Saturday, September 16, 2017

Đằng Sau Sự Im Lặng- Cung Thị Lan

Khi đến nhà thuỷ tạ trong khu vực thác nước Montmorency, tôi nói với chồng tôi là tôi muốn đi lên chiếc cầu treo của đỉnh thác để có thể ngắm toàn cảnh. Chồng tôi nhìn theo hướng chỉ của tôi rồi nói không. Tôi thuyết phục anh rằng cái cầu dọc theo triền núi từ công viên Montmorency Falls  đến thác Montmorency   có hai ngã rẽ. Bởi vì  chúng tôi vô tình đi ngã  phải  nên đến cái nhà thủy tạ gò bó này, chứ giá như chúng tôi đi theo ngã  trái sẽ được lên chiếc cầu treo trên kia


 


thì chúng tôi sẽ được thấy toàn cảnh thay vì chỉ thấy một góc. Chồng tôi nhìn lên chiếc cầu treo thêm một lần nữa rồi kiên định lắc đầu. Kế đó, anh tập trung vào chuyện kiếm chỗ để chụp hình. Ba người bạn đi cùng không xen vào đối thoại của chúng tôi và cũng không hề  góp  ý kiến gì. Họ đang tìm cách len lỏi đến những chỗ có thể ngắm cận cảnh.




 Nhân lúc mọi người bận rộn, tôi lẻn ra khỏi nhà thủy tạ đi ngược về phía ngã ba rồi đi lên con đường phía trái. Đúng như tôi nghĩ, hướng trái đưa tôi lên dốc cao hơn và dẫn tôi đến chiếc cầu treo của thác nước Montmorency. Khi đến giữa cầu treo, tôi cảm thấy thú vị với không gian khoáng đãng và phong cảnh hùng vĩ xung quanh vô cùng. Giá như không có cái cầu treo dưới chân và không có những dãy thành cầu bảo vệ ngăn chắn, tôi sẽ là người lơ lửng và chờn vờn trên sự giận dữ  ầm ầm của những giòng nước trút không ngơi ở phía dưới. Nếu có thể  như sự tưởng tượng của tôi thì quả là một sự trêu gan trước thử thách của thiên nhiên. 





Vì nghĩ như thế, nên khi nhìn những người đang  đu dây qua lại trên thác nước  bên dưới tôi hiểu vì sao họ chọn trò chơi nguy hiểm này.

 

Con người thường thích thể hiện những pha ngoạn mục trước cái đẹp mạnh mẽ và ấn tượng của thiên nhiên. Họ muốn chinh phục sự hùng vĩ của tạo hóa và vượt qua chính bản thân của mình.














Nhưng rồi tôi chợt thót người khi nghĩ cảnh ai đó sơ sẩy rớt xuống và cảnh vùng vẫy ngoi ngóp của thân người trong giòng nước mạnh cuồn cuộn bên dưới. Chắc chắn sẽ là hình ảnh rất kinh hoàng!


Trong lúc tôi bâng khuâng với những điều đang nghĩ, chiếc điện thoại cầm tay reo vang. Chồng tôi hỏi với giọng thất thanh:" Em đang ở đâu vậy?" Tôi ấp úng nói: " Em đang ở trên chiếc cầu treo. Anh ra đến ngã ba đi theo hướng trái, lên đây sẽ thấy em ngay!"

Vài phút sau, chồng tôi và ba người bạn gặp tôi ngay giữa cầu treo. Không ai nói với tôi lời nào. Không rõ mọi người đang mê hoặc bởi cảnh đẹp hùng vĩ giữa ngọn thác hay vừa thoát cơn sợ hãi vì sự mất tích của tôi. Bạn tôi thì thầm cho tôi biết chồng tôi rất giận dữ và lo lắng khi không tìm thấy tôi trong nhà thuỷ tạ. Tôi biết lỗi nên lặng thinh. 

Ngẫm nghĩ, tôi lấy làm lạ không hiểu vì sao chồng tôi giận dữ. Anh chẳng từng nói với tôi rằng:" Anh rõ tính của em lắm! Em muốn gì là quyết tâm làm cho bằng được!" đó sao? Và tôi không hiểu vì sao anh không biết tôi ở đâu!Tôi chẳng nói với anh là tôi thích lên  chiếc cầu treo này để nhìn toàn cảnh và nói với anh về ngã trái dẫn đến đây sao? Ngẫm đến câu "Giang san dễ đổi, bản tính khó dời!" tôi chợt mỉm cười. Biết làm sao hơn khi tôi thường theo đuổi những ý nghĩ thôi thúc mình hơn là lời khuyên của người khác.


Như vấn đề  bà con! Bởi tôi quan niệm ruột thịt là quan trọng nên tôi đã không nghe  lời khuyên đầy mỉa mai của anh chồng tôi rằng:" Hai em ở xứ người làm ăn cực khổ lại còn lo cho con cái cho nên các em không cần phải quan tâm  thăm hỏi đến những  người bà con không  thiết tình máu mủ!" Và tôi cũng không hùa theo sự lơ đễnh của chồng tôi đối với chuyện liên lạc với  những người bà con đã từng lơ là  gia đình anh kể từ khi họ có điều kiện ra nước ngoài.

Những người bà con của chồng tôi là những người tôi thường được chồng tôi nhắc nhở  trong thời gian tôi sống trong gia đình chồng. Qua những câu chuyện kể, tôi  luôn hình dung  gia đình bà con của chồng tôi là một gia đình có chức vị, giàu có và gia giáo  mà trong đó cái tên Phạm Đan Quế lưu lại tôi ấn tượng nhiều nhất. Anh Phạm Đan Quế là anh họ của chồng tôi. Ông nội của anh Quế và  ông nội của chồng tôi là hai anh em ruột. Hai anh em ông nội đã cùng đưa gia đình từ bắc di cư vào nam năm 1954 để tránh mối họa sống trong chế độ Cộng Sản. Trong khi gia đình ông nội của chồng tôi quyết định sống tại Nha Trang, gia đình ông nội của anh Quế vào tận Sài Gòn. Vì bố của anh Quế có vợ bé nên mẹ ruột anh Quế xin  ông  bà nội chồng tôi cho ở  chung với gia đình ông bà tại Nha Trang để thuận tiện nuôi dạy hai con là anh  Quế và chị Hà. Trong thời gian ấy,  thành phố Nha Trang chỉ có một trường trung học công lập duy nhất là trường trung học Võ Tánh; cho nên, những học sinh được đậu vào trường trung học Võ Tánh  trong những năm 1952 -1968 đều là những học sinh giỏi và xuất sắc. 
Bố chồng tôi là niềm hãnh diện cho gia đình vì ông được thi đậu vào trường Võ Tánh năm 1955. Tuy nhiên, đến khi anh Phạm Đan Quế thi đậu vào trường Võ Tánh năm 1961, anh luôn luôn là người  nhận nhiều phần thưởng vào cuối mỗi năm học trong suốt 7 năm học ở đóKhi anh học hết lớp đệ nhất, anh đạt giải thưởng học sinh danh dự toàn trường Võ Tánh năm 1968.Với sức học vượt bậc, anh được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chấp thuận cho du học nước ngoài ngay sau khi thi đậu tú tài 2
Có một điều trùng hợp khá thú vị, anh Quế thông minh và là học sinh giỏi của trường Võ Tánh, còn hai người em bà con của anh là anh chồng tôi( Phạm Như Bách) và chồng tôi (Phạm Quang Hiệp) cũng vậy. Khi về nhà chồng, tôi thường nghe hàng xóm của chồng tôi kể về chuyện học giỏi của ba anh em họ Phạm này cùng với những chiếc xe xích lô chở đầy những gói phần thưởng sau mỗi năm học kết thúc.  Sau này chuyện  về những gói phần  thưởng thỉnh thoảng được chồng tôi nhắc với giọng kể vui tươi. Kèm theo những chuyện vui này, anh thường kể thêm chuyện đào hoa của bác B., bố của anh Quế, chuyện quà cáp hào phóng của bác B. dành cho những cô nàng trẻ đẹp, chuyện hẹn hò của ông biện lý với các các nàng sinh viên trẻ, chuyện kín cổng cao tường của căn nhà bác B. tại Sài Gòn lối sống gò bó của những đứa em cùng cha khác mẹ của anh Quế, lý do không di tản năm 1975, những chuyện vượt biển, sự cắt đứt liên lạc  của những người bà con vân vân và vân vân.

Cứ sau mỗi câu chuyện kể, chồng tôi thường nén tiếng thở dài với ánh mắt rất xa xăm. Tôi hiểu anh hoài niệm thời gian đẹp khi được gắn bó  cùng bà con trong đại gia đình và tiếc nuối với những thay đổi sau đó. Đối với tôi, những chuyện chồng tôi kể đều tóm gọn trong kỷ niệm đau buồn mà người Việt Nam đều phải trải qua. Tuy nhiên,   sự nổi trội trong những câu chuyện vẫn là sự học giỏi vượt bậc của anh Phạm Đan Quế!

Vì anh Phạm Đan Quế nổi tiếng học giỏi nên hầu hết các học sinh trung học ở thành phố Nha Trang trong những năm 1961 đến 1968 đều biết tên anh. Do một sự tình cờ, tôi  gặp anh trong lần hội ngộ Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang tại Houston Texas năm 2005. Sau khi  biết anh là bạn thân của thầy tôi, thầy  Nguyễn Hà Hiền dạy môn  Công Dân Giáo Dục, tôi xin được địa chỉ điện thư của anh đồng thời cho địa chỉ điện thư của tôi. Sau chuyến đi hội ngộ về, tôi đã cho  chồng tôi và cả anh chồng tôi địa chỉ điện thư này nhưng cả hai chỉ hồi âm  khi nhận điện thư của anh Quế với những lời  văn hết sức khách sáo và lịch sự. Những bức điện thư của ba anh thường xuất hiện trong những ngày lễ lớn hay ngày tết kèm theo địa chỉ điện thư của tôi.

Khi đọc các bức điện chỉ có vài giòng ngắn ngủi thăm hỏi nhợt nhạt ấy, tôi  rất ái ngại nhưng tôi hiểu  rất rõ nguyên nhân. Sự lơ là của anh Quế và gia đình bác B. sau khi họ rời Việt Nam đã gây nên sự buồn giận trong những người trong gia đình chồng tôi. Công tâm tôi nhận thấy sự hờn giận âm ỉ trong gia đình chồng tôi là có lý. Bởi vì khi nhớ lại hình ảnh một ông già xúc động khi nhận bức thư của người cháu sau bao nhiều năm xa cách rồi ông ta hụt hẫng trong chờ đợi miên viễn thì không có gì chua xót hơn. Lần đó, bác B. gửi thư thăm ông nội chồng tôi,  kèm với một trăm đô  với mục đích là  muốn nhờ chú ruột của mình dùng số tiền ấy lo dời mộ cho bố của bác.  Đọc thư xong, ông nội chồng tôi tức tốc đi vào Sài Gòn lo   giấy tờ thủ tục, lo vật dụng để đích thân bốc mộ, lo hỏa táng rồi đưa hài cốt của bố bác B. từ Sài Gòn về Nha Trang.

Sau khi  an vị  di cốt của bố bác B. trên Kim Thân Phật Tổ xong, ông nội chồng của tôi  hí hoáy viết thư cho bác B. Để  chắc chắn lá thư tường thuật đầy đủ với những lời lẽ có lý có tình, ông đọc đi đọc lại cho các người cháu kêu bằng cậu và các con cháu của mình nghe trước khi gửi lá thư đi. Tôi cũng được nghe nội dung bức thư cho nên tôi hiểu ý nghĩa là gì. Ông kể những việc làm tận tình của những người cháu kêu bằng cậu giúp ông trong chuyện bốc mộ, di quan, hỏa táng và an vị. Tôi hiểu ông mong bác B. thấu hiểu việc làm tình nghĩa của đại gia đình mà  tiếp tục liên lạc. Và nếu   người cháu ở nước ngoài này động lòng với những lời thơ, ông ta sẽ giúp đỡ ông và  con cháu của ông giảm đi phần nào khó khăn hiện tại. 


Trong những năm 1980-1989 đời sống người Việt cơ cực chẳng kém gì thời gian  ngay sau năm 1975 cho nên những ai còn kẹt lại trong nước đều mong mỏi sự giúp đỡ từ những người thân ở nước ngoài. Thế mà sự trông ngóng  của ông nội chồng tôi đối với sự giúp đỡ của  người cháu ở nước ngoài chỉ là sự vô vọng đến tuyệt vọng!  Từ khi  lá thư  gửi đi cho đến khi ông từ giã cõi đời, lúc ông đúng một trăm tuổi, chưa có lá thư nào hồi âm lại.
Sợ tình cảm gia đình nhạt dần, tôi bàn với chồng tôi về kế hoạch du lịch miền đông  Bắc Canada và thăm gia đình anh Quế chị Hà ở Montreal vào dịp  thuận tiện. Lúc đầu, chồng tôi ưng thuận và chúng tôi thoả thuận sẽ thăm gia đình anh Quế cùng gia đình chị Hà vào tháng 10 năm 2017. Nhưng, sau vài tháng chồng tôi tự ý huỷ chuyến du lịch này thay bằng một cuộc du lịch Canada lang thang cùng bạn bè trong tháng 7 mà không hề đề cập gì đến chuyện kết hợp thăm gia đình anh Quế và gia đình chị Hà.


Con cháu trong gia đình đều chứng kiến những gì xảy ra nhưng  không ai nói với ai về chuyện đau lòng này. Còn tôi cảm thấy chua xót khi nghĩ một trăm đô của bác B. gửi cho ông kèm lá thư ngày nào đó là số tiền bác B. trả công cho ông nội chồng tôi cho chuyện bốc mộ bố ruột của bác B. Chỉ là thế, không thể nào hơn nữa! Chua xót làm sao khi ông biện lý có tiếng của Sài Gòn thường hào phóng tặng quà đắt tiền cho các cô bồ  trẻ mà lại đối xử với chú ruột mình hết sức sòng phẳng chẳng khác gì người dưng.
 Tôi hiểu sự giận hờn  vẫn còn âm ỉ trong tâm hồn chồng tôi và thời gian không thể làm anh nguôi ngoai được nhưng tôi luôn luôn mong muốn  bà con  của anh liên lạc gắn bó với nhau. Sau nhiều năm định cư tại Mỹ, tôi vô tình có số điện thoại của chị Hà(chị gái của anh Quế được anh Quế bảo lãnh sang Canada sau năm 1975) nên thường gọi thăm chị luôn. Nhưng sau đó tôi không thể liên lạc  được vì chị  Hà đổi số điện thoại. Từ đó tôi chỉ biết tin anh Quế qua những bức điện thư chúc  trong những ngày lễ. 

Tôi hiểu sự  hờn giận đã khiến chồng tôi không tỏ ra thiết tha đến chuyện  đoàn tụ với những người bà con đã từng cắt đứt liên lạc và lơ là gia đình anh. Tuy nhiên, tôi muốn họ gặp nhau nên khi ngồi trên xe cùng các bạn hướng về Quebec Canada,  tôâm thầm gửi điện thư  cho anh Phạm Đan Quế biết vợ chồng chúng tôi đang trên đường đến Quebec Canada. Đồng thời tôi xin anh cho tôi số điện thoại cầm tay.

Chỉ tích tắc vài phút, tôi nhận điện thư hồi âm của anh Quế. Lời thư  của anh hết ngắn gọn nhưng toát nên nỗi vui mừng. Anh Quế nói anh rất mừng khi nghe chúng tôi đến Canada và anh rất  mong gặp chồng tôi sau bao nhiêu năm xa cách. Tôi rất xúc động khi đọc những giòng chữ đầy tình cảm của anh Quế nhưng tôi không vội cho chồng tôi biết. Đến khi xe chúng tôi dừng lại để  đổ xăng và  ăn trưa tôi nói cho chồng tôi  biết là tôi vừa liên lạc với anh Quế  và đọc cho anh nghe thư hồi đáp của anh Quế. Sau đó,  tôi  vội bấm số điện thoại của anh Quế và nài nỉ anh nói chuyện với anh Quế ngay. Chồng tôi bất ngờ với việc "tiền trảm hậu tấu" của tôi nhưng  anh điềm tĩnh nhận chiếc điện thoại cầm tay  và nói chuyện với anh Quế. Đối thoại với nhau một lúc, hai anh em  cùng thỏa thuận sẽ gặp nhau ngay khi chúng tôi vừa  đến Montreal. 

Việc "làm trước, bẩm báo sau" của tôi xảy ra chỉ mới ngày hôm qua, ngay trên đường chúng tôi chúng tôi lái xe đến Quebec này; thế mà, chồng tôi đã quên.

May mắn cho tôi là khung cảnh trên cầu treo của thác Montmorency  khá hấp dẫn cho nên anh tập trung đưa ống kính của máy hình săn ảnh thay vì vặn vẹo tôi.












Đắc ý, tôi  cầu mong chuyện tự ý  tôi sẽ tiếp tục "thuận buồm xuôi gió" cho đến ngày mai, ngày hai anh em  gặp nhau sau 49 năm xa cách.


Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường ghé Ottawa







chụp vài tấm hình làm kỷ niệm rồi đi Montréal ngay. Vừa đến khách sạn, tôi vội gọi điện báo cho anh Quế biết là chúng tôi đã đến nơi. Ba người bạn đi cùng chưng hửng vì chuyện chúng tôi đi thăm bà con ngoài kế hoạch nhưng thông cảm cho chúng tôi vì cuộc hội ngộ sau bao nhiêu năm  xa cách. Còn tôi rất hồi hộp vì không biết hai anh em sẽ có thái độ như thế nào sau những bức thư nhạt nhẽo. Hai mươi phút sau, sự lo lắng của tôi được xóa tan trước những vòng tay ôm tròn thương yêu của hai anh em ngay trong tiền sảnh của khách sạn.




Sau giây phút mừng tủi, anh Quế mời vợ chồng tôi đến tiệm ăn Việt Nam nơi vợ anh đang ngồi chờ. Anh nói anh vẫn còn đi làm và chúng tôi đến thăm bất ngờ nên anh bàn với vợ  anh đến nhà hàng đặt  bàn trước trong lúc anh đón chúng tôi rồi đến sau. Hai mươi phút lái xe, anh đưa chúng  tôi  đến  nhà hàng  có tên Hồ Gươm.


Vợ anh Quế đang ngồi chờ chúng tôi nơi một chiếc bàn khá lớn, vội đứng dậy niềm nở đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu và thân ái. Chị ngạc nhiên vì không thấy ba đứa con trai của chúng tôi. Khi biết chỉ có vợ chồng tôi, chị yêu cầu chủ tiệm đổi bàn ăn dành cho bốn người.


An vị đâu đó, anh Quế giới thiệu các món ngon

của tiệm và đặc biệt quảng cáo món bún chả mà tổng thống Obama từng ăn ở Hà  Nội năm 2016. Vợ chồng tôi nghe bùi tai cùng đặt món này.



Anh Quế đặt thêm một đĩa lòng lợn để  làm món khai vị.


Nhìn đĩa lòng, tôi kín đáo giấu nụ cười. Ở  xứ người hơn hai mươi bảy năm, đây là lần đầu tiên tôi thấy lại dĩa lòng lợn với đầy đủ các món tim, gan, ruột và dồi. Chả bù với lúc tôi ở trong gia đình chồng, thỉnh thoảng trong những bữa cơm,  tôi thấy ông nội chồng tôi  nhâm nhi chút lòng lợn với rượu bách nhật trước khi ông dùng cơm.  Tôi không hiểu anh Quế vô tình hay hữu ý khi đặt món ăn này và không hiểu  chồng tôi có nhớ ông nội của anh khi thấy món ăn này không. Còn tôi, tôi cảm thấy ngậm ngùi khi nghĩ đến người quá cố. Ông nội chẳng bao giờ hình dung ra cảnh vợ chồng chúng tôi gặp vợ chồng anh Quế tại Canada như vầy.




Cũng không ai ngờ chúng tôi chỉ mới  gặp nhau vài giờ mà  như gần gũi từ lâu lắm. Chúng tôi hết bàn  hết chuyện này sang chuyện khác về  gia đình,  sức khỏe, công việc, con cái và những sinh hoạt thường nhật.  Những câu chuyện tưởng như không thể dứt được nhưng vì thời gian hạn hẹp nên  chúng tôi đành chào chia tay chị Quế để đi cùng với anh Quế đến thăm chị Hà.



Từ tiệm ăn Hồ Gươm đến nhà chị Hà khá xa nên gần  mười giờ chúng tôi mới đến nơi. Chị Hà nôn nóng chờ chúng tôi từ lúc anh Quế cho hay tin nên khi xe chúng tôi vừa đậu ngay trước cổng, chị vội vàng ra đón chúng tôi ngay.
 Tôi rất xúc động khi gặp lại chị Hà. Khuôn mặt đẹp hiền hậu của chị vẫn như xưa. Duy mái tóc của chị hoàn toàn bạc trắng. Chồng tôi cũng xúc động khi gặp lại chị họ. Anh luôn miệng nói:
" Chị Hà bây giờ giống bác B.  gái quá!"




Có lẽ ba chữ "Bác B. Gái" của chồng tôi đã khơi lại niềm đau trong chị Hà nên vừa vào nhà chị tâm sự cho chúng tôi nghe về sự ra đi của mẹ chị, về sự bạc bẽo của bố chị, sự bất tuân của chị đối bác B. khi ông bắt chị gọi bà vợ nhỏ là mẹ trước mắt những người bạn của ông. Chị nói vì quá thương mẹ mà chị đã cắn răng không bay sang California để thăm bố chị trước khi  ông lìa đời. Cuối cùng chị Hà chép miệng than:

" Cũng vì ông lăng nhăng mà giờ con cái của ông không có hạnh phúc gia đình. Như chị em của chị đây! Gia đình nào cũng bình thường vui vẻ với con cháu nhưng không thể sống với nhau vì không hạp tính tình nhau! Gia đình Quế và chị cũng thế mà nghe đâu các con của bà nhỏ cũng thế, rất lận đận long đong!"
Anh Quế chờ đến lúc chị Hà ngơi nguồn tâm sự, điềm đạm nói về tâm trạng của anh khi gặp bác B. trong giờ phút cuối. Anh trầm ngâm với chữ "một kiếp người thật mong manh và đáng thương" rồi nói cho chúng tôi biết rằng anh đã tha thứ những lỗi lầm mà bác đã làm.

Chồng tôi im lặng lắng nghe một cách chăm chú, không bày tỏ một ý kiến nào. Tôi chìm theo sự im lặng của anh trong lúc băn khoăn với chữ tha thứ mà anh Quế dùng. Tôi nghĩ: "Có thể nào chuyện có vợ nhỏ của bố lại là lỗi lầm to tát đối với con như vậy sao? Đàn ông có số đào hoa đâu phải là cái tội!"


Anh Quế dường như hiểu sự thắc mắc trong im lặng của chúng tôi, nghiêm trang nhìn thẳng mặt chồng tôi nói:

" Em biết sau khi   đậu tú tài 2 anh được chính phủ cho du học chứ?"
Sau cái gật đầu của chồng tôi, anh nói tiếp:
" Lúc đó anh chưa có học bổng nên bố anh nói sẽ đài thọ cho anh sang Đức học. Anh nghĩ sau bao nhiêu chuyện đối xử không phải với mẹ con anh giờ bố anh muốn chuộc lại lỗi lầm nên chấp thuận. Nào ngờ khi anh sang Đức vài tháng ông ép anh lấy con gái của bạn làm ăn với ông nếu không ông không đài thọ nữa. Anh cự tuyệt không chịu thế là ông cúp không gửi cho anh đồng xu nào!"
Trước cặp mắt kinh ngạc của vợ chồng tôi, anh Quế  tiếp tục nói:
"Hai em có tưởng tượng được không! Anh không có tiền ăn nên đói đến phải đến căng tin xin thức ăn của bạn. Những đứa biết hoàn cảnh lâu lâu thương tình cho anh phiếu lấy thức ăn. Được một mẫu bánh mì sandwich, ăn xong đi bộ lên cái dốc để về lại chỗ thì bụng đói meo ngay! Không có tiền ăn, không có tiền nhà anh đành bỏ học đi làm. Lúc đó cũng may là chị giúp anh đến gặp bạn bè học cùng lớp anh lấy bài copy đưa cho anh học. Lúc đó anh làm cực lắm nhưng thi lớp nào cũng đậu cả. Sau khi ra trường có việc làm anh đưa  chị về Sài Gòn xin tổ chức đám cưới. Lúc đó anh còn giận bố anh nhiều lắm nhưng cũng mời ông đến. Thế mà trong tiệc cưới ông đã mắng khéo anh trước mặt gia đình nhà gái làm anh ê chề vô cùng!"
Nghĩ đến câu "Con cái ông không có hạnh phúc gia đình" của chị Hà, tôi ngần ngại hỏi:
" Có phải anh ưng chị vì ơn nghĩa không?"
Anh Quế lắc đầu:
" Không! Anh yêu chị nên mới xin cưới chứ! Anh chị sống rất hạnh phúc ở Đức nhưng sau khi chuyển về Canada, chị không có việc làm, ở nhà hoài nên thu mình. Sức khỏe chị kém không muốn đi đâu nên anh chị không thể du lịch xa thường xuyên như người khác. Anh chị chỉ thường xuyên thăm con cháu ở Canada thôi."











Sau câu nói này, chúng tôi bỗng dưng đều yên lặng. Mỗi người trầm tư với ý nghĩ riêng của mình. Bỗng dưng, anh Quế lên tiếng:

"Thôi để xóa cái không khí ảm đạm của mấy chuyện buồn này  bây giờ anh kể chuyện cho các em chuyện vui này nhé! Cách đây mấy năm anh tình cờ dự một buổi hội ngộ thì có một cô khá xinh đến hỏi chuyện với anh. Cô ấy hỏi anh biết   cô là ai không, anh nói không. Cô nói cô là con gái của ông bạn của bố anh mà mấy chục năm trước anh cự tuyệt không chịu ưng!"

Vợ chồng tôi đều bật cười, hỏi anh có tiếc không. Anh cười lắc đầu, không nói gì. 




Trời khá khuya nên chúng tôi phải từ giã chị Hà. Trên đường về, hai anh em ngồi phía trước tâm tình, còn tôi ngồi phía sau với hình ảnh anh Quế lang thang đến căng tin xin thức ăn của bạn và cảnh anh đi bộ lên cái dốc để về lại chỗ ở cùng những cảnh anh nằm đói trong nhà với nỗi tuyệt vọng và câu nói của chị Hà "Gia đình của chị và Quế đề bình thường vui vẻ với con cháu nhưng không thể sống với nhau vì không hạp tính tình nhau! Có lẽ vì chuyện làm của bố chị mà con cái ông ai cũng chịu cảnh này!"

Khi  anh Quế dừng xe trước  khách sạn, chồng tôi ôm anh  chào từ giã với sự thương yêu chân thành rồi anh nắm tay tôi bước đi. Tôi biết trong lòng anh thầm cảm ơn tôi về chuyện làm tự ý của tôi. Nếu không gặp anh Quế và chị Hà chúng tôi không thể nào hiểu được nỗi khổ của họ ra sao trong thời gian sống ở nước người. Sự thành công trong học vấn, xuất ngoại, gia đình giàu có chức vụ là vỏ bọc của những nhọc nhằn và cay đắng. Tôi biết thể nào chồng tôi cũng tâm sự với anh ruột anh về những gì anh nghe được. Những giận hờn rồi sẽ được xóa tan đi giống như con người cũng từ từ đi vào cõi vĩnh hằng. 

Tôi chợt nhớ đến thác Montmorency của Quebec. Những giòng nước chảy ầm ầm rồi dần dà bình lặng êm đềm.



 Chúng có thể làm cho người nhìn có ý niệm khác nhau khi người ấy đứng ở góc độ khác nhau. Cho dù thể nào chăng nữa, những giòng nước như những giòng đời luôn trải qua những thăng trầm mà sự đánh giá chỉ có thể chính xác dưới cái nhìn toàn diện.




Cung Thị Lan
Ngày 7 tháng 7 năm 2017



Thursday, August 3, 2017

Vững Vàng Như Mong Muốn của Ba






Tôi chưa bao giờ thấy ba tôi bằng xương bằng thịt bởi ba tôi qua đời khi tôi chỉ mới ba tuổi.







 

Ký ức về ba chỉ qua hình ảnh, nhưng tôi luôn nhớ về ba qua những câu chuyện kể của bà nội 
 các  cô   bác của tôi. Mọi người đều nói tôi giống ba của tôi. Và có lẽ cũng nhờ đó mà tôi được gia đình nội tôi thương hơn em gái của tôi. 

Có một điều có lẽ không ai để ý là tôi đã giống y hệt tính tình của ba tôi bởi vì những kỷ vật ông để lại đã giáo dục tôi trưởng thành và thành công cho đến ngày hôm nay. Tôi nhớ có lần em tôi vào Sông Mao nơi tôi dạy nó hỏi tôi có cuốn tiểu thuyết Ngõ Hẻm Dưới Ánh Trăng không.Tôi trả lời" Có, đến bàn học của Lan tìm nơi ngăn thứ hai tính từ trái sang là cuốn sách thứ ba " Em tôi y lời, lấy cuốn sách xong, thốt lên:" Gì đâu mà Lan kỹ dễ sợ vậy!" Tôi im lặng không nói. Nó đâu biết là tôi học tính kỹ và ngăn nắp của ba tôi. Khi tôi được má tôi cho phép mở tủ sách của ba tôi sau bao nhiêu năm ba tôi từ giã cõi đời, tôi mân mê hàng giờ những kỷ vật ba để lại. Nào là  album hình ngăn nắp với cách hình ảnh của mọi người trong đại gia đình, hình ảnh của ba má tôi, chị em tôi, nhật ký, y bạ, sưu tập về chuyện cười, những bài viết hay, những cách thức trị bệnh.... 
























Bốn cuốn sưu tập về cách chữa bệnh dày cộm với những mẫu báo nhỏ lớn hoặc vuông, hoặc chữ nhật gây cho tôi ấn tượng nhiều nhất. Tôi đã không ngờ ba tôi là người ngăn nắp như thế và tôi nguyện với lòng học tính hay này. 



Qua những câu chuyện kể, hình ảnh và kỷ vật như radio, máy chụp hình, đàn mandolin... tôi có thể khẳng định ba tôi là người thông minh, chăm làm và nhân hậu. 

Có lần tôi hỏi bà nội không hiểu sao vườn nhà gần biển mà cây trái trong vườn sai và tươi tốt. Bà nội tôi cười kể là vườn tốt từ ngày xưa từ lúc ba tôi còn trẻ kia. Hễ mỗi ngày chủ nhật nghỉ, mấy bác chú thích an nhàn trong các thú tiêu khiển như viết văn, vẽ hình, chơi nhạc... thì ba tôi lục đục gì một lúc nơi bàn viết xong ra trước cổng thăm vườn. Khi ba tôi thấy người ta chở phân trâu bò đi ngang qua để xuống đổ thế là ba chạy vào nói với ông nội xin mấy xe phân ấy đổ vào vườn cho cây tốt! Ông nội tôi nghe có lý nên chặn mấy người lái xe đổ phân xin lấy rồi sai tất cả mấy chú bác tôi phụ đưa mấy xe phân vào bón cho cây vườn. Các chú bác tôi đâu dám cãi lời, vừa làm vừa than trời than đất! Họ trách ba tôi vì đã làm cực trong ngày nghỉ lại còn phải ngửi mùi phân hôi. Thế mà ông nội tôi cứ khen mãi tính thông minh của ba tôi khi thấy cây tươi tốt hẳn và sai trái hơn trước. 

Ba tôi không những giỏi văn,toán, nhạc 

và còn uyên thâm về khoa học. Do tìm tòi ông tự ráp radio vào năm 1959.


Mỗi lần rờ cái radio cũ hay chiếc đàn mandolin trong mớ kỷ vật, tôi thường rưng rưng nước mắt khi nghĩ mình kém may mắn không được ba dạy dỗ cho. Ngày xưa ba thương người nghèo dạy bình dân học vụ cho những người thất học 

còn đến thời tôi có tiền mới có thể học thêm những thứ mình ưa thích. 

Học toán, học nhạc, học đánh máy là những thứ xa xỉ đối với hoàn cảnh nghèo của má con tôi thời ấy. Làm sao tôi có thể kế tục những gì ba có trước đây? thôi thì đành mỗi người mỗi số phận. Tôi tâm nguyện học tính tốt của ba là đủ. Tôi nguyện không làm gì để ba tôi buồn tủi nơi suối vàng. Tôi sợ nhất câu" Con ông Trâm thế nọ thế kia...!" Tôi sợ người nào đó gọi tên ba tôi chửi khi tôi có hành vi nào không tốt.

Khi tôi đơn thân vào Sông Mao dạy lúc tôi 21 tuổi ( Chưa đúng 21 vì tôi sinh tháng 9 - Tính theo tuổi Ta) Cái tuổi dễ trăng hoa lãng mạn thế mà tôi đã giữ mình hết sức trong sạch vì tôi luôn có ba tôi bên tôi. 

Lần đó, có một cô bé từ Hà Nam Ninh làm thư ký ở trường Sông Mao hỏi tôi là "Chị Lan, chị ở miền Nam trước đây bị Mỹ Nguỵ đồi trụy nhiều lắm phải không?" Tôi phá ra cười, gặn hỏi lại:" Em thấy chị đồi truỵ như thế nào mà em hỏi như vậy? Chị có gì gọi là đồi truỵ không?" Con bé im lặng không nói gì.Tôi biết là cô bé hết sức ngượng và lúc dó tôi thật sự tự hào về mình vì tôi biết mình là ai. Tôi lương thiện và trong sạch vì tôi biết tôi không hề làm ba tôi buồn. 

Bạn đồng nghiệp của tôi ở Mỹ nói rằng" Your children cannot move like you Mrs. Cung!" Và tôi đồng ý hoàn toàn. Ngày xưa tôi không có ba bên cạnh để chỉ dạy cho tôi nên tôi phải tìm tòi những kỷ vật để bắt chước như tưởng rằng mình được ba chỉ dạy, nghe những câu chuyện kể về ba để bắt chước ba. Bây giờ, các con tôi có ba bên cạnh mà lời của ba chúng như nước chảy lá môn. Thế hệ trẻ ngày nay cứ ngỡ bằng cấp cao là to lớn gồ ghề lắm có biết đâu nhiều cái khác cần thiết hơn nhiều: tính tổ chức, ngăn nắp, tiết kiệm quỹ thời gian... Tưởng tượng một người có có bằng cấp cao mà không ngăn nắp , không cần cù, không siêng năng, sẽ ra sao?

Tôi thường viết từ cảm xúc chứ không bao giờ viết cho chủ đề. Tôi viết những điều này không phải cho ngày Lễ Cha. Bàn tay của ba tôi ôm tôi khi tôi 6 tháng trong bức hình nàđã gợi cho tôi nhớ lại ý nghĩ đầu tiên  khi tôi tìm tòi những kỷ vật của ba:" Ba muốn con vững vàng! Ba không muốn con ngã!"


Giờ đây, tôi đã là mẹ của ba đứa con. Cũng như ba tôi lúc sinh thời, tôi không muốn các con của tôi bị ngã. Tôi ao ước chúng hiểu những lời của ba mẹ chúng giá trị hơn mọi thứ trong cuộc đời.
Cung Thị Lan