phúc gật gù:

             “Nhưng tục chút chút thôi thì được.”

Anh Niên  hứng  chí tình nguyện:

 “Tiếp tục tui có câu chuyện hay lắm!”

            “Thì anh kể đi!”

            “Sau 1975 mất nước lúc mấy 'ổng' vô miền Nam thì khổ lắm phải không? Lúc đó có bà trên quê xuống bệnh viện tỉnh Khánh Hòa khám bệnh. Bà này không biết nói phụ khoa là gì cả nên khi tới phòng khám bệnh bả nói với cô y tá là chị ơi chị cho tui khám cái đó đi. Cô y tá hỏi một hồi mới biết cái đó là khám phụ khoa. Khi vào phòng khám thì bà đó bỏ dẹp ngoài cửa phòng.Khám xong, bà ra ngoài phòng,thì bả mất đôi dép nên bà chửi : 'Tổ cha đứa nào lấy mất đôi dép của tao! Tao mà biết được tao quăng cái sản phụ khoa vào trong mặt mày !'“

 “Ha ha ha..” Mọi người cười ồ trong khi tôi chau mày.Anh Niên nhìn mặt ngớ ngẫn của tôi hỏi:

 “Hiểu không?”

Tôi lắc đầu:

 “Không! Không nghe khúc cuối, ai cũng cười ồn quá mà! Bả hăm quăng dép vô mặt thằng ăn cắp hả ?”

 “ Không phải ! Bả đòi quăng cái sản phụ khoa ! Bả  ở nhà quê đâu biết chữ sản phụ khoa là gì cho nên bả vừa khám phụ khoa xong bả dùng chữ sản phụ khoa để chửi thằng ăn cắp!”

            “Ha ha ha...truyện cười hay ghê! Phải giải thích mới cười được!”  Tôi giễu.

 Câu chuyện khám phụ khoa này đã khơi mào đến các chuyện về “chính khoa”   được kể bởi Xuân Mai, anh Niên và Bích Lan. Xuân Mai kể chuyện về đoàn y tế của một nhóm bác sĩ tình nguyện  lên vùng núi nơi mà một cô bác sĩ bị anh chàng người Thượng mắng ngu vì không hiểu căn bệnh “đau dai đau lâu”  là gì. Anh Niên kể chuyện anh bạn của anh đến bệnh viện da liễu khám 'chính khoa' bị đuổi ra ngoài vì đi nhầm phòng và Bích Lan kể chuyện giá cả khám bệnh chênh lệch bởi kích thước của “chính khoa” và chuyện phát hiện khủng khiếp của Vy, con gái độc nhất của nàng, lúc cháu sáu tuổi về “brown tail” (chiếc đuôi màu nâu) từ mới của 'chính khoa'.

Những câu chuyện này đã khiến chúng tôi cười no nê. Tuyết Mai hứng chí nói:

 “ Mai có câu chuyện rất vui !”

Nói xong cô nàng về chuyện những người đã từng thi đậu vào công dân Mỹ có thể trả lời hết những câu hỏi thông thường nhưng không thể trả lời về những  vấn đề liên quan đến nước Mỹ và  các vị cố tổng thống  của Mỹ.

Kể xong nàng vừa cười vừa nói :

 “Citizen kiểu gì kỳ ! Hỏi cái gì cũng biết mà hỏi đến mấy vấn đề liên quan đến nước Mỹ lại không biết !”

Chuyện rất vui của Tuyết Mai vui đến nỗi không làm mọi người cười rộn rã như trước đó nên Tuyết Lan đề nghị “Giờ  mình đi ra hồ sen chụp hình đi!”

            Tôi bàn ra : “ Giờ đi ra hồ sen thì chỉ nhặt hạt sen chứ làm gì có hoa sen mà chụp. Cung Lan nói thiệt là Cung Lan mới tới đó nhặt hạt sen về nè.”

 “Hì hì hì...”

            Thùy My bàn ra theo:

 “Thôi! Chiều rồi còn đi  làm gì! Ở nhà chơi cho rồi!”

Hồng Loan gật đầu:

  “Ừ ở nhà chơi đi! Giờ để Hồng Loan kể một câu chuyện khác nhen!Có một cặp tình nhân đang rù rì rủ rỉ, trên một băng ghế đá dưới một tàng cây hoa hồng, rất thơ mộng thì cô gái nói: 'Anh à em đau con mắt quá!', thì anh này hun ở con mắt  và cô gái hết đau mắt!”

 “Cặp tình nhân đó có phải anh Liêm và Thùy My không? Để anh Liêm và Thùy My  diễn tả đi!” Bích Lan nói.

 “Ừ cặp tình nhân đó là anh Liêm và Thùy My nhưng khỏi cần diễn tả  để Hồng Loan kể tiếp! Rồi Thùy My nói 'Anh ơi em đau cái tay này quá!', thì anh Liêm hun cái tay. Thế là cái tay của Thùy My hết đau!”

 “Xong, Thùy My nói 'Anh ơi em đau cái má quá!' thì anh Liêm hun cái má cho Thùy My. Thế là cái má của Thùy My hết đau!”

 “Lúc đó có một ông già ngồi sau lưng anh Liêm và Thùy My.”

            “Ai đó? Mày phải nói tên ông già đó là ai!” Bích  Lan gạ.

  “Cho anh Niên đi! Ảnh làm ông già được.Giờ bắt ba người đóng kịch.”  Tuyết Mai đề nghị.

 Hồng Loan lắc đầu:

            “Nói tên ông già đó là anh Niên được rồi. Lúc đó anh Niên đến nói với anh Liêm là: 'Tui nghe nói anh có cái tài hun đâu lành đó. Tui có căn bệnh trĩ lâu năm không hết. Anh có thể chữa bịnh trĩ này cho tui không?'“

 Anh Niên trợn mắt:

  “Con Hồng Loan ác nhơn!”

Anh Liêm gật đầu:

 “Ác thiệt!”

            Bích Lan nói:

             “Mày phải diễn tả anh Liêm là chàng trai có đôi môi kỳ diệu!”

Ha há ha Hớ hớ hớ...

   Tôi than:

 “Trời! câu chuyện tàn nhẫn thiệt đó Hồng Loan! Sáng giờ tao làm không mệt mà tao nghe mày kể xong tao mệt quá!”

Ngọc Hoa tán đồng một cách ma mãnh:

  “Con này ác độc thiệt! Phải chi nó cho con Tuyết Mai hay Bạch Mai Anh bị bệnh trĩ thì được. Tự nhiên cho anh Niên!”

 Chế Hồng Loan chống chế:

             “Anh Niên là lão già kỳ cục mà mày!”

Tôi thấm ý cười hằng hặc:

             “Mày cứ vậy đi Hồng Loan! Tối nay anh Niên đập đầu vô gối tự tử thì đừng có trách.”

 “Thôi để Ngọc Hoa kể chuyện thương yêu. Có cặp vợ chồng nọ...à mà cứ cho là cặp vợ chồng anh Liêm với Thùy My đi, mỗi lần anh Liêm và Thùy My thương yêu nhau là bỏ một hạt gạo bỏ trong cái lu. Sau đó ba mươi năm sau, anh Liêm về trời...”

Chế Hồng Loan cự: “Ê mày! sao có ba chục năm? Ít nhất là năm chục chớ !”

 “Ừ thì năm mươi năm sau, anh Liêm về trời thì My lấy nong lấy nia vừa đong vừa khóc:'Ba lon với một ngần này. sao anh không sống cho đầy bốn lon?'“

 “Ha ha ha...Năm chục năm mà có ba lon gạo!”

Tôi đề nghị:

 “Thôi để Cung Lan kể một câu chuyện thương yêu khác nhen !Có hai cặp vợ chồng đó mỗi lần yêu thương với  nhau...”

 Tuyết Mai bắt bí:

 “Ai mà biết yêu thương là gì? Giờ Cung Lan diễn tả yêu thương là gì đi !”

Tôi nhăn nhó :

“Mệt quá ! Để ta kể tiếp. Yêu thương là cái gì các 'you' đã từng làm đó ! Hỏi gì đâu không hà !”

 “Ha ha ha... OK kể tiếp đi. “

 “ Ê, Cung Lan nói nè!” Chế Hồng Loan gọi tôi vừa chỉ tay về phía anh Nguyễn và chị Tuyết Ba “ Bây giờ mình nói chuyện yêu thương thì hãy để ý đến một cặp sắp sửa yêu thương”

Tôi phản đối:

 “Không, không, không! Cung Lan không dám nói ai hết. Cung Lan chỉ kể là một cặp yêu thương mà không biết ai là ai. Nghe tiếp nè: Xong rồi, người vợ  nói với chồng  là chúng mình sẽ yêu thương rất nồng nàn nhưng không hiểu yêu thương bao nhiêu lần cho nên mỗi lần như thế anh nên bỏ một đô la vào cái hộp trên đầu giường rồi sau đó mình sẽ đếm bao nhiêu tiền để biết bao nhiêu lần. Sau đó, mỗi lần hai người này yêu thương nhau thì người chồng bỏ một đồng trong cái hộp trên đầu giường. Bữa đó đến ngày kỷ niệm thành hôn, hai vợ chồng mở cái hộp ra. Người chồng sắp xếp các tờ giấy bạc và nói đây là một đồng, đây là một đồng nữa là hai, một đồng nữa là ba...mà ủa sao đây có tờ năm đồng, ủa còn đây là tờ mười đồng, còn có tờ năm chục và một trăm đồng nữa? Người vợ cao giọng: 'Chớ anh tưởng ai cũng keo kiệt như anh sao?'“

“Ha ha ha... Phèng la inh ỏi và giọng Hồ Quảng của Hồng Loan vang lừng: “Hay hay hay! Hèn gì nó không dám nói ai là ai!”

“Anh Hiệp coi chừng nhen!” Anh Liêm chọc.

Chế Hồng Loan đe:

“Im! Phát ngôn linh tinh!”

Tôi nhìn anh Liêm:

“Ừ phát ngôn linh thật.Giờ đến phiên anh Liêm ! Anh Liêm kể đi!”

 “Ừ! Câu chuyện này nhắc cho mấy người quậy đừng ham muốn nhiều. Có một anh đó cũng hiền lành nhưng có tật thích uống rượu và thích  gái. Khi ảnh chết, thánh Pherô cho ảnh chọn thiên đàng hay địa ngục thì anh này nói con thích uống rượu và gái đẹp, cho nên nếu con lên thiên đàng con sẽ không có những gì con thích, vậy thôi cho con xuống địa ngục. Rồi ảnh xuống địa ngục thì ảnh vô một cái bar có sexy girl đẹp và nhiều rượu. Khi đứng với nhiều người sắp hàng đang chờ rót rượu và gặp gái đẹp, ảnh thấy quyết định chọn lựa của mình là có lý nên ảnh nói với người đang đứng chờ rót rượu phía trước ảnh là 'Mình thật sung sướng là xuống địa ngục có rượu uống lại có gái đẹp!' thì ông đứng trước ảnh thở dài nói với ảnh là: Anh có để cái ly của anh lúc mà bartender rót rượu là ly không đáy không?Rót rượu hoài mà ly không đầy. Còn mấy cô gái đẹp đó, anh nhìn kỹ thì các cổ không có đáy!”

 “Hớ hớ hớ...”giọng cười đắc ý của mấy ôn vang lên.

Và anh Liêm kết thúc:

  “Vậy cho nên đừng ham xuống địa ngục!”

Chế Hồng Loan lại hò Hồ Quảng :

  “Vỗ tay !”

 “Bây giờ bà mai của anh Liêm và Thùy My kể chuyện đi !”

            “Bích Lan kể rồi !”

             “Vậy đến phiên chị Tuyết Ba ! Rồi anh Nguyễn !”

 “Ừ !Anh  Nguyễn kể chuyện Tâm Sự đời tôi đi !”

            “Hay là anh kể chuyện từ đêm thứ Sáu đến giờ cũng được !”

             “Chuyện đêm thứ sáu thì biết hết rồi !!” Anh Nguyễn nói.

Tuyết Mai nói :

 “Không ai kể thì  để mình kể một chuyện về vợ chồng Cung Lan. Cung Lan có thằng Út là Tinô phải không ?”

  “Không phải là Trí !”

 “A, Mai quên không phải Tinô mà là Trí. Trí đi học vẽ ở trường. Cô giáo dạy vẽ nói là các em ra ngoài trời sẽ thấy có cây có cỏ có nhà. Thì Trí giơ tay lên hỏi : 'Thưa cô cặp mắt mình nhìn không thấy hết cả thì em phải làm sao?' Cô giáo nói là 'Khi em không nhìn thấy vật ở điểm ấy gọi là chân trời. Chân trời  là nơi mình đường giới hạn  trước mắt mình không cho mình thấy những vật xa hơn chớ không phải là trời có chân.' Nghe cô nói vậy thì thằng Tinô ý quên thằng Trí cãi lại là : 'Cô nói trời không có chân là không đúng bởi vì tối nào cũng nghe bố em cũng bảo với mẹ em là 'Trời ơi! có dang chân ra cho người ta nhờ không ?'“

Tôi lườm Tuyết Mai :

 “Hết chuyện chọc quê hén !”

            “ Hà hà hà hặc hặc hặc...!” phèng la inh ỏi.

            Đức phúc hỏi:

            “ Ủa mà dang chân ra để làm chi vậy?”

            “ Hì hì hì...bí hiểm bí hiểm...ai mà biết ! Có trời mà biết !” Tuyết Mai đáp.

             “ Giờ để Hồng Loan kể một chuyện có thật về mấy đứa con nít Việt Nam ở Mỹ. Mấy đứa nhỏ Việt Nam sinh ra ở Mỹ thì nói tiếng việt Si cà la que phải không ?( ha ha ha) Có cô gái đó là con gái của một bác sĩ ra làm dược sĩ, thì có một ông nọ năm mươi mấy tuổi rồi, trước khi về Việt Nam tới bác sĩ khám bệnh để lấy thuốc. Thì khi dược sĩ bán thuốc cho mình nó hay dặn dò cách thuốc uống như thế nào cho nên khi ông này lấy thuốc, cô gái này dặn ông này kỹ lắm. Cổ nói 'Con dặn bác nhen thuốc này bác uống chừng mực, bác có bị tim không ? Bác có gì không ? Khi nào bác làm chuyện bậy bạ bác nhớ đừng có uống. Nhớ nhen bác, khi nào bác làm chuyện bậy bạ bác đừng có uống đó !'Ổng hỏi, 'Con ơi, con đẻ ở Việt Nam hay đẻ ở Mỹ vậy con ?' 'Dạ con đẻ bên này.' 'Tổ cha mày !'“

            Ha ha ha...

Phèng la lại gõ vang inh ỏi.

            “Chuyện bậy bạ chớ không phải chuyện yêu thương hén !” Anh Chí Lô đồ đậm thêm.

            “Ừ! nó nói rõ ràng với ổng là khi nào bác làm chuyện bậy bạ!”

“Ha ha ha...Hờ hờ hờ ...Hức hức hức...”

 “ Để Đức Phúc kể chuyện có thật về về mấy người Việt Nam hay ghép tiếng Mỹ với tiếng Việt. Ghép hai thứ tiếng thì dễ gây hiểu lầm lắm.Có một cô Việt Nam sang đây từ năm 1975 nên tiếng Việt hầu như quên hết thành ra cô hay ghép hai tiếng Mỹ Việt khi nói chuyện với người Việt.  Có một ông Việt Nam người Huế đến một văn phòng than phiền là ổng không nhận được check. Cô này mới hỏi: Bác có move không? Ông lắc đầu nói tui có mu mô.”

Hì hì hì...Mu nghĩa là 'phụ khoa'!”

 “ Ừ, Đức Phúc gật đầu, Mu là nghĩa 'đó' của người Huế. Mà cô này  bực mình vì ông này nhất định không  chịu nhận là mình có mu. Cổ kiểm tra hồ sơ một lúc rồi chỉ vào mấy cái địa chỉ trong tờ  giấy trước mặt và cự ổng: Bác có move đây mà ông nói không move! Hồi trước bác ở địa chỉ này giờ bác dời về địa chỉ này mà sao bác nói là không có move?' 'Ơ cô nói rứa, mu nghĩa là tui dọn nhà hỉ?' Ông chồng Đức Phúc ngồi nghe hai người nói chuyện mà cười quá chừng. Đó là chuyện có thật 100%. Về nhà ảnh dặn : 'Em nhen, em nói tiếng Việt thì nói đàng hoàng chớ nói ghép kiểu đó có ngày bể mặt!'“

Ha ha ha...

 “ Thôi bây giờ Cung Lan cũng kể chuyện có thật về Tuyết Mai. Hồi nãy giờ Tuyết Mai kể nhiều chuyện về  Cung Lan rồi. Giờ Cung Lan phải kể chuyện về Tuyết Mai chớ!”

Ha ha ha..

 “ Nhen  bữa đó Tuyết Mai chở Cung Lan về. ...A, mà phải mở ngoặc đơn nói rằng hai đứa này đi với nhau thì lúc nào cũng có chuyện cười vì chuyện nào nhỏ xíu cũng thành vui. Cung Lan nói với Tuyết Mai là 'Tuyết Mai, Cung Lan thấy mình làm cha mẹ cũng vô lý lắm. Con cái mình sinh ra ở Mỹ thì tiếng Việt không rành mà mình dặn dò hay nói điều gì không rõ ràng thì tụi nó không hiểu rồi bị la oan thì cũng tội nghiệp.Ví dụ như chuyện anh Hiệp nói thằng Út con Lan là 'Trí xuống lấy cái khăn nhúng nước lau cái bàn cho bố' . Thằng nhỏ răm rắp làm theo. Sau đó, ảnh lên phòng ăn thấy cái bàn lỗ chỗ đầy nước ảnh than trời 'Trời đất ơi, con cái không làm ăn được cái gì cả ! Nói nó lau một cái bàn nó làm cho một cái bàn đầy nước. Mày lau một cái bàn không được thì sau này làm được gì ăn hả con?' làm thằng nhỏ tiu nghỉu cằn nhằn là bố nó chửi nó ngu vô lý vô cớ. Mà  Lan thấy ông Hiệp không có lý chút nào. Vì ảnh nói nó nhúng nước cái khăn lau bàn thì nó nhúng nước lau bàn để bàn đầy nước  y chang như ảnh dặn chớ ảnh đâu có dặn nó vắt khô trước khi lau đâu để bàn khô đâu !”

 “ Hì hì hì...cũng có lý !” Một người nào đó tán thành.

Tôi gật đầu nói tiếp:

 “ Ừ ! Cung Lan giải thích như vậy thì nghe cũng có lý hén? Nhưng mà Tuyết Mai nói 'Thôi đi bà ơi! Anh Lập với tui nói con làm gì thì cũng dặn dò kỹ lắm! Mà không phải chỉ có mình ảnh nói hay tui nói! Cả hai vợ chồng cùng nói: 'Út ra đây, con ơi, con hãy ngồi trên máy cắt cỏ này, con vặn nút này bấm ga, máy sẽ chạy, con bấm nút này, máy sẽ dừng, con xoay cần qua đây , máy sẽ quẹo trái, con xoay cần qua đây, máy sẽ quẹo phải.' Út của Mai hiểu thông suốt rồi, anh Lập với Mai mới vô nhà uống trà, uống cà phê ăn bánh ngọt, coi ti vi, nghe nhạc...hay làm gì gì đó'.  Một giờ sau, Út chạy vô nhà, hớt ha hớt hãi nói: 'Bố mẹ ơi cứu con! Cứu mạng!' Hai vợ chồng lật đật bỏ trà, bỏ cà phê, bỏ bánh, bỏ ca nhạc , bỏ tất cả...chạy ra ngoài sân thấy một máy cắt cỏ nằm giữa hai cột trụ điện. Anh Lập tức quá, nói: 'Sao mày cắt cỏ trong này? Giữa hai cái trụ này chỗ có một chút xíu sao mày chạy máy vào được?' 'Dạ con cố gắng push nó vào?' 'Rồi giờ cái máy cắt cỏ chẹt cứng giữa hai cái trụ điện này làm sao lấy ra? ' 'Dạ con push ra không được nên nhờ bố mẹ cứu con!' 'Cứu sao được mà cứu! Chẹt như vầy làm sao tụi tao đẩy ra? Sao mày không tính toán gì hết vậy? Sao mày phải đẩy máy cắt cỏ vô chỗ này làm gì chớ?' Út nói 'Dạ tại con thấy có cỏ mọc trong đó nên con phải push máy vô để cắt.' Thế là hai vợ chồng Mai, kẻ kéo, người đẩy một ngày trời mới đẩy được máy cắt cỏ ra khỏi hai trụ điện.”

Ha ha ha...

Tôi lắc đầu:

            “Chưa xong! Mai nói: 'Đó bà thấy chưa! Bà đừng có trách anh Hiệp! Lỗi là tụi nhỏ!Tụi con nít đẻ ở Mỹ ít để ý để tứ lắm. Đây nè nhen. Bữa đó thằng Út về nói Mai là 'Mẹ ơi con đang tập  nhạc ở trường nên con phải lấy một cái máy thu thanh thật lớn ở nhà mang lên trường.' Tui gật đầu nói 'Lấy thì lấy. Mà bà Lan! Bà tới nhà tui chắc bà cũng biết nhà tui có cửa gỗ rồi đến cửa kính phải không?' Lan gật đầu: 'Ừ nhà nào ở vùng này mà không như vậy!' 'Vậy mà nó đi hoài, đi học, đi về, đi ra, đi vô không biết bao nhiêu lần mà nó không nhớ! Nó cầm cái máy to đùng như vậy mà nó phang cái máy vào cái cửa kính làm kính vỡ tan nát, mảnh văng tùm lum trong nhà. Anh Lập với tui phải quét nhà, dọn dẹp, hốt mảnh vỡ gần chết! Anh Lập tức quá la lên: 'Mày hả? Mày có đui không mà mày không thấy cái cửa kính sờ sờ ở đây?' Nó nói: 'Dạ không đui, lúc con làm bể cái cửa kính con có đeo kính mắt đàng hoàng!' Hết chuyện.”

Ha ha ha... Vỗ tay.

Chí Lô ôm bụng than:  “Chắc không sống nổi qua con trăng này quá!”

 Hồng Loan gật đầu:

             “ Ừ! Chuyện con nít ở xứ này kể hoài không bao giờ hết! Loan kể cho nghe. Năm 1996 Loan dắt hết một bầy con về Việt Nam chơi. Trước khi xuống máy tay người ta phát cho một tờ giấy để mình điền vàonhững thứ mình đem về Việt Nam. Trong form có tiếng Mỹ và tiếng Việt, tụi con Loan thắc mắc là không biết tiếng Việt sao đọc được. Có một cố ngồi gần hù tụi nó là tụi con không biết nói tiếng Việt về phi trườngViệt Nam, công an đuổi sang Mỹ hết. Đến phi trường Tân Sơn Nhất, ba đứa đứng một chùm, mặt xanh lè xanh lét nói với Hồng Loan tụi con không biết tiếng Việt giờ làm sao hả mẹ? Cô kia nói tụi con không biết nói tiếng Việt làm sao đây mẹ? Chỉ nghe hù, giỡn chơi thôi mà tụi nó cứ nghĩ thiệt, nhập tâm sợ quá chừng. Nghĩ lại tức cười ghê!Vui dễ sợ! Tụi con nít không gì hết trơn!”

Bích Lan nói:

  “Như Vy con của Bích Lan thường hay được anh Hòe và Bích Lan giới thiệu với bạn bè nó và mọi người là con một vì vợ chồng Lan chỉ có mỗi mình nó. Dù Vy không nói rành tiếng Việt nhưng nó hiểu tiếng Việt cũng rành. Một hôm, bạn Vy, một đứa người Việt sinh ở Mỹ giới thiệu Vy với mẹ nó là 'Vy là một con!'“

Ha ha ha

 “Nghe vậy Vy hết hồn nói: 'No no no bác I am not married'

 Ha ha ha...

“Nó về kể với Bích Lan là 'Thằng bạn con kỳ ghê mẹ.Nó  giới thiệu với mẹ nó con là một con!'“

Đức Phúc nói:

“Anh Phiếm chồng Phúc cũng hay bắt con nói tiếng Việt. Hôm đó ăn lễ Tạ Ơn ảnh chỉ con gà tây hỏi thằng Lực con Phúc 'Con này con gì?' Thằng Lực tính nói là turkey. Nó mới nói 'Tớ... , cái anh Phiếm chặn ngang nói 'Ớ! Ớ! Ớ!' nó liền nói 'Con tớ chim!”

Ha ha ha...

“Con gì?” Tuyết Mai lắng tai hỏi lớn.

“Con tớ chim!”

“Sao lại tớ chim?”

“Thì nó định nói turkey nhưng sợ bị la nên nói tớ chim.”

 “A à à...hì hì hì”

“ Bữa nào chỉ anh Niên, mình nói: 'Anh Niên chim!'“ Hồng Loan đề nghị.

            “ Nhỏ Hồng Loan này ! Tự nhiên!”Anh Niên nguýt dài.

Ha ha ha...Tôi cười ngất, nghĩ thầm:  “Con nhỏ Hồng Loan này chỉ mới gặp anh Niên lần đầu đã bắt nạt ảnh rồi !”   Thực sự, anh Niên vốn có khuôn mặt thật thà lại hay hỏi những câu  ngây ngô thành ra thường bị bạn bè cùng lứa và những người nhỏ tuổi hơn ghẹo hoài.

Tôi nhớ hôm ăn  tiệc ở nhà chị Phụng và anh Đức, anh ruột của Tuyết Mai, anh Niên bị anh Đức chọc là nhà quê, chưa biết quán cà phê nhểu là gì! Anh Niên tình thiệt hỏi anh Đức diễn tả cà phê nhểu là sao và anh Đức nói anh Niên vào quán cà phê ở Việt Nam phải xin thêm một cái ly để khi thấy mấy cô tiếp viên mặc hở hang mà không làm gì được thì lấy cái ly để hứng nước miếng.

Bị ghẹo như vậy mà anh Niên vẫn không ngưng cái tật hay hỏi. Anh Đức lại hỏi anh Niên ở Mỹ lâu năm có biết dịch câu: “You try you fight you like you now là gì không ?” Anh Niên biết là đố mẹo nhưng không thể dịch ra đành chịu thua để anh Đức dịch là “ Vú trái, vú phải anh 'phái'( khoái) vú nào ?”

Tuyết Mai thì luôn thuyết phục anh Niên đưa chị Thu, vợ của anh, đi cruise để hưởng thú vị cuộc đời. Nhất là trên tàu có các sòng bài casino chơi vui lắm. Mang theo hai ba ngàn đô mà chơi chừng ba ngày là hết ngay. Anh Niên nhạo là đi cruise mà chơi bài suốt ngày đêm kiểu đó sướng thiệt! Đi cruise mà hết tiền kiểu đó chắc nhảy xuống biển tự tử  luôn khỏi về nhà. Nghe vậy, ai cũng tưởng anh Niên sáng suốt và tỉnh táo lắm. Ai dè, Tuyết Mai hỏi anh đã đi cruise tới Hạ Long bay và Cam Ranh bay chưa ? anh nói chưa. Tuyết Mai hỏi tiếp “Còn Cam Dai bay anh đi chưa ?” Anh Niên lắc đầu hỏi lại “Cam Dai bay là vịnh nào, ở đâu anh không biết.”Tuyết Mai lắc đầu “Cam Dai bay  không phải là vịnh nào hết mà là Cấm Đái Bậy. Bảng cấm này  thường có rất nhiều ở Việt Nam.”

Lần đó, anh Đức và Tuyết Mai cũng nhận những cái nguýt của anh Niên cũng tương tự như Hồng Loan bây giờ. Ôi ! Chuyện về anh Niên là chuyện dài nhiều tập ! Chỉ cần nhìn khuôn mặt ngơ ngác của anh với đôi mắt nguýt dài là không thể ôm bụng cười. Tôi vừa cười, vừa nói:

            “Anh Niên à ! Từ khi nghe bài hát Có một loài chim không bao giờ bay của Ngọc Hoa và Đức Phúc, con nhỏ Hồng Loan nhập tâm rồi!”

Hồng Loan mau mắn nói:

“Nhập tâm nhằm nhò gì! Nghe bài hát Có Một Loài Chim Không Bao Giờ Bay  là mình liên tưởng nhiều đến anh Niên!”

Anh Chí Lô chêm thêm:

“Chim anh Niên là cỡ đại bàng diều hâu chớ gà tây nhằm nhò gì!”

Hì hì hì

Bạch Mai Anh nói “Thôi giờ mình chuẩn bị đi chơi Annapolis là vừa. Bốn giờ rồi. Xuống đó để những bạn từ xa đến như Tố Nga, Phạm Bích Lan có nhiều thời gian đi ngắm cảnh hơn.”

Đức Phúc nói:

 “Ủa? chứ không phải tất cả mọi người phải kể chuyện rồi mới đi sao? Bạch Mai Anh, Tố Nga, Phạm Bích Lan và anh Trang chưa kể nè!”

Tôi tố khổ thêm:

            “ Tuyết Lan cũng chưa kể!”

            Tuyết Lan lắc đầu:

 “Tuyết Lan biết gì mà kể !”

Tôi phản đối :

            “Tuyết Lan kể chuyện hay và có duyên thấy mồ . Bày đặt giấu nghề nữa !”

Mọi người nhao nhao:

            “Tuyết Lan không kể thì hát đi! Không hát thì múa ! Hay vừa hát vừa múa cũng được !”

Anh nguyễn đứng lên:

 “Mình cũng nên đi xuống Annapolis sớm để order bàn ăn.”

 Bọn con gái nhìn nhau ái ngại:

 “Thôi đi anh Nguyễn ! Mình ăn ở đây rồi về ! Ăn ở đó đắt lắm. CCH đông ngần này làm sao chịu nổi! Có nước mình đến đó chơi rồi tìm quán uống cà phê thôi.”

 Anh Nguyễn cười:

 “Không sao đâu ! Tất cả đi ăn Seafood. Đồ biển ở Annapolis rất ngon. Đời chỉ có một lần. Only once in a life time. Đừng lo lắng gì chuyện tiền bạc! Như chúng ta gặp nhau hôm nay rất vui. Phải nói là không có đồng Mỹ Kim nào có thể so sánh được với những tiếng cười của Chợ Chồm Hổm hôm nay đâu!”

Lời của anh khích lệ bọn con gái đứng lên lục đục xếp ghế lại. Tôi cũng đứng lên theo, hỏi Tuyết Lan:

“Cung Lan mặc như vậy được không Tuyết Lan? “

Tuyết Lan nhìn bộ đồ ống lửng của tôi, lắc đầu:

“Thôi đi ! Cung Lan chịu khó thay đồ đi để chụp với bạn bè làm kỷ niệm cho đẹp.”

“Nhỏ Tuyết Lan giống y chang bạn zàng khè Thùy My của nó, chuyên môn thích mình diện đẹp mới chịu!” Tôi thầm nghĩ vậy rồi hỏi Hồng Loan:

            “Ê, Hồng Loan, tao mặc như vậy được không?Tao làm biếng thay đồ quá!”

 “Theo tao thì được! Mà mày xấu ráng chịu!”

“Ô! Tao hiểu rồi! Tao phải đi thay đồ!”

Nhảy lên lầu, tôi lật đật thay chiếc váy dài rồi lần lượt theo mọi người ra khỏi nhà. Anh Liêm và Thùy My kiếu vì còn phải thăm con gái và bà con. Chúng tôi năm chiếc xe hướng về Annapolis.

Chúng tôi đã có một buổi tối khá thú vị.

Đậu xe xong, chúng tôi đi dọc theo con đường bộ hành lang thang trên phố. Buổi chiều thật yên ắng. Nắng vàng rớt trên mặt đường và nhạt nhòa trên những khu nhà và góc phố. Những cặp tình nhân thả bộ hai bên đường. Không khí mát rượi khiến tôi cảm thấy khoan khoái. Chúng tôi đã ghé thăm vài tiệm bán hàng ở đó rồi tấp vào những cửa hàng châu Á. Chúng tôi mua quà cho mình và cho nhau. Hội trưởng Bích Lan tặng tôi chiếc vòng tay được trang trí bằng những hạt cườm đen lấp lành rất đẹp. Khi chúng tôi quay trở lại quán đồ biển nơi mà anh Nguyễn đã lên lầu order bàn, nhóm Ngọc Hoa, Tố Nga vẫn chưa đến nên chúng tôi phải đứng chờ ngoài cổng. Anh Hiệp tình nguyện đi bộ đến bến cảng tìm. Lát sau anh trở lại với cả nhóm. Thì ra nhóm này ngồi đợi ngay bảng quảng cáo lớn, nơi cách tiệm khoảng 150 mét.









Chúng tôi có tất cả mười lăm người có thêm năm thành viên của gia đình của Tuyết Mai nữa thành hai mươi người tất cả. Số là Tuyết Mai đã mời cả nhà đi ăn chiều ở nhà hàng với nhóm cư ngụ trong nhà nàng trong thời gian Hội Ngộ VT-NTH 2011 như chị Tuyết Ba, Chế Hồng Loan, Đức Phúc và Xuân Mai nhưng vì anh Nguyễn hết lòng mời mọc nên tất cả đành tháp tùng luôn với việc làm ngoài dự định. Chúng tôi được hướng dẫn đến một góc riêng biệt của nhà hàng nơi có bốn chiếc bàn dài được xếp thành một hình vuông ngay ngắn. Quán ăn có khá nhiều thực khách trẻ trung với nhiều sắc dân khác nhau. Nhiều nhất là những thanh niên nam nữ da trắng. Tiếp đãi viên hầu hết là những ngườI trẻ. Họ tiếp chúng tôi hết sức niềm nở rồi vui vẻ trao cho chúng tôi những tấm thực đơn. Bọn con gái chúng tôi đọc các món thực đơn xong, đưa mắt nhìn nhau. Món nào cũng quá ư là đắt. Rẻ nhất cũng mười lăm hay mười tám Mỹ Kim. Có lẽ Ngọc Hoa và Tuyết Lan đã biết trước đây là quán đắt tiền, nên trước khi rời nhà tôi, hai nàng đã hết lòng năn nỉ anh Nguyễn đi ăn nhà hàng Buffet ở Virginia nhưng anh nhất định không nghe. Anh đã dùng câu Đời chỉ có một lần (Only once in a life time)để động viên chúng tôi đi. Tôi đã từng đi ăn nhà hàng Buffet ở Virginia, giá cả của nhà hàng ấy mềm mại và nhẹ nhàng hơn những con số trong bản thực đơn trước mặt chúng tôi rất nhiều.

Anh Nguyễn, có lẽ hiểu sự ngần ngừ của chúng tôi, giục chúng tôi chọn đồ ăn và thức uống để anh đặt với tiếp viên. Nhỏ Hồng Loan nghe theo lời anh, chọn một món rồi vô tư vô lự nói gì đó với anh và chị Tuyết Ba. Có lẽ nàng đã cắp đôi gì đó mà anh Nguyễn phì ra cười lớn và chị Tuyết Ba thì cười chúm chím không ngưng. Chỗ tôi ngồi,trước mặt tôi là  Ngọc Hoa và Tố Nga,  cạnh là anh Hiệp, Tuyết Lan, rồi Đức Phúc và Xuân Mai. Đức Phúc và Xuân Mai e dè chọn chung một món khai vị gì đó. Đức Phúc  nói thức ăn đắt quá còn Xuân Mai nói là vừa ăn quá no rồi. Anh Hiệp và đám đàn bà trong bàn của tôi, mỗi đứa chọn một món đồ biển khác nhau với giá tiền ít nhất bằng nhau. Ngọc Hoa chọn món sea food Jumbo xong, nói thì thầm với chúng tôi rằng: “Ăn món này, tối nay về ngủ bình yên. Anh Nguyễn rộng rãi thì rộng rãi, mình cũng tính toán vừa phải. “

Phương thức chọn món ăn của Ngọc Hoa quả là hợp tình hợp lý bởi vì không những nàng lo lắng đến số tiền của anh Nguyễn khoản đãi còn suy nghĩ đến món Sea Food Jumpo, một món ăn đặc thù của Ý, quê hương yêu dấu của Sophia Lauren, nhân vật mà nàng đóng vai cho màn hóa trang của đêm Hội Ngộ VT-NTH Nha Trang 2011.

Đặt thức ăn vừa xong, chúng tôi có ngay món khai vị. Bánh mì và bơ đều ngon nên ai nấy thưởng thức tận tình như đang ăn món chính. Đến khi món chính được bày ra thì người nào người nấy nhìn nhau ngao ngán. Đĩa nào cũng to và đầy ắp thức ăn với đủ màu sắc khác nhau. Trong lúc chúng tôi háo hức các món của mình và chia nhau nếm thử, Ngọc Hoa ngao ngán nhìn món của nàng khiến Tuyết Lan chọc: “Sophia Lauren mà nhìn món ăn Ý một cách sợ sệt như vậy thì quả là Sô Phi A Lò Rèn thật rồi! “

Chúng tôi chia sớt, san sẻ nhau thức ăn để nếm thử nhưng vẫn không làm sao ăn hết phần ăn của mình.  Tố Nga và Ngọc Hoa gọi người phục vụ xin vài cái hộp giấy để lấy thức ăn về cho tôi. Ngọc Hoa là vậy! Đến nhà nàng ăn tiệc, nàng cũng thường để dành thức ăn cho mấy đứa con của tôi và bắt tôi đem về. Vẫn như những lần khác, tôi không từ chối. Tôi biết những thức ăn cầu kỳ này không hợp với khẩu vị của chúng tôi, những người quen ăn với thức ăn Việt Nam, nhưng chắc chắn con của tôi rất thích.

Bỏ thức ăn vào xe xong, vợ chồng tôi tháp tùng theo đám bạn  hướng về phía cảng.Theo bước anh Nguyễn và chị Tuyết Ba, hai người đang đi đầu, chúng tôi như một đoàn bộ hành thư thả dạo bờ . Những con thuyền trắng đang im lìm trên sóng nước cho tôi một cảm giác an nhàn và thư giản. Cả đám đang bước bỗng khựng lại theo dấy tay của Hồng Loan. Con nhỏ thì thầm:

“Ê tụi mày! Đi chậm lại đi! Xa 'đôi trẻ' có họ có cơ hội tâm sự!”

Ngọc Hoa nói:

 “Hay là tụi mình trốn đi để hai người không thấy mình rồi họ muốn đi đâu thì đi.”

Hồng Loan gật đầu:
 
“Ừ phải đó! Giờ kiếm chỗ trốn nhen tụi bây.”

Con nhỏ vừa dứt lời, cả bọn mạnh ai nấy chạy tìm chỗ nấp. Tôi chạy tới chiếc xe hơi đậu gần đó, ngồi thụp xuống cạnh Ngọc Hoa trong lúc Đức Phúc đu sau đuôi chiếc xe mà chúng tôi đang núp. Cảnh tượng lạ lùng khiến cho mấy người ngồi trong chiếc thuyền trắng cập gần đó phải trố mắt nhìn. Chuyện trốn để đôi trẻ tự do trò chuyện không hiệu lực khi mà anh Trang và Phạm Bích Lan không hề hay biết gì về kế hoạch của chúng tôi và vẫn đi tà tà sát bước với anh Nguyễn và chị Tuyết Ba. Nhỏ Hồng Loan biết trò chơi không hiệu lực, ra khỏi chỗ trốn lấy máy hình chụp chúng tôi. Nó vừa bấm máy vừa chọc ghẹo:

            “Để tao chụp hình tụi bay đang ỉ...vất!”

Chúng tôi lò mò ra khỏi chỗ núp, hăm dọa nó sẽ tố khổ với bác sĩ Dậu chuyện nó ững chư quư ư , nó mới chịu để yên. Trời càng tối, không khí càng mát rượi và khung cảnh thật an bình. Chúng tôi sắp đặt kiểu cho đôi trẻ Nguyễn và Tuyết Ba ngồi để chúng tôi chụp hình. Sau đó chúng tôi chụp hình chung nhau thành nhóm trước khi chia tay ra về.

Tôi cảm thấy bùi ngùi vì cuộc vui chóng tàn.Mới hôm nào còn lo lắng chuyện tổ chức Hội Ngộ mà hôm nay Hội Ngộ đã trôi qua. Ngày mai đây chúng tôi mỗi người trở về vớI công việc của mình với cuộc sống thường nhật. Ôm từng người và nói lời chia tay, tôi cảm thấy xúc động. Ngày mai chúng tôi sẽ gặp nhau trong diễn đàn CCH hay VT-NTH, sẽ đùa giỡn thăm hỏi nhau nhưng cái giây phút gặp nhau bằng xương bằng thịt vẫn là quý giá.

Trên đường về, tôi nhẩm rằng trong những lần Hội Ngộ VT-NTH nhóm Chợ Chồm Hổm(CCH) chúng tôi thường có bốn ngày từ thứ năm đến chủ nhật.Trưa ngày thứ năm luôn là thời gian chúng tôi bay đến phi trường nơi có tổ chức Hội Ngộ như California, Texas, hay Virginia.Tối ngày thứ năm luôn là ngày tiền Hội Ngộ của VT-NTH trong lúc thành viên của Chợ Chồm Hổm(CCH) họp mặt tại một nhà nào đó của thành viên chợ như nhà cháu của Minh Trang hay nhà Ngọc Hoa. Sáng thứ sáu, chúng tôi thường ăn uống nơi thương xá như ở Grand Century Mall của San José hay Eden của Virginia. Tối thứ sáu thành viên của Chợ Chồm Hổm(CCH)  dự Hội Ngộ chính thức của hai trường Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang. Sáng thứ bảy, thành viên  của Chợ Chồm Hổm(CCH) dự picnic của Hội Ngộ VT-NTH. Chiều tối thứ bảy, thành viên của Chợ Chồm Hổm(CCH) tham dự dancing club hay dạ vũ. Sáng chủ nhật thành viên  của Chợ Chồm Hổm(CCH) tụ họp tại nhà của một thành viên nào trong chợ như nhà của Tố Nga hay Cung Lan) Tối chủ nhật , thành viên  của Chợ Chồm Hổm(CCH) lang thang tìm quán uống cà phê và chia tay.

Về nhà trời khá khuya, Đức Phúc nói tiếc là chưa thưởng thức được món ăn bún riêu của tôi làm tôi muốn khóc. Trong khi chị Lý, chị của Đức Phúc nấu bún riêu tôm hùm rất sang ở nhà chị Linh Đỗ thì nhỏ Đức Phúc chẳng màng, chỉ bám theo bạn của nàng để ước được món bún riêu nấu nước me. Minh, con tôi nghịch ngợm hỏi tôi rằng bố mẹ đi ăn ở nhà hàng Buddy's Crabs and Cribs ở Annapolis phải không. Tôi ngạc nhiên hỏi sao nó biết và nó nói là nó đã đi đến đó ăn rồi. Rõ ràng là các con của tôi đã có thời gian vui vẻ với bạn bè nhiều chỗ mà tôi chưa hề biết đến. Phải chăng ở lứa tuổi nào cũng cần có bạn bè để vui chơi? Tối đến tôi ngủ mà ôm cả hình ảnh của từng người bạn vào trong trái tim mình. Tôi thầm cầu nguyện cho chúng tôi luôn được dồi dào sức khỏe để còn thăm nhau và vui vẻ bên nhau. Chồng tôi luôn miệng khen ngợi tính hào phóng của anh Nguyễn, máu hài của các anh Chí Lô, anh Liêm, và anh Niên. Anh đặc biệt thích anh Trang chồng của Phạm Bích Lan nên hỏi tôi hoài về anh Trang nhưng tôi thật tình không hề rõ tiểu sử của anh Trang cũng như các anh chàng rể của Chợ Chồm Hổm(CCH). Tôi chỉ biết rõ ràng là thành viên Chợ Chồm Hổm(CCH)  dễ thương thì tất nhiên bạn bè, dâu hay rể của CCH cũng dễ thương luôn.

Cung Thị Lan

No comments:

Post a Comment