Tôi ngỡ những con vẹt đuôi dài, yến phụng và sẻ vằn của tôi không thể nào thông minh như các động vật như vượn, chó và cá heo. Tôi cũng không tin chúng có bộ óc tinh tế như chim bồ câu. Nhưng, tôi đã lầm. Những con chim của tôi đã gây cho tôi nhiều bất ngờ về trí nhớ và sự thông minh của chúng.
Trong thời gian đi du lịch xa, tôi thường gọi điện thoại về nhà và nhờ người trong gia đình giúp tôi Facetime với hai con vẹt Đốm Đen và Đốm Trắng. Mỗi lần được nối kết qua Facebook Messenger, tôi thấy ánh mắt vui mừng trong kinh ngạc, những cái nghiêng đầu dáo dác tìm kiếm, những bước nhảy lùng sục, và những tiếng hót lánh lót vui mừng xen lẫn tiếng kêu rối rít của Đốm Đen và Đốm Trắng. Con trai tôi nói nó rất ngạc nhiên khi thấy những hành động này bởi vì suốt thời gian vợ chồng chúng tôi đi vắng, ba chuồng chim đều im lặng và hai con Đốm Đen và Đốm Trắng đều ủ rũ đến nỗi nó phải quan ngại. Cốt để hai con này vui hơn, con trai tôi đã thả chúng ra ngoài chuồng nhưng chỉ vài phút bay khắp phòng cây xanh nhà bếp tìm kiếm một lúc chúng ủ dột bay trở về chuồng ngay. Tôi đoán trước chúng sẽ buồn khi vắng bóng chúng tôi bởi chúng tôi thường "nói chuyện" với chúng chứ không đơn thuần thay thức ăn nước uống, hay dọn chuồng như mấy đứa con tôi...nhưng tôi không nghĩ chúng mùng rỡ khi nghe giọng nói của chúng tôi qua Facebo ok Messenger. Thật là cảm động khi thấy con vật mong nhớ mình khi cách xa như thế.
Tôi không biết Đốm Đen và Đốm Trắng đã qua bao đời chủ, loại ngôn ngữ nào đã dùng bởi những chủ trước của chúng và bao nhiêu tên khác nhau mà chúng có được. Tuy nhiên, sau hai năm sống trong nhà chúng tôi, hai đứa đều biết tên chúng là gì và hiểu cả tiếng Việt. Khi nghe gọi tên mình, Đốm Đen hay Đốm Trắng thường quay đầu về phía người gọi nghe ngóng. Hai đứa không hề lẫn lộn tên nhau. Mỗi khi Đốm Đen nghe la thì nó ngưng ngay chuyện làm chúng tôi phật ý và nhìn sững vào mặt tôi như đang " chờ lệnh"! Đốm Trắng nghe giọng nói ngọt ngào của tôi dành cho thì thường duỗi cánh, ngước mặt tỏ vẻ hài lòng lắm. Mỗi khi Đốm Trắng nghe tôi la Đốm Đen với giọng rắn thép, nó nhìn tôi tỏ vẻ biết ơn như thể hiểu tôi đang bênh nó. Bởi Đốm Đen thường ăn hiếp Đốm Trắng nên tôi thường có hai giọng nói khác nhau: Với Đốm Đen thì gằn mạnh, đanh thép, còn với Đốm Trắng thì luôn ngọt ngào âu yếm. Chuyện la mắng Đốm Đen xảy ra hằng ngày bởi vì Đốm Đen thường ăn hiếp Đốm Trắng. Mỗi khi tôi đút thức ăn vặt vào chuồng cho Đốm Trắng, Đốm Đen ganh tị bay đến mổ Đốm Trắng để Đốm Trắng sợ bay chỗ khác và lấy chỗ đứng gần bên tôi, rồi ăn thức ăn mà tôi đang đút cho Đốm Trắng. Thực tế nó không thích những món ăn vặt của người như bánh họt, chip, bí luộc, khoai lang luộc, tôm luộc.... Nó chỉ mổ vì ganh tị rồi nhả ra ngay. Đốm Trắng biết rõ tính cà khịa của Đốm Đen nên mỗi lần Đốm Đen giành chỗ, lấy thức ăn của nó là nó bay qua cành cây khác đậu. Đứng ở chỗ mới, nó nhướng mắt nhìn tôi, ra vẻ chờ đợi. Đốm Trắng biết lần nào nó bay chỗ khác tôi cũng sẽ đút thức ăn vào nơi nó đứng và tôi làm đúng như nó nghĩ. Đốm Đen thấy vậy, chẳng chịu thua, bay sà đến, mổ Đốm Trắng để con này sợ bay đi để lấy chỗ giành ăn. Để tránh tình trạng ganh tị, tôi đút hai mẫu bánh vào chuồng bằng hai tay ở hai chỗ khác nhau cho hai đứa ăn tại hai nơi khác nhau nhưng Đốm Đen không muốn ăn phần của nó. Nó nhất định tìm cách bay đến chỗ Đốm Trắng đứng để ăn phần của Đốm Trắng. Có lẽ Đốm Đen nghĩ tôi thiên vị, cho Đốm Trắng thức ăn ngon hơn nên tìm cách quấy nhiễu con này. Đốm Trắng phải bay từ nơi này đến nơi khác nhiều lần để tránh những cái mổ hiếp đáp của Đốm Đen. Đốm Đen được thể làm lừng. Cho đến khi nghe tôi hét" Thôi nhen Đốm Đen! Không được ăn hiếp Đốm Trắng nhen!" nó mới ngưng.
Một hôm, tôi đang rửa chén bất chợt tôi nhìn sang mấy chuồng chim và chăm chú cái chuồng của Đốm Đen và Đốm Trắng. Đốm Đen đang đứng trong cái tô đựng hạt, mổ
một cách từ từ chậm rãi, trong lúc Đốm Trắng cạnh cái tô, đưa mặt nhìn Đốm Đen với vẻ náo nức và mong đợi. Trông dáng của Đốm Trắng khúm núm rất tội nghiệp! Có lẽ nó đứng đợi khá lâu và mong được ăn trước khi trời sập tối! Thấy vậy, tôi vọt miệng sang nói lớn" Đốm Đen! Ăn xong chưa vậy con? Ăn nhanh đi ra cho Đốm Trắng ăn chứ để Đốm Trắng chờ lâu tội quá vậy!" Đốm Đen đang chăm chú ăn, nghe tên ngửng đầu lên, nghiêng đầu, ngó về phía tôi rồi bước ra khỏi tô đựng thóc ngay. Sau đó nó lách qua mặt Đốm Trắng rồi nhảy sang cành cây gần đó. Đốm Trắng chỉ chờ có thế, vội vàng cúi đầu vào cái tô đựng hạt mổ lấy mổ để.
Chồng tôi không ngạc nhiên khi nghe tôi kể chuyện này. Anh thường kể cho tôi nghe chuyện Đốm Đen và Đốm Trắng biết tên của chúng. Không bao giờ chúng nhầm lẫn. Mỗi khi được ra khỏi chuồng, Đốm Đen thường lục lạo trong các góc kẹt, đáy bàn hay hốc tủ trong lúc Đốm Trăng đứng canh ở ngoài. Mỗi lần như thế, chồng tôi hay gọi "Đốm Đen đâu rồi?" và Đốm Trắng thường dáo dác nhìn về phía Đốm Đen đang chun trốn. Rồi y như rằng, từ cái chỗ Đốm Trắng nhìn chằm chằm, Đốm Đen chui ra ngơ ngác ngước lên như muốn hỏi" Gọi tôi làm gì đó?" Rõ ràng chúng biết phân biệt tên nào của chúng.
Hai con Đốm Đen Đốm Trắng còn có trí nhớ khá tốt. Chúng có thể phân biệt ngày chúng tôi đi làm hay ở nhà qua y phục của chúng tôi và tiếng kêu của nhà để xe. Mỗi khi thấy chúng tôi mặc y phục đi làm, chúng biết thân biết phận yên lặng đứng yên không đòi hỏi gì cả. Hôm nào thứ bảy chủ nhật, chúng thấy chúng tôi mặc đồ ở nhà là chúng đứng cạnh cửa chuồng rên rỉ đòi chúng tôi mở cửa cho chúng bay ra ngoài chơi.
Mỗi khi chúng tôi đi làm về, vừa nghe tiếng cửa garage mở, chúng tôi đã reo lên những tiếng vui mừng ríu rít không ngừng.
Mấy con chim Yến Phụng cũng thông minh không kém. Mỗi lần thấy chúng tôi về chúng cũng hòa theo Đốm Đen và Đốm Trắng reo vui mừng rỡ. Mỗi khi chúng thấy chúng tôi thả cho Đốm Đen và Đốm Trắng bay ra ngoài thì cả chuồng Yến Phụng của chúng nhao nhao hẳn lên. Chúng nhốn nháo khắp chuồng và rối rít gọi nhau liên lục như thể đang nói với nhau rằng :"Bác Đốm Đen và Đốm Trắng được thả ra chơi rồi kìa! Tụi mình cũng sắp được ra rồi!" Thế nhưng các con yến phụng không có tính la cà như Đốm Đen và Đốm Trắng. Mỗi khi được thả ra, chúng chỉ bay trong phòng cây xanh độ một hay hai giờ đồng hồ là chúng bay về. Chỉ có hai con Cutie Em và Cutie Út Ốc Tiêu là hai đứa hay vào chuồng sớm hơn bầy nhưng bản tính ham vui nên vào chuồng ăn hạt một lúc lại luyến tiếc đi ra. Mỗi lần thấy thế chồng tôi phải chỉ mặt hét: " Giờ này còn đi đâu? Đi vô!" Thế là hai nàng lấm lét nhìn chồng tôi rồi líu ríu bám vào thành chuồng đi vào trở lại. Tướng hai đứa rất tội nghiệp khiến chồng tôi phải phì cười. Anh tưởng sự nghe lời của chúng chỉ vì sợ hãi chứ không phải vì hiểu biết. Nhưng sau năm, sáu lần liên tiếp hai đứa Cutie Em và Cutie Út Ốc Tiêu lấm lét trở về vào chuồng khi thấy chồng tôi chỉ tay từ xa bảo:"Đi vô!" thì chồng tôi khẳng định " Mấy con chim hiểu mình nói em à! Hai 'bà' Cutie Út ham "dzui" thích lang thang không chịu vô mà anh đi vô là tụi nó biết thân biết phận đi vô ngay!"
Tôi cười thú vị vì tưởng tượng cử chỉ răm rắp tuân lệnh của hai con chim nhỏ bé Cutie nhưng tôi không chắc chắn về sự hiểu biết của loài chim yến phụng. Tôi nghĩ chúng nghe lời anh chỉ do thói quen. Thói quen đã ăn sâu vào tâm trí của chúng như ý niệm cái chuồng của chúng là quê hương yêu dấu của chúng. Tuy hai cái chuồng của Đốm Đen và Đốm Trắng giống nhau như đúc nhưng chúng chỉ bay qua chuồng của "hai bác Đốm" chơi một chút rồi tất cả đều bay về và quần tụ trong cái chuồng của chúng, hót líu lo, chứ không bao giờ ở lại để ngủ trong đó. Có hôm vợ chồng tôi khiêng cái chuồng của chúng ra ngoài deck để chúng có cơ hội thấy không gian bên ngoài và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Tưởng đâu chúng sẽ vui mừng khi thấy bầu trời và cây cối xung quanh. Nào ngờ chúng đứng tụ sát vào nhau, và rít lên những tiếng sợ hãi như sắp bị chúng tôi bắt chia xa. Thì ra, chúng chỉ thích ở trong phòng Cây Xanh, thích cái trần nhà trắng và không muốn rời nơi chúng cư ngụ trong thời gian khá lâu.Điều này cho tôi rõ rằng nếu một ngày nào đó chúng tôi không có khả năng nuôi chúng nữa và thả chúng bay đi như cách phóng sanh của những người Phật Tử thì đó không phải là việc làm mà chúng muốn.
Hai con Sẻ Vằn, giống như bầy yến phụng,cũng bám cái chuồng của chúng như con người quyết sống chết với quê hương xứ sở của mình. Thỉnh thoảng chúng tôi mở cửa chuồng cho chúng cơ hội bay ra phòng Cây Xanh như những hai con chim vẹt đuôi dài và mười hai con chin Yến Phụng vì sự công bình nhưng chúng không bao giờ muốn thực hiện điều này. Ngay cả lúc chúng tôi giơ tay xua, chúng cũng bay vòng vòng trong chuồng của chúng, nhất quyết không bay đến chỗ cánh cửa mở để bay ra khỏi chuồng.
Sẻ Vằn nhỏ chỉ bằng nửa nắm tay của tôi vậy mà khôn đáo để! Chúng phân biệt được nước sạch và dơ. Mỗi khi cái "hồ" nhỏ đựng nước tắm của chúng bẩn đục thì chúng rít lên những tiếng ai oán để nhắc chúng tôi thay nước cho. Mỗi khi thấy nước sạch là chúng mừng rỡ hót líu lo rồi gọi nhau vào tắm.Vẫy cánh phành phạch chúng vung nước tứ tán với sự thích thú và mãn nguyện. Tắm khi có nước sạch là việc làm thường xuyên của hai con Sẻ Vằn Ụt Éc Chồng và Ụt Éc Vợ. Ngoài cái hồ tắm, cái tổ và cái mền lồng cũng là tài sản quý giá của chúng. Vị trí các thứ này như nằm trong trí nhớ của chúng. Mỗi khi thấy mất thứ gì chúng ta thán bằng những tiếng kêu rất bi thương não lòng như giục chúng tôi phải trả lại ngay cho chúng. Cho nên khi nào chúng tôi muốn giặt rửa cái mền lồng hay cái tổ của chúng, chúng tôi phải chờ những ngày nắng gắt.
Tôi thường suy nghĩ về bộ óc của mấy con chim của mình mỗi khi chứng kiến những hành vi của chúng. Những hành vi tinh tế và thông minh chẳng khác gì con người.
Xanh Da Trời từ lúc bị tình địch Mỏ Vàng giết con, tỏ ra xa cách với chồng Vàng Em. Nó thường đậu đơn độc ở một chỗ và hay bay đi chỗ khác khi Vàng Em bay đến gần. Có lẽ hình hài con của nó bị chết thảm trong những cái trứng bể do Mỏ Vàng gây ra là sự ám ảnh khiến nó không còn muốn liên quan đến Vàng Em hay cạnh tranh tình ái với Mỏ Vàng nữa. Chồng tôi nói giễu là" Xanh Da Trời đang tu!" ... Và rõ ràng Vàng Em cũng "bị tu" như Xanh Da Trời. Mặc dù bị vợ từ bỏ, nó không hề luyến ái với bất cứ một con chim mái nào dù già hay trẻ. Nó kịch liệt từ chối sự theo đuổi của Mỏ Vàng, sự chăm sóc của Xám và sự ve vãn của những con chim yến phụng mái mới lớn như Smatie Em Ba, Smatie Út và Cutie Út. Mặc cho Xanh Da Trời từ chối và xa lánh thể nào, nó luôn luôn theo đuổi và bám sát theo con này. Mỗi khi Xanh Da Trời bay đến đâu, nó bay đến đấy, không từ nan hay chán nản. Nó quyết bên cạnh vợ nó dù bị vợ nó hắt hủi. Và một điều rất đáng để ý là Vàng Em không hề luyến ái với một con chim mái nào gần suốt một năm trời.
"Sự luyến ái của loài chim phụ thuộc vào tình yêu? phu thuộc vào nhu cầu sinh lý? hay vì sự phát triển giống nòi?"Đó là câu hỏi tôi luôn tự đặt. Tình trạng của Vàng Em cho thấy rõ ràng là nó đang thiên về sự chung thuỷ. Tình yêu đối với vợ nhiều hơn sự đòi hỏi của xác thịt và sự phát triển nòi giống. Phải chăng số lượng mười hai con trong bầy yến phụng đã làm Vàng Em không màng đến chuyện phát triển thêm.
Khác với Vàng Em, sự gầy dựng giống nòi đối với Đốm Đen và Ụt Éc Chồng, là chuyện hết sức cần thiết và quan trọng Cùng cảnh ngộ: một vợ, một chồng cùng sống trong một chuồng, Đốm Đen và Ụt Éc Chồng có chung một bản tính là luôn lo lắng đến chuyện sinh sản và phát triển nòi giống. Mặc dù là chim trống, chúng lo lắng chuyện sinh sản đến độ giành phần ấp cho vợ chỉ vì chúng không tin khả năng chu toàn của mấy con chim mái.
Sau ba lứa trứng không nở của hai con sẻ vằn, chúng tôi không dọn tổ cho chúng nữa. Mặc cho chúng có lứa trứng mới, và một thời gian các lứa trứng không có dấu hiệu nở thành chim non chúng tôi vẫn để nguyên, không thu dọn. Rút kinh nghiệm, chúng tôi biết là sau thời gian ấp khá dài, nếu trứng không trống, sẽ khô và rỗng ruột chứ không ảnh hưởng đến vệ sinh gì cả.
Thỉnh thoảng kiểm tra vệ sinh tổ của chúng, chúng tôi thấy những cái trứng của Ụt Éc Vợ nhỏ chỉ bằng hạt đậu. Những cái trứng cho biết Ục Éc Vợ đã già và khả năng sinh nở của nó không còn như trước. Đây là dấu hiệu chắc chắn về sự vô sinh của hai con sẻ vằn. Thế nhưng, sẻ vằn trống Ụt Éc Chồng luôn tận tâm và cật lực cho việc phát triển giống nòi của nó. Nó hì hục xé giấy báo lót chuồng thành những sợi dài rồi tha vào tổ để ấp trứng. Khi chứng kiến cảnh Ụt Éc Chồng xé tờ báo to gấp 6,7 lần thân thể của nó, chúng tôi thương tình giúp nó bằng cách cắt những tờ giấy lịch mềm bỏ vào chuồng. Ụt Éc Chồng thấy một đống giấy cắt nhỏ thì mừng lắm. Không biết mỏi mệt là gì, Nó nhanh nhẩu cắp từng mẫu giấy tha về tổ.
Sẻ vằn mái là đứa tộc tệch lại thích an nhàn. Mặc cho chồng làm việc cực khổ thể nào, nó chỉ biết ăn. Ăn xong thì tắm, hết tắm lại ăn.
Sẻ vằn trống thấy vợ nó lè phè thì nổi dóa, rượt con này khắp chuồng. Con này bay trối chết từ nơi này sang nơi khác cho đến khi nhặt một mẫu giấy lịch, con sẻ vằn trống mới thôi. Nhưng con sẻ vằn mái chỉ nhặt một mẫu giấy duy nhất rồi tà tà bay vào tổ. Vào tổ xong. nó không ra gắp giấy tiếp mà nằm lì trong ấy để giành phần ấp.
Thấy vợ nằm ấp, sẻ vằn trống không còn lý do gì để "đánh" vợ nữa đành hì hục gắp những mẫu giấy còn lại đem về chất trong tổ.
|
Add caption |
Có lẽ sẻ vằn trống ý thức được chuyện bay tới bay lui nhiều lần gây mệt nhọc nên thay vì gắp từng miếng giấy một, nó gắp luôn một mớ. Thường là hai hay ba mẫu giấy. Vì nó làm cả mô như thế nên những mẫu giấy cắp trong mỏ của nó thường rớt lả tả khi nó bay đến cửa tổ. Để tránh tình trạng bị rớt giấy và phải bay xuống sàn chuồng nhặt lên, nó đậu trên "hồ nước" cho mấy mẫu giấy thấm nước trước khi bay vào cửa tổ và nhét giấy vào trong. Sau khi thành công, nó gắp một mẫu giấy đến hồ ngấm mẫu giấy vào nước rồi bay xuống chỗ đống giấy cắp chung vào rồi bay đến hồ nước, dùng nước để ngoạm gọn gàng cả đống giấy trước khi bay vào tổ. Tôi khá kinh ngạc khi chứng kiến việc làm đầy thông minh của sẻ vằn trống. Nhờ sáng kiến tài tình này mà nó kết thúc việc " xây tổ" một cách mau chóng. Khi mớ giấy không còn trên sàn chuồng, cái tổ của chúng ngập giấy. Tưởng chừng như con sẻ vằn mái bị lấp kín bởi giấy và chắc chắn là mấy cái trứng hoàn toàn ấm nóng vì bị bao phủ kín mít.
Ục Éc Vợ có lẽ bị ngộp và gò bó trong cái tổ gần như bít bùng, không chịu ấp nữa, bay ra ngoài ăn rồi tung tăng bay từ nhánh cây này đến nhành cây khác. Bay nhảy, chơi từ nơi này sang nơi khác đến chán chê thỉ đến hồ nước tắm. Tắm xong nó bay đến hộp đựng hạt để ăn. Ụt Éc Chồng nằm ấp trong tổ trên một đống giấy lịch cao nghều, theo dõi không sót nhất cử nhất động của Ụt Éc Vợ. Cho nên, ấp một lúc nó bay ra rượt con vợ nó khắp chuồng. Con vợ bay trối chết mỏ không ngừng kêu cứu. Hai con bay vòng vòng trong chuồng kêu la suốt ngày. Buồn cười là sau lứa trứng thất bại đầu tiên, Ụt Éc Vợ rên la rượt Ụt Éc Chồng như đổ lỗi sự vô sinh của chồng. Còn bấy giờ Ụt Éc Chồng rượt vợ vì đỗ lỗi con này không làm nên trò trống gì nên trứng không nở ra con!
Từ chuyện phát triển nòi giống thất bại của hai con chim sẻ vằn mà phòng cây xanh của chúng tôi luôn vang lên tiếng kêu của hai con chim này. Chúng không hề ngủ chung với nhau như thời gian đầu tiên ở trong nhà chúng tôi.
Bấy giờ không còn cảnh sẻ vằn mái Ụt Éc Vợ hục hặc, chửi rủa, la mắng chồng nữa mà là cảnh sẻ vằn trống Ụt Éc Chồng rượt con sẻ vằn mái Ụt Éc Vợ mỗi ngày.
Tôi tin là những con chim của tôi hiểu nhau qua tiếng kêu, và tiếng hót khác nhau của chúng.
lại nhưng chứng nào tật nấy nó có máu trưởng thượng! Lúc nào nó cũng muốn được hay làm điều gì trước Đốm Trắng! Khó có thể " giáo huấn" nó "bình đẳng" nam nữa với Đốm Trắng vì bản tính nó vốn dĩ như thế! Hơn nữa, tôi không có thì giờ nhiều cho chúng.