Saturday, July 29, 2017

Còn Chút Hy Vọng Mong Manh- Cung Thị Lan

Trong chuyến về Việt Nam năm nay, khi các em  của tôi cho biết sẽ  tổ chức cho  gia đình du lịch ở lại đêm tại đảo Bình Hưng, tôi  gật đầu  bằng lòng và không hề quan tâm đến chữ đẹp  khi các em tôi ca tụng về hòn đảo  này. Đối với tôi, khi  được đi chơi chung với bà con trong đại gia đình để  có nhiều kỷ niệm là chuyện cần thiết còn chuyện biển đảo đẹp hay không đẹp không quan trọng. 

Vốn sinh trưởng tại miền cát trắng Nha Trang, và đã từng du lịch nhiều lần, tôi khá rõ về sự khác biệt đậm nét giữa các vùng biển đảo của Việt Nam  hiện nay so với trước năm 1975. Sự đầu tư ráo riết của các nhà kinh doanh du lịch đã biến những vùng biển  Việt Nam   thành những nơi xa xỉ tân kỳ và đánh mất vẻ đẹp mộc mạc thuần khiết của những làng chài nơi mà hiện thời ngư dân khó có thể mưu sinh. Tôi  hờ hững nghĩ: " Chẳng biết đảo Bình Hưng ở đâu. Chắc là thuộc vùng biển của Vạn Giã, Ninh Hòa hay Nha Trang gì đó! Nhưng ở đâu rồi cũng giống như các đảo mình đã từng đến. Chẳng có gì thú vị cả!"

 Thế nhưng, khi ngồi trong chiếc xe  chở  mười ba người của nhóm chúng tôi  trực chỉ về hướng Đông Nam tôi đã đánh mất sự thờ ơ của mình vì những lời bàn tán của những đứa em họ:
" Nếu  đi đảo Bình Ba thì thích hơn nhưng bây giờ người ta cấm người ngoại quốc ngủ lại ở đó rồi!
 "Nghe đâu đảo Bình Hưng cũng sẽ không cho người ngoại quốc ở lại đêm như đảo Bình Ba vì  cả hai đảo này đều có vị trí quan trọng  trong vịnh Cam Ranh."

"Bình Ba! Ồ,thì ra đảo Bình Hưng  gần đảo Bình Ba của vịnh Cam Ranh, chứ không phải các đảo thuộc vùng biển Vạn Giã!" Tôi suýt nói to hết những điều đang nghĩ trong đầu nhưng kịp gượm lại, suy nghĩ tiếp:" Không biết ai là người ngoại quốc đây? Anh chàng Pháp bạn trai của cô em họ đang cùng ở trên xe hay là mình? Mà cũng phải thôi! Trong tình hình lộn xộn của biển Đông  lúc này, những người không phải là công dân Việt  đều bị dè chừng là phải ! Dù sao hôm nay mình được đi đến đó  là may lắm rồi!" 



Mặc dù nghĩ thế nhưng nỗi buồn từ từ xâm chiếm trong từng ý nghĩ của tôi. Tôi  thường xúc động khi nghe những tên Cam Ranh, Ba Ngòi, Mỹ Ca và cây số 9   bởi vì  đây là những nơi tôi thường xuyên đến thăm gia đình chú thím Thuần và chơi với những đứa em họ của tôi vào những năm 1968 và 1969. Cứ đến  ngày chủ nhật cuối tuần, tôi thường được họ hàng tôi dẫn đi xe đò vào Cam Ranh;  cho nên, hễ ai nhắc đến chữ Cam Ranh là tôi nghĩ ngay đến chú thím Thuần và luôn tưởng tượng Cam Ranh là cánh tay nối dài của thân thể  Nha Trang như sự vươn xa của  gia đình nhỏ nhưng vẫn gắn bó chặt chẽ với đại gia đình. Mỗi lần bà con gặp nhau, những cái ôm chầm chặt chẽ, những tiếng cười giòn tan, những tiếng nói vui nhộn và những lời mời mọc ân cần làm cho tôi thấm thía tình bà con ruột thịt nhiều hơn.  Tôi nhớ làm sao những con ghẹ lớn chắc thịt, đầy gạch mà thím Thuần quảng cáo khi giục chúng  tôi ăn để "cho biết sự khác biệt giữa ghẹ Cam Ranh với  ghẹ Nha Trang". Tôi nhớ làm sao cái sân sau hướng ra cảng Đá Bạc, nơi bọn trẻ chúng tôi luôn ngong ngóng chờ nắng nhạt, chờ  thuỷ triều rút nước để được ra bãi  bắt ốc và  những con sao biển. Và tôi không thể nào quên được những buổi tối đi bộ ra cảng Ba Ngòi nhìn những ánh đèn thấp thoáng ngoài khơi. Trong những buổi tối như thế, những đứa em họ của tôi hay kể cho chúng tôi về vẻ đẹp diệu kỳ của đảo Bình Ba trước mặt và mỗi lần về nhà chúng thường vòi chú thím Thuần  cho cả bọn đáp tàu ra đó để chúng có thể chứng minh lời quảng cáo của chúng. Tên "Bình Ba" luôn được lập đi lập lại với lời hứa của những người lớn nhưng tôi chưa từng được một người lớn nào tạo điều kiện cho tôi được thấy Bình Ba là nơi như thế nào. Khi vào trường trung học tôi không vào Cam Ranh thường xuyên nữa nhưng hai chữ Bình Ba khắc sâu vào ký ức của tôi với niềm khao khát vô biên. 

Mãi đến Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, khi chú Thang, chú họ của tôi,  đưa gia đình chạy  t Pleiku xuống tá túc tại NhaTrang và dời  cả nhà vào cây số 9 Ba Ngòi ở thì tôi được dịp theo các con gái của chú Thang vào Cam Ranh. Được vào Cam Ranh chơi nhưng tôi không thể đến thăm chú thím Thuần ở Cảng Đá Bạc vì chú Thang không có phương tiện di chuyển. Hơn nữa tình trạng gà trống nuôi  con  của chú đã vất vả nay phải sống xa nhà trong tình cảnh ở nhờ  càng thêm chật vật hơn. Nhà chú Thang là nơi tạm trú do anh bà con làm trong ty Xã Hội cho ở tạm trong một thời gian ngắn. Căn nhà xây đơn giản với mái tôn, vách ván, cửa gỗ giống như những căn nhà dã chiến  được xây kề vách nhau trong những khu gia binh. Nó không đầy đủ tiện nghi như nhà chú thím  Thuần nhưng tôi rất thích ở đó vì tôi thích chơi với Hà, Khê và Dương, ba đứa con gái của chú xấp xỉ độ tuổi của tôi. Nhưng trong bảy người con gái của chú, tôi thích  nhất là chị Giang, con đầu của chú Thang. Chị Giang là con chú của tôi, nghĩa là vai em tôi nhưng vì chị lớn hơn tôi khá nhiều nên tôi quen gọi chị là chị. Sau khi  thím Thang mất, chị Giang là người thay mẹ cáng đáng chăm lo đàn em sáu  đứa con gái. Là người đảm đang và trách nhiệm, chị thường cho toàn mọi việc nấu ăn, giặt giũ, và dọn dẹp trong nhà. Chúng tôi đều yêu mến chị bởi tính chị hiền lành và hay chiều chuộng  chúng tôi. Biết chúng tôi phải chịu đựng sức nóng trong căn nhà tôn và nhàm chán với sự buồn tẻ  trong khu chung cư,  chị Giang thường chịu khó dắt bọn trẻ chúng tôi ra biển tắm và bắt ốc. Thường thường sau bữa ăn trưa chị Giang hay hứa dẫn chúng tôi đi biển. Mỗi lần như thế, mấy đứa con gái chúng tôi dẹp ngay trò chơi ô làng còn lở dở trong buổi sáng rồi lục đục tìm mũ và  ngồi chờ. Chị Giang biết ý tìm bao ny lông  phát cho chúng tôi mỗi đứa một cái rồi chờ nắng vừa dịu là dắt chúng tôi đi ngay. 

Chúng tôi thường đến bãi khi trời còn nắng và thuỷ triều chưa rút nhiều nên  chúng tôi được dịp  tắm biển  thỏa thích. Khi nước triều rút xa và những rặng đá  thâm thấp lộ hẳn ra dưới chân, chúng tôi thi nhau nhặt  ốc bỏ vào túi ny lông. Rất nhiều loại sò, ốc khác nhau. Nhiều nhất là loại ốc có hình tam giác. Chúng tôi chỉ nhặt trong tích tắc là được cả túi ny lông đầy. Nhặt ốc xong, chúng tôi nhặt  rong biển. Những loại rong này được ngư dân phơi để nấu canh hay chè rau câu. Lần nào đi biển về, chị Giang cũng sớt  ốc để dành nấu bún và phơi rong biển để nấu canh hay nấu chè vào ngày hôm sau. Chị Giang chỉ luộc một ít ốc vì chị biết chúng tôi chẳng ăn bao nhiêu. Đúng như chị nghĩ, chúng tôi không thích ăn thường xuyên những loại ốc khác với với những loại ốc thường bán ngoài chợ như ốc bưu, ốc hương, ốc gạo... nhưng ăn vì vui và hãnh diện. Chẳng gì thích bằng được ăn hải sản chính tay mình nhặt từ biển về. Biển đã cho tôi ý nghĩ về sự ban phát công bình và vô vị lợi. Biển không phân biệt già hay trẻ, giàu hay nghèo, sang hay hèn, miễn là chịu khó thì biển cho tất cả những gì biển có. Hầu hết ngư dân cần cù và siêng năng thường được biển đền bù xứng đáng. Những ghe đầy cá, cua, tôm, ghẹ. Những rổ đầy các loại ốc. Những thúng đầy các loại rong. Tất cả là quà của biển dành cho dân chài hàng ngày để sinh sống. Biển đã cho họ một đời sống thật thoải  mái và an vui. Những lần đi ngang qua nơi  cư ngụ của họ, tôi luôn luôn bắt gặp những ánh mắt tươi vui và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt rám nắng của họ.

Nghĩ đến đây, tôi chợt nhớ đến khu làng chài ở Xóm Cồn, Vĩnh Phước, Nha Trang bị cháy vài tháng trước  rồi  chợt hiểu vì sao tôi thường miễn cưỡng nói rằng: "Đi chơi nơi nào cũng được! Làm gì cũng được! Sao cũng được!" Sự mất mát lịm vào tim tôi từ lúc nào khiến cho ý nghĩ của tôi trở nên uể oải và chán nản! Biết làm sao hơn khi cái đẹp đẽ của cuộc đời này chỉ cái vỏ bọc. Một cái vỏ ngoài tuyệt mỹ gói ghém sự trái ngược hoàn toàn ở bên trong. 

Nếu trước đây tôi  chua xót với cảnh chênh lệch khá lớn giữa người giàu và người nghèo nơi đất Phật Ấn Độ, từng đau lòng với cảnh đổ máu nơi đất Thánh Do Thái bao nhiêu, thì ngày nay tôi cảm thấy buồn chán khi chứng kiến nhiều cảnh khó coi và trái đạo đức ngay tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình bấy nhiêu. Đàng sau sự sang trọng và mỹ miều là sự đắng cay và chua xót. Hình như    mọi người  cũng đã rõ điều này nhưng cố tình  lãng quên  để sống. Bởi vì sau những  tháng ngày bôn ba kiếm kế sinh nhai, người ta cố gắng vin vào cái gì đó  có thể làm thư giãn tâm hồn. Biết làm sao hơn? Thôi thì đành!

Các em tôi trở nên linh hoạt và vui vẻ hẳn khi chiếc xe ghé vào vườn vú sữa. Tôi cũng cảm thấy vui lây khi len lỏi qua những hàng cây, hái  trái và chia phần. 


Thăm vườn, ăn trái xong, chúng tôi tiếp tục lên đường với những tiếng nói cười vui vẻ và liên tục. 

Khi đi sâu vào đoạn đường  mới mở gập ghềnh, và vắng vẻ của địa phận Phan Rang- Bình Thuận, xe chúng tôi dịu bớt tiếng nói cười. Đa số dồn mắt dõi theo hướng xe chạy hay chăm chú cảnh hoang dại hai bên đường. Hơn nửa giờ, khi xe ngừng tại trạm thu  phí, những câu nói têu tếu xôn xao vang lên. Mấy đứa em tôi bàn chuyện tránh nộp lệ phí với câu hết sức giễu. Tôi không tham gia vào những câu nói đùa vô thưởng vô phạt nhưng bật cười một mình khi nhìn thấy sự tương phản giữa cái chòi bằng bạt vải  đơn sơ  với cái chắn có màu đỏ trắng kiểu như các cây chắn đường ở nước ngoài. 


Tôi không hiểu  trạm thu lệ phí này thu được bao nhiêu tiền trong một ngày và số tiền thu phí  có  trích được phần nào cho người gác cổng thu phí không.  Chỉ hiểu những người làm công việc này rất mệt vì họ phải ở trong tình trạng bất tiện và không đầy đủ.


Tôi nhớ trước năm 1975, những đứa học sinh trung học chúng tôi  thường đạp xe xa để tắm biển, cắm trại. Lúc thì Bãi Tiên, lúc thì Bãi Dương lúc thì Hòn Chồng. Mỗi lần đi cắm trại như thế chúng tôi chỉ đem theo những thứ đơn giản như bánh tráng, rau, dưa và nước mắm. Sau đó những anh lớn sẽ bơi xa đâm cá, đâm mực về nướng cho ăn. Chúng tôi được tự do đến những nơi chúng tôi thích mà không phải trả một chi phí nào.  Giờ đây  tôi cũng không phải trả chi phí nào trong cảnh nhập gia tuỳ tục. Vợ chồng Phú Quốc và MinhTâm, em họ của tôi, chi trả mọi thứ  trong chuyến du lịch cho toàn gia đình. Riêng đối với những bà con ở xa về quê, chuyến du lịch được xem như món quà tình nghĩa của gia đình. Như vậy thì đàng nào người trong gia đình chúng tôi cũng phải có người đứng mũi chịu sào, thay cho tất cả!
  Qua trạm thu lệ phí, xe đậu vào bãi ngay. Chúng tôi lần lượt lấy hành lý nối đuôi nhau đi xuống bãi hướng về phía chiếc tàu đang chờ.






Nhiều con sóng lăn tăn bềnh bồng như đang đuổi nhau đến tận bờ biển bên kia nơi vô số nhà cửa ôm vòng xung quanh những ngọn núi chập chùng và nối tiếp có tên là đảo Bình Hưng.




Khoảng hai mươi phút, tàu đưa chúng tôi đáp vào đảo Bình Hưng. Khi  tàu vừa cập bến, chúng tôi được  một người đàn ông và  một người đàn bà đón chào vồn vã với khuôn mặt tươi vui và thân thiện.

 

Qua đối thoại giữa họ và  vợ chồng Quốc, tôi được biết đây là  vợ chồng chủ nhà trọ. Hai người này sẽ chăm lo  nơi ăn chốn ở  và  liên lạc các phương tiện đưa nhóm chúng tôi đến những nơi đẹp và đặc biệt thuộc vùng biển đảo này. Cung cách vồn vã và thân tình của họ cho tôi cảm giác  như được bà con đón về nhà nghỉ hè. Mấy đứa em của tôi có lẽ đã quen cung cách của những người trong ngành du lịch, vô tư vô lự nhanh bước theo hai vợ chồng người chủ nhà trọ.



Tôi cũng bước nhanh theo chúng  và càng bước tôi càng thấy lòng mình  vui phơi phới. Sở  dĩ tôi như thế vì  tôi thấy khá nhiều chú chó đi qua lại lởn quởn hay nằm lăn giữa đường. Chưa bao giờ tôi thấy được cảnh lạ lẫm này! 



Trong thành phố  Nha Trang hiện thời, hiếm thấy  cảnh  chó  chạy rong, chó ngồi hiên ngang giữ nhà trước cổng hay chó nằm ngay giữa đường  thoải mái và vô tư như những chú chó ở đảo Bình Hưng này. 







Nạn cẩu tặc với những dụng cụ bắt chó quy mô và tàn ác  khiến cho chủ của chó phải thấp thỏm, phập phồng lo sợ canh chừng chó của họ chẳng khác gì canh giữ tài sản như điện thoại cầm tay,  túi xách hay xe máy đậu ngoài đường.

Ai có thể ngờ  thành phố Nha Trang xinh đẹp và hiền hòa ngày nào nay trở thành nơi xảy ra đầy dẫy nạn bắt chó, giết chó quy mô và tàn ác. Chính ba con chó của Cúc, em gái ruột của tôi ở tại Nha Trang đã thành nạn nhân cho  các "đặc vụ" cẩu tặc. 

Có đáng buồn không khi thành phố biển với nhiều nhà cao tầng, và hào nhoáng như bây giờ nhưng không còn  văn minh  lịch sự. Ngày xưa  nuôi      chó vốn dĩ để chó canh giữ nhà giờ đây nuôi chó để canh giữ chó, ngừa kẻ trộm chó, ngừa kẻ  giết chó!  Và  buồn cười làm sao khi  niềm vui hiện tại của tôi chỉ vì tôi thấy hình ảnh mấy chú chó tự do nằm ngoài đường! Có lẽ hình ảnh đặc biệt này  đã cho tôi tìm lại chút "dễ thương" của ngày tháng cũ.


Rồng rắn nối đuôi nhau đi theo vợ chồng chủ trọ trên con đường hẹp xuyên qua những căn nhà nối tiếp lên đồi, các em họ của  tôi nhắc nhở nhau nên tiết kiệm nước khi tắm rửa vì các đảo thường có nạn hiếm nước. Ngay lúc những lời căn dặn truyền đi, chúng tôi bắt gặp một giếng đầy nước được xây xi măng gọn gàng và tử tế ven đường sát cạnh căn nhà trên triền dốc.
 Không thể đoán được cái giếng này được xây từ lúc nào và ai là người thông minh đoán được mạch nước để đào cái giếng đầy nước như thế. 

Chỉ biết cái giếng được sử dụng bởi nhiều người sống kề cận quanh đó chứ không thuộc cá nhân hay gia đình riêng nào. 

Đi tiếp lên dốc tôi thấy nhiều bao lưới to gói gọn  vô số lon nước ngọt phế liệu chất chồng lên nhau cao ngất nhưng  gọn gàng trước một căn nhà.



Tôi đoán chủ nhân căn nhà là người mua phế liệu hoặc tích luỹ  bằng hình thức  nào khác. Tôi không biết chủ nhân của nguồn phế liệu này sẽ sử dụng chúng như thế nào, bán chúng  bằng hình thức nào, ở đâu và lợi nhuận có đáng  kể không nhưng sự gọn gàng ngăn nắp của những bao  phế liệu đặt ngay trước nhà giữa con  dốc hẹp khiến tôi ngưỡng mộ đức tính siêng năng và tháo vát của người dân ở nơi đây!




Mỹ cảm với cái giếng dùng chung và sự sạch sẽ ngăn nắp của những căn nhà nối tiếp  lên dốc,  tôi cảm thấy bước chân của mình nhẹ bổng trên con đường xi măng gọn sạch. Sự biểu hiện văn minh và đoàn kết của cư dân Bình Hưng  đã làm tinh thần của tôi phấn chấn và hoàn toàn xóa hẳn sự ểu oải và bàng quan của tôi trước đây lên đường.







Cho nên, khi nghe chủ nhân căn nhà trọ đề nghị  chúng tôi đi tham quan ngọn Hải Đăng Hòn Chút ngay sau khi cất hành lý, tôi vội vã hưởng ứng cùng các em tôi ngay. 

Người chủ trọ đã cử hai chiếc xe điện chở  nhóm chúng tôi lên  núi hòn Bù nơi ngọn Hải Đăng Hòn Chút ngự trị. 























Sau nửa giờ lên dốc núi, hai chiếc xe điện vào tn trong khu vực của Hải Đăng.  Chúng tôi mười ba người không ai bảo ai  cùng đến triền núi cao nhìn xuống và lặng ngắm thật lâu.



 Thú vị với vẻ đẹp dịu dàng và êm ả của đảo Bình Hưng trong nắng chiều, chúng tôi đồng lòng tụ họp thành nhóm chụp hình chung để làm kỷ niệm.

Tôi không biết các nhóm du lịch khác có được đến ngọn hải đăng này dễ dàng không và không hiểu tại sao nhóm chúng tôi đến đây dễ đến như vậy. Lờ mờ tôi đoán là nhờ người chủ trọ có uy tín nên khi ông làm hướng dẫn viên, chúng tôi không gặp khó khăn. Dù bất cứ lý do gì để được đến nơi đây, tôi nghĩ mình là người may mắn và hạnh phúc nhất trong nhóm. Được đứng trên núi Hòn Bù nhìn toàn cảnh  của đảo Bình Hưng trong buổi chiều êm ả đã là đặc ân đối với tôi. Hơn thế nữa, tôi  không ngờ  mình được phép vào tận bên trong khu nhà của biên phòng và được đi  lên thang cuốn để đến tận ngọn Hải Đăng. 





Trời lúc này đã nhạt nắng, biển yên ắng không còn nhiều  ghe thuyền. Thấp thoáng  vài chiếc thuyền  đang di chuyển thật nhanh  hướng về phía đảo. Hình như sau một ngày đánh cá hay di chuyển từ đất liền tới đảo để đón khách và buôn bán, tất cả các ghe tàu của đảo Bình Hưng đều quay trở về.  
Tôi không hiểu khi trời tắt hết nắng đến tối đen, có chiếc  thuyền nào còn lờ lửng ngoài khơi như ở biển Nha Trang không?  Và cũng không đoán được lịch vận chuyển của các chiếc thuyền sẽ thay đổi như thế nào trong những ngày trời lạnh của mùa Đông hay những ngày giông bão. Nhưng tôi hình dung được cảnh tàu đêm di chuyển như thế nào với sự hỗ trợ bởi ngọn đèn  Hải Đăng  Hòn Chút  này. Tôi nghe nói Hải Đăng này  được xây đựng từ thời Pháp thuộc, nhưng không được nghe ai kể  tỉ mỉ về sự xây đựng của những người tiên phong để hiểu rõ mục đích của việc làm. Tôi chỉ hiểu  rõ giá trị của ngọn Hải Đăng Hòn Chút trong tình hình hiện thời là ngọn đuốc hữu ích giúp ngư dân của đảo Bình Hưng biết rõ thuỷ lộ để vận chuyển dễ dàng và thuận lợi trong đêm tối. Đồng thời cũng là nhà trinh thám lợi hại đối với những âm mưu phá hoại từ bên ngoài.

Tôi đã từng tham quan nhiều ngọn hải đăng trong và ngoài nước nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy xúc động khi đứng nơi ngọn Hải Đăng Hòn Chút này.   Nằm ngay cửa  vào vịnh vòng cung nước sâu  và kín gió,   đảo Bình Hưng cùng với đảo Bình Ba thực sự là tiền đồn quan trọng của căn cứ quân sự Cam Ranh. Nếu trước đây tôi tự hào vịnh Cam Ranh là một món quà quý giá của thiên nhiên dành cho  dân  Việt, thì hiện tại tôi cảm thấy an tâm khi nhìn thấy vị trí kiên cố của ngọn Hải Đăng trên hòn đảo Bình Hưng này. Ngọn đuốc của đảo sẽ bảo vệ sự an toàn của ngư dân và góp phần trong việc duy trì và bảo vệ lãnh hải của đất nước.

















Có lẽ ngại độ cao nên chỉ có một số em họ và tôi đi  lên tận ngọn hải đăng trong lúc những  người khác đứng  ở dưới chờ.



 Khi nhóm tham quan hải đăng chúng tôi đi tr xuống, cả nhóm nhập chung rồi theo ông chủ nhà trọ  thám hiểm  những nơi gần đó để chụp hình. 


Ông chủ nhà trọ hướng dẫn chúng tôi đi xuống vài nơi đặc biệt của vùng núi rồi quay lên phía khu biên phòng của nhà  hải đăng ngay. Các em tôi thấy vậy cũng vội vàng đi theo ông.







Vài đứa em  của tôi và tôi không muốn rời quang cảnh xinh đẹp và huyền diệu xung quanh mình. 

 Chúng tôi, sáu người nấn ná từ chỗ này lại đến chỗ khác. 

Vợ Chồng Đặng MinhTâm và Cung Phú Quốc
Sau khi chụp  hình trên các tảng đá  để lấy ngọn hải đăng làm nền  xong, chúng tôi chui vào cái hang phủ đầy dây leo


trông giống như động thiên thai để chụp hình. Thực tế cái hang động không thực sự hoang sơ như hình thức. Những lớp xi măng tráng láng bằng phẳng và chiếc xích đu dù đơn điệu thô sơ  đều là dấu tích ghi lại sự can thiệp và tham gia của bàn tay người.  



Càng đi xuống núi,  chúng tôi càng muốn khám phá  nhiều hơn và đi xa hơn nhưng vì những tiếng gọi í ới hối thúc chúng tôi  đành phải quay về theo nhóm người  đang đến chỗ hai chiếc xe đang chờ.

Tài xế hai chiếc xe điện có lẽ hiểu thời giờ còn hạn hẹp nên chạy rất nhanh. Chưa đến nửa tiếng, chúng tôi đáp về  lại bến tàu của đảo Bình Hưng ngay. Lúc này đường ven biển đông đúc và nhộn nhịp hơn lúc chúng tôi đến rất nhiều.
Ven bờ nhiều ghe cập bến, đầy đặc tưởng chừng như tất cả  ngư dân đã  giao ước tập trung về cùng lúc khi chiều tàn. 






Đàn ông, đàn bà, thanh niên hè nhau  chuyển hải sản lên bờ, kẻ khiêng người vác qua lại đông đúc, cảm tưởng như chật cả đường. 

























 Kẻ mua người bán tấp nập tạo cho không khí  buổi chiều ở bến  tàu trở nên sống động và náo nhiệt vô cùng. Hàng quán lúc này được bày bán nhiều hơn với các loại thức ăn khác nhau.





Chen chúc giữa rừng người, tôi thú vị đưa đôi mắt thèm thuồng nhìn từ món ăn này sang món khác. 

Không cưỡng được cái thèm, tôi vòi Cúc, em gái ruột của  tôi mua cho ít cái bánh chuối nướng. Loại bánh chuối nướng là một trong những loại bánh tôi rất thích ăn nhưng sau này người bán thường thêm thắt màu mè hay cải biên theo các dạng khác nhau nên đã đánh mất sự khao khát  của tôi. Còn bánh chuối nướng ở đây tuy không được nướng bằng lá chuối nhưng cách  làm giống như cách mà tôi thường ăn trước năm 1975 ở Nha Trang. Chuối được cuốn bởi xôi nếp và dừa rồi nướng  với than hồng, sau đó bày ăn với nước dừa và đậu phọng rang giã nhỏ. 



Các em tôi đã mách nhỏ rằng chúng đã  đặt chủ nhà trọ làm nhiều thức ăn cho bữa cơm tối và còn chuẩn bị nhiều món ăn tráng miệng cho nên chúng tôi không nên mua thêm thực phẩm gì khác  nữa, nhưng sự thèm thuồng đã khiến tôi phớt lờ và Cúc vẫn chiều ý tôi.

Đúng như các em tôi nói, bà chủ nhà trọ cùng em gái bà  đã chuẩn bị thức ăn tươm tất cho chúng tôi tại nhà em gái của bà ngay đúng  lúc  chúng tôi tham quan khu hải đăng về. Các món cá kho, mực xào, ốc hấp, canh chua,  xà lách rau sống dưa leo và nước mắm ớt xiêm sắp đặt  sẵn sàng  và ngăn nắp với chén đũa muỗng  sạch sẽ trên nền nhà láng bóng khiến tôi cảm thấy hài lòng và cảm phục. Cách trình bày  các món ăn  hợp nhãn đã làm tôi ưa thích; đến  khi nếm vị ngon của từng món tôi ngưỡng mộ đầu bếp thêm hơn. 


Nếu đầu bếp cho ăn những món cầu kỳ như bún, phở, mì thì làm sao tôi có ấn tượng bằng bữa cơm gia đình! Trong ý nghĩ của tôi, cơm và  chén nước mắm chấm chung luôn là món ăn truyền thống  của những gia đình Việt. Giờ đây, cơm và nước mắm ớt kết hợp với các món hải sản chế biến qua  cách xào, hấp, nấu canh  đã tạo cho một bữa ăn hoàn hảo và ngon lành. 


Không phân biệt chủ khách, chúng tôi rối rít mời  vợ chồng chủ nhà trọ cùng ăn. Và cả hai vui    vẻ ưng thuận. Tuy nhiên, họ chỉ lịch sự ngồi để tiếp khách và tạo nên sự gần gũi với mọi người. Không ngại xa lạ, chúng tôi  đều giới thiệu tuổi tác và tâm tình về  thân thế của mình





Qua trao đổi, tôi được biết vợ chồng chủ nhà trọ xấp xê lứa tuổi với chị em tôi. Lứa tuổi đủ có kinh nghiệm để giữ gìn sự đẹp đẽ và ý nghĩa của nền văn hóa từ lâu đời.

Từ lúc về thăm gia đình ở Việt Nam , tôi được mời đi ăn ở nhiều nhà hàng nhưng chưa bao giờ tôi được ngồi ăn trên nền nhà giữa những người thân  trong không khí vui tươi và ấm cúng như chiều tối hôm ấy. 
Sau bữa ăn, anh chị em chúng tôi xúm xít lại đàn hát. Ông chủ nhà trọ cũng đến tham gia. Sau đó  ông chủ tịch đảo đến thăm hỏi chúng tôi và góp vui vài bài hát. Khi ông chào từ giã, chúng tôi tặng  ông tên" Chúa Đảo"!

Tôi chỉ ngồi trong giây lát rồi trở về phòng. Những cảm giác buồn nhớ  và chán nản trong lúc khởi hành đã thay bằng niềm vui sướng tràn ngập trong lòng và tôi đánh một giấc thật say ngay sau đó.

Sáng hôm sau,  chúng tôi đều dậy sớm để chuẩn bị cho chuyến tham quan các nơi đặc biệt của vùng đảo Bình Hưng như anh chủ  nhà trọ dự  định. Anh nói chúng tôi phải ăn xong bữa sáng trước bảy giờ vì sẽ có tàu đón chúng tôi vào lúc bảy giờ. Chúng tôi nhắc nhở nhau y theo lời yêu cầu bằng cách cài đồng hồ báo thức và  đập cửa phòng gọi nhau  dậy để giữ đúng giờ. 6 giờ 10 phút chúng tôi đã rời khu nhà trọ đi bộ xuống bến.
Bến tàu buổi sáng đông đúc và nhộn nhịp chẳng kém gì bến tàu chiều tối.

Chỉ khác là có nhiều hàng ăn và món ăn khác tối hôm qua. Đa số là thức ăn sáng.




Ngang qua hàng bún, chúng tôi xà  ngay vào hàng bánh căn  nơi chị chủ nhà trọ đang ngồi cạnh cô bé bán hàng. Lúc này tôi nhớ lại lời hứa của chị trong bữa ăn chiều hôm qua. Nghe chị nói bữa ăn sáng sẽ là món bánh căn, tôi tưởng sẽ ăn sáng ở nhà em gái chị, đến khi ra quán bánh căn ở bến tàu này, tôi mới hiểu chị đặt người bán làm trong lúc cẩn thận mang theo xoài bằm và mực bóc sẵn.



 Có lẽ đã biết Bánh Căn là  món ruột của dân Nha Trang  nên chị đã chuẩn bị kỹ để chiều theo gu của khách. Thực tế, chúng tôi chỉ thích ăn bánh căn trơn hơn là thêm mực,  tôm hay trứng.  



 Người Nha Trang chúng tôi thường thích ăn món bánh căn với mỡ hành và  nước mắm  hoặc mỡ hành với xoài bằm và mắm nêm. Mỡ hành luôn là món quan trọng đối với  loại  bánh căn làm bằng bột  gạo đun chín trên những khuôn đất nóng. Nếu không có mỡ hành trong nước chấm, thì bánh căn sẽ trở thành vô vị, không có gì đặc biệt. Tuy nhiên cách ăn của người Nha Trang chúng tôi làm cô bán hàng quan ngại và tỏ vẻ không hài lòng. Cô cảm thấy chúng tôì đã dùng nhiều mỡ hành khi chúng tôi múc mỡ hành bỏ vào  những chén mắm. Sự lo lắng của cô khiến tôi nhớ đến những cái bánh chuối nướng chiều hôm qua. Vị bánh chuối nướng không khác vị bánh chuối nướng tôi đã từng ăn, chỉ khác là bánh chuối ở đây thiếu mùi nướng cháy của lá chuối. Từ những chuyện này, tôi đoán là rau xanh rất khan hiếm trên đảo Bình Hưng này và có lẽ chuyện trồng trọt thực vật trên đảo rất khó khăn.

Nhìn vẻ không vui của cô bán bánh căn, các em họ của tôi giải thích cho cô biết rằng chúng tôi chỉ dùng hành mỡ trong mắm chứ không cần cô trét  trên từng cái bánh. 

Chị chủ nhà trọ cười hiền hòa rồi giải thích thêm cho cô bé  biết cách ăn hành mỡ với bánh căn khác nhau ở mỗi vùng. Nếu cô bé hiểu cách ăn của khách và làm theo cách ăn ấy thì sẽ không hề cảm thấy thiệt thòi. Giải thích xong, chị tính tổng cộng số bánh mà chúng tôi đã ăn và trả tiền cho cô bé. Sự bất đồng được giải tỏa bằng những nụ cười thông cảm.

Rời hàng bánh căn, nhóm đàn bà chúng tôi bước sang hàng cà phê nơi cánh đàn ông đang ngồi. Lướt mắt qua những ly cà phê và những ly nước có màu xanh lá non  trên bàn, tôi vội nói:

 "Chị chỉ ngồi đây chơi chờ đến lúc đi thôi chứ không uống cà phê hay nước ngọt gì cả."
Minh Tâm lắc đầu:
"Đây không phải nước ngọt đâu chị. Nước rong biển do bà chủ đây chế biến đó!"
Tôi vui mừng hỏi:
"Ủa? Nước rong biển chứ không phải nước ngọt sao? Vậy gọi cho chị một ly đi!"

Bà chủ quán nghe gọi thêm nước, mở tủ lạnh lấy  chai nhựa chế nước màu xanh non vào một cái ly rồi mang ra cho tôi. Thấy tôi nhìn chằm chằm cái chai, bà giải thích chai đựng nước rong biển là chai nước cũ được tái sử dụng.  Bà lấy  rửa sạch sẽ trước khi bà chế nước rong biển vào. Tôi mỉm cười gật đầu tỏ ý tin tưởng vào sự sạch sẽ của bà. Nhâm nhi thưởng thức vị mát ngọt và ngon tuyệt  của nước rong biển, tôi mỉm cười kín đáo.



Tôi đắc ý với  nhận định ban đầu của mình: "Người dân ở đảo Bình Hưng này rất thông minh và tháo vát!" Hòa với những lời ca tụng của các em tôi, tôi không ngừng khen sáng kiến tuyệt vời của bà chủ quán.  Thật tình tôi không còn đủ chữ nghĩa để khen ngợi và bày tỏ sự biết ơn đối với việc làm của bà.  Đã lâu lắm tôi chưa được  nếm lại những món ăn chế biến từ rong biển của Cam Ranh. Vị nước rong biển kèm theo mùa thơm của lá dứa  đã  khơi cho tôi thêm nỗi nhớ về những ngày cũ. Tôi nhớ làm sao những ngày  đầu tiên tôi ăn những món canh rong và chè rau câu của chị Giang nấu ở cây số 9 Cam Ranh! Như thế, món ăn thường gợi lại kỷ niệm của giai đoạn thời gian và không gian mình đã trải qua chứ không chỉ bởi một bài ca, một kỷ vật hay một khung cảnh.
Bà chủ quán cà phê tâm đắc với những lời khen của chúng tôi, đem gói rong biển khô ra khoe cách nấu. Vợ Phú Quốc hỏi tỉ mỉ cách nấu xong mua mấy gói rong biển khô ngay. 



Trả tiền nước xong, tàu chưa đến đón chúng tôi. Nghĩ là còn sớm nên  các em họ của tôi đều quay trở về nhà trọ  để cất những gói rong biển  khô đồng thời lấy thêm những đồ dùng vì vội đi nên quên lấy. Trong khi chờ đợi mọi người trở lại, tôi rủ Cúc,  em gái tôi,  đi dọc theo  ven biển chụp hình. Lúc này  vẫn còn vô số  ghe nhỏ và  chiếc thuyền  lớn dọc theo bờ. Vài chiếc thuyền không hiểu rời đảo từ lúc nào mà đã cập bến với hành khách và những thùng đầy ắp cá, mực và tôm.






Tôi tinh nghịch khiêng các hộc hải sản của họ giả làm người buôn để chụp hình. Mặc dù mới sáng sớm, những người chủ hàng không hề trách cứ chuyện tôi  nghịch phá hàng của họ ngay trong lúc "mớ hàng sớm mai"  mà chỉ đưa mắt nhìn tôi với nụ cười thân thiện.







Lang thang trên bến đáp tàu một lúc tôi đi ngược lại ven biển nơi một chiếc tàu đang từ từ tiến vào bờ. 







Mặc dù tàu chở chúng tôi ra đảo Bình Hưng chiều hôm trước có tên là tàu Chín Được, tôi vẫn linh tính chiếc tàu có chữ Sáng Ra này sẽ đón chúng tôi tham quan  các  đảo; cho nên, tôi cất tiếng hỏi người chủ tàu có phải anh đến đón nhóm mười ba  người ở Nha Trang đi tham các bãi biển quanh đảo Bình Hưng không. Anh chủ tàu gật đầu nói phải rồi mời hai chị em tôi  lên tàu. 












Giống như những người dân đảo mà tôi vừa gặp, anh chủ tàu rất thân thiện và dễ dãi. Anh cho phép chúng tôi chụp hình mọi nơi trên tàu  ngay cả chỗ tay lái  chứ không hề  kiêng cử gì.

Khi các em họ của tôi lên tàu đầy đủ, anh đề máy cho  khởi hành ngay. Anh  không bắt buộc chúng  tôi mặc áo phao và cũng không hề quan tâm chuyện chúng tôi có không biết bơi hay không. Có lẽ anh đã khá tự tin khả năng của mình đối với những nguy hiểm trên biển và cũng có thể anh lạc quan với thời tiết khá đẹp lúc bấy giờ. Chúng tôi không rõ lý do vì sao chuyến du hành trên biển lúc này khác hẳn những chuyến đi chơi các đảo khác nhưng cảm thấy rất an tâm và thư giản vì tin tưởng là mình đang đồng hành với người   trưởng tàu đầy bản lãnh và tự tin. 

Khi chiếc tàu vượt ra khỏi đám ghe tàu chi chít gần bờ, nó phóng nhanh ra biển như  con cá   lướt nhanh trên mặt nước vì phấn khích. Giữa biển rộng, trời xanh, khí trời mát mẻ, chúng tôi ai nấy đều hân hoan và thích thú.  Nhìn lại đảo Bình Hưng lúc này chỉ còn  thấy đồi núi và ngọn hải đăng cao chót vót. 

 





Mặc dầu biển khá êm nhưng có lẽ chiếc tàu chạy khá nhanh khiến vài người em tôi bị say sóng. Còn tôi, khá thích thú khi được hải du trong vùng biển gần vịnh Cam Ranh nên quyết leo tận nóc thuyền  



để ngắm cảnh xung quanh 




và chụp hình

Chụp chùng Minh Tâm vợ Phú Quốc




Chẳng mấy chốc, anh chủ tàu báo cho  chúng tôi tàu đang tiến vào  hang đá. Anh bảo nếu ai muốn    thám hiểm thì có thể nhảy xuống tàu, bơi sâu vào trong hang và anh sẽ chờ ngoài cửa hang khoảng nửa tiếng nhưng chúng tôi đều từ chối. Chúng tôi nói chỉ muốn tàu vào sát  cửa hang để có thể chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Nghe thế, anh cố gắng điều khiển chiếc tàu vào sâu trong hang hơn








Càng tiến sâu vào trong, tàu càng chòng chành nghiêng ngả. Bất kể điều nguy hiểm đang gần sát bên mình, chúng tôi cùng nhau cố gắng tiến gần mũi tàu để chụp hình với cửa hang. Đến lúc cả nhóm  cùng ngồi trước mũi tàu để chụp hình chung, chúng tôi mới nhận ra là các vách đá trong hang gần như vây sát cả chiếc tàu.

 
Hoảng hồn, chúng tôi giục anh chủ tàu mau lái tàu ra khỏi hang. Tôi thật kinh hãi khi tưởng tượng những tảng đá ngầm nhọn hoắc dưới nước đục thủng chiếc tàu. Nếu thế, chúng tôi khó được tàu cứu hộ đến cứu một cách  khẩn cấp. May mắn là  tàu chúng tôi được điều khiển ra khỏi hang một cách an toàn. Quay lại nhìn  cửa hang lần cuối, tôi chợt nghĩ đến cái tên cần lưu lại cho những bức hình chụp nên  vội hỏi chủ tàu:
" Hang này tên  gì vậy em?"
 Anh chủ tàu đáp gọn:
" Tên Hang Tàu đó chị!"
Tôi tròn mắt ngạc nhiên hỏi lớn:
" Ủa? Tại sao  tên Hang Tàu?"
Anh điềm tĩnh nói với giọng đều đều:
" Tại cái tàu vào hang đầu tiên nên hang có tên là Hang Tàu!"
 Tôi bật cười, gật gù nói theo: "À thì ra tàu vô đây trước tiên nên hang có tên HangTàu!" 

Nói xong, tôi tự nhủ rằng mình may mắn vì đã không sơ suất thốt ra những điều đang nghĩ trong đầu:
"Tại sao gọi là Hang Tàu? Hang này ở trong hải phận Việt Nam phải là  hang Việt Nam chứ!"

Rồi tôi chợt nhớ những cái tên đơn sơ và mộc mạc mà ngư dân đặt cho các đảo ở vùng biển Khánh Hòa như Hòn Rùa, Hòn Đỏ, Hòn chồng, Hòn Tre, Hòn Yến, Hòn Mũi, Hòn Sam, Hòn Ong, Hòn Lớn...và hiểu nguyên nhân vì sao  tôi không thể xác định đảo Bình Hưng ở đâu khi các em tôi nói đến nó.  Cái  tên Bình Hưng mỹ miều đã thay cho  Hòn Chút  hay còn gọi là Hòn Tý trước đây đã làm tôi không thể xác định vị trí cuả hòn đảo này khi nghe về nó. 








Rời Hang Tàu, chúng tôi được đưa đến bãi san hô. Anh chủ tàu   khuyến khích chúng tôi lặn xuống biển ngắm những hình thù đặc biệt và đẹp đẽ của những khối san hô  ở dưới đáy  biển nhưng chỉ vài người đàn ông trong nhóm chúng tôi phóng xuống biển và lặn  trong tích tắc ri leo lên tàu ngay. Không ai nói gì về chuyện nhìn thấy san hô như thế nào. Có thể họ đã không lặn sâu để có thể thấy được những gì mà họ từng nghe quảng cáo.




Anh chủ tàu không nói năng gì, lặng lẽ đưa chúng tôi rời biển san hô đến bãi tắm có suối nước ngọt. Đến bãi này, anh khuyến khích tất cả chúng tôi nên vào bãi tắm rồi  đi sâu vào đảo suối nước ngọt cho biết cảnh đẹp ở đó.  Nghe như vậy  tất cả đàn ông trong nhóm tôi  phóng xuống biển ngay. Thấy mấy đứa em gái  của tôi ngần ngừ  không muốn rời tàu, anh khuyên họ nên xuống tàu vào bãi tắm chứ ngồi trên tàu lúc ngưng chạy máy  bị sóng dồi sẽ bị say sóng nhiều hơn. Nghe thế, chúng tôi vội  lấy áo phao mặc vào và lần lượt bám theo chiếc thang mà anh chủ tàu đặt sẵn để bước xuống nước. Tất cả tư trang, giỏ xách, điện thoại cầm tay và máy ảnh của chúng tôi đều lưu lại  trên tàu nhờ anh giữ. Tôi rất muốn đem máy ảnh và cell phone để vào bờ chụp hình nhưng sợ bị ướt hư nên giao hết cho anh luôn. Tiếc rẻ tôi dặn anh chụp dùm cho vài tấm hình khi chúng tôi xuống nước. Anh gật đầu chiều ý ngay.

Tôi leo xuống tàu không mấy khó khăn nhờ chiếc cầu thang thả nổi. 
Khi ngâm mình trong nước biển tôi cảm kích lời khuyên của anh chủ tàu vô cùng. Làn nước mát  đã cho tôi cảm giác dễ chiụ sau hơn một giờ ngồi trên tàu.  Tất cả mấy đứa em tôi  có lẽ đồng tâm trạng, đều lộ ra vẻ sung sướng khi vùng vẫy trong nước. 














Thú vị với những gì đang tận hưởng, chúng tôi rủ nhau vào bờ cát trắng đang óng ánh phơi mình dưới ánh nắng vàng. Nước biển gần bờ trong xanh chẳng khác ngoài khơi. Màu xanh  thạch của biển đã giữ những đôi chân của chúng tôi  múa may thêm một lúc mới thả cho chúng bước lên bãi cát trắng mịn. Chúng tôi, người nằm trên cát tắm nắng, kẻ đi dọc bờ, người  len lỏi qua các khối đá tảng để chụp hình  một lúc rồi rủ nhau cùng đi sâu vào trong  bãi tìm suối nước ngọt.


Cuối cùng, chúng tôi đã  tìm đến vị trí suối nước ngọt đúng như lời hướng dẫn trước đó của anh chủ tàu. Lặng nhìn giòng nước suối  trong suốt   lộ rõ  những đàn cá bơi qua lại trên những viên sõi đủ hình dạng và lòng suối đầy cát trắng mịn,  tôi cảm tưởng như đứng trước hồ cá nhân tạo của một người chủ nuôi cá sạch sẽ và kỹ tính. 



Sự trong suốt của nước suối khiến cho tôi tin nước suối ở đây rất tinh khiết. Nếu  phải uống nước suối này có lẽ  sẽ không bị nhiễm bệnh.  Tôi chợt ngắm bóng mình qua giòng nước và cảm tưởng như mình đang soi gương. Quả như lời ca ngợi của anh chủ nhà trọ và anh chủ tàu, bãi suối nước ngọt quả là  đặc biệt. Đặc biệt  không phải vì nước suối trong veo, trong vắt mà vì giòng suối nước ngọt nằm  ngay cạnh bờ biển mặn.  Tôi không rõ triều cường ở vùng biển này như thế nào và vì sao suối nằm ngay cửa biển lại không bị ảnh hưởng nước mặn để  thành nước lợ.  Sự đặc biệt của giòng suối đã khơi nên sự thắc mắc vô biên trong  tôi  và  tôi chắc rằng mình sẽ tìm hiểu  thật kỹ về nó khi có dịp.



Hiện tại, tôi có thể khẳng định  sự sạch sẽ của cả vùng nước biển mặn  và giòng suối ngọt ở bãi này là do sự thưa thớt khách du lịch. Khác với Hòn Chồng, Tháp Bà,  nhà thờ Núi và biển Nha Trang đông đúc khách du lịch Trung Quốc, tôi không hề thấy một người Trung Quốc nào  tại đảo Bình Hưng. Có lẽ chính phủ không cho phát triển du lịch ở nơi đây nên các nhà đầu tư không có cơ hội tiến hành.

Lúc bơi về tàu để quay trở lại đảo Bình Hưng,  anh chủ tàu đã giúp tôi khẳng định điều tôi suy đoán. Ngang qua bãi biển nơi có một dọc khu nhà xây dựng lở dở và  hoang tàn, anh chủ tàu cho chúng tôi biết đó là khu xây dựng du lịch thất bại bởi vì  người bỏ vốn đầu tư  không được phép tiếp tục phát triển du lịch trong vùng biển này.  


Nghe thế, tôi cảm thấy an lòng. Theo tôi, chuyện kiểm tra thẻ  căn cước ở hai đảo Bình Ba, Bình Hưng và chuyện ngăn cấm du khách nước ngoài không được lưu trú nhằm mục đích bảo đảm an ninh cho căn cứ quân sự ở Cam Ranh là sự cần thiết đối với Việt Nam. Mai này nếu tôi không còn được cho phép đến nơi đây vì lý do chính đáng như thế, tôi sẽ vui sướng và an tâm khi biết chắc rằng bờ biển và hải đảo của Tổ Quốc tôi luôn được bảo vệ một cách  chắc chắn và tuyệt đối.


Các em tôi không suy nghĩ xa xôi,  đắc ý với chuyến ngao du trên biển tiếp tục cười giỡn vui vẻ và giòn tan. Khi tàu đi ngang những nhà bè, mọi người đều đồng lòng không ghé vào các nhà hàng trên bè ăn trưa như dự định ban đầu.

 

Tất cả đều đồng ý  là khi về thẳng luôn đảo Bình Hưng để mua hải sản  ăn kèm với những thức ăn đem theo.  Nghe thế tôi mừng lắm. Tôi vốn không câu nệ chuyện ăn nhà hàng khi đi du lịch, nay không phải leo lên những nhà bè nơi mà tôi luôn có ý nghĩ  là nếu tôi đến đó tôi sẽ  góp phần  vào việc  làm ô uế môi trường sạch đẹp và  huỷ hoại nguồn sống của biển quê tôi. 



Nước biển ở đây trong xanh là điều kiện tự nhiên vô cùng quý giá làm tăng thêm vẻ đẹp của đảo Bình Hưng  đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển giống tôm hùm. Nếu kinh doanh du lịch mở rộng,  môi trường sạch đẹp này sẽ bị  huỷ diệt trong phút chốc. Ngư dân ở đây chắc chắn sẽ bị thất thu nguồn đánh bắt hải sản, đặc biệt là  tôm hùm. 


"Có đáng  hưởng thụ chỉ vì thỏa mãn thèm muốn cá nhân trong lúc trực tiếp huỷ hoại loại tôm hùm hiếm quý do  ngư dân  ra sức chăm sóc các lồng nuôi một cách khổ cực và vất vả không?" 
"Không!" là câu trả lời cho câu hỏi tôi tự đặt. 






Mười hai giờ trưa, tàu Sáng Ra đưa chúng tôi trở lại đảo Bình Hưng. 





Về nhà trọ tắm rửa xong, chúng tôi bày thức ăn trưa ngay. 



Vợ Phú Quốc và vợ Quỳnh Anh đi chợ mua thêm các loại hải sản đặc biệt của đảo Bình Hưng để mọi người có dịp thưởng thức những món lạ của đảo.    





Những món ốc, sò tươi roi rói rất ngon nhưng đặc biệt nhất là món Nhum nướng hành mỡ.

Hôm ấy là ngày đầu tiên tôi ăn con Nhum. Là dân sống ở miền biển, không ai xa lạ gì với con Nhum bởi vì nó chính là con cầu gai, loại sinh vật mà tôi thường tránh xa khi đi tắm biển ở Bãi Tiên,  Bãi Dương, Hòn Chồng hay Nha Trang. Tôi rất sợ những chiếc gai nhọn của con cầu gai này vì những cái gai chích của chúng không những làm  chảy máu mà còn gây đau nhức và sưng mủ. Cảm giác sợ cái hình thù đầy gai góc khiến tôi không bao giờ có ý nghĩ đây là con vật để ăn và tôi không hề thấy ai nấu nướng món cầu gai trong quãng thời gian thơ ấu.
 Ngày nay không hiểu xuất phát từ đâu con cầu gai có tên Nhum đã trở thành món thịnh hành chẳng kém gì  tôm hùm.


Và tôi chỉ thử cho biết nhưng không thích lắm. Ba giờ chiều chúng tôi thu dọn hành lý trở lại tàu Sáng Ra như giao kèo với anh chủ tàu.
    




Hai mười phút sau, tàu Sáng Ra đưa chúng tôi đáp vào đất liền. Vừa lên bờ, chúng tôi đến bãi đậu xe  lên đường về nhà ngay. Ngang qua trạm thu lệ phí tôi mỉm  cười khi nghĩ đến  chữ  Trạm Kiểm Soát.  thay thế cho chữ Trạm Thu Lệ PhíĐây là nơi không kém quan trọng cho việc bảo đảm  an ninh của đảo Bình Hưng. 

Chuyến du lịch đảo Bình Hưng của chúng tôi chưa tròn hai ngày nhưng tôi đã thu thập được nhiều điều mới mẻ. 






 Giờ đây khi nghe nhắc đến chữ đảo Bình Hưng, tôi sẽ nhớ đến những nụ cười thân thiện, những lời nói hòa nhã của những người dân chài đôn hậu và chất phát ở đó. Chắc chắn tôi sẽ  nhớ nhất và nhớ mãi  vùng biển  trong  xanh và sạch sẽ của đảo Bình Hưng. Trong niềm thương nhớ này, tôi hy vọng sự thông minh và nhân hậu của những người sống ở đó  giữ mãi màu xanh tươi đẹp của biển.



Cung Thị Lan
 Ngày 11 tháng 4 năm 2017






























































































































No comments:

Post a Comment