Saturday, February 22, 2020

Sa Pa Kỷ Niệm Đáng Nhớ

Cung Thị Lan

Tôi rất vui sướng khi ba đứa con trai của tôi sắp xếp được thời gian để cùng vợ chồng chúng tôi về thăm gia đình ở Việt Nam trong mùa hè 2013. Ngoài những ngày đi thăm hỏi gia đình nội, ngoại, bà con họ hàng, chùa chiền, viếng mộ một số người thân đã khuất, đi lễ bái chùa chiền, du ngoạn ở Nha Trang, chúng tôi đã có dịp ghé thăm vài nơi ở miền bắc như Hà Nội, Hạ Long và Sapa.

 
 


Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất Bắc và đi theo kiểu tự túc với sự sắp xếp của một công ty du lịch; cho nên trước khi khởi hành tôi hồi hộp và lo lắng lắm. Tôi tự trấn an là nếu chẳng may có điều gì bất trắc xảy ra, thì sự đoàn kết và tình thương yêu của gia đình sẽ gom góp những cách giải quyết tốt nhất. Chuyến du lịch được xem như là chuyến đi với thử thách.
Một trong chuyến du lịch miền Bắc mà tôi thích nhất và lo lắng nhất là chuyến đi Sapa. Tôi đã từng mơ ước được thăm Sapa kể từ khi tôi là cô giáo Địa Lý nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể biến mơ ước thành sự thật. Lúc ấy, tôi có cảm giác không an toàn khi đơn thân du lịch miền Bắc, một nơi xa xôi và lạ lẫm trong ý nghĩ của tôi. Bây giờ, mặc dù du lịch cùng gia đình nhưng chúng tôi phải tự đáp tàu lửa từ ga Hà Nội đến ga Lào Cai để gặp người hướng dẫn du lịch, nên tôi vẫn lo lắng không yên tâm suốt chặng đường đi.






 
Đến Sapa, cảm giác lo lắng của tôi nhẹ bớt vì sự ân cần và sự y hẹn của người hướng dẫn viên. Theo lịch, ngày đầu tiên người hướng dẫn viên sẽ để cho chúng tôi tự túc tìm hiểu tham quan phong cảnh gần thị trấn Sapa kèm theo những phiếu thức ăn ở những nhà hàng đã được công ty du lịch ấn định sẵn. Ngày thứ hai, chúng tôi sẽ được đưa đi tham quan Lào Chải, Tả Vân, và chợ Tình. Ngày thứ ba chúng tôi sẽ được hướng dẫn đi xuống bản Cát Cát và ngày thứ tư chúng tôi sẽ được tham quan Hàm Rồng.
Ngay ngày đầu tiên tôi đã cảm thấy sung sướng khi lang thang giữa những khách sạn tân kỳ, ngắm nhìn những nhà hàng thiết kế theo kiểu Âu Tây trong thị trấn, chứng kiến tận mắt những ruộng bậc thang với những khoảnh lúa xanh mơn mởn uốn lượn quanh  những ngọn đồi, trò chuyện với những em nhỏ HMông với những đôi mắt ngây thơ chân chất và mặc cả với những người bán hàng rong HMông trong sắc phục rực rỡ sắc màu với giọng nói tiếng Việt lơ lớ không sõi. 








  

Thú vị nhất là được chứng kiến tận mắt tôn ti trật tự trong thế giới dân tộc HMông! Khi một người HMông cao tuổi nhất mời khách mua hàng thì những người HMông khác trong nhóm đang vây quanh khách đứng im phăng phắc, lắng nghe, không dám chen ngang mời khách, giựt khách hay lôi kéo khách. Khi khách hàng từ chối mua hàng của người cao niên và hỏi hàng của người khác, trẻ hơn thì người bán hàng trẻ hơn này mới có thể chào bán. Hàng hóa của họ phần lớn là những chiếc giỏ xách nhỏ, ví tay, vòng vải đeo tay và khăn trang trí do chính họ thêu hoặc nhận từ những người bán sỉ.






Tối hôm ấy, tôi rất lấy làm thú vị khi biết thêm phong tục truyền thống của người HMông qua buổi tham quan chợ Tình trong thị trấn. Các nam thanh nữ tú dân tộc HMông và dân tộc Dao thường họp chợ vào mỗi sáng chủ nhật nhưng vì ở các bản xa họ thường đi bộ đến sớm và tụ họp vào đêm hôm trước, tối thứ Bảy
                               




Trong buổi tối này những người trẻ thường tụ tập vui chơi thổi khèn, hát tỏ tình giao duyên để làm quen, hẹn hò và trở thành người bạn tình cho nên cuộc tụ tập này được gọi là Chợ Tình. Buổi chợ Tình tối ngày hôm ấy đông đúc như hội bởi khách du lịch Việt và Tây len lỏi trong những thanh niên nam nữ dân tộc Hmông và dân tộc Dao. Xuyên qua rừng người, năm người trong gia đình chúng tôi đành phải tách rời, lang thang mỗi người một nơi rất lâu. 
Sau đó, chúng tôi cùng tụ lại nơi hai anh khách du lịch trẻ đang trò chuyện với một cô gái HMông rất xinh đang địu trên vai một đứa bé trai khoảng một tuổi.
Một anh khách du lịch trẻ đột nhiên hất mặt về phía cô gái nói với tôi rằng: 
- Chị xem đấy! Mới bé thế mà ba đứa con rồi!




Nhìn khuôn mặt non choẹt chỉ chớm tuổi vị thành niên của cô bé, tôi ngạc nhiên hỏi: 
- Em có ba đứa con thật sao?
- Thật đấy! Ba đứa con!
-Thế hai đứa kia đâu? 
- Ở nhà với bà!
- Sao em không ở nhà với con ra đây làm gì?
Anh khách du lịch trẻ đáp hộ, giọng rất hài: 
- Chồng đi chơi, nên bế con đi theo chồng! Nhưng mà chồng có về đâu mà chờ! 
Cô bé Hmông quay sang anh khách du lịch đáp nhanh như chớp: 
- Có đấy! Nó có về đấy!




Tôi bật cười: 
- Biết chồng về thì ở nhà với con chờ chồng về sao lại ra đây cho đứa con này bị lạnh vậy?
Người thanh niên du lịch trêu già: 
- Nó không về nữa đâu! Giờ này nó không về là nó không về nữa rồi. Đi với anh đi!
- Không đi! Nó về đấy! Giờ nó không về! Sáng nó về họp chợ! 
Tôi trợn mắt: 
- Em chờ đây đến sáng sao? Em bao nhiêu tuổi vậy? 

- Mười tám tuổi!
Mười tám tuổi!” Tôi vừa lẩm nhẩm vừa nhìn ba đứa con trai của tôi. Ba anh ở độ tuổi hai sáu, hai ba và mười chín. Chưa một anh nào có gia đình và có lẽ chẳng anh nào có thể tìm người bạn đời có sức kiên nhẫn và chịu đựng bền bỉ như cô bé này. Cô bé đại diện cho người dân tộc tại đây, những người chịu đựng nắng, mưa, gió tuyết với hoàn cảnh sống không tiện nghi nhưng chưa từng thể hiện sự bất mãn hay chán chường trên khuôn mặt. Qua Chợ Tình tôi hiểu rõ người dân tộc Hmông lập gia đình rất sớm nhưng tuổi thọ của họ là bao nhiêu thì tôi không biết. Hai ngày lang thang du lịch, tôi chỉ gặp một người cao tuổi nhất là sáu mươi nên tôi chưa có thể xác định được thời gian chịu đựng trong cuộc đời họ đối với điều kiện sống không tiện nghi trên vùng núi cao này là bao nhiêu. Tôi chỉ thầm ao ước ba đứa con tôi tìm ra điều đáng học. Nhưng, khi nhìn ba khuôn mặt lặng câm quan sát, tôi chỉ thấy sự nín lặng, không bày tỏ. 
Hôm sau, chúng tôi đi xuống bản Cát Cát như lịch ấn định. Sáng sớm, mưa lất phất như mưa xuân khiến tôi chủ quan cho rằng cái mũ nhựa rộng vành của tôi đủ sức chống chọi với cơn mưa nhẹ, không cần phải mang theo những chiếc dù mà khách sạn đã chuẩn bị sẵn cho ở góc phòng. 
Sau bữa ăn sáng, xe đưa chúng tôi cùng người hướng dẫn viên rời thị trấn Sapa hướng về phía đi bản Cát Cát. Vừa xuống xe, mưa rơi nhiều hơn và càng lúc càng nặng hạt.

 Năm người chúng tôi chỉ có hai chiếc dù. Chồng tôi và ba đứa con trai cố gắng bảo vệ các máy ảnh bằng cách che chung hai chiếc dù trong lúc tôi chịu trận bởi những giọt nước mưa thấm vào người càng lúc càng nhiều. Chiếc mũ rộng vành bằng nhựa không đủ sức ngăn những giọt mưa. Người tôi bị thấm ướt càng lúc càng nhiều. Trong lúc tôi lúng túng tìm cách đối phó với những giọt mưa và sự ướt át thì tôi còn phải liên tục từ chối sự mời hàng của những người bán rong Hmông bên đường, đặc biệt là các em nhỏ. Chúng đi theo tôi rất xa.
Đến khi tất cả đều thua cuộc thì một đứa bé gái Hmông cỡ bảy tuổi gọn gàng trong áo thun sọc ngang màu xanh dương, quần lửng, chiếc dù con và một chiếc túi nhựa nhỏ đựng hàng, nhất định không chịu rời tôi. Nó vừa đi vừa gạ tôi mua những chiếc sợi dây đeo tay dùm nó. Tôi nói không mua vì đã mua khá nhiều rồi. Nói xong tôi ngạc nhiên với tiếng Việt rõ ràng của nó cho nên tôi tò mò hỏi có phải nó học tiếng Việt ở trường không và sao không đi học mà đi bán.


 

 Sau khi trao đổi vài câu, tôi nhận ra là con bé đã theo tôi khá xa nên tôi giục nó trở lại đường cái chính với những nhóm người đang chào hàng ở đó. Rồi tôi khăng khăng cho nó biết là dù nó có theo tôi năm hay bảy cây số xuống bản Cát Cát thì tôi vẫn sẽ không mua hàng cho nó đâu
Tôi nói vậy vì tôi không muốn lục tiền trong chiếc giỏ đầy những thứ lỉnh kỉnh của tôi và để tránh trường hợp nó sẽ phải quay trở lại một mình trên con đường vắng người. Con bé trả lời rành rọt với tôi là:
- Con nghe cô nói không mua cho con rồi nhưng con vẫn đi theo cô. Xuống bản, cô mua cho con cũng được, còn cô không mua cho con thì con về nhà.
Tôi à lên: 
-Té ra nhà con ở dưới bản Cát Cát hả?
Rồi tôi gật đầu nói thêm:
- Ừ như vậy thì con có thể đi theo cô!





Đi thêm một lúc, chúng tôi gặp thêm hai đứa bé gái , mỗi đứa cũng có một túi nhựa nhỏ chứa hàng và một chiếc dù che mưa như đứa bé mặc áo màu xanh dương nhưng trong hai đứa bé này, đứa thấp hơn có chiếc dù lớn hơn gấp đôi. Đó là một chiếc dù rộng vành của người lớn. 





 


 


Hai đứa bé này ngạc nhiên nhìn con bé mặc áo xanh dương đơn độc đi theo chúng tôi, trao đổi với nhau bằng tiếng Hmông rồi bước nhanh cùng con bé mặc áo xanh dương hòa theo nhóm chúng tôi. Tôi không nói gì, cũng không giao kèo gì về chuyện mua hay không mua hàng cho chúng. Lúc này mưa lớn hơn khiến tôi phải cầu cứu con bé có cái dù lớn để được che chung(!)






Thế là đoàn người chúng tôi gồm: người hướng dẫn viên, năm người trong gia đình chúng tôi và ba con bé người Hmông lướt trong cơn mưa nặng hạt hướng về phía bản. Đi thêm một đỗi nữa chúng tôi gặp một con bé đứng đơn độc bên sườn núi với túi nhựa nhỏ chứa hàng và chiếc bao nhựa che đầu.




Nó hỏi ba con bé kia bằng tiếng Hmông rồi nhập vào nhóm chúng tôi ngay. Ba con bé sau này không hề hỏi tôi về chuyện mua hàng. Dường như chúng đã thỏa thuận điều kiện mà con bé mặc áo màu xanh dương cam kết với tôi: 
“Xuống bản, cô không mua thì con sẽ về nhà.” 
Nhìn cách nói chuyện của bốn con bé, tôi đoán con bé mặc áo màu xanh dương lớn tuổi hơn ba con bé kia và nói tiếng Việt sõi hơn nên trông có uy hơn.
 Con bé áo xanh dương nói cho tôi biết nó tên Dô rồi đánh vần Dờ Ô Dô khi kể là nó có đến trường nhưng nghỉ học vì đang hè. 
Tôi nói Dô cho con bé đang trùm chiếc bao nhựa che chung dù rồi hỏi một chiếc dù khoảng bao nhiêu tiền? 
Dô nói một chiếc dù khoảng hai chục ngàn Việt Nam.
 Tôi nói là tôi sẽ không mua hàng của mấy đứa nhưng tôi sẽ cho mỗi đứa hai chục ngàn. Nếu như tôi cho mỗi đứa hai chục ngàn thì tôi sẽ phải đưa tất cả bao nhiêu? 
Ngạc nhiên thay bốn con bé đều nói được tiếng Việt là tám chục ngàn. 
Con trai thứ hai của tôi nghe thế móc túi lấy tám chục ngàn đưa cho tôi để tôi đứa cho mấy đứa bé. 
Tôi nói với bốn đứa bé là tôi hứa cho chúng tiền thế mà con tôi đã cho thì tôi sẽ cho thêm khi tới bản và nếu tôi cho hai trăm ngàn thì chia ra mỗi đứa sẽ được bao nhiêu. 
Con trai đầu của tôi nghe thế, rút hai trăm ngàn nói tôi đưa cho mấy đứa nhỏ đi khỏi cần chờ xuống bản.
 Tôi đưa cả cho Dô và nói nó cất kỹ đến khi tới nhà thì chia cho bạn. Về đến nhà thì nghỉ, đừng đi bán nữa.
 Dô và ba đứa bé đều gật đầu đồng ý với khuôn mặt vui sướng. Người hướng dẫn viên mỉm cười và toàn bộ thành viên trong gia đình chúng tôi cảm thấy vui sướng theo niềm vui của các em nên tất cả chúng tôi đều bước đi thật nhanh.



Đến sườn núi mưa rơi nhẹ hạt hơn nên chúng tôi chia nhau chụp hình chung với các em. Những khuôn mặt ngây thơ chân chất của chúng đã khiến con trai thứ hai của tôi, vốn không thích chụp hình cũng tham gia một cách hứng thú.








Xuống dưới đồi, mưa ngừng hẳn. Trong khi chờ chúng tôi lom khom bước qua một con mương nhỏ, bốn đứa nhỏ thoắt mất. Người hướng dẫn viên nói với chúng tôi là giá như mấy đứa nhỏ không đi cùng chúng tôi thì chúng đã về bản từ lâu lắm rồi.




Đi trong mưa, đi bộ, leo dốc, băng qua suối không phải là nguyên nhân làm chúng tôi đi chậm. Cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đã cầm chân chúng tôi đứng lại thật lâu để thưởng thức và chụp hình. Tôi đã khá thú vị khi đi qua những thửa ruộng bậc thang xanh mơn mởn, những bụi tre uốn theo những sườn đồi, cảnh vật hiền hòa nên thơ quanh cây cầu bắt ngang con sông và cảnh thơ mộng những căn nhà sàn , mái lá đơn sơ bên những vườn cây. 
Qua cây cầu chúng tôi gặp bốn đứa bé đang đứng chờ ở đó. Tôi đã rủ chúng đến một quán nước trên một ngọn đồi nhỏ rồi chỉ vào cái tủ chứa các lon nước giải khát bảo chúng chọn tuỳ thích. Bốn đứa bé chọn bốn lon có bốn màu khác nhau và chồng tôi đã cản một đứa khi con bé này chọn lon bia. Bà chủ quán vui vẻ hỏi bốn đứa bằng tiếng Hmông, không rõ nói về chuyện gì sau đó xin nhắp một tí. Tôi mua thêm bánh cho mấy đứa nhỏ và các em bé ở gần quán đang tò mò đứng nhìn. Chia bánh cho các em nhỏ quanh xóm xong tôi nhờ ông chủ quán bảo chúng về nhà. Các em ngoan ngoãn nghe lời ngay.
 

Ngồi chờ bốn đứa bé ăn bánh uống nước ăn tôi lơ đễnh nhìn căn nhà đối diện nơi mà ba đứa bé vừa đến quán nhận bánh rồi ngạc nhiên hỏi ông chủ quán sao không thấy bóng dáng một người lớn nào trong căn nhà ấy. Ông nói là bố mẹ chúng đã đi làm và chúng ở nhà chỉ mỗi chúng. Tôi sững sờ nhìn đứa bé độ sáu tuổi đang bế một đứa em cỡ hai tuổi đứng bên cạnh đứa bé cỡ bốn tuổi ở trong căn nhà trống trải trên ngọn đồi mà đối diện là con đường chính nơi xe lớn ngang qua lại thường xuyên bên cạnh sườn đồi thăm thẳm xuống bên dưới. 

 





 Tôi than trời với cả ông chủ quán và bà chủ quán thì họ nói đó là chuyện bình thường. Người hướng dẫn viên cũng nói đó là chuyện bình thường đối với người Hmông.
 

 
 Tôi đã cố gắng giữ “sự bình thường” như họ nói bằng cách không để ý nữa và chú tâm đến bốn đứa nhỏ đang thích thú nhâm nhi ăn bánh và uống nươc ngọt quanh cái bàn bằng gỗ khúc. Tôi đã chụp cho chúng rất nhiều hình rồi mở máy hình cho chúng xem.

 

 Khi bốn đứa bé ăn uống xong, chúng tôi rời quán, tiếp tục đi xuống bản. Đến quán ăn, người hướng dẫn đưa phiếu bảo chúng tôi vào ăn trưa và nghỉ ngơi khoảng một giờ anh sẽ trở lại đưa đi tiếp. Tôi nói với Dô là đã đến bản, con chia tiền cho các bạn và đi về nhà đi. Dô gật đầu đồng ý kêu bạn chào từ giã chúng tôi. Nhưng, chỉ vài phút sau, bốn đứa bé đi vào quán, đến chỗ chúng tôi ngồi và trao cho chúng tôi mỗi người một dây vải đeo tay. Vì gia đình tôi năm người, Dô đã hào phóng tặng thêm một dây đeo cho chồng tôi cho đủ. Trao cho chúng tôi quà xong, bốn đứa thoắt ra khỏi quán. Đúng lúc ấy, một đoàn khách du lịch toàn người ngoại quốc vào quán và đoàn người bán hàng rong Hmông với đủ loại tuổi già trẻ bám theo mời mọc, trong đó có cả bốn đứa bé vừa mới đi ra. 
Tôi vừa buồn vừa thương gói vội vài chiếc chả giò mà bồi bàn vừa đem tới rồi gọi Dô tới lấy đem chia cho bạn. Dô có vẻ ngượng không muốn trở lại bàn chúng tôi nhưng cuối cùng ngoan ngoãn theo tiếng gọi thành khẩn và những cái gật đầu khuyến khích của tôi. Nhận gói chả giò xong, Dô biến mất. Ba đứa bé kia cũng không thấy trong đám người bán dạo. Ra khỏi quán tôi ngơ ngác tìm trong đám người đang mặc cả mua bán nhưng không thấy bóng dáng bốn đứa nhỏ ở đâu


 



 
Tôi biết các em hoặc đã về nhà hoặc trốn nơi nào đó nhưng lòng tôi quặn một nỗi đau và thương cảm. Tôi thầm trách sao các em giữ lời hứa làm gì trong khi các em cần mưu sinh trong hoàn cảnh khó khăn. Ngang qua những căn nhà trống hốc của bản, nỗi buồn của tôi càng dày hơn. Tôi không hiểu người dân tộc ở đây làm sao chống chọi được mùa lạnh khi tôi nghe mùa đông ở đây có rất nhiều tuyết. Các em sẽ sống như thế nào trong hoàn cảnh như thế? Sau ngày hôm ấy cho đến ngày sắp rời Sapa tôi thường tìm kiếm Dô và ba đứa bé trong nhóm người bán dạo nhưng tôi không còn gặp nữa. Cuộc gặp gỡ chỉ trong một đoạn đường thế mà tôi không thể nào quên hình ảnh đẹp đẽ và chân chất của các em. 
Tôi biết là tôi không bao giờ trở lại Sapa nữa nhưng khi nghĩ đến Sapa, ngoài những thửa ruộng bậc thang, tôi luôn nghĩ đến những khuôn mặt ngây thơ chân chất của bốn em bé gái trên con đường đất xuống bản Cát Cát. Từ đó đến nay, mỗi lần nhớ các em tôi thường nhìn lại chiếc vòng dây đeo tay kỷ niệm.

 Những ngày tuyết lạnh ở Mỹ, tôi nhớ các em và thương các em nhiều hơn. Tôi không hiểu các em sống như thế nào trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu tiện nghi trong mùa tuyết lạnh ở Sapa. Suy nghĩ hoài, nỗi buồn cứ day dứt mãi trong lòng tôi.
Cung Thị Lan - Hoa Thịnh Đốn 
Ngày tuyết 21 tháng 1 năm 2014



 Hình ảnh kỷ niệm với bản Cát Cát- Sapa 2013