Thursday, March 19, 2020

Ông Nội Cung Quang Bào- tác giả Cung Thị Lan


Ông Nội Cung Quang Bào

Ông nội của tôi qua đời từ lâu lắm! Tính từ ngày ông tạ thế đến ngày tôi sinh ra đời là khoảng 20 năm. Tôi không được may mắn sống chung với ông nội như những bạn bè cùng trang lứa, nhưng những câu chuyện về ông luôn được bà nội, các bác, các cô và các chú của tôi kể đi kể lại nhiều lần khiến tôi tưởng như mình đã từng sống với ông khi ông còn sinh thời.

                                                                           Ông nội Cung Quang Bào

Ông nội tôi là một nhà giáo chân chính mà bất cứ người nào đã từng tiếp xúc, cũng nể phục. Vì không có bằng Thành Chung ông đã khởi nghiệp giáo từ chức vụ trợ giáo tạm tuyển (Instituteur Temporaire) theo nghị định 1/6/1906 tại Hội An. Sau đó ông đã kiên nhẫn theo đuổi ngành giáo từ xếp hạng trợ giáo hạng tư theo nghị định 1/1/1909 khi đổi đến Huế 1/11/1907, rồi thăng chức trợ giáo hạng ba (12/9/1908) khi nhận nhiệm vụ tại Đà Nẵng (12/5/1907), sau đó ông lại chuyển ra Huế làm tại Văn Phòng Giám Đốc 15/2/1911. Một thời gian sau, ông làm trợ giáo hạng hai (18/7/1910), dạy lớp hương sư (thầy giáo trường làng thời Pháp thuộc) ở Huế (3/5/1912). Rồi ông được bổ làm trợ giáo hạng nhất (12/7/1912) và ra Thanh Hóa từ 13/2/1913.

Với tinh thần tự học không ngừng để được thăng tiến, ông tiếp tục từ chức hương giáo hạng sáu (14/7/1917) ở Đà Nẵng lên đến hạng năm (25/8/1917) rồi làm hiệu trưởng Phan Rang (29/8/1919). Sau đó, ông tiếp tục đạt hạng năm(29/8/1920) để đổi về Nha Trang. Kế đến, ông tự học hạng tư (29/6/1923) đổi ra Vĩnh Phú Ninh Hòa làm hiệu trưởng trường tiểu học Ninh Hòa cho đến 1/7/1926. 




Rồi ông tiếp tục từ hạng ba (4/9/1924), đến hạng hai (1/1/1930) ra Vạn Ninh làm hiệu trưởng từ 12/9/1930, sau đó được chuyển công tác về lại Nha Trang. Tại Nha Trang, ông đạt đến hạng nhất (1/1/1936) và làm hiệu trưởng tiểu học Pháp Việt cho đến lúc mất. Bởi ông từng là hiệu trưởng của nhiều trường như trường tiểu học Phan Rang, trường tiểu học Ninh Hòa, trường tiểu học Vạn Ninh và trường tiểu học Nha Trang, mọi người thường gọi ông là ông Đốc Bào. Là người trách nhiệm với vai trò giáo dục của mình, ông Đốc Bào không ngừng tự học để trau dồi chuyên môn để làm gương cho năm đứa con trai mà còn là trụ cột của gia đình với một vợ và chín người con nheo nhóc.
 
Tôi thường mơ màng nghĩ đến sự làm việc cực khổ của ông trong tình trạng vừa học vừa làm vừa lo cho vợ con rồi thảng thốt nhớ đến ngôi nhà kiểu Pháp, mái ngói với trần nhà thoáng đãng, với điểm nhấn bằng những vòm tròn ở hàng hiên, được bao bọc bởi tường cao cổng kín mà ông đã tạo dựng rồi buột miệng hỏi các cô:
“Hồi xưa ông nội đi dạy, chuyển từ nơi này sang nơi khác hẳn là rất cực khổ, một mình cưu mang cả gia đình 10 người mà sao xây được căn nhà lớn sang đẹp như vầy hả cô?”
“Ông nội tằn tiện lắm con à! Hồi còn ở Ninh Hòa, nghe đất Nha Trang rẻ ông lấy tiền để dành mua một khu đất ở đường Hoàng Tử Cảnh. Đến khi biết gần chuyển về Nha Trang dạy, ông bán khúc đầu của miếng đất cho ông chủ hãng Xà Phòng Việt Nam, rồi bán khúc cuối cho bà Vạn Bửu. Hai người này mua đất xong xây từng gian nhà cho thuê. Còn ông mình lấy tiền bán đất xây một ngôi nhà bề thế có vườn xung quanh.”

       Tư gia Cung Quang Bào( Hình chụp năm 1936)- 18 Hoàng Tử Cảnh Nha Trang-
        Sau đổi thành 24 Hoàng Tử Cảnh Nha Trang (Đối diện Hương Hương cà phê)
        rồi đổi thành 60 Hoàng Tử Cảnh Nha Trang- Nay là 60 Hoàng Văn Thụ Nha Trang

Tôi hào hứng nói:
“Ông nội hay thật! Nhờ ông thích như thế mà nhà mình trông sang trọng và đặc biệt hơn các nhà trong xóm. Trong khi căn nhà của bác Lưu Trọng Trú có vườn hoa nhỏ và các nhà quanh đây xây ngăn từng gian thì nhà mình có một khu vườn rộng đầy đủ loại ăn trái như là dừa, ổi, mãng cầu, Sa Bu Chê, Ô Ma, khế ngọt, khế chua, mận, vú sữa, lựu, nhãn, mãng cầu, cau, các khóm thơm và các loại hoa đủ màu đủ sắc nữa!”
“Bấy nhiêu nớ mà thấm chi! Ngày ôn còn sống, ôn còn cho người làm trồng đậu phọng và đủ thứ loại rau nữa thê!”
“Dạ con đã nghe và biết rồi!”
Tôi đã nói câu này với nụ cười ý nhị. Tôi biết nếu tôi không nói như thế, tôi sẽ nghe kể lại hàng tá những câu chuyện về những người làm phụ ông nội trồng trọt chăm sóc khu vườn và tính tình kỳ lạ của từng người.
Mặc dù phải nuôi chín người con( một người con  yểu mệnh chết trẻ), ông nội tôi còn cưu mang thêm ba, bốn người ăn kẻ ở trong gia đình. Vốn tính thương người, ông đã đưa những thiếu niên nam côi cút, không nơi nương tựa từ Huế về Nha Trang sống chung trong gia đình. Ông phân cho họ phụ giúp công việc nhà, vườn tược hay đánh xe chở ông đi làm. Đến mùa thu hoạch rau đậu, hoa quả ông sai họ đem ra chợ bán rồi lấy tiền thu nhập chi trả cho phần nào chi tiêu trong gia đình. Có một chú người làm rất mê cờ bạc. Mỗi lần bán hoa quả xong, chú thường lấy tiền chơi cờ bạc. Hên thì gỡ chút tiền đem về, xui thì mất trắng.Có lần chú thua hết sạch cả tiền bán hoa quả, về nhà chỉ còn cái thúng không. Tra hỏi chuyện xong, ông nội không đánh nhưng bắt cởi truồng và bôi vôi. Từ đó chú ấy không dám cờ bạc nữa. Các cô tôi kể rằng ông nội có dáng vẻ uy nghiêm nên ai cũng sợ. Một lời ông phán là lệnh. Ai bất tuân ông dọa đuổi ra khỏi nhà không nuôi dưỡng nữa. Những người làm rất sợ ông nhưng luôn luôn trung thành và vâng lời ông chỉ bảo bởi họ biết ông nội thực sự xem họ như con nuôi. Thời ấy, cưu mang một người không phải là chuyện dễ dàng. Thế mà với số lương ít ỏi của nghề dạy học cộng thêm chút ít lợi tức từ vườn rau quả trong nhà, ông nội tôi cố gắng nuôi dạy họ từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Ông còn đích thân đi cưới vợ cho họ với mâm lễ đầy đủ.
Riêng đối với những người con trai ruột của mình, ông đã đặt một quy tắc với sự kiên quyết rằng: Đã học thì phải thi đậu! Nếu học mà thi không đậu thì phải “khăn gói quả mướp” mang gạo và muối ra khỏi nhà rồi đến cái chòi trong mảnh đất rẫy ở Đồng Đế (nơi ông nội tôi tậu được trong thời gian đi dạy các nơi) mà lo học cho đến mùa thi khác thi đậu mới được về ở nhà. Bác Cung Giũ Nguyên thi kỳ nào đậu kỳ đó nên bác không bao giờ bị cảnh xách gạo muối ra khỏi nhà trong khi bác Cung Giũ Hùng học không kém bác Cung Giũ Nguyên nhưng mấy phen thi cử cứ trầy trật lên xuống cho nên thường phải đi đến rẫy Đồng Đế ở để “trau dồi kinh sử” trước khi thi tiếp. Chuyện này tôi thường nghe kể nhiều lần với những tiếng thở dài của các cô kèm theo câu “Học tài thi phận”.
Sau đó, những câu chuyện tiếp theo đã cho tôi biết thêm là “Người hay thi đậu lại kiếm tiền ít hơn người thi đậu khó khăn!” Các cô kể rằng bác Cung Giũ Hùng  tuy thi rớt nhiều lần nhưng sau này khi ra trường lại kiếm tiền nhiều hơn bác Cung Giũ Nguyên. Nhờ kiếm khá nhiều tiền, bác Hùng đã giúp đỡ bà nội và đại gia đình rất nhiều sau khi ông nội mất.
Ông nội của tôi mất vào năm 1936, đúng 51 tuổi. Lúc ấy bác cả Cung Giũ Nguyên 26 tuổi, cô Cung Thị Bích 24 tuổi, bác Cung Giũ Hùng 21 tuổi, ba tôi Cung Giũ Trâm 15 tuổi, cô Cung Thị Khánh 13 tuổi, chú Cung Giũ Phú 11 tuổi, chú Cung Giũ Hốt 9 tuổi, Cung Thị Anh 7 tuổi và cô út Cung Thị Ưng 3 tuổi.
Từ trái sang: Chú Cung Giũ Hốt, bà cố nội (mạ của ông nội từ Huế vào Nha Trang đưa đám ma con),bác Cung Giũ Hùng che nắng cho bà cố, bác Cung Giũ Nguyên và chú Cung Giũ Phú.

Sau khi an táng ông nội tôi tại Mả thánh Vườn Dương trong khu Phước Hải xong, bà nội tôi đối diện với tình cảnh hết sức khó khăn. Vốn là trưởng nữ của quận công An Thành Hồng Ngọc và cháu của An Thành Vương Miên Lịch (Con út của vua Minh Mạng) xuất thân từ hoàng tộc trâm anh khuê các chưa từng làm ăn kiếm sống bà nội không biết xoay sở thế nào để nuôi cả đàn con thơ dại. May mắn cho bà nội tôi là hai bác Cung Giũ Nguyên và Cung Giũ Hùng chung vai gánh vác trách nhiệm đối với gia đình trong việc giúp đỡ bà nội trang trải các chi phí cho gia đình đồng thời chăm sóc dạy dỗ các em. Sau khi hai bác Cung Giũ Nguyên và Cung Giũ Hùng lập gia đình, hai bác còn tiếp tục chu cấp cho hai chú Cung Giũ Phú và chú Cung Giũ Hốt ăn học thành tài cho đến lúc cả hai chú cùng tập kết ra Bắc năm 1954.
Vào khoảng năm 1958- 1959, khi chủ đất khu nghĩa trang Mả Thánh Xóm Dương của khu Phước Hải yêu cầu thân nhân của các mộ phần di dời mộ của người quá cố đến các nghĩa trang khác để họ sử dụng đất về việc gì đó. Bà nội tôi đã hội luận các bác, các cô chú trong gia đình chuyện cải táng mộ ông nội và tất cả mọi người đều đồng ý cải táng mộ ông nội đến nghĩa trang Phật Giáo tại Đồng Đế Nha Trang. Ngày bốc mộ di quan, lễ nghi đầy đủ không khác gì lúc an táng. Chỉ khác là cách đó 23 năm người ta hạ chiếc quan tài của ông nội tôi xuống huyệt thì bấy giờ những người bốc mộ đưa chiếc quan tài của ông tôi từ lòng đất lên trên mặt đất. Khi chiếc quan tài của ông tôi được nhấc ra khỏi huyệt, mọi người thấy dưới đáy huyệt là một vũng nước đọng nên thảng thốt kêu lên “Mộ kết! Mộ kết nước!”
Người rành phong thuỷ cho biết là khi mộ của người quá cố kết nước như mộ của ông nội tôi thì con cháu được phù hộ ăn nên làm ra, sung túc và phát đạt. Thực sự, đúng như họ nói! Từ khi ông nội tôi qua đời, các bác, các cô chú làm ăn phát đạt, học hành tấn tới, luôn thăng tiến và may mắn. Bác Cung Giũ Nguyên sau một thời gian giảng dạy ở các trường trung học trong thành phố Nha Trang, được bổ nhiệm thành hiệu trưởng của trường bán công Lê Quý Đôn Nha Trang. Ngoài ra bác đã trở thành nhà văn nổi tiếng sau khi cuốn tiểu thuyết Le Fils De La Baleine của bác ra đời. Bác Cung Giũ Hùng được bổ nhiệm là quản đốc đầu tiên của auto bus Sài Gòn. Vợ chồng cô Bích làm ăn ổn định trong Sài Gòn. Ba tôi là nhân viên cho sở Hỏa Xa Nha Trang. Cô Khánh buôn may bán đắt các loại hàng xén trong sạp chợ Đầm. Vợ Chồng cô Anh có tiệm sơn mài phát đạt tại khu phố Độc Lập Nha Trang. Với đời sống kinh tế ổn định, các bác chung tay góp sức xây dựng căn nhà của ông nội ngày càng đẹp đẽ và sang trọng. Bác Hùng mua tặng bác Nguyên một chiếc xe ô tô màu đen và bác Nguyên cho xây ga-ra để chứa xe(1). Cô Anh lấy chồng, ở riêng nhưng thường về nhà thơm thảo tiền quà cho bà nội đồng thời hỗ trợ cô Khánh giúp đỡ bà nội và cô Ưng sống trong cảnh an nhàn, thư thái.
Lúc bấy giờ, người rành phong thuỷ đã chép miệng than “Uổng quá!” khi cải táng mộ kết của ông nội tôi. Mọi người nói không mấy khi thấy kiểu mộ kết như thế mà đành phải phá đi. Khi chiếc quan tài an vị trên mặt đất để chuẩn bị khuân đi, vũng nước đọng ở dưới đáy từ từ trào ra khỏi huyệt mộ tràn ra ngoài lênh láng. Người chứng kiến cho rằng điềm chẳng lành. Những gì may mắn trước đó sẽ bị trôi như những giòng nước đang chảy. Những người không mê tín dị đoan dùng lý luận khoa học cho rằng mộ ông nội tôi chôn ngay khu đất trũng nơi có mạch nước ngầm. Khi mạch nước ngầm bị phá vỡ bởi chuyện bốc mộ nước thoát ra tràn lai láng là chuyện bình thường.
Thế nhưng chuyện không bình thường đã xảy ra sau đó như tiên liệu của những người bốc mộ. Cô Bích mất (1958). Ba tôi qua đời (1960). Bác Nguyên bị cô học trò thưa kiện (1959). Bác Hùng bị cách chức không còn làm giám đốc (1961)
Dù sao chăng nữa mọi người trong gia đình an tâm khi thấy ngôi mộ mới của ông nội ngự trị ở nơi cao ráo thuận tiện trong khu nghĩa trang Phật Giáo và tin tưởng mọi sự sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp sau đó. Thế nhưng, biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đã gây cho gia đình nội tôi có sự thay đổi lớn. Trước khi Sài Gòn thất thủ, gia đình bác Hùng đáp máy bay sang Mỹ theo sự bảo lãnh hết sức cấp thiết của con gái. Từ Bắc, hai chú Cung Giũ Phú và Cung Giũ Hốt đưa gia đình về Nha Trang sống ở nhà do Nhà Nước cấp. Sau phong trào đánh Tư Sản Mại Bản của chính quyền mới, gia đình cô Anh trốn ra nước ngoài bằng đường biển và định cư tại Pháp. Cô Khánh bán vặt vãnh số hàng tồn một thời gian ở chợ Đầm rồi chuyển sang làm bánh bán lẻ. Bác Nguyên nghỉ dạy thất nghiệp, ở nhà không giao tiếp ai. Căn nhà của ông nội đổi địa chỉ thành 60 Hoàng Văn Thụ bao trùm một không khí nặng nề và buồn bã. Bà nội cố gắng giữ phong thái điềm tĩnh và khoan thai như đã từng nhưng đôi mắt lo lắng và những cái trầm ngâm bất chợt không thể che giấu được nỗi lo buồn và mất mát. Cuộc đời thật trớ trêu! Trong lúc sự khao khát gặp lại hai đứa con xa cách 30 năm thì bấy giờ bà nội lại mất đi hai người con hiếu thảo từng cưu mang thơm thảo phụ trợ tài chính cho bà gần hơn 40 năm trời.
Dù sao chăng nữa bà nội vẫn tiếp tục làm tròn bổn phận đối với người chồng quá cố. Đối với bà ngày 13 tháng 11, ngày giỗ ông nội (Người Huế gọi là ngày kỵ) là ngày trọng đại chẳng khác gì ngày Tết Nguyên Đán. Hơn thế nữa, bà nội thường chuẩn bị tươm tất những món ăn mà ông nội thích. Bà đích thân làm tỉ mỉ các món bánh đậu xanh, đậu ngự, bánh hạt sen, bánh bó mứt, bánh lá và chả tôm. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đám giỗ ông nội vẫn đầy đủ và thịnh soạn. Các món ăn như súp măng cua, vịt tiềm, chả lụa, nem chua, chả ram, soup bóng heo, vi cá vẫn đủ vị và ngon tuyệt chẳng khác gì trước đó. Bà nội giỏi tính lại được cô Khánh sát cánh phụ trợ tự làm tất cả những món ăn cho nên những ngày giỗ của ông nội luôn luôn đầy màu sắc, trông rất ngon lành và phong phú. Bà nội đã làm tròn bổn phận người vợ tốt và giỏi cho đến ngày từ giã cỏi trần (23/8/1984). Gia đình đã an táng bà cạnh mộ ông nội tại nghĩa trang Phật giáo Đồng Đế Nha Trang.
Năm 1988, chính quyền mới yêu cầu giải tán nghĩa trang Phật Giáo Nha Trang nên gia đình nội tôi quyết định hỏa thiêu hài cốt của ông nội, bà nội, ba tôi, cô Bích, cùng bà dì bà Vú rồi an vị trên chùa Hải Đức ngay chân tượng phật trắng trên chùa Long Sơn.
                Cô Cung Thị Khánh và Cung t Lan trước mộ ông nội trong ngày hỏa táng 8/6/1988

Sau ngày ấy, các chú, các bác, các cô của tôi lần lượt qua đời. Mỗi lần đến nhà từ đường thắp 10 nén hương cho ông bà và các cô bác lòng tôi thấy đau nhói. Tôi nhớ cảnh bà con cô bác xum họp trong những ngày Tết Nguyên Đán, trong những ngày giỗ. Tôi nhớ từng người thân thương với những đức tính quý giá. Tình gia đình, lòng thương yêu, sự đoàn kết, ý thức chung lưng gánh vác, tinh thần chia sẻ trách nhiệm là những mấu chốt giúp cho tình cảm của đại gia đình gắn bó keo sơn, không gì có thể suy suyển.

                                    Bác Nguyên, chú Hốt , Cô Khánh và cô Ưng

Trước đây, tôi không hiểu vì sao chú Cung Giũ Hốt gửi cho tôi một bức thư dài 14 trang kể tỉ mỉ gia phả họ Cung khi chú sang Memphis Tennessee thăm con cháu. Bây giờ đọc kỹ lý lịch của ông nội, tôi thầm biết ơn chú Hốt đã kiên nhẫn giải thích cho tôi qua bức thư khá dài kèm theo cuốn sách Hồng Tộc đầy chi tiết quan trọng. 







Qua kiến thức thu thập được, tôi cảm thấy tự hào khi được là hậu duệ của một giòng họ hết sức cần cù, nhẫn nại, chịu khó và thông minh. Sơ Khảo Hồng Tộc của chú Cung Giũ Hốt cho tôi biết ông nội Cung Quang Bào đã được thưởng nhiều bằng khen như: Giáo Dục Bội Tinh (Medaille de L’Imstruction Public) 31/3/1927, Long Bội Tinh (Chevalier du Dragon de La’Annam) 07/4/1934 và Hồng Lô Tự Thiếu Khanh (1/1936)

Theo cuốn sơ thảo Hồng tộc phổ hệ Chi Dũ Hốt của chú Cung Giũ Hốt còn có tên Nguyễn Văn Hùng (chú đổi tên họ sau khi ra bắc tập kết) ông nội Cung Quang Bào được vua Bảo Đại sắc phong vào ngày 28 tháng Giêng, 1929.


                                                                     Bản Sắc Phong
Bản Sắc Phong được dịch giả Đỗ Văn Khoái dịch như sau:
Vâng theo mệnh trời để hưng vận nước,
Hoàng đế ban chiếu rằng:
Trẫm nghĩ,
Giáo hóa dân là do việc học,
Quốc gia được nương nhờ là ở chỗ chấn hưng việc dạy người;
Trị việc cần ở chỗ siêng năng,
Sáng tỏ rực rỡ ở phép thường.
Ngày đẹp thực là hòa hợp,
Chiếu vua vừa lúc ban ra.
Này người Giáo học Hồng Quang Bào - Thị giảng học chánh tòa, hạng 2.
Ông là người văn học đủ để quan chiêm,
Tài khí có thể trưng dụng.
Đã trải qua 4 lần thử sức,
Âu Văn Chinh đề bạt sắp xếp vào nơi to lớn.
Lâu ngày tham dự vào học chánh,
Thanh danh tin thực truyền xa,
Ngày đêm cần mẫn.
Mưa Mỹ gió Âu dẫn nguồn văn nơi biển học;
Trâm vàng thước ngọc dự danh giá chốn rừng Nho.
Một thời được mô phạm chỗ phân ty;
Nhiều kẻ sĩ được nương nhờ dạy giỗ.
Khen công tích tốt,
Niêm yết tại đình.
Nay đặc chuẩn thăng thụ Phụng nghị đại phu Hàn lâm viện Thị độc,
Ban cho cáo mệnh.
Mong rằng vinh hiển này được nương nhờ rộng,
Ngày càng thêm lớn.
Điểm xuyết hoa trong nước,
Mãi còn thừa ơn mưa móc;
Thế giới văn minh càng tiến hội phong trào.
Ta rất làm vui,
Để lại lời văn muôn đời.
Hãy kính cẩn tuân theo!
Ngày 28 tháng Giêng,
Năm Bảo Đại 5 (1929).
Dấu triện: Sắc mệnh chi bảo.
Người dịch: Đỗ Văn Khoái

 Ngày nay, kỷ vật mà ông nội tôi để lại trên dương thế là căn nhà từ đường của chính ông tạo nên bằng công sức và tinh thần kiên trì trong việc học và làm. Căn nhà từ đường là kỷ vật chứa đựng biết bao nhiêu công sức và sự làm việc nhọc nhằn của ông, được tồn tại qua bao nhiêu năm tháng bởi sự thông minh, lương thiện thật thà và tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của những người con của ông.

                                 60 Hoàng Văn Thụ Nha Trang (Sau năm 1975)

Tôi hy  vọng căn nhà của ông nội tôi tiếp tục sẽ là nơi góp sức của tinh thần đoàn kết và thương yêu của con cháu trong các thế hệ nối tiếp. Riêng bản thân tôi, tôi cảm thấy mình được một ân huệ rất lớn là kế thừa  gien di truyền phẩm cách tốt đẹp của ông. Đức tính chăm chỉ và siêng năng đã giúp tôi thành công trong cuộc sống của mình. Trùng hợp thay, tôi cũng đã có một quá trình giảng dạy khá phức tạp nhưng thành công chẳng khác gì ông nội. Được bấy nhiêu đó, tôi đủ mãn nguyện rồi.
          Cung Thị Lan
(Nhân ngày kỵ của ông nội 13/11/2019)


Ghi Chú (1) Trong lá thư cuối cùng (2008) bác Cung Giũ Nguyên đã viết về  Chuyện Một Chiếc Xe Cũ như sau:

Một ngày tháng 6 năm 1956.  Một tài xế lái chiếc xe Citroen 4 cửa, thứ 11 CV, tuy vỏ cũ nhưng chạy còn tốt. Anh tài đã lái từ Sài Gòn ra mà chẳng có lôi thôi gì về máy móc. Anh tài có nhiệm vụ đem chiếc xe ấy cho tôi, của ông Cung Giũ H., em trai tôi, lúc bấy giờ làm Giám đốc Công quản Xe Công Cộng Sài Gòn Chợ Lớn, sau khi đã làm Giám đốc Sở Nhân viên của Sở Hoả xa Đông Dương, một món quà mà có quá nhiều xe dùng không hết. Ông tài xế trao cho tôi sổ đăng ký xe NBD 277 và quyển sổ đăng ký sở hữu của xe ấy là Cung Giũ H. và Nguyễn Thị Lang Tr. Tài xế không cần nói, tôi phải hiểu ngầm tôi sẽ làm các thủ tục để giấy xe và quyền sở hữu thuộc về tôi theo những luật lệ của nhà nước.
Thế là tôi có một cái ô tô, tuy cũ cũng là xe hơi!
Vào những năm 1956, chỗ tôi ở còn thanh tịnh, người dân không cần ai nhắc đến nhắc lui mà cũng chẳng giúp ích gì vì đường phố luôn luôn sạch sẽ và thứ tự. Xe hơi đậu trước nhà của chính mình không gây phiền hà hay khó chịu cho ai cả. Nhưng tôi cần có “nhà để xe” để tránh việc phá phách xe và để cho xe có nơi đậu nhất định trong vườn nhà.



Saturday, February 22, 2020

Sa Pa Kỷ Niệm Đáng Nhớ

Cung Thị Lan

Tôi rất vui sướng khi ba đứa con trai của tôi sắp xếp được thời gian để cùng vợ chồng chúng tôi về thăm gia đình ở Việt Nam trong mùa hè 2013. Ngoài những ngày đi thăm hỏi gia đình nội, ngoại, bà con họ hàng, chùa chiền, viếng mộ một số người thân đã khuất, đi lễ bái chùa chiền, du ngoạn ở Nha Trang, chúng tôi đã có dịp ghé thăm vài nơi ở miền bắc như Hà Nội, Hạ Long và Sapa.

 
 


Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất Bắc và đi theo kiểu tự túc với sự sắp xếp của một công ty du lịch; cho nên trước khi khởi hành tôi hồi hộp và lo lắng lắm. Tôi tự trấn an là nếu chẳng may có điều gì bất trắc xảy ra, thì sự đoàn kết và tình thương yêu của gia đình sẽ gom góp những cách giải quyết tốt nhất. Chuyến du lịch được xem như là chuyến đi với thử thách.
Một trong chuyến du lịch miền Bắc mà tôi thích nhất và lo lắng nhất là chuyến đi Sapa. Tôi đã từng mơ ước được thăm Sapa kể từ khi tôi là cô giáo Địa Lý nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể biến mơ ước thành sự thật. Lúc ấy, tôi có cảm giác không an toàn khi đơn thân du lịch miền Bắc, một nơi xa xôi và lạ lẫm trong ý nghĩ của tôi. Bây giờ, mặc dù du lịch cùng gia đình nhưng chúng tôi phải tự đáp tàu lửa từ ga Hà Nội đến ga Lào Cai để gặp người hướng dẫn du lịch, nên tôi vẫn lo lắng không yên tâm suốt chặng đường đi.






 
Đến Sapa, cảm giác lo lắng của tôi nhẹ bớt vì sự ân cần và sự y hẹn của người hướng dẫn viên. Theo lịch, ngày đầu tiên người hướng dẫn viên sẽ để cho chúng tôi tự túc tìm hiểu tham quan phong cảnh gần thị trấn Sapa kèm theo những phiếu thức ăn ở những nhà hàng đã được công ty du lịch ấn định sẵn. Ngày thứ hai, chúng tôi sẽ được đưa đi tham quan Lào Chải, Tả Vân, và chợ Tình. Ngày thứ ba chúng tôi sẽ được hướng dẫn đi xuống bản Cát Cát và ngày thứ tư chúng tôi sẽ được tham quan Hàm Rồng.
Ngay ngày đầu tiên tôi đã cảm thấy sung sướng khi lang thang giữa những khách sạn tân kỳ, ngắm nhìn những nhà hàng thiết kế theo kiểu Âu Tây trong thị trấn, chứng kiến tận mắt những ruộng bậc thang với những khoảnh lúa xanh mơn mởn uốn lượn quanh  những ngọn đồi, trò chuyện với những em nhỏ HMông với những đôi mắt ngây thơ chân chất và mặc cả với những người bán hàng rong HMông trong sắc phục rực rỡ sắc màu với giọng nói tiếng Việt lơ lớ không sõi. 








  

Thú vị nhất là được chứng kiến tận mắt tôn ti trật tự trong thế giới dân tộc HMông! Khi một người HMông cao tuổi nhất mời khách mua hàng thì những người HMông khác trong nhóm đang vây quanh khách đứng im phăng phắc, lắng nghe, không dám chen ngang mời khách, giựt khách hay lôi kéo khách. Khi khách hàng từ chối mua hàng của người cao niên và hỏi hàng của người khác, trẻ hơn thì người bán hàng trẻ hơn này mới có thể chào bán. Hàng hóa của họ phần lớn là những chiếc giỏ xách nhỏ, ví tay, vòng vải đeo tay và khăn trang trí do chính họ thêu hoặc nhận từ những người bán sỉ.






Tối hôm ấy, tôi rất lấy làm thú vị khi biết thêm phong tục truyền thống của người HMông qua buổi tham quan chợ Tình trong thị trấn. Các nam thanh nữ tú dân tộc HMông và dân tộc Dao thường họp chợ vào mỗi sáng chủ nhật nhưng vì ở các bản xa họ thường đi bộ đến sớm và tụ họp vào đêm hôm trước, tối thứ Bảy
                               




Trong buổi tối này những người trẻ thường tụ tập vui chơi thổi khèn, hát tỏ tình giao duyên để làm quen, hẹn hò và trở thành người bạn tình cho nên cuộc tụ tập này được gọi là Chợ Tình. Buổi chợ Tình tối ngày hôm ấy đông đúc như hội bởi khách du lịch Việt và Tây len lỏi trong những thanh niên nam nữ dân tộc Hmông và dân tộc Dao. Xuyên qua rừng người, năm người trong gia đình chúng tôi đành phải tách rời, lang thang mỗi người một nơi rất lâu. 
Sau đó, chúng tôi cùng tụ lại nơi hai anh khách du lịch trẻ đang trò chuyện với một cô gái HMông rất xinh đang địu trên vai một đứa bé trai khoảng một tuổi.
Một anh khách du lịch trẻ đột nhiên hất mặt về phía cô gái nói với tôi rằng: 
- Chị xem đấy! Mới bé thế mà ba đứa con rồi!




Nhìn khuôn mặt non choẹt chỉ chớm tuổi vị thành niên của cô bé, tôi ngạc nhiên hỏi: 
- Em có ba đứa con thật sao?
- Thật đấy! Ba đứa con!
-Thế hai đứa kia đâu? 
- Ở nhà với bà!
- Sao em không ở nhà với con ra đây làm gì?
Anh khách du lịch trẻ đáp hộ, giọng rất hài: 
- Chồng đi chơi, nên bế con đi theo chồng! Nhưng mà chồng có về đâu mà chờ! 
Cô bé Hmông quay sang anh khách du lịch đáp nhanh như chớp: 
- Có đấy! Nó có về đấy!




Tôi bật cười: 
- Biết chồng về thì ở nhà với con chờ chồng về sao lại ra đây cho đứa con này bị lạnh vậy?
Người thanh niên du lịch trêu già: 
- Nó không về nữa đâu! Giờ này nó không về là nó không về nữa rồi. Đi với anh đi!
- Không đi! Nó về đấy! Giờ nó không về! Sáng nó về họp chợ! 
Tôi trợn mắt: 
- Em chờ đây đến sáng sao? Em bao nhiêu tuổi vậy? 

- Mười tám tuổi!
Mười tám tuổi!” Tôi vừa lẩm nhẩm vừa nhìn ba đứa con trai của tôi. Ba anh ở độ tuổi hai sáu, hai ba và mười chín. Chưa một anh nào có gia đình và có lẽ chẳng anh nào có thể tìm người bạn đời có sức kiên nhẫn và chịu đựng bền bỉ như cô bé này. Cô bé đại diện cho người dân tộc tại đây, những người chịu đựng nắng, mưa, gió tuyết với hoàn cảnh sống không tiện nghi nhưng chưa từng thể hiện sự bất mãn hay chán chường trên khuôn mặt. Qua Chợ Tình tôi hiểu rõ người dân tộc Hmông lập gia đình rất sớm nhưng tuổi thọ của họ là bao nhiêu thì tôi không biết. Hai ngày lang thang du lịch, tôi chỉ gặp một người cao tuổi nhất là sáu mươi nên tôi chưa có thể xác định được thời gian chịu đựng trong cuộc đời họ đối với điều kiện sống không tiện nghi trên vùng núi cao này là bao nhiêu. Tôi chỉ thầm ao ước ba đứa con tôi tìm ra điều đáng học. Nhưng, khi nhìn ba khuôn mặt lặng câm quan sát, tôi chỉ thấy sự nín lặng, không bày tỏ. 
Hôm sau, chúng tôi đi xuống bản Cát Cát như lịch ấn định. Sáng sớm, mưa lất phất như mưa xuân khiến tôi chủ quan cho rằng cái mũ nhựa rộng vành của tôi đủ sức chống chọi với cơn mưa nhẹ, không cần phải mang theo những chiếc dù mà khách sạn đã chuẩn bị sẵn cho ở góc phòng. 
Sau bữa ăn sáng, xe đưa chúng tôi cùng người hướng dẫn viên rời thị trấn Sapa hướng về phía đi bản Cát Cát. Vừa xuống xe, mưa rơi nhiều hơn và càng lúc càng nặng hạt.

 Năm người chúng tôi chỉ có hai chiếc dù. Chồng tôi và ba đứa con trai cố gắng bảo vệ các máy ảnh bằng cách che chung hai chiếc dù trong lúc tôi chịu trận bởi những giọt nước mưa thấm vào người càng lúc càng nhiều. Chiếc mũ rộng vành bằng nhựa không đủ sức ngăn những giọt mưa. Người tôi bị thấm ướt càng lúc càng nhiều. Trong lúc tôi lúng túng tìm cách đối phó với những giọt mưa và sự ướt át thì tôi còn phải liên tục từ chối sự mời hàng của những người bán rong Hmông bên đường, đặc biệt là các em nhỏ. Chúng đi theo tôi rất xa.
Đến khi tất cả đều thua cuộc thì một đứa bé gái Hmông cỡ bảy tuổi gọn gàng trong áo thun sọc ngang màu xanh dương, quần lửng, chiếc dù con và một chiếc túi nhựa nhỏ đựng hàng, nhất định không chịu rời tôi. Nó vừa đi vừa gạ tôi mua những chiếc sợi dây đeo tay dùm nó. Tôi nói không mua vì đã mua khá nhiều rồi. Nói xong tôi ngạc nhiên với tiếng Việt rõ ràng của nó cho nên tôi tò mò hỏi có phải nó học tiếng Việt ở trường không và sao không đi học mà đi bán.


 

 Sau khi trao đổi vài câu, tôi nhận ra là con bé đã theo tôi khá xa nên tôi giục nó trở lại đường cái chính với những nhóm người đang chào hàng ở đó. Rồi tôi khăng khăng cho nó biết là dù nó có theo tôi năm hay bảy cây số xuống bản Cát Cát thì tôi vẫn sẽ không mua hàng cho nó đâu
Tôi nói vậy vì tôi không muốn lục tiền trong chiếc giỏ đầy những thứ lỉnh kỉnh của tôi và để tránh trường hợp nó sẽ phải quay trở lại một mình trên con đường vắng người. Con bé trả lời rành rọt với tôi là:
- Con nghe cô nói không mua cho con rồi nhưng con vẫn đi theo cô. Xuống bản, cô mua cho con cũng được, còn cô không mua cho con thì con về nhà.
Tôi à lên: 
-Té ra nhà con ở dưới bản Cát Cát hả?
Rồi tôi gật đầu nói thêm:
- Ừ như vậy thì con có thể đi theo cô!





Đi thêm một lúc, chúng tôi gặp thêm hai đứa bé gái , mỗi đứa cũng có một túi nhựa nhỏ chứa hàng và một chiếc dù che mưa như đứa bé mặc áo màu xanh dương nhưng trong hai đứa bé này, đứa thấp hơn có chiếc dù lớn hơn gấp đôi. Đó là một chiếc dù rộng vành của người lớn. 





 


 


Hai đứa bé này ngạc nhiên nhìn con bé mặc áo xanh dương đơn độc đi theo chúng tôi, trao đổi với nhau bằng tiếng Hmông rồi bước nhanh cùng con bé mặc áo xanh dương hòa theo nhóm chúng tôi. Tôi không nói gì, cũng không giao kèo gì về chuyện mua hay không mua hàng cho chúng. Lúc này mưa lớn hơn khiến tôi phải cầu cứu con bé có cái dù lớn để được che chung(!)






Thế là đoàn người chúng tôi gồm: người hướng dẫn viên, năm người trong gia đình chúng tôi và ba con bé người Hmông lướt trong cơn mưa nặng hạt hướng về phía bản. Đi thêm một đỗi nữa chúng tôi gặp một con bé đứng đơn độc bên sườn núi với túi nhựa nhỏ chứa hàng và chiếc bao nhựa che đầu.




Nó hỏi ba con bé kia bằng tiếng Hmông rồi nhập vào nhóm chúng tôi ngay. Ba con bé sau này không hề hỏi tôi về chuyện mua hàng. Dường như chúng đã thỏa thuận điều kiện mà con bé mặc áo màu xanh dương cam kết với tôi: 
“Xuống bản, cô không mua thì con sẽ về nhà.” 
Nhìn cách nói chuyện của bốn con bé, tôi đoán con bé mặc áo màu xanh dương lớn tuổi hơn ba con bé kia và nói tiếng Việt sõi hơn nên trông có uy hơn.
 Con bé áo xanh dương nói cho tôi biết nó tên Dô rồi đánh vần Dờ Ô Dô khi kể là nó có đến trường nhưng nghỉ học vì đang hè. 
Tôi nói Dô cho con bé đang trùm chiếc bao nhựa che chung dù rồi hỏi một chiếc dù khoảng bao nhiêu tiền? 
Dô nói một chiếc dù khoảng hai chục ngàn Việt Nam.
 Tôi nói là tôi sẽ không mua hàng của mấy đứa nhưng tôi sẽ cho mỗi đứa hai chục ngàn. Nếu như tôi cho mỗi đứa hai chục ngàn thì tôi sẽ phải đưa tất cả bao nhiêu? 
Ngạc nhiên thay bốn con bé đều nói được tiếng Việt là tám chục ngàn. 
Con trai thứ hai của tôi nghe thế móc túi lấy tám chục ngàn đưa cho tôi để tôi đứa cho mấy đứa bé. 
Tôi nói với bốn đứa bé là tôi hứa cho chúng tiền thế mà con tôi đã cho thì tôi sẽ cho thêm khi tới bản và nếu tôi cho hai trăm ngàn thì chia ra mỗi đứa sẽ được bao nhiêu. 
Con trai đầu của tôi nghe thế, rút hai trăm ngàn nói tôi đưa cho mấy đứa nhỏ đi khỏi cần chờ xuống bản.
 Tôi đưa cả cho Dô và nói nó cất kỹ đến khi tới nhà thì chia cho bạn. Về đến nhà thì nghỉ, đừng đi bán nữa.
 Dô và ba đứa bé đều gật đầu đồng ý với khuôn mặt vui sướng. Người hướng dẫn viên mỉm cười và toàn bộ thành viên trong gia đình chúng tôi cảm thấy vui sướng theo niềm vui của các em nên tất cả chúng tôi đều bước đi thật nhanh.



Đến sườn núi mưa rơi nhẹ hạt hơn nên chúng tôi chia nhau chụp hình chung với các em. Những khuôn mặt ngây thơ chân chất của chúng đã khiến con trai thứ hai của tôi, vốn không thích chụp hình cũng tham gia một cách hứng thú.








Xuống dưới đồi, mưa ngừng hẳn. Trong khi chờ chúng tôi lom khom bước qua một con mương nhỏ, bốn đứa nhỏ thoắt mất. Người hướng dẫn viên nói với chúng tôi là giá như mấy đứa nhỏ không đi cùng chúng tôi thì chúng đã về bản từ lâu lắm rồi.




Đi trong mưa, đi bộ, leo dốc, băng qua suối không phải là nguyên nhân làm chúng tôi đi chậm. Cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đã cầm chân chúng tôi đứng lại thật lâu để thưởng thức và chụp hình. Tôi đã khá thú vị khi đi qua những thửa ruộng bậc thang xanh mơn mởn, những bụi tre uốn theo những sườn đồi, cảnh vật hiền hòa nên thơ quanh cây cầu bắt ngang con sông và cảnh thơ mộng những căn nhà sàn , mái lá đơn sơ bên những vườn cây. 
Qua cây cầu chúng tôi gặp bốn đứa bé đang đứng chờ ở đó. Tôi đã rủ chúng đến một quán nước trên một ngọn đồi nhỏ rồi chỉ vào cái tủ chứa các lon nước giải khát bảo chúng chọn tuỳ thích. Bốn đứa bé chọn bốn lon có bốn màu khác nhau và chồng tôi đã cản một đứa khi con bé này chọn lon bia. Bà chủ quán vui vẻ hỏi bốn đứa bằng tiếng Hmông, không rõ nói về chuyện gì sau đó xin nhắp một tí. Tôi mua thêm bánh cho mấy đứa nhỏ và các em bé ở gần quán đang tò mò đứng nhìn. Chia bánh cho các em nhỏ quanh xóm xong tôi nhờ ông chủ quán bảo chúng về nhà. Các em ngoan ngoãn nghe lời ngay.
 

Ngồi chờ bốn đứa bé ăn bánh uống nước ăn tôi lơ đễnh nhìn căn nhà đối diện nơi mà ba đứa bé vừa đến quán nhận bánh rồi ngạc nhiên hỏi ông chủ quán sao không thấy bóng dáng một người lớn nào trong căn nhà ấy. Ông nói là bố mẹ chúng đã đi làm và chúng ở nhà chỉ mỗi chúng. Tôi sững sờ nhìn đứa bé độ sáu tuổi đang bế một đứa em cỡ hai tuổi đứng bên cạnh đứa bé cỡ bốn tuổi ở trong căn nhà trống trải trên ngọn đồi mà đối diện là con đường chính nơi xe lớn ngang qua lại thường xuyên bên cạnh sườn đồi thăm thẳm xuống bên dưới. 

 





 Tôi than trời với cả ông chủ quán và bà chủ quán thì họ nói đó là chuyện bình thường. Người hướng dẫn viên cũng nói đó là chuyện bình thường đối với người Hmông.
 

 
 Tôi đã cố gắng giữ “sự bình thường” như họ nói bằng cách không để ý nữa và chú tâm đến bốn đứa nhỏ đang thích thú nhâm nhi ăn bánh và uống nươc ngọt quanh cái bàn bằng gỗ khúc. Tôi đã chụp cho chúng rất nhiều hình rồi mở máy hình cho chúng xem.

 

 Khi bốn đứa bé ăn uống xong, chúng tôi rời quán, tiếp tục đi xuống bản. Đến quán ăn, người hướng dẫn đưa phiếu bảo chúng tôi vào ăn trưa và nghỉ ngơi khoảng một giờ anh sẽ trở lại đưa đi tiếp. Tôi nói với Dô là đã đến bản, con chia tiền cho các bạn và đi về nhà đi. Dô gật đầu đồng ý kêu bạn chào từ giã chúng tôi. Nhưng, chỉ vài phút sau, bốn đứa bé đi vào quán, đến chỗ chúng tôi ngồi và trao cho chúng tôi mỗi người một dây vải đeo tay. Vì gia đình tôi năm người, Dô đã hào phóng tặng thêm một dây đeo cho chồng tôi cho đủ. Trao cho chúng tôi quà xong, bốn đứa thoắt ra khỏi quán. Đúng lúc ấy, một đoàn khách du lịch toàn người ngoại quốc vào quán và đoàn người bán hàng rong Hmông với đủ loại tuổi già trẻ bám theo mời mọc, trong đó có cả bốn đứa bé vừa mới đi ra. 
Tôi vừa buồn vừa thương gói vội vài chiếc chả giò mà bồi bàn vừa đem tới rồi gọi Dô tới lấy đem chia cho bạn. Dô có vẻ ngượng không muốn trở lại bàn chúng tôi nhưng cuối cùng ngoan ngoãn theo tiếng gọi thành khẩn và những cái gật đầu khuyến khích của tôi. Nhận gói chả giò xong, Dô biến mất. Ba đứa bé kia cũng không thấy trong đám người bán dạo. Ra khỏi quán tôi ngơ ngác tìm trong đám người đang mặc cả mua bán nhưng không thấy bóng dáng bốn đứa nhỏ ở đâu


 



 
Tôi biết các em hoặc đã về nhà hoặc trốn nơi nào đó nhưng lòng tôi quặn một nỗi đau và thương cảm. Tôi thầm trách sao các em giữ lời hứa làm gì trong khi các em cần mưu sinh trong hoàn cảnh khó khăn. Ngang qua những căn nhà trống hốc của bản, nỗi buồn của tôi càng dày hơn. Tôi không hiểu người dân tộc ở đây làm sao chống chọi được mùa lạnh khi tôi nghe mùa đông ở đây có rất nhiều tuyết. Các em sẽ sống như thế nào trong hoàn cảnh như thế? Sau ngày hôm ấy cho đến ngày sắp rời Sapa tôi thường tìm kiếm Dô và ba đứa bé trong nhóm người bán dạo nhưng tôi không còn gặp nữa. Cuộc gặp gỡ chỉ trong một đoạn đường thế mà tôi không thể nào quên hình ảnh đẹp đẽ và chân chất của các em. 
Tôi biết là tôi không bao giờ trở lại Sapa nữa nhưng khi nghĩ đến Sapa, ngoài những thửa ruộng bậc thang, tôi luôn nghĩ đến những khuôn mặt ngây thơ chân chất của bốn em bé gái trên con đường đất xuống bản Cát Cát. Từ đó đến nay, mỗi lần nhớ các em tôi thường nhìn lại chiếc vòng dây đeo tay kỷ niệm.

 Những ngày tuyết lạnh ở Mỹ, tôi nhớ các em và thương các em nhiều hơn. Tôi không hiểu các em sống như thế nào trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu tiện nghi trong mùa tuyết lạnh ở Sapa. Suy nghĩ hoài, nỗi buồn cứ day dứt mãi trong lòng tôi.
Cung Thị Lan - Hoa Thịnh Đốn 
Ngày tuyết 21 tháng 1 năm 2014



 Hình ảnh kỷ niệm với bản Cát Cát- Sapa 2013