Ông Nội Cung Quang Bào
Ông nội của tôi qua đời từ lâu lắm! Tính từ ngày ông tạ thế đến ngày tôi sinh ra đời là khoảng 20 năm. Tôi không được may mắn sống chung với ông nội như những bạn bè cùng trang lứa, nhưng những câu chuyện về ông luôn được bà nội, các bác, các cô và các chú của tôi kể đi kể lại nhiều lần khiến tôi tưởng như mình đã từng sống với ông khi ông còn sinh thời.
Ông nội Cung Quang Bào
Ông nội tôi là
một nhà giáo chân chính mà bất cứ người nào đã từng tiếp xúc, cũng nể phục. Vì
không có bằng Thành Chung ông đã khởi nghiệp giáo từ chức vụ trợ giáo tạm tuyển
(Instituteur Temporaire) theo nghị định 1/6/1906 tại Hội An. Sau đó ông đã kiên
nhẫn theo đuổi ngành giáo từ xếp hạng trợ giáo hạng tư theo nghị định 1/1/1909 khi
đổi đến Huế 1/11/1907, rồi thăng chức trợ giáo hạng ba (12/9/1908) khi nhận nhiệm
vụ tại Đà Nẵng (12/5/1907), sau đó ông lại chuyển ra Huế làm tại Văn Phòng Giám
Đốc 15/2/1911. Một thời gian sau, ông làm trợ giáo hạng hai (18/7/1910), dạy lớp
hương sư (thầy giáo trường làng thời Pháp thuộc) ở Huế (3/5/1912). Rồi ông được bổ làm trợ giáo hạng nhất (12/7/1912) và
ra Thanh Hóa từ 13/2/1913.
Với tinh thần tự học không ngừng để được thăng tiến, ông tiếp tục từ chức hương giáo hạng sáu (14/7/1917) ở Đà Nẵng lên đến hạng năm (25/8/1917) rồi làm hiệu trưởng Phan Rang (29/8/1919). Sau đó, ông tiếp tục đạt hạng năm(29/8/1920) để đổi về Nha Trang. Kế đến, ông tự học hạng tư (29/6/1923) đổi ra Vĩnh Phú Ninh Hòa làm hiệu trưởng trường tiểu học Ninh Hòa cho đến 1/7/1926.
Rồi ông tiếp tục từ hạng ba (4/9/1924),
đến hạng hai (1/1/1930) ra Vạn Ninh làm hiệu trưởng từ 12/9/1930, sau đó được
chuyển công tác về lại Nha Trang. Tại Nha Trang, ông đạt đến hạng nhất (1/1/1936)
và làm hiệu trưởng tiểu học Pháp Việt cho đến lúc mất. Bởi ông từng là hiệu
trưởng của nhiều trường như trường tiểu học Phan Rang, trường tiểu học Ninh
Hòa, trường tiểu học Vạn Ninh và trường tiểu học Nha Trang, mọi người thường
gọi ông là ông Đốc Bào. Là người trách nhiệm với vai trò giáo dục của mình, ông
Đốc Bào không ngừng tự học để trau dồi chuyên môn để làm gương cho năm đứa con
trai mà còn là trụ cột của gia đình với một vợ và chín người con nheo nhóc.
Tôi
thường mơ màng nghĩ đến sự làm việc cực khổ của ông trong tình trạng vừa học vừa
làm vừa lo cho vợ con rồi thảng thốt nhớ đến ngôi nhà kiểu Pháp, mái ngói với
trần nhà thoáng đãng, với điểm nhấn bằng những vòm tròn ở hàng hiên, được bao bọc
bởi tường cao cổng kín mà ông đã tạo dựng rồi buột miệng hỏi các cô:
“Hồi
xưa ông nội đi dạy, chuyển từ nơi này sang nơi khác hẳn là rất cực khổ, một
mình cưu mang cả gia đình 10 người mà sao xây được căn nhà lớn sang đẹp như vầy
hả cô?”
“Ông
nội tằn tiện lắm con à! Hồi còn ở Ninh Hòa, nghe đất Nha Trang rẻ ông lấy tiền để
dành mua một khu đất ở đường Hoàng Tử Cảnh. Đến khi biết gần chuyển về Nha
Trang dạy, ông bán khúc đầu của miếng đất cho ông chủ hãng Xà Phòng Việt Nam, rồi
bán khúc cuối cho bà Vạn Bửu. Hai người này mua đất xong xây từng gian nhà cho
thuê. Còn ông mình lấy tiền bán đất xây một ngôi nhà bề thế có vườn xung
quanh.”
Tư gia Cung Quang
Bào( Hình chụp năm 1936)- 18 Hoàng Tử Cảnh Nha Trang-
Sau đổi thành 24 Hoàng Tử Cảnh Nha Trang (Đối
diện Hương Hương cà phê)
rồi
đổi thành 60 Hoàng Tử Cảnh Nha Trang- Nay là 60 Hoàng Văn Thụ Nha Trang
Tôi hào
hứng nói:
“Ông
nội hay thật! Nhờ ông thích như thế mà nhà mình trông sang trọng và đặc biệt hơn
các nhà trong xóm. Trong khi căn nhà của bác Lưu Trọng Trú có vườn hoa nhỏ và các
nhà quanh đây xây ngăn từng gian thì nhà mình có một khu vườn rộng đầy đủ loại
ăn trái như là dừa, ổi, mãng cầu, Sa Bu Chê, Ô Ma, khế ngọt, khế chua, mận, vú
sữa, lựu, nhãn, mãng cầu, cau, các khóm thơm và các loại hoa đủ màu đủ sắc nữa!”
“Bấy
nhiêu nớ mà thấm chi! Ngày ôn còn sống, ôn còn cho người làm trồng đậu phọng và
đủ thứ loại rau nữa thê!”
“Dạ
con đã nghe và biết rồi!”
Tôi
đã nói câu này với nụ cười ý nhị. Tôi biết nếu tôi không nói như thế, tôi sẽ
nghe kể lại hàng tá những câu chuyện về những người làm phụ ông nội trồng trọt
chăm sóc khu vườn và tính tình kỳ lạ của từng người.
Mặc
dù phải nuôi chín người
con( một người con yểu mệnh chết
trẻ), ông nội tôi còn cưu
mang thêm ba, bốn người ăn kẻ ở trong gia đình. Vốn tính thương người, ông đã
đưa những thiếu niên nam côi cút, không nơi nương tựa từ Huế về Nha Trang sống chung
trong gia đình. Ông phân cho họ phụ giúp công việc nhà, vườn tược hay đánh xe
chở ông đi làm. Đến mùa thu hoạch rau đậu, hoa quả ông sai họ đem ra chợ bán rồi
lấy tiền thu nhập chi trả cho phần nào chi tiêu trong gia đình. Có một chú người
làm rất mê cờ bạc. Mỗi lần
bán hoa quả xong, chú thường lấy tiền chơi cờ bạc. Hên thì gỡ chút tiền đem về,
xui thì mất trắng.Có lần chú thua hết sạch cả tiền bán hoa quả, về nhà chỉ còn
cái thúng không. Tra hỏi chuyện xong, ông nội không đánh nhưng bắt cởi truồng và
bôi vôi. Từ đó chú ấy không dám cờ bạc nữa. Các cô tôi kể rằng ông nội có dáng
vẻ uy nghiêm nên ai cũng sợ. Một lời ông phán là lệnh. Ai bất tuân ông dọa đuổi
ra khỏi nhà không nuôi dưỡng nữa. Những người làm rất sợ ông nhưng luôn luôn
trung thành và vâng lời ông chỉ bảo bởi họ biết ông nội thực sự xem họ như con
nuôi. Thời ấy, cưu mang một người không phải là chuyện dễ dàng. Thế mà với số
lương ít ỏi của nghề dạy học cộng thêm chút ít lợi tức từ vườn rau quả trong
nhà, ông nội tôi cố gắng nuôi dạy họ từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Ông
còn đích thân đi cưới vợ cho họ với mâm lễ đầy đủ.
Riêng
đối với những người con trai ruột của mình, ông đã đặt một quy tắc với sự kiên
quyết rằng: Đã học thì phải thi đậu! Nếu học mà thi không đậu thì phải “khăn
gói quả mướp” mang gạo và muối ra khỏi nhà rồi đến cái chòi trong mảnh đất rẫy ở
Đồng Đế (nơi ông nội tôi tậu được trong thời gian đi dạy các nơi) mà lo học cho
đến mùa thi khác thi đậu mới được về ở nhà. Bác Cung Giũ Nguyên thi kỳ nào đậu
kỳ đó nên bác không bao giờ bị cảnh xách gạo muối ra khỏi nhà trong khi bác
Cung Giũ Hùng học không kém bác Cung Giũ Nguyên nhưng mấy phen thi cử cứ trầy
trật lên xuống cho nên thường phải đi đến rẫy Đồng Đế ở để “trau dồi kinh sử”
trước khi thi tiếp. Chuyện này tôi thường nghe kể nhiều lần với những tiếng thở
dài của các cô kèm theo câu “Học tài thi phận”.
Sau
đó, những câu chuyện tiếp theo đã cho tôi biết thêm là “Người hay thi đậu lại
kiếm tiền ít hơn người thi đậu khó khăn!” Các cô kể rằng bác Cung Giũ Hùng tuy thi rớt nhiều lần nhưng sau này khi ra trường
lại kiếm tiền nhiều hơn bác Cung Giũ Nguyên. Nhờ kiếm khá nhiều tiền, bác Hùng
đã giúp đỡ bà nội và đại gia đình rất nhiều sau khi ông nội mất.
Ông
nội của tôi mất vào năm 1936, đúng 51 tuổi. Lúc ấy bác cả Cung Giũ Nguyên 26 tuổi,
cô Cung Thị Bích 24 tuổi, bác Cung Giũ Hùng 21 tuổi, ba tôi Cung Giũ Trâm 15 tuổi,
cô Cung Thị Khánh 13 tuổi, chú Cung Giũ Phú 11 tuổi, chú Cung Giũ Hốt 9 tuổi,
Cung Thị Anh 7 tuổi và cô út Cung Thị Ưng 3 tuổi.
Từ trái sang: Chú Cung Giũ Hốt, bà cố nội
(mạ của ông nội từ Huế vào Nha Trang đưa đám ma con),bác Cung Giũ Hùng che nắng
cho bà cố, bác Cung Giũ Nguyên và chú Cung Giũ Phú.
Sau khi an táng ông nội tôi tại Mả
thánh Vườn Dương trong khu Phước Hải xong,
bà nội tôi đối diện với tình cảnh hết sức khó khăn. Vốn là trưởng nữ của quận
công An Thành Hồng Ngọc và cháu của An Thành Vương Miên Lịch (Con út của vua
Minh Mạng) xuất thân từ hoàng tộc trâm anh khuê các chưa từng làm ăn kiếm sống
bà nội không biết xoay sở thế nào để nuôi cả đàn con thơ dại. May mắn cho bà nội
tôi là hai bác Cung Giũ Nguyên và Cung Giũ Hùng chung vai gánh vác trách nhiệm
đối với gia đình trong việc giúp đỡ bà nội trang trải các chi phí cho gia đình đồng
thời chăm sóc dạy dỗ các em. Sau khi hai bác Cung Giũ Nguyên và Cung Giũ Hùng lập
gia đình, hai bác còn tiếp tục chu cấp cho hai chú Cung Giũ Phú và chú Cung Giũ
Hốt ăn học thành tài cho đến lúc cả hai chú cùng tập kết ra Bắc năm 1954.
Vào khoảng năm 1958- 1959, khi chủ
đất khu nghĩa trang Mả Thánh Xóm Dương của khu Phước Hải yêu cầu thân nhân của
các mộ phần di dời mộ của người quá cố đến các nghĩa trang khác để họ sử dụng đất
về việc gì đó. Bà nội tôi đã hội luận các bác, các cô chú trong gia đình chuyện
cải táng mộ ông nội và tất cả mọi người đều đồng ý cải táng mộ ông nội đến
nghĩa trang Phật Giáo tại Đồng Đế Nha Trang. Ngày bốc mộ di quan, lễ nghi đầy đủ
không khác gì lúc an táng. Chỉ khác là cách đó 23 năm người ta hạ chiếc quan
tài của ông nội tôi xuống huyệt thì bấy giờ những người bốc mộ đưa chiếc quan
tài của ông tôi từ lòng đất lên trên mặt đất. Khi chiếc quan tài của ông tôi được
nhấc ra khỏi huyệt, mọi
người thấy dưới đáy huyệt là một vũng nước đọng nên thảng thốt kêu lên “Mộ kết!
Mộ kết nước!”
Người rành phong thuỷ cho biết là
khi mộ của người quá cố kết nước như mộ của ông nội tôi thì con cháu được phù hộ
ăn nên làm ra, sung túc và phát đạt. Thực sự, đúng như họ nói! Từ khi ông nội
tôi qua đời, các bác, các cô chú làm ăn phát đạt, học hành tấn tới, luôn thăng
tiến và may mắn. Bác Cung Giũ Nguyên sau một thời gian giảng dạy ở các trường
trung học trong thành phố Nha Trang, được bổ nhiệm thành hiệu trưởng của trường
bán công Lê Quý Đôn Nha Trang. Ngoài ra bác đã trở thành nhà văn nổi tiếng sau
khi cuốn tiểu thuyết Le Fils De La Baleine của bác ra đời. Bác Cung Giũ Hùng được
bổ nhiệm là quản đốc đầu tiên của auto bus Sài Gòn. Vợ chồng cô Bích làm ăn ổn
định trong Sài Gòn. Ba tôi là nhân viên cho sở Hỏa Xa Nha Trang. Cô Khánh buôn may
bán đắt các loại hàng xén trong sạp chợ Đầm. Vợ Chồng cô Anh có tiệm sơn mài
phát đạt tại khu phố Độc Lập Nha Trang. Với đời sống kinh tế ổn định, các bác
chung tay góp sức xây dựng căn nhà của ông nội ngày càng đẹp đẽ và sang trọng.
Bác Hùng mua tặng bác Nguyên một chiếc xe ô tô màu đen và bác Nguyên cho xây
ga-ra để chứa xe(1).
Cô Anh lấy chồng, ở riêng nhưng thường về nhà thơm thảo tiền quà cho bà nội đồng
thời hỗ trợ cô Khánh giúp đỡ bà nội và cô Ưng sống trong cảnh an nhàn, thư thái.
Lúc bấy giờ, người rành phong thuỷ
đã chép miệng than “Uổng quá!” khi cải táng mộ kết của ông nội tôi. Mọi người
nói không mấy khi thấy kiểu mộ kết như thế mà đành phải phá đi. Khi chiếc quan
tài an vị trên mặt đất để chuẩn bị khuân đi, vũng nước đọng ở dưới đáy từ từ
trào ra khỏi huyệt mộ tràn ra ngoài lênh láng. Người chứng kiến cho rằng điềm chẳng lành. Những gì
may mắn trước đó sẽ bị trôi như những giòng nước đang chảy. Những người không mê
tín dị đoan dùng lý luận khoa học cho rằng mộ ông nội tôi chôn ngay khu đất
trũng nơi có mạch nước ngầm. Khi mạch nước ngầm bị phá vỡ bởi chuyện bốc mộ nước
thoát ra tràn lai láng là chuyện bình thường.
Thế nhưng chuyện không bình thường
đã xảy ra sau đó như tiên liệu của những người bốc mộ. Cô Bích mất (1958). Ba
tôi qua đời (1960). Bác Nguyên bị cô học trò thưa kiện (1959). Bác Hùng bị cách
chức không còn làm giám đốc (1961)
Dù sao chăng nữa mọi người trong
gia đình an tâm khi thấy ngôi mộ mới của ông nội ngự trị ở nơi cao ráo thuận tiện
trong khu nghĩa trang Phật Giáo và tin tưởng mọi sự sẽ thay đổi theo hướng tốt
đẹp sau đó. Thế nhưng, biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã gây cho gia đình nội tôi
có sự thay đổi lớn. Trước khi Sài Gòn thất thủ, gia đình bác Hùng đáp máy bay
sang Mỹ theo sự bảo lãnh hết sức cấp thiết của con gái. Từ Bắc, hai chú Cung
Giũ Phú và Cung Giũ Hốt đưa gia đình về Nha Trang sống ở nhà do Nhà Nước cấp. Sau
phong trào đánh Tư Sản Mại Bản của chính quyền mới, gia đình cô Anh trốn ra nước
ngoài bằng đường biển và định cư tại Pháp. Cô Khánh bán vặt vãnh số hàng tồn một
thời gian ở chợ Đầm rồi chuyển sang làm bánh bán lẻ. Bác Nguyên nghỉ dạy thất
nghiệp, ở nhà không giao tiếp ai. Căn nhà của ông nội đổi địa chỉ thành 60
Hoàng Văn Thụ bao trùm một không khí nặng nề và buồn bã. Bà nội cố gắng giữ
phong thái điềm tĩnh và khoan thai như đã từng nhưng đôi mắt lo lắng và những
cái trầm ngâm bất chợt không thể che giấu được nỗi lo buồn và mất mát. Cuộc đời
thật trớ trêu! Trong lúc sự khao khát gặp lại hai đứa con xa cách 30 năm thì bấy
giờ bà nội lại mất đi hai người con hiếu thảo từng cưu mang thơm thảo phụ trợ
tài chính cho bà gần hơn 40 năm trời.
Dù sao chăng nữa bà nội vẫn tiếp
tục làm tròn bổn phận đối với người chồng quá cố. Đối với bà ngày 13 tháng 11,
ngày giỗ ông nội (Người Huế gọi là ngày kỵ) là ngày trọng đại chẳng khác gì
ngày Tết Nguyên Đán. Hơn thế nữa, bà nội thường chuẩn bị tươm tất những món ăn
mà ông nội thích. Bà đích thân làm tỉ mỉ các món bánh đậu xanh, đậu ngự, bánh hạt
sen, bánh bó mứt, bánh lá và chả tôm. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đám giỗ ông
nội vẫn đầy đủ và thịnh soạn. Các món ăn như súp măng cua, vịt tiềm, chả lụa,
nem chua, chả ram, soup bóng heo, vi cá vẫn đủ vị và ngon tuyệt chẳng khác gì
trước đó. Bà nội giỏi tính lại được cô Khánh sát cánh phụ trợ tự làm tất cả những
món ăn cho nên những ngày giỗ của ông nội luôn luôn đầy màu sắc, trông rất ngon
lành và phong phú. Bà nội đã làm tròn bổn phận người vợ tốt và giỏi cho đến
ngày từ giã cỏi trần (23/8/1984). Gia đình đã an táng bà cạnh mộ ông nội tại
nghĩa trang Phật giáo Đồng Đế Nha Trang.
Năm 1988, chính quyền mới yêu cầu
giải tán nghĩa trang Phật Giáo Nha Trang nên gia đình nội tôi quyết định hỏa
thiêu hài cốt của ông nội, bà nội, ba tôi, cô Bích, cùng bà dì bà Vú rồi an vị trên
chùa Hải Đức ngay chân tượng phật trắng trên chùa Long Sơn.
Cô
Cung Thị Khánh và Cung t Lan trước mộ ông nội trong ngày hỏa táng 8/6/1988
Sau ngày ấy, các chú, các bác,
các cô của tôi lần lượt qua đời. Mỗi lần đến nhà từ đường thắp 10 nén hương cho
ông bà và các cô bác lòng tôi thấy đau nhói. Tôi nhớ cảnh bà con cô bác xum họp
trong những ngày Tết Nguyên Đán, trong những ngày giỗ. Tôi nhớ từng người thân
thương với những đức tính quý giá. Tình gia đình, lòng thương yêu, sự đoàn kết,
ý thức chung lưng gánh vác, tinh thần chia sẻ trách nhiệm là những mấu chốt
giúp cho tình cảm của đại gia đình gắn bó keo sơn, không gì có thể suy suyển.
Bác Nguyên, chú Hốt , Cô Khánh và cô Ưng
Trước đây, tôi không hiểu vì sao chú Cung Giũ Hốt gửi cho
tôi một bức thư dài 14 trang kể tỉ mỉ gia phả họ Cung khi chú sang Memphis Tennessee
thăm con cháu. Bây giờ đọc kỹ lý lịch của
ông nội, tôi thầm biết ơn chú Hốt đã kiên nhẫn giải thích cho tôi qua bức thư
khá dài kèm theo cuốn sách Hồng Tộc đầy chi tiết quan trọng.
Qua kiến thức thu
thập được, tôi cảm thấy tự hào khi được là hậu duệ của một giòng họ hết sức cần
cù, nhẫn nại, chịu khó và thông minh. Sơ Khảo Hồng Tộc của chú Cung Giũ Hốt cho
tôi biết ông nội Cung Quang Bào đã được thưởng nhiều bằng khen như: Giáo Dục Bội
Tinh (Medaille de L’Imstruction Public) 31/3/1927, Long Bội Tinh (Chevalier du
Dragon de La’Annam) 07/4/1934 và Hồng Lô Tự Thiếu Khanh (1/1936)
Theo cuốn sơ thảo Hồng tộc phổ hệ
Chi Dũ Hốt của chú Cung Giũ Hốt còn có tên Nguyễn Văn Hùng (chú đổi tên họ sau
khi ra bắc tập kết) ông nội Cung Quang Bào được vua Bảo Đại sắc phong vào ngày 28 tháng Giêng, 1929.
Bản Sắc Phong
Bản Sắc Phong được dịch giả Đỗ Văn Khoái dịch như sau:
Vâng
theo mệnh trời để hưng vận nước,
Hoàng
đế ban chiếu rằng:
Trẫm
nghĩ,
Giáo
hóa dân là do việc học,
Quốc
gia được nương nhờ là ở chỗ chấn hưng việc dạy người;
Trị
việc cần ở chỗ siêng năng,
Sáng
tỏ rực rỡ ở phép thường.
Ngày
đẹp thực là hòa hợp,
Chiếu
vua vừa lúc ban ra.
Này
người Giáo học Hồng Quang Bào - Thị
giảng học chánh tòa, hạng 2.
Ông
là người văn học đủ để quan chiêm,
Tài
khí có thể trưng dụng.
Đã trải
qua 4 lần thử sức,
Âu
Văn Chinh đề bạt sắp xếp vào nơi to lớn.
Lâu
ngày tham dự vào học chánh,
Thanh
danh tin thực truyền xa,
Ngày
đêm cần mẫn.
Mưa Mỹ
gió Âu dẫn nguồn văn nơi biển học;
Trâm
vàng thước ngọc dự danh giá chốn rừng Nho.
Một
thời được mô phạm chỗ phân ty;
Nhiều
kẻ sĩ được nương nhờ dạy giỗ.
Khen
công tích tốt,
Niêm
yết tại đình.
Nay đặc
chuẩn thăng thụ Phụng nghị đại phu Hàn lâm viện Thị độc,
Ban
cho cáo mệnh.
Mong
rằng vinh hiển này được nương nhờ rộng,
Ngày
càng thêm lớn.
Điểm
xuyết hoa trong nước,
Mãi
còn thừa ơn mưa móc;
Thế
giới văn minh càng tiến hội phong trào.
Ta rất
làm vui,
Để lại
lời văn muôn đời.
Hãy
kính cẩn tuân theo!
Ngày
28 tháng Giêng,
Năm Bảo
Đại 5 (1929).
Dấu triện: Sắc mệnh chi bảo.
Người dịch: Đỗ Văn Khoái
Ngày nay, kỷ vật mà ông nội tôi để lại trên dương thế là căn nhà từ đường của chính ông tạo nên bằng công sức và tinh thần kiên trì trong việc học và làm. Căn nhà từ đường là kỷ vật chứa đựng biết bao nhiêu công sức và sự làm việc nhọc nhằn của ông, được tồn tại qua bao nhiêu năm tháng bởi sự thông minh, lương thiện thật thà và tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của những người con của ông.
60 Hoàng Văn
Thụ Nha Trang (Sau năm 1975)
Tôi
hy vọng căn nhà của ông nội tôi tiếp tục sẽ là nơi góp sức của
tinh thần đoàn kết và thương yêu của con cháu trong các thế hệ nối tiếp. Riêng
bản thân tôi, tôi cảm thấy mình được một ân huệ rất lớn là kế thừa gien di truyền phẩm
cách tốt đẹp của ông. Đức tính chăm chỉ và siêng năng đã giúp tôi thành công
trong cuộc sống của mình. Trùng hợp thay, tôi cũng đã có một quá trình giảng dạy
khá phức tạp nhưng thành công chẳng khác gì ông nội. Được bấy nhiêu đó, tôi đủ
mãn nguyện rồi.
Cung Thị Lan
(Nhân ngày kỵ của ông nội 13/11/2019)
Ghi
Chú (1) Trong lá thư cuối cùng (2008) bác Cung Giũ Nguyên đã viết về Chuyện Một Chiếc Xe Cũ như sau:
Một
ngày tháng 6 năm 1956. Một tài xế
lái chiếc xe Citroen 4 cửa, thứ 11 CV, tuy vỏ cũ nhưng chạy còn tốt. Anh tài đã
lái từ Sài Gòn ra mà chẳng có lôi thôi gì về máy móc. Anh tài có nhiệm vụ đem
chiếc xe ấy cho tôi, của ông Cung Giũ H., em trai tôi, lúc bấy giờ làm Giám đốc
Công quản Xe Công Cộng Sài Gòn Chợ Lớn, sau khi đã làm Giám đốc Sở Nhân viên của
Sở Hoả xa Đông Dương, một món quà mà có quá nhiều xe dùng không hết. Ông tài xế
trao cho tôi sổ đăng ký xe NBD 277 và quyển sổ đăng ký sở hữu của xe ấy là Cung
Giũ H. và Nguyễn Thị Lang Tr. Tài xế không cần nói, tôi phải hiểu ngầm tôi sẽ
làm các thủ tục để giấy xe và quyền sở hữu thuộc về tôi theo những luật lệ của
nhà nước.
Thế là tôi có một cái ô tô, tuy cũ cũng là xe hơi!
Vào những năm 1956, chỗ tôi ở còn thanh tịnh, người dân không cần ai nhắc đến nhắc lui mà cũng chẳng giúp ích gì vì đường phố luôn luôn sạch sẽ và thứ tự. Xe hơi đậu trước nhà của chính mình không gây phiền hà hay khó chịu cho ai cả. Nhưng tôi cần có “nhà để xe” để tránh việc phá phách xe và để cho xe có nơi đậu nhất định trong vườn nhà.
Thế là tôi có một cái ô tô, tuy cũ cũng là xe hơi!
Vào những năm 1956, chỗ tôi ở còn thanh tịnh, người dân không cần ai nhắc đến nhắc lui mà cũng chẳng giúp ích gì vì đường phố luôn luôn sạch sẽ và thứ tự. Xe hơi đậu trước nhà của chính mình không gây phiền hà hay khó chịu cho ai cả. Nhưng tôi cần có “nhà để xe” để tránh việc phá phách xe và để cho xe có nơi đậu nhất định trong vườn nhà.
No comments:
Post a Comment