Cung Thị Lan
Bồ câu trắng là biểu tượng của hòa bình và là sứ giả của hy vọng trong ý nghĩ của tôi từ khi tôi học trung học. Ấn tượng sâu đậm về loài chim dễ thương này đã khảm sâu vào tâm trí của tôi từ câu chuyện bồ câu trắng đem nhánh ô liu báo cho Noah biết nước lụt của nạn hồng thuỷ đã rút. Tôi yêu mến phẩm chất tốt đẹp của loại chim này nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình có điều kiện nuôi chúng như thú cưng hay tiếp cận chúng như ba loài chim mà tôi đang nuôi trong nhà là vẹt đuôi dài (Cockatiels), Yến Phụng (Parakeets) và Sẻ Vằn (Zebra Finch).
Thế mà trong một buổi chiều đi bộ trong xóm, một em chim bồ câu trắng bất thần sà xuống trước mặt tôi. Em ngáng đường tôi đang đi và nghiêng đầu ngước lên nhìn tôi rất lâu.
Tôi
kinh ngạc đến độ không dám bước tiếp. Tôi e rằng sẽ làm kinh động khiến em bay đi;
còn em bình thản đi qua lại trước mặt tôi và chốc chốc dừng lại nghiêng đầu, ngước mắt lên nhìn tôi với
ánh mắt rất thân thiện, dễ thương. Tôi khá thú vị với hiện tượng lạ nên nhờ chồng
tôi chụp dùm một tấm hình. Tuy nhiên, khi nhờ anh làm điều này, tôi chỉ yêu cầu
với sự hồi hộp, không chắc. Rất khó cho
anh có thể rút điện thoại cầm tay ra khỏi
túi, mở mật mã, mở phần chụp hình và bấm nút kịp thời trong khi chim là loài thường hay nhạy cảm với những động
tác của người, nhất là người lạ. Chúng sẽ vụt bay đi đột ngột như khi sà xuống.
Em chim bồ câu trắng này có thể bay ngay khi anh vừa lấy chiếc điện thoại cầm
tay ra, không chừng. Kỳ lạ thay, em vẫn đứng
yên nhìn tôi rất lâu. Một lúc sau, em lững
thững qua lại trước mặt tôi, như muốn nói với tôi gì đó mà không thể diễn đạt
qua ngôn ngữ chim của em.
Vậy
là chồng tôi có đủ thì giờ chụp cho em và tôi vài tấm hình. Tôi không dám nhúc
nhích nhưng tôi đã liên tiếp hỏi và nói với em bằng giọng nói nhão nhoẹt và chả
chớt, như tôi vẫn thường nói chuyện với những con chim tôi nuôi trong nhà, rằng“Con đi đâu đó?” “Con ăn gì chưa?”, “Con có đói không?”, “Bạn của con đâu mà con lạc loài
ở đây?”, “Con đang lạc bạn phải không?”, “Con cần‘mẹ’ làm gì?”, “Mà thôi, ‘sang
đàng’ như vầy đủ rồi, con bay về nhà đi, chiều tối rồi đó!” Tôi nói với em
như độc thoại, nói cho chỉ mình nghe, nhưng tôi không chán. Tôi chỉ ngưng, không
nói, khi em bay đi, và tiếp tục bước để kết thúc cuộc đi bộ hàng ngày của tôi.
Từ
chỗ gặp em bồ câu trắng đến nhà tôi chỉ cách có tám căn nhà; vậy mà, lúc ấy, tôi
cảm tưởng như xa lắm. Tôi vừa đi vừa ngẫm nghĩ, không hiểu vì sao có hiện tượng
này. Tôi nhớ mỗi lần cho chim trong nhà ăn xong, tôi thường đem thức ăn cho sóc,
chuột sóc (chipmunk) và các loài chim ở sau
vườn. Mỗi lần như thế, tôi thường quan sát chúng ăn như thế nào, và có thêm “khách
lạ” nào đến dự buổi “tiệc họp mặt hàng ngày” trong sân cỏ sau nhà của tôi không.
Tuy nhiên, tôi chỉ thấy đám chim sẻ quen thuộc, chào mào, hồng tước và vài con
cu đất hòa nhập với những con sóc, sóc
chuột hay vài chú thỏ, chứ tôi chưa hề thấy con chim bồ câu trắng nào. Dù chỉ cư
ngụ ở “Đồi Anh Đào (Cherry Hill) của vùng Maryland” trong năm năm tôi cũng đủ
khẳng định nơi đây không là nơi lưu trú của loài chim mang biểu tượng hòa bình
này. Tôi đoán em chim bồ câu trắng này bị lạc đàn, lạc bạn trong phút chốc và không
chóng thì chầy, em sẽ tìm về với bầy thôi.
Ngày hôm sau, đi làm về, tôi nghe chồng tôi kể
là em chim bồ câu trắng bay đến nhà tìm thăm tôi. Tôi ngỡ anh đùa, ai dè, anh đưa
cho tôi xem tấm hình anh chụp để chứng thực lời anh nói.
Anh
kể: “Buổi sáng anh đang làm việc trong phòng chim, bỗng nghe tiếng lốc cốc trên
nóc. Nhìn lên, thì ra con chim bồ câu trắng đang đứng trên mặt cửa kính của nóc
nhà. Nó nhìn xuống rồi đi qua lại tỏ ý cho anh biết là nó đến nhà thăm mình.”
Chuyện lạ lẫm này đã khiến tôi thích thú, lưu tâm nhiều đến những căn nhà gần chỗ tôi gặp em bồ câu trắng. Chiều hôm ấy, khi tôi đi bộ quanh xóm, đến chỗ gặp gỡ đầu tiên với em, tôi dáo dác nhìn những cây cối xung quanh rồi ngước mắt nhìn lên tận đỉnh của những nóc nhà gần đó. Quả như tôi đoán, em bồ câu trắng hôm trước đang đậu trên nóc nhà cao chót vót đối diện với con đường tôi đang đi bộ, đang ngó xuống, vẻ chăm chăm nhìn tôi. Lúc ấy, tôi hiểu ra là em đã từng đứng trên nóc nhà ấy nhiều lần để ngắm mọi vật xung quanh và đã từng thấy vợ chồng chúng tôi đi bộ trên con đường này nhiều lần nên muốn sà xuống chặn đường, làm quen. Nhưng tôi không hiểu sao em biết nhà tôi mà bay đến tìm. Tôi nghĩ có lẽ em đã từng bay trên nóc nhà tôi, nhìn thấy những con chim tôi nuôi qua tấm kính trên nóc nhà hay đã từng chứng kiến cảnh tôi “nói chuyện” với những con chim thú cưng của tôi. Tôi hiểu rõ hơn là mình đã từng bị quan sát và theo dõi bởi nhiều loài lông vũ khác nhau trên những cành cây cao của khu rừng sau nhà. Nhưng, tôi vẫn chưa biết là tôi đã từng bị em bồ câu trắng theo dõi nhiều lần khi những loài chim, loài sóc, và chuột sóc trong cánh rừng sau nhà ùn về sân cỏ của vườn sau nhà tôi chỉ vì tiếng gọi to “Tuýt tà tuýt tà tu! Tuýt tà tuýt tà tu!” của tôi.
Tôi
thường cho chim và sóc ăn hạt hướng dương và hạt kê vào những buổi chiều khi đi làm về. Mỗi
lần như thế, tôi ra hiên nhà sau rải hạt khắp nơi trong sân cỏ sau, gọi to “Tuýt
tà tuýt tà tu! Tuýt tà tuýt tà tu!” rồi vội vã vào nhà lo cơm nước, ăn uống và đi
bộ; chứ tôi không có thời gian ngắm chúng ăn uống và tiếp xúc với nhau ra sao. Cuối
tuần, trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật, sau khi rải hạt, tôi có thì giờ quan
sát chúng kỹ hơn. Hễ sau bốn tiếng gọi “Tuýt tà tuýt tà tu! Tuýt tà tuýt tà
tu!” là các chú chim và sóc lần lượt xuất hiện. Vài chú sóc từ đồi chạy xuống, và vài chú sóc từ dưới
mương nước suối chạy về.Chúng cùng len qua hàng rào để vào sân cỏ. Những con
chim cũng sà xuống từ những cây cao sau rừng. Nhiều loài chim, sóc và chuột sóc
với kích cỡ khác nhau nhưng chúng không thị oai, bắt nạt hay gây hấn. Vốn đã biết
nhau và biết luật “bất thành văn” nên chúng ăn một cách từ tốn rồi tìm hạt mới.
Tôi chủ tâm rải hạt khắp nơi để ngừa tình trạng tranh ăn và bảo đảm các em đều
được ăn đầy đủ. Mấy con thú có lẽ đã quen cảnh tụ họp ăn uống như thế trong thời
gian khá dài nên không có cảnh hung hăng đấu đá tranh ăn. Mỗi lần nhìn chúng ăn, tôi rất hài lòng
vì cảm thấy mình là người có ích. Nhưng tôi đâu có dè: Ngoài tôi ra, em bồ câu
trắng còn là kẻ từng ngắm cảnh những con chim, sóc ăn trong cảnh hòa bình và đáng
yêu
như thế.Hơn thế nữa,
nó đã từng theo dõi tôi rải hạt trên sân sau ra sao trước khi tôi gọi bầy chim,
sóc về ăn.
Ngày
thứ Bảy hôm ấy, sau khi tôi lên giọng gọi “Tuýt tà tuýt tà tu! Tuýt tà tuýt tà
tu!” kêu chim sóc về ăn, tôi chợt linh tính có “ai đó” đang nhìn mình. Ngước đầu
nhìn lên, tôi thấy em bồ câu trắng hôm trước đang đậu trên mái nhà tôi, và đang
cúi đầu xuống nhìn tôi. Nó nhấp nhứ muốn bay xuống hòa theo bầy chim và sóc nhưng
có lẽ nó e ngại điều gì đó nên còn lưỡng lự. Tôi hiểu ý, cố gắng dùng “lời ngon
ngọt” với giọng nói nhẹ nhàng nhão nhoẹt để “vời” nó dời gót xuống sân cỏ bên
dưới, nhưng nó gượm bước, đứng yên trong lúc chăm chú nhìn tôi và đám chim sóc ở
phía dưới.
Hôm
sau, sáng Chủ nhật, tôi dậy trễ, chưa kịp đem hạt ra cho chim sóc ăn, em bồ câu
trắng đã đậu trên hành lang ngoài hiên sau, nơi tôi thường đứng rải hạt và ngắm
bầy chim sóc, để đợi tôi.
Tôi
đang bưng thau hạt, mở cửa sau, bước chân ra ngoài, chợt chững lại vì sự xuất
hiện của em. Bồ câu trắng không tỏ ra sợ khi nghe tiếng động của cửa mở và cũng
không sợ khi tôi đến gần. Em trông có vẻ mừng khi thấy tôi. Mắt không rời tôi,
em điềm nhiên bước qua lại trên thành chắn của hàng hiên. Điệu bộ của em cho tôi
hiểu là em lo ngại khi em không thấy tôi xuất hiện đúng giờ như em từng thấy. Thương
em quá, tôi dịu dàng nói em hãy bay xuống sân cỏ ăn với bạn chim sóc đi. Dĩ nhiên
là tôi nói bằng tiếng Việt như lần đầu tiên tôi gặp em. Thế mà không hiểu sao,
em ngoan ngoãn nghe lời, bay xuống đám cỏ bên dưới chờ tôi rải hạt, và cao giọng
kêu “Tuýt tà tuýt tà tu! Tuýt tà tuýt tà tu!” để gọi chim sóc về ăn.
Từ đó, chim bồ câu trắng thường bay
đến vườn sau nhà tôi ăn hạt với bầy chim sóc mỗi khi nghe tiếng tôi kêu “Tuýt tà
tuýt tà tu! Tuýt tà tuýt tà tu!”. Sự xuất hiện của nó
sau tiếng gọi của tôi đã khiến cho người hàng xóm cạnh nhà tôi rất ngạc nhiên. Mọi
người tưởng em chim bồ câu trắng này là thú cưng của tôi bị sẩy chuồng hoặc tôi
từng là người huấn luyện loài lông vũ. Chính tôi không rõ vì sao em muốn làm
quen và thân thiện với tôi. Mỗi lần họp mặt cùng bạn trong “tiệc họp mặt hàng ngày”,
ăn hết hạt xong, các bạn em bay đi hay chạy hết, em vẫn ở lại lững thững trong
vườn hay bay lên thành của hiên hàng lang nhìn xuống xem tôi dọn vườn.
Sự xuất hiện của em mỗi
ngày luôn làm tôi vui và an tâm. Tôi vui vì thấy em có dịp hòa vui cùng các bạn
khác để giảm bớt sự cô đơn của em. Tôi an tâm vì tin em biết cách bảo vệ bản
thân mình. Điều mà tôi lo sợ là màu lông sáng trắng của em dễ gây chú ý của những
con chim ó, những con chim thỉnh thoảng núp trong cánh rừng sau nhà, rình chụp vồ
mồi.
Sáng thứ Bảy và Chủ Nhật,
em đến nhà tôi ăn từ lúc tám giờ sáng đến mười giờ trưa mới bay đi. Có lúc, tôi
dọn vườn, quét lá xào xạc em vẫn bình thản đi tìm ăn trong sân cỏ chứ không sợ
nhảy đi như sóc hay vụt bay như chim sẻ. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, tôi thường đi
làm từ sáng sớm đến năm giờ rưỡi chiều mới về nhà. Tôi không biết em có chờ tôi
gọi cho ăn như hai ngày thứ Bảy, Chủ Nhật cuối tuần. Nhưng mỗi khi về nhà, vào đúng
năm giờ chiều, tôi đã thấy em đứng trên mái chái nhà hàng xóm sát cạnh nhà tôi ngóng
tôi.
Mỗi khi nghe tiếng cửa
của nhà để xe của tôi kéo lên và gập xuống, là em đi qua lại trên mái chái, nôn
nóng nhìn phía trước rồi phía sau nhà của tôi. Suốt hơn hai tháng, em đến chờ tôi
đúng giờ đến nỗi chồng tôi phải tấm tắc khen: “Bồ câu mà biết giờ, đúng giờ không
thua gì người!” Cũng vì em quá đúng giờ nên mỗi khi bước vào nhà là tôi quẳng chiếc giỏ đi làm trên
ghế sô-pha, rồi tất tả lấy hạt hướng dương và hạt kê ra hiên sau, kêu “Tuýt tà
tuýt tà tu! Tuýt tà tuýt tà tu!” gọi chim, sóc về ăn.
Em Bồ câu Trắng chỉ chờ
thế, bay sà xuống ăn hạt với bạn. Nhìn
em Bồ câu Trắng ăn cùng các bạn chin, sóc và chuột sóc trong không khí hòa thuận
và thân thiện, tôi hiểu rõ hơn sự nôn nao chờ đợi của em. Có lẽ đây là khoảnh
khắc vui nhất trong cuộc sống cô đơn của em hiện thời.
Thương em, vợ chồng tôi đóng cho em một cái
chuồng sơn màu rất đẹp và để chén đựng đủ loại hạt hầu mong em đến ăn và ở. Nhưng,
em chỉ đứng trên mái nhà nhìn xuống với vẻ thờ ơ chứ không buồn bay xuống để ăn những
loại hạt tôi mà tôi để dành cho em. Em cũng không bao giờ bay vào cái chuồng đẹp
ấy để ngủ hay sống ở đó.
Thói
quen duy nhất của em là bay đến nhà tôi khi tôi gọi “Tuýt tà tuýt tà tu! Tuýt tà
tuýt tà tu!”; hay chờ tôi đi làm về để được ăn hạt cùng bạn chim sóc. Có hôm trời
mưa tầm tã, sấm chớp vang rền, em vẫn đứng trên mái chái nhà hàng xóm bên cạnh
để chờ tôi. Tôi phải đội dù ra, năn nỉ em bay đi, nếu không, sẽ bị cảm lạnh. Thế
mà, em vẫn đứng ỳ trên mái chái ấy. Tôi nói trong nước mắt vừa quơ tán dù xua
em, cốt làm em sợ bay đi. Vậy mà em vẫn ương
bướng đứng im, không nhúc nhích, cũng không hề tỏ ra sợ sệt với việc tôi bung ra,
xếp lại tán dù nhiều lần. Tôi cảm thấy đôi
mắt của em thật buồn và ẩn chứa một sự van lơn nào đó. Tôi đoán có lẽ em muốn tôi
làm những việc mà tôi thường xuyên làm cho em trong hai tháng vừa qua là rải hạt
và kêu các bạn chim sóc về cho em được ăn chung với chúng, và được tiếp xúc với
chúng, ít ra một lần trong ngày. Nghĩ thế, tôi vào nhà lấy hộp hạt rải xuống khắp sân cỏ ướt nước rồi gọi lớn “Tuýt tà tuýt
tà tu! Tuýt tà tuýt tà tu!” Tưởng đâu, các loài chim khác và mấy con sóc đã trốn
đâu đó vì trời mưa lạnh, nào ngờ chúng đều bay đến và chạy đến, hợp quần. Thấy vậy,
em Bồ Câu Trắng vụt bay sà xuống với vẻ hớn hở. Em quây quần cùng mấy đứa chim
sóc và cùng ăn hạt một cách từ tốn và thuận hòa như những ngày trước đó. Sau này,
tôi mới hiểu sức chịu lạnh của những con thú hoang dã rất cao, chúng không hề sợ
mưa lẫn tuyết. Chúng rất buồn khi phải sống trong cảnh cô đơn nên hầu hết đều
muốn có tình bạn làm niềm vui trong cuộc sống.
Không phải chỉ có em bồ câu trắng muốn kết bạn với các loại chim khác, các
loài sóc và sóc chuột (Chipmunk) mà mấy con vật này cũng thích kết bạn với bồ câu
trắng.
Tháng tư năm ấy tôi phải đi xa không thể tiếp tục công việc gọi
các em về nhà ăn như những lần trước.
Khi trở về nhà, tôi kêu “Tuýt
tà tuýt tà tu! Tuýt tà tuýt tà tu!” chỉ có hai con sóc quen thuộc là con “Bạn
Thân” (Buddy) và con Kiên Nhẫn (Patience) đến ăn. Vài con chim khác xa lạ bay đến,
đậu trên cành ngơ ngác nhìn, không rõ có
phải là những con chim cũ hay không. Không hề thấy một con sóc chuột nào
xuất hiện. Chim Bồ câu trắng cũng biệt tăm. Suốt hai tuần, tôi rải hạt, rồi kêu
lớn “Tuýt tà tuýt tà tu! Tuýt tà tuýt tà tu!” nhưng lần nào cũng vô vọng.
Thuỳ My,
bạn
tôi ở Cali thích nghe tôi kể về những con chim hoang dã mà tôi “huấn luyện” nên
đã có ý tưởng thay cái hồ trồng sen thành hồ tắm cho bầy chim sẻ và mua hạt cho
bầy chim này ăn hàng ngày. Chúng tôi thường gọi điện thoại trao đổi cách nuôi
chim, mua loại thực phẩm nào, thay nước sạch cho chúng ra sao và kể cho nhau
nghe những màn hay và lạ của các em.
Thuỳ My nói “Mỗi lần ngắm tụi chim sẻ bay xuống ăn hạt và
tắm mát, My thấy vui lắm vì mình đã làm chuyện hữu ích. Làm cho chúng vui là mình
vui rồi! Vậy mà bây giờ My buồn ghê! Mới đi chơi hai tuần về, tụi nó đi đâu mất
tiêu, không có con nào bay đến nữa.”
Tôi cũng kể chuyện bặt tăm của em
bồ câu trắng rồi nói rằng:
“Loài chim vậy đó My. Hễ mình cho nó ăn thường xuyên thì nó còn đến. Nếu
không, nó sẽ đến chỗ khác tìm ăn.”
Tôi định nói thêm:
“Không phải là chúng bạc bẽo mà vì chúng đến tìm mình nhiều lần, không
thấy mình, chúng nghĩ mình đã bạc bẽo với chúng nên chúng đi nơi khác để tìm
vui và tìm quên.”
Với ý nghĩ này tôi đã
buồn rất lâu. Mỗi lần nghĩ đến em bồ câu trắng tôi nhớ ngày em chờ tôi dưới cơn
mưa tầm tã. Và mỗi khi nghĩ đến em, tôi thường thấy lòng mình đau xót. Tôi không biết
em đã kiên nhẫn chờ tôi bao nhiêu ngày trong thời gian tôi vắng nhà và em đã
nghĩ gì trước khi “dứt áo ra đi, không
bao giờ trở lại”. Có phải em nghĩ tôi là người bạc bẽo hay không?
Cung Thị Lan
Xin mời xem Youtube:
1/Bồ câu trắng ăn với bạn chim, sóc, thỏ và sóc chuột
https://www.youtube.com/watch?v=-hjWN4HvW_8
2/Em Bồ câu trắng chê chuồng mái đỏ không chịu ở:
https://www.youtube.com/watch?v=Bso23QMg01c&t=1s
3/Ngày nào em Bồ câu trắng cũng đến đúng giờ
https://www.youtube.com/watch?v=pJKy4Ex_rLk